[Phim này hay nè] Barfi!: tình yêu tròn trịa của những mảnh ghép không lành lặn
Barfi! là bộ phim Ấn Độ số một trong lòng mình, lí do đến từ nhiều yếu tố, từ lối diễn xuất không cần lời thoại để diễn tả muôn vàn...
Barfi! là bộ phim Ấn Độ số một trong lòng mình, lí do đến từ nhiều yếu tố, từ lối diễn xuất không cần lời thoại để diễn tả muôn vàn cảm xúc, đến những thước phim vừa chân thực vừa lãng mạn được thổi vào chất điện ảnh ấn tượng.
Nhưng có lẽ phần làm mình nhớ mãi, và phải xem đến lần thứ 2 sau 4 năm cho bản thân thoả sức vùng vẫy trong đủ những cung bậc cảm xúc, mới có thể hiểu được, là những thông điệp về tình yêu và cuộc sống ý nghĩa được truyền tải một cách nhẹ nhàng nhưng khiến người ta phải nghiền ngẫm mãi:
Lạc quan hay là chết
Cuộc đời Barfi tái hiện trong 180 phút bộ phim hầu hết là những biến cố và những điều không may: sinh ra với khuyết tật câm điếc bẩm sinh, mẹ mất sớm, bị gia đình người yêu khinh thường, hiểu lầm là đến xin tiền vào chính ngày anh ăn vận chỉn chu nhất tới “thưa chuyện” để rồi cuối cùng đánh mất cô gái anh yêu vào tay một gã nhà giàu, bị đẩy đến mức đường cùng phải cướp ngân hàng để chạy chữa cho cha nằm viện vì đột quỵ. Thần may mắn gần như đã bỏ quên anh, còn anh chưa bao giờ quên sống tích cực, và khiến cho người khác cũng nở nụ cười. Ngay chính lúc rơi vào ngõ cụt, Barfi đã gặp Jhilmil, cô gái mắc chứng tự kỉ, người bạn thuở niên thiếu, và cũng là định mệnh của anh sau này.
Chúng ta không thể lựa chọn cách mình sinh ra hay những thứ sẽ xảy đến với mình, nhưng hoàn toàn có thể lựa chọn cách phản ứng với nó. Ta có thể bỏ cuộc, có thể tự chôn vùi mình trong những đau khổ, và thế là cuộc đời trôi qua trong nỗi bất hạnh và nỗi oán trách ông trời vì sao không đối xử với ta công bằng hơn. Một lựa chọn khác nhọc nhằn một chút, nhưng lại đem đến một tâm hồn nhẹ gánh là cho mình quyền được sống vui vẻ, xóa tan đi màn sương mờ che phủ những điều tốt đẹp ta đang có, để không bỏ lỡ những hạnh phúc trước nay từng hiện hữu nhưng chưa bao giờ được công nhận.
Lòng tốt không đổi lấy được tình yêu
So với Jhilmil, Shruti là người đến trước, là người từng nhận được tình yêu của Barfi, từng buộc phải khước từ tình cảm của anh, từng khiến anh đau lòng, nhưng cho đến phút cuối, vẫn luôn là người yêu anh. Shruti chính là mối tình đầu tuyệt đẹp của Barfi, và có lẽ nó đẹp không chỉ với Barfi, mà còn đẹp với cô nữa, đẹp tới mức cô bỏ qua hết những định kiến của xã hội dành cho người phụ nữ bỏ chồng, khiến cô đấu tranh mạnh mẽ với sự đố kị và tổn thương tận sâu thẳm trái tim khi nhận ra Barfi đã trao gửi tình yêu cho một người con gái khác.
Shruti tìm đến để giúp Barfi kêu oan khi bị gán tội bắt cóc người, ở lại bên anh khi anh tuyệt vọng vì vô tình để lạc mất Jhilmil. Cô chấp nhận việc trái tim anh có một vị trí không ai có thể thay thế được, và tự nguyện để anh dựa vào mà không cần bất cứ một danh phận nào. Cảnh phim khiến mình vừa cảm động lại vừa khâm phục trái tim mạnh mẽ của Shruti là lúc cô và Barfi đến nhà ông ngoại của Jhilmil như tia hi vọng cuối cùng cho cuộc tìm kiếm dài đằng đẵng. Ngay lúc Barfi tuyệt vọng quay đi, Shruti đã nhìn thấy Jhilmil từ trên cửa sổ tầng hai vẫy tay, miệng không ngừng gọi với theo còn không rõ tiếng “Barfi”. Barfi tội nghiệp tất nhiên không nghe thấy, và có lẽ sẽ bỏ cuộc thực sự nếu như Shruti không ra hiệu cho anh “Hãy quay lưng lại đi, Jhilmil đây rồi”. Shruti đã không chọn cách ích kỉ mà phớt lờ đi sự kì diệu ấy, để đường đường chính chính trở thành người phụ nữ duy nhất đi cùng Barfi đến hết cuộc đời. Bởi cô hiểu rằng, người đi cùng anh có thể là cô, nhưng người trong tim thì chỉ có một. Đứng giữa hạnh phúc của riêng mình và sự đoàn tụ cho tình yêu của người cô yêu, cô đã chọn làm người cô độc.
