Nhân vật Lý Thông trong 'Họ Lý tên Thông'/Ảnh chụp màn hình
Phim hài Họ Lý tên Thông là phim hài của đạo diễn Phạm Đông Hồng cho dịp Tết Mậu Tuất 2018 của Thăng Long Audio & Visual lấy cảm hứng từ hai nhân vật trong dân gian: Thạch Sanh và Lý Thông. Trong phim, hai nhân vật kết nghĩa anh em sau khi Thạch Sanh được Lý Thông cứu mạng. Và khi kết phim, nó đã để lại trong tôi suy ngẫm về Lý Thông.

Lý Thông đã làm gì?

Phần này cảnh báo có chứa spoiler, nếu ai chưa xem thì các bạn hãy xem xong trước khi đọc bài viết này.
Phim hài "Họ Lý tên Thông" - Nguồn: YouTube/Thăng Long Audio & Visual
Trong phim, ban đầu khi Lý Thông đang săn bắn thì Thạch Sanh, do sơ suất, trượt chân vào vách đá. Lý Thông ra cứu giúp Thạch Sanh. Do mang ơn, Thạch Sanh quyết định kết nghĩa trở thành anh em. Sau khi kết nghĩa, họ gặp nhiều khó khăn do nợ nần. Lý Thông nhiều lần thấy việc không hay ra giúp đỡ như cứu ông già hay trả sổ nợ. Tuy nhiên, do mang danh họ Lý tên Thông và cũng tại cái khuôn mặt có phần ... khiến người khác kinh hãi, nhiều người đã không những không cảm ơn Lý Thông sau những việc làm trên mà còn ra đánh đập, chửi mắng.
Về sau, do quá uất ức, Lý Thông quyết định sẽ không làm việc tốt mà sẽ tìm mọi cách để đánh bóng tên tuổi. Ngay tối hôm đó, Lý Thông đốt chợ và hôm sau thì xin quan chi huyện để xây lại chợ nhằm đánh bóng tên tuổi của mình. Khi được mọi người biết đến thì hắn tìm mọi cách để làm lợi bất chính cho bản thân mình.
Cuối cùng, Lý Thông bị nhiều người vạch mặt vì là kẻ đốt chợ, ăn chặn tiền đóng thuế của người thuê chợ, trốn lệnh đi lính của triều đình. Lý Thông từ ghen ghét hơn trước, nhận hình phạt của triều đình.
Thế tôi nghĩ gì về Lý Thông?
Nhiều người sẽ hỏi tôi rằng tôi nghĩ gì về Lý Thông này? Tôi sẽ ghét hay thương? Thật sự, tôi có phần thương cảm cho Lý Thông.
Tại sao? Hãy quay lại vào phần đầu cốt truyện của phim. Nếu các bạn để ý một chút ngay từ phần đầu truyện thì... 'Khoan, có gì đó sai sai?' Chắc các bạn còn nhớ trong Thạch Sanh, Lý Thông luôn là kẻ làm hại Thạch Sanh - nếu không muốn nói là làm hại bằng mọi giá. Nhưng trong phim này, Lý Thông lại cứu mạng Thạch Sanh khi anh lỡ chân trượt xuống vách đá. Thật sự, Lý Thông trong phim này là một nhân vật có bản chất lương thiện nên Lý Thông đã làm vậy. Nếu như bạn cho rằng, mình đang nói sai? Hãy nhớ lại. Nếu Lý Thông là kẻ xấu, Lý Thông sẽ không đời nào thấy kẻ gặp khó lại cứu người. Lý Thông sẽ không đời nào đi cứu người khi thấy một ông già đang nằm ngay giữa đường và cố gắng đưa đi thầy lang. Lý Thông sẽ không đời nào trả cái sổ nợ cho chủ nhân của nó, vì dĩ nhiên, với cái sổ đó thì Lý Thông sẽ có thể quỵt tiền thiên hạ. Và Lý Thông sẽ không đời nào phải nhẫn nhịn, không trả thù những người đã đánh đập mình khi mình làm việc tốt cho người khác. Nếu Lý Thông thật sự là kẻ xấu thì sao hắn lại sẵn sàng cưu mang em mình, sẵn sàng trả tiền men để khiến Thạch Sanh không phải bán thân?
Nhân vật Lý Thông trong phim này về thực chất trong thâm tâm mình là một người tốt. Nhưng chính Lý Thông đã bị định kiến của người đời để rồi Lý Thông từ một người tốt thật sự đã thành một người xấu. Chính định kiến người đời đã đẩy Lý Thông không khác gì sự tích như Lý Thông trong sự tích Thạch Sanh khi xưa. Định kiến người đời đã khiến từ một Lý Thông vô tư, tốt tính thành một Lý Thông mưu mô, xảo quyệt.
Định kiến người đời đã đẩy rất nhiều người bị tước đi quyền được sống đúng bản chất vốn có của mình. Một người phụ nữ muốn cống hiến cho xã hội thì họ lại bị người đời phán là 'phận phụ nữ phải ở nhàm, quanh quẩn với cái bếp và sinh con đẻ cái'. Một gia đình muốn quây có những đứa con mà không phải lo nghĩ đẻ con trai hay con gái vì áp lực 'nối dõi tông đường' còn sót lại từ thuở Bắc thuộc - do ảnh hưởng quá nặng nề từ Nho giáo. Một người phát hiện mình thuộc cộng đồng LGBTQ+ phải cố giấu con người thật của mình vì lo sợ bị hắt hủi. Có người không thể làm đẹp cho chính mình vì ngoại hình của họ 'không đủ tiêu chuẩn đẹp' (trong khi thực chất, không hề có một thứ tiêu chuẩn về sắc đẹp một cách rõ ràng). Một ai đó dù 18 tuổi vẫn thích phim hoạt hình, cố gắng xem thì lúc nào cũng bị mở miệng chê bai "Mày còn bé lắm hay sao mà suốt ngày hoạt với chả hình".
Tôi chợt nhớ tới một người...
Nó chợt khiến tôi nhớ về phim hoạt hình điện ảnh rất nổi tiếng từ Disney tên Zootopia, một bộ phim hoạt hình được coi là 'phim hoạt hình chính luận xuất sắc', 'chinh phục cả người lớn và trẻ em'. Nếu bạn nào đã xem hẳn còn xót xa trước một Nick Wilde, một chú cáo giữa Zootopia. Một Nick Wilde khi xưa đã mong muốn sống tốt với cuộc đời, sống tốt với chính mình đã bị vùi dập bởi định kiến cuộc đời. Nick Wilde khi nhỏ muốn gia nhập vào câu lạc bộ Junior Ranger Scouts nhưng bị chính thành viên câu lạc bộ này không tin tưởng vì 'loài cáo luôn ranh ma'.
Nick Wilde hồi bé bị bắt nạt do loài cáo luôn ranh ma/Ảnh chụp màn hình phim
Và chính từ cú sốc đó, Nick Wilde đã thậm chí tự nhắc mình rằng "If the world's only gonna see a fox as shifty and untrustworthy, there's no point in trying to be anything else." (tạm dịch: Nếu cả thế giới chỉ nhìn thấy loài cáo như loài ranh mãnh và không đáng tin cậy thì việc cố gắng làm gì cũng vô ích mà thôi). Và Nick đã lại quanh quẩn vòng quay của một loài ranh mãnh và không đáng tin cậy bằng việc là một kẻ kinh doanh đầy ranh ma.
Cũng như Nick Wilde, Lý Thông trong Họ Lý tên Thông của Phạm Đông Hồng cũng từng là một người tốt nhưng lại thành kẻ xấu vì những cái miệng khẩu nghiệp của người đời.
Định kiến, định kiến và định kiến
Nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là những ý kiến của một số người, nó không tác động tới ai. Nhưng hãy nghĩ lại. Định kiến đó ăn sâu vào trong tâm thức nhiều người để rồi nó vô tình thành một thước đo, chuẩn mực cho ai đó để sống thì liệu sẽ như thế nào. Bạn đã nhìn thấy Lý Thông đấy. Vì Lý Thông quá uất ức trước những cái miệng của những kẻ mang định kiến nặng nề về tốt và xấu chỉ vì... bề ngoài và cái tên, Lý Thông đã không còn trở thành người tốt như bản chất thật của mình mà đã thành một kẻ ranh mãnh như Nick Wilde vậy. Cũng như những người da đen ở Mỹ - một đất nước còn phân biệt chủng tộc cực kỳ nặng nề, họ luôn chịu bất công. Trong rất nhiều những vụ việc cảnh sát Mỹ có hành động thô bạo với người dân da đen thì đa phần họ đều tuân thủ rất nghiêm ngặt hiệu lệnh của cảnh sát cũng như không hề có ý định phản kháng. 
Và rất nhiều người đã không thể vượt qua định kiến vì nhiều người có định kiến cho rằng mình thông thái nên được quyền phán xét người khác. Họ đã quyết từ bỏ cái tôi của mình để sống theo ... suy nghĩ số đông. Thật đáng trách mà cũng sao đáng thương. Lý Thông cũng là kẻ đáng trách vì đã không đủ nghị lực để sống với chính mình trước định kiến. Lý Thông đã quên mất rằng, cuộc đời mình, con người mình là do mình làm chủ, do bản thân quyết định đâu phải do ai khác bẻ cong. Nói đi nói lại, tôi vẫn thương Lý Thông vì bị người đời vùi dập. Bị người nhà của ông lão, bị người phía hiệu cầm đồ và bị những kẻ giàu có ghen ghét đánh đập chỉ vì là ... 'Họ Lý tên Thông'.
Kết
Qua đây, tôi chỉ có một cái câu kết nho nhỏ mà tôi muốn trích từ Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của Rosie Nguyễn: "Em không có trách nhiệm phải là người tốt với ai cả", vì sau cùng người đời nói mãi rồi cũng thôi. Và sau tất cả, "Moutains don't care" (Những ngọn núi không quan tâm).
Nên bạn ơi, hãy nhớ điều này: "Ôi vui ghê, sống trên đời ai cũng cười chê, mà thôi vui đi có ai nhìn lại chính mình đâu nè" (trích bài hát 'Sấp mặt luôn', nhạc phim 'Tấm Cám chuyện Huỳnh Lập kể', do Tăng Nhật Tuệ & TINO sáng tác)
-----
Đây là bài viết đầu tiên của mình trên trang Spiderum nên có gì thiếu sót thì mong mọi người, nhất là các tiền bối, góp ý và phê bình (mượn lời Bác Hồ một chút)