Bước qua những giai đoạn thử thách nhất của tuổi trẻ, tôi dần hiểu được rằng: trải nghiệm nào cũng có những giá trị riêng, kể cả những trải nghiệm khó khăn nhất.
Những khó khăn ấy tìm đến, không phải chỉ để làm mình tổn thương. Cho dù đó có thể là những nỗi đau đến tận cùng, nhưng khi những tháng ngày ấy được dòng chảy thời gian cuốn xa dần, thứ còn để lại trong mình là những bài học.
Dù thể xác đã lớn tới đâu, tâm hồn chúng ta vẫn là những đứa trẻ. Và cũng như những đứa trẻ, vấp ngã rồi mới biết cách đứng dậy, chúng ta chịu tổn thương là để học cách tự chữa lành. Sự trưởng thành, phải cần đến chất xúc tác là gian truân.
Con người mình ở phía bên kia nỗi đau, sẽ là một con người khác: một người đã vượt qua bài kiểm tra của số phận, đã biết cách bảo vệ mình khỏi những điều gây tổn thương, và đã biết tự thắp lên bên trong mình ánh sáng.
Mình lúc ấy sẽ tiếp tục hướng về phía trước, vì dù chông gai có làm mình trầy xước, mình vẫn mỉm cười và nói: “rồi sẽ lành lại được”.
Như nhà tâm lý Carl Jung từng viết:
“Không ai có thể ngã xuống thấp đến vậy, trừ khi tâm hồn họ có một chiều sâu đáng kể. Nếu chuyện này xảy đến với ai, nó sẽ thách thức những gì cao đẹp nhất của họ ở phía đối diện.
Điều ấy có nghĩa: đáy sâu ấy đối xứng với một đỉnh cao tiềm năng, và bóng đêm đen tối nhất tương ứng với một nguồn sáng tiềm ẩn”.
Vậy nên, đừng sợ rằng mình sẽ bị nỗi đau khuất phục. Vì đó có thể là tiền đề cho một tiến trình thay đổi.
Mưa sẽ tạnh, mây sẽ tan, và thời gian rồi sẽ vẽ lên màn trời vệt nắng.