Đến cuối phim, Shruti vẫn là người bạn tốt cùng Barfi và Jhilmil đi qua nhiều thăng trầm, và là người kể lại toàn bộ câu chuyện cho người xem. Cô trở thành nữ phụ trong chính câu chuyện tình yêu của mình, trong giọng kể thoáng chút tiếc nuối, nhưng nhiều hơn vẫn là sự bình yên như một cái thở phào nhẹ nhõm, khi tất cả những gì cô hi sinh, đã được đền đáp xứng đáng bằng hạnh phúc của người cô yêu.
Nhưng có được tình yêu, chắc chắn sẽ tốt lên
Jhilmil vốn là đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có nhưng lại kém may mắn khi mắc chứng tự kỉ. Người cô có thể tin tưởng chỉ có ông nội và bà vú. Cô sống như một đứa trẻ mãi không chịu lớn, dễ dàng hoảng sợ khi bị chê cười, cũng không thể quyết định bất cứ điều gì. Tình yêu đối với Barfi khiến cô trở nên kiên định, cô biết rằng mình không thể nói, nhưng trái tim cô thì luôn thúc giục một điều: “Hãy tin Barfi”. Cô bắt đầu để Barfi chăm sóc cho mình, chạy theo Barfi khi anh gửi cô đến nhà bà vú, và cùng anh vượt qua những ngày tháng nay đây mai đó đầy chông chênh.
Barfi, từ một anh chàng vô tư, đã biết lo lắng cho một người đi bên cạnh mình, với biểu hiện cao nhất là sự hối hận và nỗi day dứt khi mải trò chuyện với Shruti mà làm tổn thương Jhilmil, để cô lạc mất giữa đám đông rồi mất tích ngay sau đó. Dù luôn có Shruti bên cạnh, dù có thể dừng tìm kiếm bất cứ lúc nào và chọn sống hạnh phúc bên cô, anh vẫn luôn trân trọng Jhilmil và khắc cốt ghi tâm điều anh cần làm - phải bù đắp cho Jhilmil một tình yêu thương lớn hơn sự phản bội anh trót mang đối với niềm tin của cô gái đó.
Thứ cần nghe nhất, đôi khi không có âm thanh
Niềm tin của một tâm hồn non nớt trao trọn cho Barfi đã giúp Jhilmil trở thành người thắng cuộc duy nhất trong “phép thử lòng tin” mà Barfi đã trải qua cùng những người con gái mà anh yêu quý, trong đó có cả tình đầu Shruti. Jhilmil là người duy nhất còn thản nhiên nắm chặt tay anh, khi chiếc đèn đường đột ngột rơi xuống trước mắt, vỡ tan, và xung quanh trở nên tối tăm đáng sợ. Ngay giây phút ấy, ánh mắt trìu mến của Barfi và sự ngượng ngùng của Jhilmil gặp nhau, thay cho lời thề ước sẽ tin yêu và bảo vệ nhau sau này. Phép thử này thần thánh ra sao, mọi người xem phim sẽ thấy. Riêng mình, nếu có thể cũng sẽ mang ra dùng, khi còn trăn trở với niềm tin mình dành cho một ai đó.
Cuộc hội ngộ sau này giữa hai người cũng vậy, có giọt nước mắt hạnh phúc của Barfi - chàng trai luôn nở nụ cười khi biết Jhilmil còn sống, có cái chạm mũi âu yếm của hai con người chưa từng nói với nhau được một tiếng yêu. Trên tất cả, đó là lời xin lỗi chân thành nhất mà Barfi dành cho Jhilmil, là nỗi nhớ da diết và sự chờ mong mòn mỏi Jhilmil cất sâu trong lòng nay trào ra không tài nào ngăn cản.
Sau cùng, bộ phim đạt giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2013 này khi về Việt Nam được dịch là “Chàng câm và nàng ngốc”. Bản thân mình không thích cái tên nghe rất “khiếm khuyết” và khơi gợi sự thương cảm này. Nếu có thể, chúng ta hãy nhớ đến bộ phim này với tựa “Barfi!” thôi, vì đây là câu duy nhất mà “chàng câm” Barfi có thể phát âm, cũng là người duy nhất “nàng ngốc” Jhilmil có thể cất tiếng gọi, dù còn vụng về như cách cô trao gửi tình yêu.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất