Mahatma Gandhi tên thật là Mohandas Karamchand Gandhi (1869 - 1948) là một anh hùng, một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Ấn Độ. Bằng phương pháp đấu tranh bằng biện pháp bất bạo lực, Gandhi đã lãnh đạo khởi nghĩa, khích lệ những người dân khác phấn đấu cho nền độc lập của nước nhà và đưa Ấn Độ thoát khỏi sự đô hộ của Đế quốc Anh.  
Với mỗi một vị lãnh tụ, họ đều cất cao tiếng hát lên một bài hát tự do của riêng mình. Với cá nhân Gandhi, ông cũng hát cho mình một bài hát tự do, nhưng với một giọng ca hoàn toàn khác so với những vị lãnh tụ khác. Giọng hát mà Gandhi lựa chọn là giọng hát không có tiếng súng, mà sử dụng lý luận, kiến thức, sự khôn ngoan và một trái tim nhân hậu, bác ái để chiến thắng cường quyền, đàn áp cả về cá nhân, tâm linh và chính trị. Có thể liệt kê một số thành tựu chính của ông như sau:
- Phong trào vận động quyền công dân tại Nam Phi (1906): Gandhi lần đầu áp dụng phương pháp đấu tranh bất bạo lực, khuyên đồng hương phản bác luật mới mà chính quyền Nam Phi đưa ra và chịu đựng bị đàn áp để thực hiện việc này thay vì phản kháng bằng phương tiện bạo lực.
- Biểu tình tại Champaran và Kheda (1918): Gandhi tổ chức biểu tình cùng hơn 10.000 nông dân không có đất, nông nô và những nông gia nghèo khổ. Họ bị ép buộc phải trồng những nông sản bán được trên thị trường thay vì những loại cung cấp thực phẩm cần thiết cho sự sinh tồn của họ. Bị đàn áp bởi dân binh của điền chủ (phần lớn là người Anh), họ được trả công rất ít nên cuộc sống rất vất vả cơ hàn.
- Hành trình Chấp trì chân lý muối (1930): Năm 1930, ông phát động một chiến dịch phản đối thuế muối, được nhấn mạnh bởi cuộc Hành trình muối (Salt March) đến Dandi nổi tiếng kéo dài từ 21 tháng 3 đến 6 tháng 4 năm 1930. Ông đi bộ 400 km từ Ahmedabad đến Dandi để lấy muối cho riêng mình. Hàng nghìn dân chúng Ấn Độ tham gia cuộc hành trình đến bờ biển này. Hành trình muối này là một trong những chiến dịch thành công nhất của ông với kết quả là hơn 60.000 người bị bắt giam...v.v cùng rất nhiều công cuộc đấu tranh khác. Ông thường nhịn ăn lâu ngày, dùng nhịn ăn như một vũ khí chính trị. Ông từ chối không ăn cho đến chết hoặc cho đến khi những yêu cầu của ông được thực hiện.
Mahatma Gandhi (1869 - 1948) 
Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trở thành một tượng đài trong lịch sử Ấn Độ, là một tấm gương chuẩn mực cho người dân Ấn Độ, và là nguồn cảm hứng lớn lao cho các nhà làm phim.
34 năm sau khi ông mất, bộ phim tài liệu - một thiên anh hùng ca về Gandhi của đạo diễn Richard Attenborough đã ra đời. Ngày 30/11/1982, bộ phim Gandhi đã ra mắt ở New Delhi. Tuy là bộ phim tiểu sử và mang đậm màu sắc chính trị, nhưng bộ phim lại vô cùng cuốn hút người xem, và thành công cả về nghệ thuật lẫn thương mại. Chỉ riêng tại Mỹ, Gandhi đã thu được gần 53 triệu USD.  Gandhi thể hiện bối cảnh, nhân vật và các tình tiết rất công phu, không chỉ có giá trị thương mại và còn có giá trị cao về đạo đức, lịch sử, nghệ thuật. Bộ phim được đề cử 11 giải Oscar và thắng 8 giải, trong đó có các hạng mục quan trọng như Phim hay nhất, Nam chính xuất sắc nhất (dành cho Ben Kingsley), Đạo diễn xuất sắc nhất (dành cho Richard Attenborough), Kịch bản xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất… ngoài ra còn đại thắng ở các giải thưởng khác như Quả Cầu Vàng, BAFTA.
Một cảnh trong phim Gandhi (1982), khi ông bị giam trong tù - một điều thường xuyên xảy đến trong cuộc đời ông
Phim Gandhi khởi quay ngày 26/11/1980, tại Ấn Độ. Kịch bản của John Briley đòi hỏi phải có 87 bối cảnh để sử dụng cho 189 cảnh trong phim. Sau 24 tuần quay ở Ấn Độ, và thêm 2 tuần bổ sung những cảnh quay còn lại ở London, bộ phim đã hoàn thành vào ngày 10/5/1981 sau 6 tháng rưỡi thu hình. Trong suốt 3 giờ đồng hồ, phim Gandhi liên tục khiến cho người xem phải choáng ngợp trước những đại cảnh vĩ đại và giàu cảm xúc, được dàn dựng rất công phu với hàng ngàn diễn viên quần chúng được quay tại nhiều địa điểm trên đất nước Ấn Độ. Có thể nói những đại cảnh ấy đã góp phần quan trọng trong việc mang lại một tầm vóc xứng đáng cho bộ phim.
Một cảnh phim rất hoành tráng với sự tham gia đông đảo của đội ngũ diễn viên quần chúng trong phim Gandhi (1982)
Ấn tượng nhất là cảnh đám tang của Mahatma Gandhi. Thủ đô New Dehli được tái tạo lại để quay trường đoạn này. Đoàn phim cho in tờ bướm và đăng quảng cáo trên các tờ báo ở Delhi kêu gọi 300.000 diễn viên quần chúng tham gia cảnh này, trong đó khoảng 200.000 là tình nguyện viên còn 94.560 thì được trả thù lao tượng trưng. Các diễn viên quần chúng chỉ được phép mặc quần áo trắng, an ninh được thắt chặt đến mức tối đa. Để cảnh quay diễn ra một cách sống động như thật, đoạn phim được chọn bấm máy vào ngày 31/01/1981, nhân kỷ niệm lần thứ 33 ngày đưa tang Mahatma Gandhi. Ben Kingsley được hóa trang nằm trên một quan tài phủ đầy hoa, 11 ê-kíp quay được bố trí ở nhiều góc độ đã quay hơn 6.706 mét phim, chỉ để sử dụng có 125 giây trên phim. Con số 300.000 người tham gia đã được đưa vào sách kỷ lục Guinness như là cảnh có đông quần chúng tham gia nhất trong lịch sử điện ảnh. 
Một cảnh tang lễ trong phim Gandhi (1982)
Mahatma Gandhi là con người biểu tượng cho hòa bình, tình yêu và lòng nhân hậu, những giá trị sẽ luôn luôn chiến thắng. Cuộc đời ông là một bài học, con đường ông đi và tư tưởng của ông là một bài học. Xin trích dẫn một số câu nói nổi tiếng của Gandhi trong phim thay cho kết thúc:
  • An eye for an eye only ends up making the whole world blind. - Đổi một con mắt để lấy một con mắt khác chỉ khiến cho thế giới trở nên mù lòa mà thôi.
  • They may torture my body, break my bones, even kill me. Then... they will have my dead body. NOT MY OBEDIENCE! - Chúng có thể tra tấn cơ thể tôi, đập nát xương tôi, thậm chí giết tôi. Và sau đó … họ sẽ có xác chết của tôi. NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ SỰ PHỤC TÙNG CỦA TÔI!
  •  Whenever I despair, I remember that the way of truth and love has always won. There may be tyrants and murderers, and for a time, they may seem invincible, but in the end, they always fail. Think of it: always. - Bất cứ khi nào tôi tuyệt vọng, tôi nhận ra rằng con đường của sự thật và tình yêu luôn luôn chiến thắng. Có thể có những bạo chúa và những kẻ giết người, và trong một khoảng thời gian nhất, chúng có vẻ như bất khả chiến bại, nhưng cuối cùng, chúng luôn thất bại. Hãy nghĩ về nó: luôn luôn nghĩ về nó.
Nguồn tham khảo: