Phim ngôn tình thần tượng
Nếu mô típ phim ngôn tình dễ đoán đến 80% thì hôm nay mình đã bị hớ vào 20% còn lại.
Mình có một cơ chế phòng vệ là, bất cứ khi nào mệt mỏi hoặc chán nản, mình sẽ tìm đến những thứ không phải dùng não quá nhiều. Trở về với bản ngã trẻ con và trốn tránh trong vỏ bọc đấy cũng là một cách để xoa dịu trong chính mình chuỗi ngày làm người lớn tập sự. Hồi còn nhỏ, mình rất hay viết review về một số bộ phim hay. Điều làm mình suy nghĩ về hành động năm 17 tuổi đó là, mình 17 tuổi luôn lựa chọn những bộ phim hoặc là nhân văn hoặc là có yếu tố thẩm mĩ, mang tính điện ảnh cao để bình luận. Dù mình cá 99,99% hồi đấy mình thích Giang Thần của Gửi thời thanh xuân ngây thơ tươi đẹp chứ không thích Lương Triều Vỹ với vai cảnh sát số 333 trong Trùng Khánh Sâm Lâm.
5 năm sau, mình không viết review về phim của Vương Gia Vệ hay Shinkai Makoto như mình đã từng. Cả ngày hôm nay mình đã luôn suy nghĩ về bộ phim ngôn tình, đề tài hoán đổi cơ thể, fan yêu idol, tỉ lệ phán đoán kịch bản những gì sẽ xảy ra ở tập tiếp theo lên đến 80% =)). Mình để ý, khi mà mình đi xem một bộ phim được đánh gia cao về giá trị nghệ thuật và cốt truyện, mình sẽ rất kì vọng rồi theo đó sử dụng toàn bộ neron thần kinh để phân tích tất cả chi tiết nhỏ ấy. Ngược lại, khi xem những bộ phim ngôn tình, tâm lí của mình luôn thoải mái và đón nhận mọi thông điệp của nó. Có lẽ là mình đã quá thiên kiến và coi thường với những mô típ thanh xuân như vậy.
Dù mô típ dễ đoán nhưng lời thoại của phim ngôn tình rất gần gũi và dễ dàng chạm vào trái tim của người xem. Nếu để ý những video được lên xu hướng hay có lượng traffic cao của tiktok, nó luôn đảm bảo một yếu tố đó chính là sự chân thực, không quá màu mè và gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Mình nghĩ những cốt truyện thanh xuân vườn trường này cũng vậy. Nó như một tấm gương phản ánh cuộc sống rất đỗi bình thường cho dù mô típ có là fan yêu idol, hoán đổi cơ thể hay xuyên không về quá khứ... Vì biên kịch dẫu có dùng đề tài nào, thì thông điệp truyền tải trong mỗi bộ phim đều có ý nghĩa và có tính ứng dụng với cuộc sống hiện tại của người xem.
“Với tôi, mục tiêu cao quý nhất khi làm phim dù muốn chuyển tải thông điệp gì thì suy cho cùng vẫn là hướng đến khán giả”. Đạo diễn “Phim Châu Á xuất sắc nhất” Lương Đình Dũng .
Có người đã nói “Không có phim nghệ thuật hay phim thương mại mà chỉ có phim có khán giả và phim không có khán giả mà thôi…”. Mình khá tâm đắc câu nói này và thấy nó đúng. Vì phim sau cùng là để phục vụ cho nhu cầu của người xem, nên chúng ta không chỉ có thể loại documentary mà còn có animation, comedy, romantic,...vv. Nhiều thể loại như vậy, là để dành cho mọi cá tính, mọi tâm hồn khác nhau. Và dù là thể loại gì đi chăng nữa, nếu không vi phạm thuần phong mĩ tục (for sure), thì đều nên được đón nhận và trân trọng như nhau. Trong tương lai, nhất định mình sẽ dành thời gian để xem và nhìn nhận thêm về thế giới của những bộ phim. Có lẽ, thời gian và sự chiêm nghiệm sẽ luôn làm mới mình và giúp cho mình có những góc nhìn thú vị khác. Tuyệt đối đừng coi thường bất cứ hình thức hay thể loại phim nào, một ngày nào đó, chúng sẽ xuất hiện và nói với bạn rằng: "Phán đoán của mày về tao sai rồi!"
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất