Con người và thiên nhiên, ngôn ngữ điện ảnh của tính dục và yếu tố Thần đạo trong phim “Wood job!” (2014)
Ngay từ tựa phim “Wood job!” (hay tên đầy đủ theo tiếng Nhật là “Wood job! ~ Những chuyện vụn vặt tại xã Kamusari” ) chúng ta có...
Ngay từ tựa phim “Wood job!” (hay tên đầy đủ theo tiếng Nhật là “Wood job! ~ Những chuyện vụn vặt tại xã Kamusari”) chúng ta có thể thấy rõ chủ đề và thể loại của bộ phim mang lại. Mượn lối chơi chữ trong cách phát âm, “wood job” có cách đọc gần giống với cụm “good job”. Dựa trên tiểu thuyết “Easy life in Kamusari” của nhà văn Shion Miura, năm 2014 đạo diễn Shinobu Yaguchi tạo ra tác phẩm hài – chính kịch lấy đề tài lâm nghiệp làm chủ đề. Lối chơi chữ trong cách đặt tựa đề này tạo nên hai sự thú vị:
Thứ nhất đó là về chủ đề mà tác phẩm khai thác. Thực tế, ngành lâm nghiệp là một trong số ít những ngày được xuất hiện trên điện ảnh. Chủ yếu lượng thông tin chúng ta nắm được về công việc này chỉ dừng lại ở mức độ hiểu biết trong quá trình sản xuất hay những tác dụng của nó đối với đời sống của con người. Nói một cách chính xác hơn, chúng ta hiểu những tác dụng mà những cây gỗ mang lại đối với những vật dụng và đồ dùng trong đời sống, tuy nhiên lại thiếu đi cái nhìn tổng quát về ý nghĩa ngành nghề hay cuộc sống của những người thợ và những kỹ sư lâm nghiệp.
Điểm thú vị thứ hai nằm ở cách chơi chữ trong tựa phim. Ở đây tôi sẽ tóm lược ngắn gọn và đơn giản về ba khuynh hướng chính thường thấy nhất trong việc đặt tên cho tác phẩm như sau:
- Khuynh hướng thứ nhất đó là tựa phim có tính bao quát lên chủ đề bộ phim muốn hướng tới như việc hành trình trở thành một biểu tượng công lý của nhân vật luôn hoạt động trong bóng tối như Batman trong tựa phim The Dark Knigh (2008), hoặc bối cảnh chính diễn ra trong cả bộ phim như Jurassic Park (1993).
- Khuynh hướng thứ hai đó là tên một nhân vật, tính cách nhân vật, một hành động hay một chủ thể mang tính bước ngoặt của cả bộ phim như Terminator (1984), hay việc trở thành phù dâu cho cô bạn thân với mục đích thổ lộ tình cảm với cô của anh chàng Thomas trong Made of honor (2008).
- Khuynh hướng thứ ba đó sử dụng những hình ảnh đối lập hoặc một ý nghĩa đối lập, hoặc một lối chơi chữ nhằm khơi gợi nên sự tò mò của khán giả đối với tác phẩm. Một số tác phẩm có tựa phim đáng lưu ý ở đây tiêu biểu như She’s the man (2006), hay Blue is the warmest color (2013).
Việc sử dụng lối chơi chữ trong cách phát âm gần giống nhau giữa “wood job” và “good job” đã tạo được yếu tố tò mò nhất định đối với khán giả với một đề tài hoàn toàn xa lạ như lâm nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể giả định về cuộc hành chính của nhân vật chính trong công việc liên quan tới lâm nghiệp mà anh ta hoặc cô ta làm trong phim. Đó có thể sẽ là một motif quen thuộc về cuộc hành trình khám phá giá trị bản thân và được những người xung quanh công nhận. Sự giả định của khán giả và yếu tố tò mò xuất phát thuần túy từ tên tác phẩm là một trong những yếu tố lôi kéo sự chú ý của người xem đối với chính tác phẩm khi được công chiếu. Có thể nói, đạo diễn Shinobu Yaguchi đã khá thông minh trong việc sử dụng lối chơi chữ này và hoàn toàn loại bỏ tựa gốc khá tẻ nhạt mang tên “Easy life in Kamusari” của nhà văn Shion Miura.
Bộ phim có một cốt truyện đơn giản, về nhân vật Yuki Hirano sau khi trượt đại học đã quyết định tham gia chương trình huấn luyện lâm nghiệp tại một vùng núi xa xôi. Dần dần, từ một anh chàng thành phố có phần yếu đuối và bất cần đời, Hirano đã học được cách tôn trọng thiên nhiên, quý trọng sức lao động và tinh thần văn hóa dân tộc đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Tất nhiên, nếu tóm tắt lại nội dung của tác phẩm, chúng ta sẽ nhận thấy đây là một tác phẩm chính kịch có phần nghiêm túc và tương đối nhàm chán. Song yếu tố hài hước lại thường xuyên xuất hiện và duyên dáng. Đầu tiên ta cần nói tới lý do lựa chọn ngành nghề của nhân vật Hirano cũng kỳ quặc khi anh ta lựa chọn công việc vì thấy một người phụ nữ hấp dẫn trên một tờ rơi quảng cáo việc làm. Điều này giúp chúng ta nhận ra Hirano là một chàng trai đang vô cùng tuyệt vọng (mặc dù trước đó anh ta khá vui vẻ), đồng thời anh ta cũng không thực sự hiểu công việc này là gì. Từ đây khán giả tiếp tục đặt giả thiết về những khó khăn mà nhân vật Hirano có thể sẽ gặp phải trong tương lai. Điều này khiến bộ phim trở nên thú vị khi chính chúng ta – cũng giống như Hirano – cũng không thực sự biết những gì đang chờ đợi trong những khu rừng.
Có hai yếu tố được đạo diễn Shinobu Yaguchi thực sự lưu tâm trong tác phẩm này:
- Thứ nhất đó là hành trình khám phá bản thân của nhân vật Hirano – người đại diện cho những khán giả như chúng ta – đối với ngành lâm nghiệp và sự gắn bó sâu sắc của con người đối với thiên nhiên.
- Thứ hai là yếu tố Thần học của người dân Nhật Bản đối với vạn vật xung quanh.
Phần 1: Hành trình khám phá và thay đổi bản thân của Hirano và sự gắn bó đối với thiên nhiên
Đầu tiên chúng ta sẽ xem xét hành trình khám phá bản thân của Hirano. Như đã nói ở trên, nhân vật Hirano (giờ đây đại diện cho những khán giả) lần đầu tiên tiếp xúc và làm quen với một ngành nghề vô cùng xa lạ. Ban đầu, Hirano hoài nghi về chính mình và có ý định bỏ cuộc, song anh ta vẫn chọn ở lại và hoàn thành khóa huấn luyện. Cuối cùng, Hirano chọn xã Kamusari làm nơi bắt đầu làm việc trong một năm thực tập. Tuy nhiên, cũng giống như cách anh ta tìm đến khóa huấn luyện, sự lựa chọn mang thiên hướng cảm tính này đã dẫn anh tới một làng quê sâu trong rừng, nơi công việc nặng nhọc và thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt – điều mà Hirano không hề lường trước. Dù đầy tính hài hước và trớ trêu nhưng đạo diễn Shinobu Yaguchi cũng không hề có ý định làm cho thiên nhiên hay tính chất công việc trở nên nhẹ nhàng hay hiền hòa trong mắt người xem. Ngay khi lần đầu xuống ga tàu, Hirano đã gặp một con rắn độc (và thực tế gần cuối bộ phim anh ta cũng bị rắn cắn); hay trong khóa huấn luyện kỹ năng sử dụng cưa máy, trong một phút bất cẩn, Hirano đã làm mình bị thương khi chạm tay vào một con dao rựa. Anh ta phải làm việc dưới thời tiết nắng nóng, leo lên những ngọn cây cao trong khi tuyết rơi. Thậm chí Hirano còn bị những con đỉa rừng cắn khi đang vận chuyển một cây tuyết tùng bị đổ chắn ngang đường trong thời tiết mưa bão. Giữa thiên nhiên khắc nghiệt, con người hiện lên vô cùng nhỏ bé nhưng lại có một sức mạnh phi thường. Họ phạt cây mở đường, cắt tỉa những cành lá hư hỏng, nuôi dưỡng một hệ sinh thái khỏe mạnh. Với họ, rừng cây trở vừa là nhà, vừa là nơi họ nuôi dưỡng tâm hồn mình – một tâm hồn không bị vẩn đục bởi những công nghệ hay những xô bồ của cuộc sống. Chính vì vậy khi những người bạn thân của Hirano tới đây, sự cười đùa huyên náo có phần kém duyên của những người trẻ sử dụng công nghệ đã đối lập hoàn toàn với sự tĩnh lặng của rừng cây, sự cần cù im lặng của những người thợ. Thái độ bất kính ấy đã làm Hirano nổi giận và đuổi những người bạn của mình về và đây cũng là khoảnh khắc anh ta nhận ra sự thay đổi trong con người mình.
Hành trình gắn bó với thiên nhiên của Hirano cũng từng bước được hình thành và phát triển khi anh có hành động tiến tới ngửi mùi của những thân gỗ được mang bán đấu giá tại phiên chợ. Điều này kết nối trực tiếp với phân đoạn cuối phim, khi Hirano trở về thành phố trong sự lạ lẫm đầy hoang mang và mùi hương của những khúc gỗ đang được những công nhân sử dụng xây dựng một căn nhà đã dẫn dắt anh. Như vậy, Hirano giờ đây đã không còn sử dụng hình thức nhận diện thông tin qua phương thức nghe – nhìn thông thường mà đã sử dụng khứu giác – một phương thức khán giả không thể nhận diện – để phản ánh sự kết nối tâm hồn anh đối với thiên nhiên.
“Nếu ta chặt hết gỗ của rừng, ta sẽ trở nên giàu có nhưng con cháu của ta sẽ chẳng còn gì”
Seiichi nói với Hirano khi anh thắc mắc tại sao không chặt hết rừng để bán. Sự gắn kết chặt chẽ về giữa con người với thiên nhiên là sự gắn kết mang tính chất cộng sinh. Dưới bàn tay lao động chăm chỉ của con người, những rừng cây ngày càng trở nên khỏe mạnh và sinh sôi phát triển. Và ngược lại, rừng cây cũng là nơi nuôi sống con người.
Phần 2: Quá trình phát triển tình cảm của Hirano và Naoki
Nếu như trong những ngày đầu đến làm việc tại khu rừng, Hirano thường xuyên đếm những ngày anh còn ở lại xã Kamusari, thì khi bộ phim trôi về cuối, anh ta cũng không nhớ bao lâu nữa mình sẽ kết thúc khóa huấn luyện. Việc Naoki (cũng là cô gái trên tờ rơi quảng cáo mà Hirano nhìn thấy) nhắc nhở anh chỉ còn 16 ngày ở lại cho ta thấy sự chuyển dịch giữa tâm hồn của họ. Khi một bên Hirano – người từ đầu đã luôn chối bỏ – đã dần coi nơi này là nhà; và một bên là Naoki (đại diện cho dân làng) – người luôn cho rằng Hirano sẽ sớm rời đi – đã thực sự coi anh là một thành viên của ngôi làng nhỏ này. Đây không chỉ là sự chuyển dịch về mặt nhận thức tâm hồn mà còn là bước ngoặt đánh dấu sự thổ lộ tình cảm thầm kín của Naoki đối với Hirano.
Chuyện tình cảm của Hirano dành cho Naoki cũng là một yếu tố mang tính then chốt của cả bộ phim. Đầu tiên ta cần xét tới yếu tố tự sự về quá trình phát triển tình cảm giữa hai người. Việc Hirano chọn theo nghề kiểm lâm là bởi sự thu hút của hình ảnh của Naoki được sử dụng trên tờ rơi quảng cáo. Bên cạnh đó việc lựa chọn địa điểm làm việc của anh ta tại xã Kamusari cũng do anh nhìn thấy chiếc áo mà cô mặc. Vì vậy có thể nói Naoki chính là động lực để Hirano lựa chọn, nỗ lực và phát triển bản thân mình. Song hầu như nửa đầu của bộ phim chủ yếu ta nhận thấy sự từ chối tình cảm của Naoki đối với Hirano, chính vì vậy hành động khơi gợi lên thời gian còn lại của anh ở lại ngôi làng đã cho khán giả nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt trong tâm hồn của Naoki đối với Hirano. Từ đó, khán giả trở nên thích thú trước phân cảnh khi Hirano rời đi, Naoki đã chạy theo chuyến tàu chở anh và giơ cao chiếc khăn với dòng chữ “I love you”. Giờ đây, Hirano đã không còn là người theo đuổi tình yêu mà ngược lại Naoki đã là người chủ động chấp nhận và đuổi theo tình yêu cô cho là xứng đáng với mình.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ điện ảnh cũng trở thành công cụ đắc lực khi ta nhìn nhận về quá trình phát triển tình cảm giữa hai người. Hầu hết trong những phân cảnh hai người gặp nhau – ngoại trừ lần đầu tiên khi Naoki chở Hirano ra ga tàu và xua đuổi anh – chúng ta đều thấy có sự xuất hiện của yếu tố “nước”. Trong ngôn ngữ điện ảnh, “nước” thể hiện sự hóa lỏng, sự hòa quyện của các cá thể với một chiều không gian và thời gian, từ đó nó có sức mạnh bao trùm lên phân cảnh chi phối nhịp độ của tác phẩm dưới một trạng thái ngầm nhất định. Về mặt bản chất, không phải lúc nào sự xuất hiện của yếu tố “nước” cũng mang tính chất đề cập tới tính dục, tuy nhiên trong một số phân cảnh nhất định, yếu tố nước đã được sử dụng để khơi gợi nên tình cảm giữa hai con người. Để làm rõ vấn đề này ta tiến hành phân tích ba phân cảnh:
Đầu tiên ta xét tới việc lần đầu hai người gặp nhau, Naoki đã bê một chiếc bể thủy tinh rỗng và sau đó khi đến trường học, những cậu bé học sinh đã đổ đầy nước vào bể. Ở đây ta có thể hiểu tình cảm của Naoki đối với Hirano ban đầu thực tế không tồn tại với biểu tượng chiếc bể thủy tinh rỗng, mà toàn bộ tình cảm và tâm huyết của cô đều dành cho lũ trẻ và ở chiều hướng ngược lại đó cũng là tình cảm mà lũ trẻ dành cho cô trong hành động đổ đầy nước vào bể thủy tinh.
Trong phân cảnh tiếp theo khi họ gặp nhau là lúc Naoki mang cơm trưa cho Hirano và Yoki. Thực tế lúc này Hirano và Naoki ngồi ăn bên cạnh một dòng suối. Tất nhiên ở đây ta có thể giả định việc Naoki vẫn chưa thực sự có cảm tình với Hirano, song việc hai người ăn trưa cạnh bờ suối đã cho thấy cô không còn quá xa lạ hay cố gắng chối bỏ anh ta. Sau đó hai người quay trở lại chiếc xe khi cả hai mắc mưa, Hirano đưa Naoki một chiếc khăn lau và họ cãi nhau. Nếu xét theo yếu tố tự sự, hoàn toàn đây là lối trần thuật thông thường và không mang tính chất tính dục trong phân cảnh. Tuy nhiên bởi sự gắn kết của họ đã xuất hiện trong phân cảnh trước đó cho nên việc cả Naoki và Hirano chạy trong làn mưa đã tạo nên một ý nghĩa ngầm rằng cả hai đang chìm đắm trong tình cảm mà họ dành cho nhau. Từ đây ta có một liên tưởng thú vị tới một phân cảnh đầy nhục dục trong Forrest Gump (1994) khi Jenny chia tay Forrest trong cơn mưa đêm. Song những cơn mưa thường mang tính chất thể hiện một tình yêu non trẻ và có phần hoang dại nên nó thường mai ý nghĩa chối bỏ. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách sử dụng yếu tố nước trong tác phẩm The shape of water (2017) khi Eliza và anh chàng thủy quái thực sự ngập trong nước; hay nói một cách khác là họ đang chìm đắm trong tình yêu và tính dục của đến từ hai người. Vì vậy, việc Naoki sử dụng chiếc khăn của Hirano lau nước mưa trên người mình và nổi giận với anh đã phần nào cho khán giả thấy rõ sự chối bỏ tình cảm của cô. Hay nói cách khác, Naoki có thể có cảm tình với Hirano, song cô chưa thực sự sẵn sàng cho một mối quan hệ tình yêu với anh, vì vậy hành động lau nước mưa đã thay cho lời chối bỏ tình cảm của bản thân cô. Từ đó diễn biến tâm trạng nổi giận của cô trở nên hợp lý trong lối tự sự của phim.
Cuối cùng là khi Naoki chở Hirano bằng xe máy lên đỉnh núi trong buổi lễ truyền thống của dân làng. Lúc này trong một khoảnh khắc hai người họ phóng qua một con suối và nước văng lên khá cao. Máy quay được đặt ở đại cảnh nhằm lấy được khung hình rộng khiến ta không trực tiếp nhìn thấy họ một cách trực diện, ta vẫn giả định nước sẽ bắn lên cả hai người, tuy nhiên không có bất kỳ hành động dùng khăn lau nước trên cơ thể như hành động lau nước mưa trước đó. Xét về mặt trần thuật điều này trở nên logic bởi tính gấp gáp của sự kiện, song việc này cũng cho ta thấy một phần nào đó trong Naoki cũng đã chấp nhận và có tình cảm với Hirano khi cô không còn hành động chối bỏ giống như trước.
Một biểu tượng khá trực quan nữa của tính dục đã được đạo diễn Shinobu Yaguchi đưa vào phim trong nghi lễ cầu mong sự thịnh vượng của dân làng. Sau khi chặt đổ một cái cây lâu đời, những người đàn ông đã gọt đẽo khúc gỗ khổng lồ vát một đầu và đặt lên một đường ray cho khúc gỗ trượt xuống chân núi. Lúc này ở cuối đường ray, những người phụ nữ đã dùng rơm bện thành một vật có hình dáng âm đạo của người phụ nữ để khi khúc gỗ trượt xuống sẽ đâm vào. Khác với việc sử dụng nước để đại diện cho tính dục mà ta đã phân tích ở trên, những người đàn ông tự nhận mình là “con người của núi rừng” đã tự tạo ra một biểu tượng cho sự thịnh vượng, sinh sôi và phát triển của vùng đất bằng một khúc gỗ khổng lồ – đại diện cho dương vật của những người đàn ông. Và khi khúc gỗ đâm vào bện rơm dưới chân núi, những người phụ nữ sẽ đến chạm tay vào khúc gỗ cầu mong sự thần rừng sẽ ban phước cho gia đình mình. Một biểu tượng của sự sinh sôi và phát triển đầy mạnh mẽ. Tuy nhiên ta cần xét tới tai nạn của Hirano khi anh bị mắc chân vào khúc gỗ và buộc phải leo theo nó xuống dưới chân núi. Việc ngồi trên đỉnh của khúc gỗ hình dáng dương vật đã khiến Hirano – một cách bất đắc dĩ – trở thành biểu tượng của sự sinh sôi, trù phú và thịnh vượng. Vì vậy khi những người phụ nữ lao tới nhằm chạm tay vào khúc gỗ, anh đã gọi tên Naoki và ta nhìn nhận đó là cách thể hiện tình cảm của anh đối với cô thông qua một hình ảnh đầy tính dục trong tín ngưỡng của dân làng.
Phần 3: Yếu tố Thần đạo trong tác phẩm
Thần đạo của Nhật Bản thực tế không phải tôn giáo, mà chủ yếu nằm ở vấn đề tín ngưỡng tâm linh, vì vậy gần như không có những cuốn kinh thư giống như những tôn giáo khác. Tư tưởng của Thần đạo cũng không cấm hay buộc con người phải làm gì mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng trong tâm hồn và trong lối hành xử thường ngày. Người dân cũng tin rằng mọi vật tồn tại đều có linh hồn và dòng chảy liên tục này sẽ nôi dưỡng những sự sống tiếp theo. Bên cạnh đó Thần đạo cũng đề cao sự trong sạch và thanh tẩy nên những đền chùa hay những miếu nhỏ (được xây dựng hay đơn giản chỉ là những hòn đá được chạm trổ) đều được đặt ở những nơi có dòng nước chảy qua. Chính vì những triết lý đơn giản nhưng sâu sắc và hướng thiện này của Thần đạo, đã tạo cho người dân Nhật Bản một đức tin mạnh mẽ. Từ đó tạo ra một chuẩn mực trong lối sống và một giá trị tinh thần vô cùng to lớn. Khán giả sẽ liên tục bắt gặp tín ngưỡng của Thần đạo xuyên suốt bộ phim như hành động chắp tay cầu nguyện của Yoki và Seiichi với một hòn đá được đặt cạnh một cây cầu; hay hành động chia sẻ một nửa nắm cơm của Hirano với một hòn đá chạm trổ bên cạnh bờ suối (nơi anh và Naoki ăn trưa).
