Ghi chú: Bài viết từ năm 2014

Trước trận World Cup năm nay, mình đã nghĩ dù Đức thua hay thắng thì hẳn cũng sẽ lấy đi nhiều nước mắt :’’> Nhưng thực tế là lúc Götze ghi bàn hình như mình còn đang ngáp ngủ chưa kịp theo dõi tình huống. Đến lúc thấy bóng nó chui vào rung cả lưới thì mình với con em mới dụi mắt rồi nhảy cẫng lên, sau đó thì làm mấy động tác ăn mừng như hai con hâm. Niềm vui đến bất ngờ quá, chẳng biết có phải mơ không. Ngay cả khi Lahm giơ cao cúp vô địch rồi mình cũng chỉ biết cười mà chẳng nhỏ được giọt nước mắt nào.
Thế mà đọc tin Lahm tuyên bố chia tay đội tuyển mình lại thấy mắt nhòe cả đi…
World Cup 8 năm về trước, một đứa mà thường ngày vẫn hay ấm ức nhà đài chiếu bóng đá lấn cả giờ xem phim chưởng của nó lại háo hức mỗi khi nghe giai điệu “Bambooo ô ố ồ ô” trên TV, rồi còn thuộc làu những đoạn giới thiệu bình chọn tiền đạo, thủ môn xuất sắc nhất …(đại loại như: “Đội chủ nhà trông chờ vào những cú sút sấm sét của Michael Ballack”, “Liệu ảo thuật gia Ronaldinho có làm nên điều thần kì”, rồi “Buffon - hoa mỹ nhưng hiệu quả” …). Mà nói thật, hồi bé, đứa con gái quái nào chả xem bóng đá vì trai đẹp. Mình thì xem đầu tiên là vì bị cuốn theo không khí sôi động của WC, sau rồi mới bị báo HHT đầu độc cho ngắm giai đẹp. Trên báo người ta bảo hot nhất WC mùa này là anh Kaka với lị anh Roque Santa Cruz (Paraguay), nhưng mình thấy 2 anh này nhạt nhẽo chết, chỉ được mỗi body và mặt đẹp. Cho đến một hôm, mình mở kênh Eurosport News ra xem thì thấy người ta phỏng vấn một anh trông bé tí xíu à, mặt thì non búng, mắt to và sâu, mồ hôi vẫn đang nhễ nhại, mặt đỏ gay. Mình thấy hay hay nên liếc qua cái tên: “Philipp Lahm”. Ừ nhìn biết thế thôi, rồi lại quên ý mà. Tận mãi sau mới biết thì ra chính anh là cầu thủ ghi bàn đầu tiên trong trận khai mạc, rồi thi đấu rất hay bên cạnh những Podolski và Schweinsteiger, dù năm đó Đức chỉ về thứ ba. Từ đấy cũng thuộc tên Lahm luôn. Đến lớp các bạn hỏi xem bóng đá không cũng đáp có, hỏi thích ai thì vênh mặt lên tự hào đáp Philipp Lahm (dù cho nhiều đứa hồi đó còn hỏi Philipp Lahm là thằng nào??) Một lần tan học ra cổng trường thấy có người bày bán poster cầu thủ, mình cũng sà xuống bới bới xem xem =)) Và vô cùng bất ngờ khi thấy ảnh của Lahm. Mình thích lắm nhưng vì hồi đấy "hoàn cảnh" nên cũng không mua được. Hết WC, có lần bạn rủ ra “net” lần đầu. Mấy đứa ngồi đần thối, may mà có một đứa biết chút ít, bảo vào Google đi, tìm được nhiều thứ lắm. Thế là mình mới dần mò mẫm ra được thông tin về Lahm, rồi tìm được mấy cái ảnh của anh mà lòng mừng húm.
Euro 2008, lại một mùa hè nhiều cảm xúc, mình bắt đầu chính thức thành fan của Đức. Năm ấy, Lahm và đồng đội phải ngậm ngùi nhìn ngôi vương thuộc về Tây Ban Nha sau bàn thắng quyết định của Torres. Hồi đấy tiếc cho Đức thật, nhưng có lẽ đội tuyển chưa đạt đến độ chín cần thiết.
2 năm sau tại Nam Phi, mình được chứng kiến một đội hình trẻ hóa toàn diện, với những gương mặt mới như Özil, Müller. Lần này, Đức thể hiện một phong cách chơi rất mới, vừa kỉ luật, vừa khôn khéo, thông minh, biết tận dụng cơ hội. Nhưng có lẽ thời cơ chưa đến nên Đức lại về ba. Nhìn vào đội bóng ấy (mà băng đội trưởng lúc đó đã được trao cho Lahm), cái cách họ thi đấu, cách họ ngẩng cao đầu và vui vẻ lên bục nhận giải ba, mà mình có một niềm tin mãnh liệt vào một chức vô địch sẽ không xa.
