Tình yêu – lực hút hay lời biện minh?
Vài năm gần đây, tôi lại hay băn khoăn với câu hỏi: “Tình yêu là gì?”. Trong cuộc sống vốn nhiều nhân duyên kỳ lạ nhưng lại cũng lắm ràng buộc đủ đường, liệu tình yêu có phải là cứu cánh tối thượng cho con người, hay chỉ là lời biện minh muôn thuở?
Tình yêu – điều được quan tâm nhiều nhất, ca tụng trong thi ca, hội họa, điện ảnh, … vậy mà dường như vẫn chưa có một định nghĩa nào được xem là phổ quát. Chúng ta hãy thử hình dung một tình huống quen thuộc như sau: hai người – một nam, một nữ – tình cờ gặp nhau và bị cuốn hút bởi một lực lượng vô hình. Cảm xúc, tâm trí và cả thể xác của họ dần bị hút về nhau. Họ khao khát được ở gần, được thấu hiểu, được sẻ chia sâu sắc. Vậy, đó có phải là tình yêu?
Trường hợp thứ nhất: nếu hai con người ấy hoàn toàn tự do, không vướng bận bất kỳ rào cản nào – thì có lẽ lực hút mãnh liệt kia chính là biểu hiện của tình yêu. Đó là động lực vô hình kết nối hai nửa đối lập, âm và dương, đưa họ đến gần với sự hợp nhất tuyệt đối – trạng thái mà có người cả đời khao khát được một lần chạm tới. Tôi đoan chắc rằng, rất nhiều người trong số chúng ta, dành cả thanh xuân để đi tìm kiếm thứ tình yêu đó, cái lực hút bí hiểm nhưng mạnh mẽ vô cùng đó.
Trường hợp thứ hai: nếu hai nhân vật ấy đã có gia đình, đã ràng buộc bởi tình cảm, luật pháp, và là cha mẹ của những đứa trẻ – thì lực hút đó có thể trở thành tâm điểm của một phiên toà đạo đức trong tâm trí. Nó có thể bị xét xử, bị kết luận là dục vọng, là đam mê nhất thời, là sự thiếu kiểm soát.
Tình huống này khiến tôi liên tưởng đến thí nghiệm lừng danh trong vật lý lượng tử – thí nghiệm khe đôi. Khi ánh sáng đi qua hai khe, nó tạo nên mô hình nhiễu xạ như sóng. Nhưng chỉ cần đặt máy quan sát để nắm bắt khoảnh khắc từng hạt photon đi qua, ánh sáng lại biểu hiện như một hạt. Tức là, hành vi của ánh sáng thay đổi chỉ vì nó bị quan sát. Có thể tình yêu cũng như vậy. Lực hút kỳ lạ giữa hai con người, khi bị “soi chiếu” bằng một lăng kính nào đó – luân lý, đạo đức, xã hội – thì ý nghĩa của nó sẽ thay đổi. Tình yêu, như ánh sáng, có thể mang tính hai mặt: vừa kỳ diệu, vừa đầy rủi ro. Nó có thể nâng con người lên, hoặc có thể làm tổn thương những người liên quan và cả chính người trong cuộc.
Và đó chính là những gì đã xảy ra trong tác phẩm: "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời", khi nhân vật chính của chúng ta không chỉ một mà tới ba lần hội ngộ với lực hút đó. Một lần trong số đó đã dẫn tới một đám cưới, một gia đình hạnh phúc và viên mãn. Và một lần khác thì xảy ra ngay sau sự viên mãn nói trên.
Vậy thì, nếu lực hút đó đúng là tình yêu, thì tình yêu có sai không, nếu nó đồng nghĩa với những sự phá vỡ những mối liên kết về hôn nhân, gia đình trước đó, nếu nó được thành toàn dựa trên tổn thương của người khác. Ngược lại có ý kiến cho rằng, cố gắng lờ đi cảm xúc trong lòng cũng vô ích, vì cái gì bị dồn nén thì lại mạnh thêm, trực chờ để gây ra sự mâu thuẫn nội tâm.
Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng vũ trụ không sắp đặt bất kỳ điều gì một cách ngẫu nhiên. Trong tình huống thứ hai, liệu có một cách nào để vẹn toàn? Tôi nghĩ rằng, đó là lúc con người bước vào một bài học nâng cao – học yêu thương mà không đòi hỏi sở hữu, học cách yêu vô điều kiện.
Krishnamurti từng nói: "Tình yêu là khi không còn cái tôi nữa." Và trong một quyển sách tôi đang đọc gần đây, có một nhận định gợi nhiều suy ngẫm: "Nếu bạn không đủ yêu chính mình, bạn sẽ luôn kiếm tìm tình yêu ở bên ngoài."
Vậy có lẽ, tình yêu đích thực không phải là nắm giữ, mà là cho đi. Là yêu theo cách của linh hồn – không còn phân biệt khoảng cách của không gian hay thời gian. Là cảm giác ở bên nhau, kể cả khi không thể bên nhau.