Tuy nhiên, việc kết hợp yếu tố tâm linh vào sự kiện mất tích của cậu bé trong phim đã khiến tác phẩm trở nên ma mị và có phần liêu trai. Vào ngày toàn bộ người dân không được phép vào rừng bởi họ quan niệm đó là ngày Nữ thần rừng sẽ đếm số lượng những cái cây, một cậu bé đã mất tích trên đường về nhà. Để tìm kiếm, những người đàn ông đã bất chấp nguy hiểm đi tìm cậu bé, song họ vẫn thể hiện sự tôn kính đối với tín ngưỡng của mình bằng việc súc miệng và rửa tay sạch sẽ trước khi vào rừng. Tại đây họ gặp một màn sương dày bao phủ mà theo lời của Yoki đó là Nữ thần rừng đang cảnh báo họ không được tiến sâu thêm. Lúc này bàn tay của một người phụ nữ bất ngờ kéo Hirano tiến sâu vào trong rừng và khi sương tan anh đã gặp cậu bé một cách khó hiểu. Bản thân anh cũng không thể lý giải được việc tại sao mình lại có thể đi lên đỉnh núi nhanh như vậy. Song sự kiện này chỉ dừng lại ở đó và không có bất kỳ lời giải thích nào thêm. Điều này đã thể hiện một văn hóa tín ngưỡng tin vào thần linh, vào sự bảo trợ của Nữ thần rừng đối với toàn bộ dân làng. Mặc dù yếu tố liêu trai này xuất hiện có vẻ như không phù hợp với một bộ phim hài, tuy nhiên đó lại là một sự kiện cần thiết lý giải sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người nơi đây. Họ tôn kính một thế lực siêu nhiên và cũng được đền đáp lại lòng tôn kính của mình. Sự kiện đã trở thành một lời nhắc nhở nhẹ nhàng của đạo diễn Shinobu Yaguchi đối với thế hệ trẻ – một thế hệ đang bị những guồng quay cám dỗ của cuộc sống – về tín ngưỡng lâu đời của dân tộc. Bên cạnh đó, việc không đưa ra bất cứ lời giải thích cụ thể nào về sự kiện đã khiến nó trở thành một câu chuyện “vụn vặt” đúng với tên gọi của bộ phim.
Như đã nói ở phần trên, trong ngôn ngữ điện ảnh hình tượng “nước” luôn được những nhà làm phim sử dụng để miêu tả tính dục thì nay, với văn hóa tín ngưỡng của Thần đạo, yếu tố nước hiện lên có phần tinh khiết và trong sáng. Nước đã trở thành nguồn sống, sự thanh tẩy cho cả thể xác và tâm hồn của mỗi con người. Nó đại diện cho Thần, Thánh, cho tình yêu, cho sự thịnh vượng, sung túc và phát triển. Có thể nói, nước và những cây gỗ trong phim đã là những chứng nhân của những lớp người đi trước, từ đó truyền đạt lại tư tưởng văn hóa, lối sống hướng thiện cao đẹp cho những thế hệ sau này.
Lời kết
“Wood job!” (2014) dưới hình thức là một bộ phim hài chính kịch, nhưng sâu xa hơn nữa đó là tình yêu và sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Bằng lối kể chuyện đơn giản nhưng vô cùng thông minh và tinh tế, lồng ghép những yếu tố tín ngưỡng cùng những bài học giá trị một cách tự nhiên và hiệu quả, bộ phim đã không trở nên giáo điều hay nặng nề. Ở đó, chúng ta bắt gặp những tình yêu thực sự, trong sáng và thanh khiết.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất