Chiều nay, chúng tôi ra biển.
            Mẹ ngồi trên cát, đưa đôi mắt nhìn về phía chân trời.
            Vì đã xế chiều nên trời cũng chuyển màu. Nó như một bức tranh.
            Với gam màu cam làm chủ đạo, phớt thêm vài sắc đỏ nhẹ và vàng chanh, điểm chút trắng xóa của mây trời, tạo nên một bức tranh đẹp đến xiêu lòng.
            Nhưng mẹ không nghĩ thế.
            Mẹ bảo:
            “Hoàng hôn cũng giống như những dấu chân trên cát. Tồn tại được một chốc thì bị sóng biển đánh tan. Hoàng hôn cũng vậy, bị thời gian làm cho biến mất.”
            Tôi thấy lạ, hỏi:
            “Nhưng hôm sau, hoàng hôn cũng xuất hiện trở lại mà mẹ?”
            Mẹ cười, dùng ánh mắt triều mến nhìn tôi, bảo:
            “Đấy chỉ là cái cảnh, còn hồn thì mất rồi. Cảm xúc cũng theo đó mà đi luôn.”
            Tôi không hiểu. Định hỏi lại thì mẹ nói tiếp:
            “Mẹ sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, mai mốt chết thì cũng chôn ở đây. Mỗi ngày đều thấy nó. Đều ngắm nó. Thành ra cũng chán. Cũng giống như đến một giai đoạn nào đó, khi con trải qua quá nhiều giông tố và bão táp, trái tim nhỏ bé của con sẽ trưởng thành. Nó trở nên cứng cáp, nhưng là quá cứng, cứng đến nỗi... chẳng thể thấu được cảnh đẹp.”
            Tôi ngẫm nghĩ.
            Ừ cũng đúng. Cuộc đời mẹ đã có quá nhiều sóng gió rồi.
            Mẹ kể, hồi xưa mẹ có yêu một anh.
            Nghe mẹ tả thôi cũng đủ biết, mẹ yêu anh đến nhường nào.
            Nào là khuôn mặt trái xoan, đôi mắt ánh lên sự dũng cảm, kiên cường. Mái tóc suôn mượt, đen bóng. Gò má cao, mũi cũng cao nốt. Đặc biệt là nụ cười, lúc nào cũng tỏa nắng,...
            Nhưng khổ nỗi, đó là thời chiến – nơi có biết bao cuộc tình đẹp đẽ vỡ tan.
            Mẹ cũng thế.
            Mẹ kể, ngày anh dứt áo ra đi, mẹ khóc rất nhiều. Chia xa, mẹ tặng anh một cái khăn quàng cổ để giữ ấm, kèm theo một bài thơ:
“Này anh ơi! Khi đi nhớ bảo trọng
Đừng có buồn, khi tình mình vỡ đôi
Hãy chiến đấu, thật anh dũng, kiên cường
Ở nơi đây, vẫn có một người thương
Nơi sa trường, mong anh hãy cố gắng
Cố gắng... đánh chết bọn quân thù
Và cố gắng... đừng chết...
... anh nghe!”
Mẹ ở hậu phương, gửi tiền tuyến những hạt gạo trắng thơm.
Mỗi ngày của mẹ gắn liền với cái nóng nơi đồng lúa; đôi khi mẹ lại may quần áo, mùng, mền, võng cho các chiến sĩ, và cho anh.
Sau đó, mẹ nghe tin anh chết.
Mẹ buồn.
Mẹ chìm trong những đêm dài ướt đẫm bờ mi. Mà không phải đêm nữa, cả sáng, trưa, chiều, tối, mẹ vẫn không thôi giọt lệ tràn.
Nhưng rồi mẹ cũng vượt qua.
Mẹ quyết định ở vậy. Đợi đến ngày xuống dưới với anh.
Mẹ bảo, anh và mẹ sẽ trở thành hai đóa hoa xinh đẹp (đẹp nhất luôn), được Thượng Đế đem trồng canh nhau, trưng trong vườn địa đàng của mình.
Dù cho bị cha mẹ phản đối, mẹ cũng mặc kệ.
Ít lâu sau, chiến tranh kết thúc. Cả nước vui. Mẹ cũng vui.
