Phiếu bé ngoan nên hay không?
Phiếu bé ngoan nên hay không?
Phiếu bé ngoan là hoạt động đã in vào ký ức của nhiều thế hệ. Hiện nay, vẫn được duy trì. Và có nhiều trường đã bỏ, thay thế bằng các hình thức khác.
Các con được phát phiếu bé ngoan cuối tuần trước khi về. Cách trao tặng phiếu bé ngoan, trong những năm tháng thực tập ở hệ thống trường công lập và làm tại các trường tư thục, mình chưa thấy môi trường nào cho trẻ con ngồi quây quần, nói chi tiết về điểm tốt của con trong tuần để phát phiếu bé ngoan.
Mình chưa gặp, không có nghĩa là nó không diễn ra. Nhưng nó thể hiện sự chưa đồng bộ trong cách triển khai ghi nhận hành vi của trẻ trong quá trình sinh hoạt.
Bằng cách sử dụng phiếu bé ngoan, người lớn hoàn toàn có thể định hướng lối cư xử tử tế cho trẻ, khích lệ các hành vi tốt đẹp và hạn chế hành động chưa đúng mực.
"Trẻ em luôn tốt, chỉ có hành vi là cần điều chỉnh" - nên, tại sao chúng ta lại phải tuần nào cũng khen một thứ luôn tốt? Việc khen chi tiết vào đúng hành vi của con lúc đó sẽ có hiệu quả tích cực hơn. Giúp con cảm thấy được lắng nghe và ghi nhận nhiều hơn.
Những lời nhận xét, góp ý của người lớn đều có tác động nhất định đến hành vi của trẻ. Tuy nhiên, để điều chỉnh hành vi của trẻ theo hướng tích cực thì những lời nhận xét này cũng phải mang tính xây dựng.
Nếu làm qua loa, hoặc coi nó chỉ là một phần thưởng để điều hướng trẻ theo ý người lớn, thì việc này thực sự nên dừng lại.
Mình đã nghe những câu chuyện về phiếu bé ngoan như là:
- Trẻ con sang nhà hàng xóm, bạn nhà hàng xóm có phiếu bé ngoan, mình không có phiếu bé ngoan nên cứ đòi nằng nặc.
- Các bạn không nhận được phiếu bé ngoan, nói với bố mẹ là bạn A hư hơn con mà vẫn được nhận bé ngoan bố ạ.
- Cô giáo bảo là nếu con không nghe lời cô thì không được nhận phiếu bé ngoan...
Câu chuyện về chiếc phiếu bé ngoan, đã không còn nguyên bản là sự ghi nhận nhưng hành vi tốt đẹp của bé nữa. Việc động viên, khen ngợi trẻ cũng không hề đơn giản mà luôn cần được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng để con hiểu rằng: việc con đang làm là tốt cho con tới đâu, đang giúp đỡ người khác như thế nào…
chứ không phải là: cố gắng làm để được khen, làm để người khác ghi nhận.
Trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu được ghi nhận, được quý trọng là con người, thì ai cũng có.
Nhưng nếu chúng ta khen chung chung, khen quá liều. Lời khen đó lại khiến trẻ quên mất giá trị thực sự hành động đó của con. Chúng ta thúc đẩy khiến bé coi phiếu bé ngoan như một dạng phần thưởng, là mục tiêu làm việc của con, lúc này, chúng ta đã khiến trẻ làm việc không phải vì nhu cầu của bản thân nữa, con đang làm việc cho phần thưởng kia.
Con học, con làm vì tờ phiếu bé ngoan, vì phần thưởng, vì bằng khen thì lớn hơn nữa, phần thưởng sẽ to như nào mới đáp ứng được những kỳ vọng của con? Lúc này, những câu ghi nhận chi tiết vào hành vi của con đã làm, có lẽ đã không còn đủ với bé nữa!
Hành trình của các trường mầm non để bỏ đi tờ phiếu này, không dễ dàng chút nào. Nó giống như là đang bỏ một thói quen vậy. Không phải phụ huynh nào cũng chấp nhận điều này.
Mình có một chị bạn mở trường, chị rất cố gắng đem kỷ luật tích cực tới ngôi trường đó. Cùng giáo viên có nhiều buổi đào tạo về khen - chê - thưởng - phạt...để làm những thứ ý nghĩa và thiết thực cho bọn trẻ hơn.
Nhưng việc bỏ đi một thói quen là không dễ dàng. Phụ huynh hiểu lý do, thì chưa chắc bố mẹ nhà hàng xóm sẽ hiểu. Chưa kể em bé đến nhà nào chơi cũng thấy dán nhiều phiếu bé ngoan trên cửa. Ai cũng có mà mình không có?
Để “dĩ hoà vi quý” “thích nghi” được với điều này, năm học tới trường chị sẽ có các loại bé ngoan theo từng nhóm hành vi. Cuối tuần, cô trò sẽ quây quần để cùng ghi nhận với nhau về những điều tích cực mà bé đã làm và trao tấm phiếu bé ngoan theo dạng hành vi đó.
Trải nghiệm về Phiếu bé ngoan của các bạn như thế nào? cùng chia sẻ nhé
--------------------------
Hương Nguyễn Montessori 
Cô giáo yêu trẻ con, đam mê học hỏi và ứng dụng những phương pháp giáo dục tiên tiến vào quá trình đồng hành cùng con trẻ.
Tôi mong muốn tất cả các ba mẹ đều trở thành những người đồng hành hạnh phúc bên con, hỗ trợ con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Kinh nghiệm làm việc:
- Hiệu trưởng trường mầm non Quốc tế FTF;
- Cố vấn chuyên môn mở trường, chuyển đổi sang phương pháp Montessori (Bill Gates Thái Bình, Helios Montessori Preschool, PNN Preschool...);
- Phụ trách chuyên môn chương trình giáo dục tại gia đình POH Acti;
- Nguyên hiệu phó chuyên môn trường mầm non Casa Dei Picconi (CS NNKT);
- Cựu đồng sáng lập công ty cổ phần giáo dục Kidstime.