Kim Ki-duk biết rằng, tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ nhất là tiếng ren xiết của phụ nữ bị hành hạ trên màn ảnh. 
Nguồn: TCD/Prod.DB/Alamy Stock Photo
Nguồn: TCD/Prod.DB/Alamy Stock Photo
1. Hai cô bé tuổi vị thành niên nuôi giấc mơ đến châu Âu bằng việc hành nghề mại dâm. Jae-yeong, cô bé luôn nở nụ cười thánh thiện, mang “nhiệm vụ” bán thân mình còn Yeo-jin thì đóng vai trò một ma cô, tìm khách hàng và canh giữ cho bạn trong lúc Jae-yeong và khách “hành sự”. Mọi chuyện trót lọt được một thời gian thì Jae-yeong bị cảnh sát truy đuổi, trong lúc nguy cấp, cô nhảy xuống từ cửa sổ căn nhà nghỉ, mãi mãi ra đi. Yeo-jin ở lại với nỗi đau mất bạn, quyết tâm tìm lại mọi vị khách cũ, quan hệ với họ và trả lại tất cả số tiền mà Jae-yeong và cô đã kiếm được từ họ. 
Nguồn: onderhond.com
Nguồn: onderhond.com
“Samaritan Girl” (2004) nói lên mớ nghịch lí tuyệt diệu nhất trên màn ảnh thế giới: người “mua” dâm nhận tiền của người “bán” dâm, gái làng chơi thực chất mang tâm hồn của thánh nữ; những cuộc hoan lạc kết cục bằng việc những vị khách làng chơi trở thành Phật tử. Kim Ki-duk vả mạnh vào sến lụy thời đại của những Fantine “khốn khổ” bán răng, bán tóc rồi bán thân mình để nuôi con - cô bé Yeo-jin làm tình với khách hàng rồi trả tiền cho họ, hoàn toàn không mưu cầu một lợi ích gì cả. Ông cũng vả mạnh vào chính ông khi đã đặt cô sinh viên bị gã ma cô lừa bán thân để trả nợ trong “Bad guy” (2001, cũng là một kiệt tác của đạo diễn) trở lại trường đại học sau thời gian nhày nhụa cùng những vị khách làng chơi - Jae-yeong mãi mãi ra đi mà không thể sống lại cuộc đời đã mất. Kim Ki-duk triệt để hơn với cái thiện, nghiêm khắc hơn với cái ác trong “Samaritan Girl”: phụ nữ đã luôn là thánh nữ, chẳng cần phải biện hộ bởi những hoàn cảnh khốn cùng; khách làng chơi (luôn là những người đàn ông) thì luôn là ác quỷ, và sự ác quỷ ấy không chỉ bôi nhọ thanh danh của phụ nữ, mà còn tước đi mạng sống của họ. 
Thoạt đầu, tưởng như rất khó để truy vết dấu tích của nữ quyền trong phim ảnh của vị đạo diễn từng dính bê bối tình dục. Sự nổi tiếng của gã đạo diễn tài năng, dị biệt cũng đi liền với những tai tiếng. Bằng tất cả sự khó tin, bất cứ ai (có thể) theo dõi Kim Ki-duk qua những thước phim chấn động của ông cũng có thể vỡ ra trong đầu tư tưởng của một người tôn trọng, thậm chí tôn thờ phụ nữ. Điều này tưởng như rất khó có được ở một "ác nhân" trong giới điện ảnh thế giới hiện đại, người được sinh ra trên mảnh đất chẳng mấy nổi tiếng về việc tôn trọng phụ nữ. Phim ảnh Kim Ki-duk rất khác với những đồng nghiệp tại quê hương mặc dù truyền thống về cái ác thì có lẽ lại quá "phát triển" và "thành công" trong điện ảnh Hàn Quốc, từ "Cô hầu gái" của Kim Ki-young đến "Bad boy" của Park Chan-Wook. Kim có lẽ ác hơn cả "chuẩn ác" nếu điều đó thực sự tồn tại.
Kim luôn có trí tưởng tượng vô hạn về những cách hành hạ con người, đặc biệt là người phụ nữ. Trong "The Isle" (Tiểu đảo, 2000), người đàn bà lái đò tự ngoắc những lưỡi câu sắc nhọn vào cửa mình để giữ chân người yêu, hay trong “3-Iron” (Người ở nhờ kì dị, 2004), người phụ nữ bị ông chồng giàu có đánh đập không thương tiếc và không cho rời khỏi nhà nửa bước và trong “Pietà” (Đức Mẹ sầu bi, 2012), Kim Ki-duk đã để người phụ nữ có con trai bị gã đòi nợ thuê ép chết đóng giả làm mẹ của y, bị y đánh đuổi, xâm hại, rồi cuối cùng gieo mình tự tử. Cảnh hãm hiếp, đánh đập, sỉ nhục phụ nữ có lẽ là motif trong phim ảnh của Kim, không khi nào phụ nữ được đặt trong những ấm êm mà không phải chịu những đớn đau khốn cùng. 
2. Kim Ki-duk làm tất cả những điều đó để làm nổi bật sự khốn nạn của đàn ông - Điều mà nhiều người ngày nay phê phán bằng diễn ngôn "nữ quyền độc hại". Từng tiếng khóc than, rên xiết của phụ nữ là từng lời cáo trạng cho hành vi của những gã đàn ông đã đẩy họ vào chốn địa ngục. Cái ác, cái dã man liên tục giáng xuống thân thể và tâm hồn của phụ nữ để cảnh tỉnh tất cả về một xã hội nam quyền, nơi trật tự đảo điên, nơi cái thiện bị chôn vùi. Kim Ki-duk đồng hóa sứ mệnh phục hưng cho cái thiện với phục thù cho phụ nữ. Điều đáng nể là Kim đã tự đặt mình vào vị trí của một người phụ nữ để nói lên điều đó. Không những thế, Kim còn tự đẩy "giới mình" vào vai phản diện trong mọi trường hợp.
Kim làm tất cả để minh chứng, cuộc sống còn có thể tàn bạo với phụ nữ hơn như vậy. Phim ảnh và thực tế chứng minh cho số phận bất hạnh của phụ nữ Hàn Quốc khi sống trong một xã hội nam quyền, nữ quyền bị bài xích, nam giới luôn cảm thấy bị thua thiệt. Đó là những người vợ có chồng, người mẹ có con bị tên côn đồ đòi nợ làm cho tàn phế để lấy bảo hiểm, hay bị ép uổng đến mức tự tìm đến cái chết trong “Pieta”, họ đã phải sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền, đã cáng đáng cả thế giới khi không có sự giúp sức của đàn ông. 
3. Đỉnh cao của câu chuyện nữ quyền phải kể đến “Moebius” (2013), bộ phim gây choáng tại Liên hoan phim Venice với những tình tiết giật gân không tưởng. Kim Ki-duk không che giấu ý đồ về một quan điểm cực hạn: Dương vật là ngọn nguồn tội ác, để phá bỏ vòng tuần hoàn khổ đau, tất phải tận diệt cái “ngọn nguồn” ấy. Dương vật biểu trưng cho sự nam tính cũng như phẩm giá của đàn ông nhưng trong phim, Kim Ki-duk đọa đày nó đến cùng cực: từ bị cắt xén đến nhai ngấu nghiến, bị giằng co đến bị xe cán nát, bị chế nhạo đến bị bắn bỏ. Ngược đời hơn, Kim trao “dương vật” ấy cho phụ nữ trong hình hài của một con dao phục thù: phục thù cho hành vi ngoại tình của chồng, phục thù cho hành động cưỡng dâm của đàn ông. Người mẹ trong phim cầm con dao xẻo luôn của quý của con trai để trả thù cho hành vi ngoại tình của chồng. Người phụ nữ tiệm tạp hóa bị cưỡng hiếp tập thể đã đợi ngày tự do của tên cầm đầu, vờ như làm tình rồi cắt luôn của quý của hắn.
Kì lạ hơn, tình dục và khoái cảm cũng là phương tiện để những người phụ nữ trả thù. Cần nói thêm về cách “lên đỉnh” của một số cảnh trong phim. Do đứa con trai bị thiến mất của quý, khi được cha hiến cho dương vật cũng không thể cương cứng, người cha đã tìm hiểu về những cách tạo ra khoái cảm mà không cần đến dương vật. Một trong những cách đó là chà xát vật cứng, ví dụ như đá cuội vào cơ thể đến mức bật máu, khi đó khoái cảm hiện hữu và theo sau là nỗi đau xót tột cùng về thể xác. Phức cảm “vừa sướng vừa khổ” ấy hiện hình trong một hình thức khác khi một con dao cắm phập vào người đàn ông (bị thiến mất dương vật) cũng tạo ra khoái cảm y như lúc quan hệ tình dục thông thường.
Kim Ki-duk có cách dàn dựng đầy quái đản và ngược đời về cảnh tượng giao hợp giữa nam và nữ. Nam giới xưa nay được khắc họa với hình ảnh thượng phong trong mọi cuộc giao hợp, là dương tính trong mọi cuộc làm tình với thanh thế lấn át hẳn âm tính của phụ nữ. Dương vật của người nam mang lại khoái cảm cùng lúc với sự đớn đau của người nữ. Bất bình với chuyện đó, Kim Ki-duk hoán đổi địa vị hai bên, khiến cho chính đàn ông phải nếm trải nỗi đau tận cùng khi giao hợp: Kim thiến luôn dương vật của đàn ông cũng như thiến luôn dương tính trong họ, đồng thời trao cho phụ nữ con dao cắm phập vào người đối phương, để đối phương nếm trải cảm giác đau đớn cùng cực rồi mới đến khoái lạc giao hoan.
Một cảnh trong "Moebius". Nguồn: slantmagazine.com
Một cảnh trong "Moebius". Nguồn: slantmagazine.com
Cảnh tình dục Kim Ki-duk cảnh tỉnh không giấu giếm cho sự giương oai của đàn ông: Phụ nữ mới là người làm chủ đích thực, đàn ông hãy coi trừng cái “đực tính” ngóe ngoang của mình. Cắt đứt hoàn toàn sự truyền tải bằng lời thoại, những ngụ ngôn hiện lên nổi bật, sáng rõ hơn bao giờ hết. Con dao phục thù của phụ nữ đặt dưới tượng Phật uy nghi như được cổ vũ bởi chân lí tôn giáo. Vẫn câu chuyện liên quan đến tôn giáo, nhưng Đức Phật hiển lộ trong phim không chỉ là sự đốn ngộ, mà còn là giải pháp cuối cùng. Sau khi bị cuốn vào  vòng xoáy tội ác của cha và mẹ, nghiệt ngã hơn là cái dương vật quý hóa được cha hiến tặng chỉ có thể cương cứng khi được mẹ ruột chạm vào, đứa con trai trong “Moebius” cuối cùng cũng tự bắn vào thứ khởi nguồn cho bi kịch - dương vật cấy vào mình, như một cách cắt phăng nghiệp chướng, rồi trở thành một Phật tử. 
* Cách hành văn và ý tưởng dựa theo Tú Châu trong "Tội ác lớn nhất của Kim Ki-duk", Tạp chí Tia sáng, 25/12/2020
Đọc thêm:
Mikodmi.