Nhưng vui chưa được bao lâu, mẹ lại buồn.
Buồn vì khổ quá! Cái nghèo cứ đeo bám Việt Nam mãi. Liên tiếp mấy năm hạn hán nên trồng lúa không ra tiền. Thế là mẹ đi lụm ve chai.
Vậy là mẹ lụm được tôi (ở bãi rác).
Mẹ bảo là hồi đó tôi còn nhỏ xíu, không rõ mấy tháng. Mẹ lấy họ mẹ là họ Đoàn (Đoàn Ngọc Lệ), lấy tên người mẹ thương ngày trước (Hùng Dũng), ghép lại thành tên tôi – Đoàn Hùng Dũng. Những lúc tôi khát sữa, mẹ biết lấy đâu ra. Mẹ chạy qua nhà hàng xóm xin thì bị từ chối, nếu không chịu đi thì người ta đánh, người ta đá. Rồi những lúc trở trời, gió lùa qua căn nhà mái lá, lạnh đến thấu xương. Mẹ nằm ôm tôi, ru:
“Ầu ơ... dí dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi...”
Hồi còn ba, bốn tuổi, tôi vẫn còn hồn nhiên, chưa hiểu hoàn cảnh gia đình. Tôi ngây ngô hỏi:
“Tại sao nhà mình lại nghèo vậy hở mẹ?”
“Tại sao con không có con xe này vậy hở mẹ?”
“Mẹ ơi, con muốn ăn cá, được không hở mẹ?”
...
Tôi không rõ những lúc ấy, mẹ như thế nào, nhưng chắc mẹ cũng buồn. Nhưng chỉ chút thôi. Bởi mẹ là một người phụ nữ mạnh mẽ (nhất).
Lúc nhặt tôi về, mẹ bỏ ngoài tai những lời dị nghị, không thèm đếm xỉa đến cái nghèo vẫn còn bám chặt.
Mẹ yêu thương tôi như thể tôi là con ruột.
Ở tuổi tứ tuần (mẹ nhặt tôi lúc mẹ 38 tuổi), mẹ vẫn còn lam lũ, vẫn phải làm việc vất vả ngày đêm để cho tôi miếng ăn. Không lụm ve chai thì trong làng, có ai kêu gì thì làm nấy. Tôi cũng đi theo, bởi ở nhà thì ai trông. Mẹ lo!
Những lúc tôi buồn, khóc vì chẳng được món này món kia. Mẹ lại chỉ vào cái xe đạp, xoa đầu tôi:
“Đời người giống với chiếc xe đạp này vậy đó con. Nếu cứ chạy mãi, chạy mãi mà không chăm sóc thì chỉ có vứt. Con cũng vậy. Chạy mãi, đi mãi, rồi cũng sẽ có lúc mỏi mệt. Những lúc ấy, con cần nghỉ ngơi, chứ không phải là chạy tiếp. Đừng cứ mãi đuổi theo vật chất, thú vui, mà quên mất, cái con cần nhất là một tâm hồn bình an. Còn những cái kia (đồ chơi, bạn bè,...) cũng sẽ tự động đến với con mà thôi.”
Mẹ là thế. Rất thích so sánh.
Tuy có hơi khập khiễng, nhưng tôi thích, và yêu. Như yêu mẹ vậy. (ha ha)
Sau đó, tôi lớn lên.
Hiểu dần cái khổ của đời, của mẹ và của tôi.
Tôi muốn được đứng trên sân cỏ, phá tung lưới đối thủ và đem vinh quang về cho đất nước.
Mẹ ủng hộ.
Nhưng ngặt nỗi, tôi không có tài, họ bảo thế. Họ bảo là tôi vô dụng, đá có được mấy trái mà cũng đòi thi đấu.
Tôi buồn, tôi lại khóc.
Và rồi, mẹ lại so sánh:
“Này con, con có thấy mặt trăng kia không? Chẳng ai thèm ngắm nó. Chỉ ngắm bình minh và hoàng hôn. Đến lúc nó lên, nó bị rơi! Nhưng nó vẫn sống. Vẫn ở đấy. Bởi nó biết, nó có ích. Nó đẹp theo cách riêng của nó. Nó biết là nó đem ánh sáng đến khi trời hạ màn đêm, đem cái nóng nực ban ngày thành hơi mát của buổi đêm. Con cũng thế. Cũng sẽ đẹp theo cách riêng của mình. Con! Không vô dụng. Con! Có ích. Nếu con cảm thấy buồn, thì có mẹ đây rồi. Mẹ sẽ là bầu trời đầy sao ôm trọn lấy con, vỗ về con. Vậy nên, đừng buồn nữa nhé, con trai.”
“Dạ.”
Thấm thoắt qua bao năm, tôi cuối cùng cũng đã đứng trên sân cỏ thi đấu. Đó là nỗ lực của tôi, và cũng là tình thương của mẹ.
Vào năm 2000, tôi 25 tuổi, có trong tay là sự nghiệp, có tiền, có bạn gái, có địa vị.
Vậy mà... nó lại đến. Tai nạn.
Vào năm 2003, một cầu thủ 28 tuổi, bị xe tông gãy xương. Cụ thể là ở chân.
Tôi buộc phải để sự nghiệp sang một bên để chữa bệnh.
Lúc đó tôi rất buồn, nhưng không khóc. Vì tôi có mẹ.
Mẹ đem đến cho tôi sự ấm áp, bảo vệ tôi khỏi sự lạnh lẽo của bệnh viện, khỏi những u ám và thảm thương...
Sau đó thì tôi hồi phục. Đã đứng vững và đi lại được rồi.
Nhưng người ta không còn tin tưởng tôi nữa. Họ bảo di chứng từ vết thương có thể ảnh hưởng đến thi đấu, vậy nên... “Về đi!”
Những tiếng cổ vũ của khán giả, màu áo đỏ trên người, giờ đã ở lại mãi phía sau. Tất cả chỉ còn là ánh hào quang một thời.
Nhưng không sao. Tôi còn có mẹ mà.
Đời như chiếc xe đạp, chạy mãi mà chẳng chịu dừng thì chỉ có chết. Quan trọng là bình an.
Tôi và mẹ mở một quán hủ tiếu nho nhỏ. Đặt tên là Bình An – nơi mọi người rũ bỏ phiền muộn để thưởng thức tô hủ tiếu nóng hổi.
Quay trở về thực tại, mẹ vẫn ngồi đó.
Một cơn gió thoảng qua, hất mái tóc mẹ bay lên nhuộm màu nắng.
Mẹ tức cảnh sinh tình:
“Chiều xế tà, đung đưa nhịp cảm xúc
Gió mong manh, lay hàng dừa xanh thẫm
Họa chút buồn, vào sóng biển mây trôi...”
Tôi quay sang nhìn mẹ, không phải là ánh mắt đượm buồn như những lúc tôi nhìn mẹ nữa, đôi mắt ấy long lanh đến lạ thường. Phải chăng mẹ... đang hồi xuân?
Tôi không biết. Và cũng chẳng muốn biết. Mẹ sẽ vẫn là mẹ, dù già hay trẻ.
Rồi đột nhiên, mẹ nở một nụ cười, đưa ra phép so sánh cuối cùng:
“Con có thấy đằng xa xa kia không? Đó là sóng biển. Chúng bắt đầu từ một nơi nào đó trên đại dương, bị cơn gió cuốn về đất liền. Chúng cứ lặn ngụp, lặn ngụp. Mỗi lần lặn xuống, chúng tan ra thành bọt biển, rồi chỉ trong giây lát, chúng lại trồi lên. Con cũng phải như thế. Dù đời nó có đập vào mặt con những gì, thì cũng không được khuất phục. Con được quyền khóc, buồn, được quyền nghỉ một chút. Nhưng hãy nhớ, đó chỉ là một chút. Ngả lưng xong rồi thì phải biết đứng dậy. Không là con sẽ mãi mãi chìm sâu vào đại dương đó nghe không?”
“Dạ.”
Mẹ tôi thường hay dùng những phép so sánh như thế để dạy tôi.
Có những phép rất hay, cũng có phép nghe không được thuận tai. Nhưng tôi yêu nó. Tôi! Trân trọng nó.
Và cũng thật bất ngờ, phép so sánh ở bãi biển khi ấy, lại là phép so sánh cuối cùng.