Euro 2012 lại là một lần lỡ hẹn nữa của Đức. Mình không có cơ hội được theo dõi từng bước đi của đội tuyển, nhất là từ những trận đấu loại trực tiếp. Chỉ biết khi nghe tin Đức thua Ý ở bán kết mà đêm đó mình nằm suy nghĩ và khóc vì không biết đến bao giờ thế hệ của Lahm và Schweini mới được nâng cao cúp vô địch, điều mà họ xứng đáng được hưởng sau ngần ấy nỗ lực.
Thật chính xác khi đánh giá rằng con đường đến với chức vô địch năm nay của Đức không chỉ là 7 trận đấu tại Brazil mà là cả quá trình gây dựng 8 năm kể từ đợt cải tổ của Jürgen Klinsmann. Và những người xứng đáng được hưởng thành quả này nhất chính là thế hệ vàng của những Klose, Lahm, Schweinsteiger, Podolski, Mertesacker.  
Lahm là tiêu biểu của một thế hệ mang đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, cống hiến một thứ bóng đá đẹp và hiệu quả, đồng thời mang một “tinh thần thép”, thứ giúp họ đứng lên sau mỗi lần thất bại. Lahm còn là điểm mấu chốt gắn kết toàn bộ 11 con người thành một tập thể đoàn kết và chơi rất ăn ý. Anh không phải là mẫu đội trưởng đầy uy lực và hay thích chỉ đạo. Lahm, bằng sự điềm tĩnh và khiêm nhường của mình vẫn chiếm được cảm tình của tất cả đồng đội và đối thủ.

Mình thích Lahm không chỉ vì sự thành công trên sân cỏ. Anh giản dị và kiệm lời, nhưng luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và góp phần phát triển nền bóng đá trẻ của Đức. Người ta không thấy nhiều những quảng cáo, những fanpage hàng chục triệu lượt like, càng không thể tìm được những tin đồn về đời tư của Lahm. Có lẽ chính sự “khác người” ấy trong cái thế giới bóng đá đang ngày càng bị thương mại hóa đã khiến anh có được sự tôn trọng của nhiều người.  
Quyết định từ giã sự nghiệp quốc tế ở tuổi chưa tròn 31 là một quyết định có phần bất ngờ đối với nhiều người. Nhưng cũng dễ hiểu khi anh chọn thời điểm ra đi ngay sau khi cùng đội nhà giành chức vô địch World Cup, một lời tạm biệt không thể mỹ mãn hơn. Người ta vẫn thường bảo ra đi ở đỉnh cao sự nghiệp là lựa chọn khôn ngoan nhất, nhưng không phải cầu thủ nào đang ở đỉnh vinh quang và còn cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia đến vài năm nữa cũng dám làm. Bây giờ mình đã hiểu vì sao người ta lại hay hoài cổ về những thời của Pelé, Beckenbauer hay Baggio. Sau này khi kể lại cho con cháu, mình cũng sẽ nói không ngớt về cái thời mà Lahm đã cùng tuyển Đức vô địch World Cup ngay trên đất Nam Mỹ :))
 Số áo 16 sẽ được tạm thời hoặc mãi mãi cất đi, nhưng những dấu ấn mà người đội trưởng nhỏ con và kiên cường ấy để lại sẽ không bao giờ bị quên lãng. Mình rất thích câu chuyện này: Một cầu thủ trẻ của đội Đức kể lại, trên chuyến bay đến Nam Phi để tham dự World Cup năm 2010, anh thấy rất bồn chồn, lo lắng. Bất giác, anh quay sang nhìn đội trưởng Philipp Lahm, và tìm được trong ánh mắt sáng ngời ấy một sự an tâm và thanh thản đến kì lạ.
Từ nay chúng ta sẽ không còn được thấy những bước chạy thoăn thoắt, những đường chuyền tinh tế và chính xác của Lahm trên sân cỏ mỗi dịp Euro, World Cup, nhưng chắc chắn ánh mắt đầy niềm tin và sức mạnh năm nào sẽ luôn dõi theo đội nhà trong từng trận đấu. Anh chia tay đội tuyển đơn giản vì anh đặt niềm tin vào đồng đội, vào những thế hệ tiếp nối của die Nationalmannschaft.
10 năm một chặng đường