Phở Hà Nội
Phở Hà Nội
*Bài viết được chỉnh sửa lần cuối vào ngày 20 tháng 12 năm 2018. Tư liệu này được phục vụ cho một video về phở Hà Nội nhưng chưa từng được đăng trên mạng xã hội. Trong một lần dọn dẹp lại tài liệu thì tác giả (là mình) có tìm thấy nên quyết định đăng.
Dân ta xưa có câu này: 
“Đến Hà Nội mà không ăn phở ở đây nghĩa là chưa đến thủ đô.”
Thế mới biết, phở đã thành một thứ gì đó quá đỗi quen thuộc mà người ta khi nhắc đến Hà Nội là nhắc đến món ăn này. Thậm chí, bất cứ một người con nào gốc Hà thành khi xa quê hương, lời tôi nghe được khi họ nói với  cha mẹ còn ở quê hương là “Con nhớ phở quá!”. Bởi lẽ phở đã là một nét truyền thống ngàn đời cũng như gắn bó chặt chẽ với cuộc sống nhộn nhịp và hối hả nơi đây nên khi bước chân lên một miền đất mới, đứa con ấy bỗng thèm cái vị quê nhà.
Phở qua từng quán cũng sẽ có những hương vị khác nhau vì mỗi một gia đình lại có một bí quyết gia truyền. Vì thế, phở dù bề ngoài rất giản dị về hình thức nhưng lại chứa đựng trong mình một sự đa dạng nhất định. Chủ yếu là ở nước dùng. Bởi phở chỉ có hai loại thịt bò và thịt gà, trong khi nước phở, ta có thể thêm chút gia vị là sẽ có một hương vị khác hẳn so với công thức phổ thông thường thấy. Chính vì vậy, người ta thường đi ăn phở ở nhiều quán, tìm cái hương vị mà người sành ăn cho rằng ngon nhất để rồi họ chỉ ăn ở đó mãi mà thôi.
Phở mang trong mình tất cả những gì mà người ta nhìn thấy về dân thủ đô. Vẻ ngoài thanh tao, tươi mát nhưng không cầu kỳ mà rất mộc mạc, giản đơn bởi màu sắc hài hòa giữa miếng thịt bò tái cùng bánh phở trắng mềm, pha chút xanh của rau thơm,hành lá. Ta có nước xương ninh chan đầy bánh khiến nó nghi ngút khói như tấm lòng người Hà thành cũng chân thành, đằm thắm như cái vị ngọt lịm ở đầu lưỡi. Chính vì nó nóng hổi, đậm đà nên khi ăn nó vào rồi, ta cảm thấy như cái bụng của ta cũng ấm lên như cái tình người làm gửi vào đó vậy.
Phở không phải là món ăn xa xỉ. Từng người công nhân, sinh viên nghèo đến những kẻ đi làm có nhiều tiền, có ô tô, đều có thể ăn phở vì nó vừa túi tiền, dân dã trong cái vẻ bề ngoài của quán xá nhỏ hẹp. Tưởng là kẻ sang chê nghèo, người ta không dám vào các quán, các sạp hàng đơn sơ, chỉ có vài cái bàn ghế nhựa, trên bàn là ống đũa, vài mẩu giấy ăn và mấy lọ gia vị bé xinh. Nhưng thực tế thì khác hoàn toàn. Nếu ta chịu khó lượn phố cổ, nơi tập trung nhiều loại ẩm thực đặc biệt là nham nhảm quán phở, vào buổi sáng, ta sẽ nhìn thấy những con người, đông đúc, đủ các tầng lớp trong xã hội, chui rúc vào sạp hàng bé tí hin trong hang cùng ngõ hẹp để được thưởng thức một bát phở thơm ngon. Hóa ra, có vẻ như con người ta chuộng sự hoài cổ trong lối ẩm thực hơn là cái nét hiện đại trong những hàng quán khang trang, to lớn. Hà Nội trải qua nghìn năm tuổi, có sự mai một dần về văn hóa khi hội nhập nhưng tuyệt nhiên không bao giờ quay lưng với lối ẩm thực cổ xưa, khi mà hàng quán chỉ là những quang gánh, những chiếc bàn, chiếc ghế xoàng. Tinh thần của người Hà Nội là vậy đấy.
Vào buổi sáng sớm tinh mơ, người ta có thói quen ăn phở. Bát phở nóng hổi thêm cốc trà đá hiệu vỉa hè mà để ăn sáng thì còn gì bằng. Bởi người Hà Nội có thể cầu toàn trong công việc nhưng không hề cầu kì trong lối sống thường nhật. Nguyên nhân vì họ vẫn muốn níu giữ lấy sự bình dị trong tâm hồn từ bữa ăn sáng hàng ngày, mang vị hoài cổ, xa xưa, thay vì chạy theo guồng quay của cuộc sống hiện đại, xô bồ, cám dỗ.
Thế nên, dù cho Hà Nội có hòa mình vào thế giới, có du nhập ẩm thực nước ngoài tiềm tàng, phong phú nhưng trong lòng mãi có một vị trí chỉ dành riêng cho phở, dành riêng cho những gì đại diện cho tinh thần người Hà thành yêu nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Hoàng Chúc Nhi
Nguồn ảnh:
**Lời ngỏ: Thú thật là giờ bảo mình viết một bài ngắn về món ăn đường phố Hà Nội, mình viết không có được trơn tru và trình bày đẹp như văn mẫu được. Tay nghề thì cần rèn dũa liên tục, chứ bỏ bê qua vài năm rồi thì rất khó để phục hồi. Nhưng có lẽ trong thời gian sắp tới, mình sẽ lại viết nhiều hơn, cộng thêm làm design hình ảnh chút nữa.