Phim "Tạm biệt Hạ Long"
Tạm biệt Hạ Long kể về một gia đình tại làng chài, với người mẹ già, hai vợ chồng và một đứa con, đã sinh sống trên biển qua rất nhiều...
Tạm biệt Hạ Long kể về một gia đình tại làng chài, với người mẹ già, hai vợ chồng và một đứa con, đã sinh sống trên biển qua rất nhiều thế hệ. Cuộc sống vất vả, người chồng lái tàu chở khách du lịch, người vợ chở thuyền nhỏ đi buôn bán, đứa con nhỏ được gửi vào đất liền học và cứ đôi hôm lại về bè. Không chỉ ghi lại nếp sống độc đáo và những trăn trở đời thường của một gia đình làng chài, vốn đang dần đổi thay dưới sự phát triển của du lịch, bộ phim còn thể hiện một góc những tác động không mong đợi của một chính sách, theo cách tiếp cận tương đối khoa học.
Phim có kết cấu ba phần: phần 1 là cuộc sống của gia đình nhỏ, với những người hàng xóm, khó khăn, vất vả, bình dị. Phần 2 là khi chính sách di rời làng chài được bắt đầu, kéo theo nhiều trăn trở giữa một cuộc sống tiện nghi hơn, có thêm công ăn việc làm và có điều kiện giáo dục cho con trẻ, và cuộc sống nghèo khổ, vất vả nhưng đã gắn bó thân thuộc hàng trăm năm nay. Phần 3 là quãng thời gian sau khi chuyển lên bờ, cả gia đình cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, song những mong đợi trước đó đều không thành hiện thực: công việc khó kiếm, con trẻ bị cám dỗ bởi những thú vui trên thành phố thay vì tập trung vào học. Thêm nữa là sự thay đổi về nếp sống, về tình cảm con người, những mối gắn kết xã hội. Những con người vốn sinh sống giữa bốn bề biển và núi, lênh đênh trên những con thuyền, nay lại bị vây quanh bởi những tòa bê tông và phố xá nhộn nhịp mà họ khó lập tức hòa nhập. Cảnh phim xen kẽ giữa thiên nhiên bao la, hùng vĩ và những góc rất thật, rất thô ráp của cuộc sống.
Phim hay hơn mong đợi, bởi các tác giả không chỉ khắc họa cái đẹp lẫn cái khổ của làng chài, cái hồn tạo nên bởi những ngư dân, hay một nếp sống độc đáo đang dần mai một. Bài toán được đặt ra, không chỉ cho người dân làng chài, mà còn cho những người tạo chính sách: Làm thế nào để đảm bảo môi trường khi một số lượng cư dân đang sinh sống lênh đênh trên biển tăng dần, làm sao để di rời mà vẫn đảm bảo mưu sinh, đồng thời gìn giữ một nét văn hóa rất đẹp đang dần biến mất. Bên cạnh bài toán kinh tế, còn là bài toán không lời giải cho tình cảm con người, với biển, với núi, với tổ tiên và những người bạn chài. Càng về cuối phim lại là những bế tắc chưa lời giải đáp.
Có một điều khá tích cực ở bộ phim, đó là các nhà làm phim đã quay được những cảnh làm việc giữa chính quyền và người dân trong quá trình di rời, với sự ủng hộ của chính những cán bộ đang thực hiện di rời.
Không thể gọi là hạn chế, nhưng phim có những cảnh quay rất “gần”, rất “thật”, đến độ tôi tự hỏi bộ phim có đôi chỗ nào được sắp đặt, tức là nhân vật được bảo thể hiện lại một thói quen hay sự việc thường diễn ra trong cuộc sống để nhà làm phim ghi lại, hay không. Bộ phim được tôi đánh giá cao, và có thể so sánh nó với phương pháp quan sát - phỏng vấn sâu trong nghiên cứu chính sách, ngoại trừ việc nó là phim – tức là khi xem tôi sẽ không xác định được chi tiết nào là được sắp đặt, và chi tiết nào là hoàn toàn tự nhiên mà không có tác động của nhà làm phim. Tuy nhiên, đây vẫn là một bộ phim, không phải là một nghiên cứu, nên tôi sẽ không khắt khe như thế.
Cám ơn các tác giả vì những tâm huyết của họ!
Đọc thêm:
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất