“Tự kỷ” và “OCD” vẫn đang bị sử dụng không đúng ngữ cảnh hay thậm chí bừa bãi, người ta và hẳn tôi lúc trước không ít lần đã nói những câu như “Ở nhà riết chắc tự kỷ quá” hay “Dọn nó đi tao bị OCD” và câu tương tự. Từ khi tìm hiểu rõ hơn và đặc biệt qua I WeirdDo” và “The Lone Ume Tree”, nhìn nhận của tôi về người tự kỷ và OCD đã thay đổi rất nhiều.

THE LONE UME TREE

Chu-san vừa đón sinh nhật lần thứ 50 nhưng để tự lập dần, bà mẹ đã gửi cậu con trai tự kỷ của mình đến nhà điều dưỡng. Trước sân nhà có cây mơ đơn độc xà cành qua bờ rào vắt ngang qua đường đi nhỏ, điều này gây nên không ít phiền toái cho cư dân đi lại qua cung đường này, cũng như hiện diện của Chu-san.
Chu-san lễ phép, đúng giờ, là người có phép tắc, chăm chỉ lại trách nhiệm, hiền lành và thích ngựa, thế nhưng cả Chu-san và những người trong nhà điều dưỡng khiến cư dân bất an và cuộc sống càng khó hòa nhập hơn. Những chuyện không may xảy đến càng chứng tỏ giáo dục rất quan trọng, cách ta đối xử với người xung quanh.
Con người ai cũng có khiếm khuyết, tôi nhận ra sau khi xem bộ phim rằng thời gian là cần thiết để đánh giá, tìm hiểu và hòa hợp với một người. Không thể ngày một ngày hai thay đổi cách cư dân nhìn Chu-san - một người tự kỷ, cũng không thể nhanh chóng hiểu Chu-san. Trái tim rộng mở từ một cậu bé - người bạn đầu tiên của Chu-san chính là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn ta khỏi định kiến.
Người tự kỷ hay bất kỳ ai cũng có người tốt kẻ xấu, tính cách đa dạng, nhân dạng thay khôn lường qua thời gian, nếu cùng nhau nuôi dưỡng đức tính tốt từ thuở nhỏ thì cây sẽ mọc tốt, cắt tỉa gọn gàng bản thân dần dà thì mới không khiến người khác tổn thương. Bên cạnh đó, môi trường sống của mỗi người đều buộc phải tiếp xúc cả lời hay ý đẹp lẫn những bén nhọn từ lòng người, ngay cả đấng sinh thành hay người thân cận nhất làm tổn thương thì đừng ép mình nuông chiều hay nghe theo tổn thương để lại trên mình, trong phạm vi cho phép hãy tách rời chúng.
Xin phép spoil một chút cảnh làm tôi xúc động mạnh mẽ, đó là đoạn bà mẹ sợ hãi tương lai sau này đứa con sẽ đơn độc và loay hoay đi tiếp, tuy nhiên Chu-san nghe thấy tiếng loa từ xe thu gom phế liệu nói rằng những vật bỏ đi cũng không vấn đề gì, thế là Chu-san cũng bảo “Không vấn đề”.

I WeirDo

Một bộ phim lạ, đẹp, I WeirDO mở đầu rất tươi sáng và hải hước bởi sự xuất hiện của anh thanh niên Trần Bá Thanh cùng cú chạm trán một phát yêu luôn một phần đời với chị gái Trấn Tĩnh bởi điểm chung là.. OCD. Phải! Hai chiếc áo mưa chống vi khuẩn trên tàu điện đã có quãng thời gian sống chung đầy sắc màu, ngỡ là trời đất phân định thì một ngày hai người nghéo tay hẹn ước bên nhau suốt kiếp không suy chuyển.
Nhưng OCD có thể chữa trị hay không? Lỡ như một trong hai người một ngày không còn mắc OCD nữa thì lời hứa có biến thành lời nguyền chia cắt nhân duyên trời định? Nó cảnh tỉnh ta về cái khó lường của thời gian rằng "Người dù có ngủ là duyên trời sắp xếp thì chưa chắc ngày mai thức giấc còn là người ta yêu đêm qua. Hãy cứ yêu, nhưng nào ai dám đời đời kiếp kiếp.
"I WeirDO giúp ta mở mang hơn về OCD ở góc độ dễ cảm thông pha lẫn hài hước mà xót xa, khi những người mắc OCD có muôn ngàn khó khăn nhỏ nhặt với nhiều người nhưng lại nan giải lớn dần theo thời gian như: dọn dẹp không ngừng nghỉ, tránh tiếp xúc với thế giới sống động đầy rẫy vi khuẩn bên ngoài, nỗi ám ảnh và những tính toán tưởng như phi lý khi sắp xếp đồ vật hay bụng dạ nhộn nhạo liên hồi trước những nỗi sợ chưa kịp thành hình của không khí xung quanh da.
Tôi nhớ một cảnh thân mật giữa hai người, môi chạm môi nhưng nín thở xem vì cảm giác buồn nôn khi ký ức ngày nhỏ về những con vi khuẩn lúc nhúc chen từ môi người này vào mồm người còn lại, hơi thở ngắt quãng và tim chực nổ tung vì phải kìm nén, đó là thành công của Lâm Bá Hoành và vì diễn tả được nét gượng gạo và cố gắng dồn nén của OCD trước tiếp xúc thân thể.
Khung 1:1, các cặp màu bổ túc và mảng màu sáng, nội thất của nhà nhân vật chính sạch kin kít và ngăn nắp, tạo hình gọn gàng và phim hầu như không có nhân vật phụ thực sự khiến các giác quan thoải mái và nhẹ nhõm khi xem, ít nhất là trong nửa đầu phim. Nửa cuối phim đi sâu vào tâm lý nhân vật, hiệu ứng cuối phim khá tốt và cái kết gây thương nhớ chính là điểm cộng để phim dù vỏn vẹn 1 giờ 40 phút nằm chễm chệ trong top phim từ năm trước đến giờ mà tôi xem.
“Tự kỷ” và “OCD” vẫn đang bị sử dụng không đúng ngữ cảnh hay thậm chí bừa bãi, người ta và hẳn tôi lúc trước không ít lần đã nói những câu như “Ở nhà riết chắc tự kỷ quá” hay “Dọn nó đi tao bị OCD” và câu tương tự. Từ khi tìm hiểu rõ hơn và đặc biệt qua "I WeirdDo” và “The Lone Ume Tree”, nhìn nhận của tôi về người tự kỷ và OCD đã thay đổi rất nhiều. Tôi vẫn học mỗi ngày và nghĩ mình phải thận trọng hơn bởi những điều này có thể tổn thương hay góp phần khiến người xung quanh nhìn nhận sai lệch. Những cụm như “người bình thường” cũng đang cuốn gói đi, bởi vì ai đã đặt ra quy chuẩn thế nào là bình thường và không bình thường? Bạn có thể xem “I WeirdDo” do Trạm Đài Loan dịch, còn “The Lonely Ume Tree” đang được JFF miễn phí đến thứ Tư này trên web nhé.