Phân tích phim: WOLF'S CHILDREN, HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ BÀI HỌC VỀ SỰ LỰA CHỌN
Cảnh bảo [ WALL OF TEXT ] [ SPOILER ALERT]...
Cảnh bảo [ WALL OF TEXT ] [ SPOILER ALERT]
Mình nghĩ là bài viết này sẽ khá dài nên lưu ý trước khi đọc nhá, tại phim hay quá nên xem xong mình phải viết ngay. Vì khả năng review của mình còn nghiệp dư quá nên khả năng viết cũng không tốt lắm (6,5đ Văn hồi cấp 3 ạ). Cơ mà đây cũng không hẳn là 1 bài review, nó giống một bài viết nhằm phân tích 2 chi tiết làm mình ấn tượng nhất trong bộ phim Wolf's Children mà thôi.
.
Một số thông tin về bộ phim thì Wolf's Children là một bộ phim phát hành năm 2012, đạo diễn bởi Hosoda Mamoru. Bộ anime kể về Hana, một người mẹ đơn thân, trong hành trình nuôi dạy 2 đứa con lai với sói của mình, Yuki và Ame.
Như ở tiêu đề mình đặt cho bài viết, nội dung của bộ phim được chia ra khá rõ ràng khi nửa đầu phần lớn kể về những khó khăn của nhân vật chính, Hana, khi phải chật vật nuôi dạy 2 đứa con và nửa sau với trọng tâm câu chuyện dần ngã về phía Yuki và Ame hơn. Qua đó, ta có thể thấy hơn 50% thời lượng của bộ phim được Hosoda dùng để khắc hoạ hình tượng nhân vật nữ của ông, những con người có rất nhiều khuyết điểm, mâu thuẫn nội tâm và đầy sự tự ti nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ. Với khởi đầu là một sinh viên, Hana, nhân vật chính của bộ phim, gần như không có kiến thức về việc nuôi dạy con cái mà phải dựa dẫm vào sách vở, nhưng ai cũng biết rằng lý thuyết hầu như luôn khác xa với thực tế. Vì thế mà khi mới đầu nuôi con, cô liên tục mắc phải những vấn đề nan giải, như việc con bị bệnh thì nên cho đến thú y hay bệnh viện, con lai thì nên nuôi theo kiểu của sói hay của người, và vô số vấn đề khác. Chưa kể đến việc sau khi chuyển lên vùng núi, cô đã phải học cách trồng trọt hoàn toàn dựa vào sách vở, để rồi những thửa ruộng đầu tiên của cô đều thất bại thảm hại. Khi ấy cô chỉ biết nói với các con rằng "Mẹ còn nhiều điều phải học lắm", nhưng không vì thế mà nhân vật chính lại nản chí. Với sự giúp đỡ của 2 đứa con, cô đã gần như tự tay san sửa lại toàn bộ căn nhà, sau đó trồng nên những củ khoai tây đầu tiên. Bằng cách tạo nên tình huống con lai giữa người và sói, tác giả đã mang đến những vấn đề đời thường trong việc nuôi dạy con của một người mẹ, rồi "cường điệu hoá" nó lên, từ đó tạo nên giá trị nhân văn cho tác phẩm, đó chính là "bất kỳ người mẹ nào cũng sẽ có những khó khăn và cách đối mặt của riêng họ, nếu ta đã được nuôi lớn đến mức này thì cũng nên có sự tôn trọng đối với những gian lao mà họ đã trải qua" (mình nghĩ vậy thôi). Qua những hình ảnh đó mà Hosoda cũng đã khắc hoạ nên một hình mẫu người mẹ vừa độc lập, vừa mạnh mẽ và gần như hoàn hảo. Không phải ai cũng đủ vững vàng để dùng đồng tiền tiết kiệm ít ỏi của mình, chuyển lên vùng núi cho con cái được sống với bản chất của mình đâu.
Hình tượng nhân vật nữ luôn là một điều đáng được bàn tới trong các phim của Hosoda Mamoru, nhưng không phải là điều duy nhất, vì chính sự quan trọng của những "lựa chọn" là điều làm nên sự đặc sắc cho nửa sau của bộ phim. Ý kiến cá nhân thì t thích cách tác giả xây dựng 2 nhân vật chị em chéo với nhau. Đúng vậy, khi còn nhỏ, người chị Yuki là một người năng động, luôn thích chạy nhảy trong rừng dưới dạng sói trong khi người em trai Ame lại thụ động ít nói và hầu như không biến thành sói, cậu bé cũng luôn muốn trở lại thành phố sống cùng với những con người. Nguyên nhân của việc này chủ yếu đến từ sự khác nhau trong tính cách của 2 đứa, Yuki nhanh nhảu, hoạt bát hơn nên tất nhiên việc chạy nhảy dưới dạng sói sẽ thoải mái hơn rồi, còn Ame thì thụ động, ít nói, chưa kể đến việc bị ảnh hưởng từ hình tượng tiêu cực của loài sói trong các truyện cổ tích mà cậu đã đọc, khiến cậu phần nào muốn chối bỏ phần sói trong dòng máu mình.
Nhưng tất cả đều thay đổi khi mùa đông năm ấy đến. Trong một lần dạo chơi trong rừng tuyết, Ame đã chủ động bắt được 1 con chim, và từ đó trong lòng cậu xuất hiện 1 cảm giác lạ, như thể có một sự kết nối vô hình nào đó giữa cậu với thiên nhiên vậy, dù suýt chết đuối nhưng cậu bé người sói cũng đã dần chấp nhận dòng máu của cha bên trong mình. Mặt khác, Ame lại dần cảm thấy mất đi sự kết nối với con người ở trong trường học, với đỉnh điểm là việc cậu bị bắt nạt và không còn muốn đến trường nữa mà dành thời gian với mẹ trong việc làm hướng dẫn viên tham quan núi thường xuyên hơn.
Cũng trong thời gian đó, Yuki lại học rất chăm chỉ và làm quen được với rất nhiều bạn mới, nhưng một vấn đề mới lại xảy ra. Sự chuyển biến lớn nhất trong tính cách của Yuki xảy đến khi cô bé gặp Souhei. Không phải tự nhiên con bé thích người ta xong thay tâm đổi tính đâu, mà là vì Souhei có khứu giác hơn người, nhờ thế mà ngửi được mùi "động vật" trên người Yuki. Cô bé biết thế nên quyết định xa lánh Souhei nhằm tránh việc cậu bé phát hiện thân phận sói của mình. Nhưng điều gì càng cấm càng gây tò mò, đúng không? Souhei thấy sự kỳ lạ trong hành động của Yuki, bèn cố kiếm cơ hội để hỏi rõ cô bé. Thế là trong một lần bị dồn vào đường cùng, con gái nhân vật chính đã vô tình hoá sói rồi cào rách tai Souhei, khiến mẹ của cậu bé phải làm lớn chuyện, bắt Hana và Yuki phải trực tiếp xin lỗi. Tuy Souhei đã không kể ai về việc Yuki hoá sói, nhưng cô bé vẫn cảm thấy tội lỗi và quyết định không bao giờ hoá sói, cũng như sẽ hoàn toàn theo lối sống của một con người, tức là học, học nữa, học mãi.
Tuy Yuki đến trường nhiều hơn nhưng con bé không phải là người duy nhất được "học". Ame, trong khoảng thời gian đó, đã tìm cho mình được một người "thầy", đó không phải là 1 giáo viên bình thường, mà là một con sói già đã canh giữ khu rừng trên ngọn núi gần nhà. Từ khi thức tỉnh cảm giác hoang dã bên trong mình, Ame mỗi ngày đều lên núi để "học hỏi" với người "thầy" của mình. Dù không được học về Toán Lý Hoá như người chị, khu rừng này dạy cậu nhiều hơn bất kỳ thứ gì mà Ame có thể học được ở trường. Tại đây, cậu được con sói già dạy cho cách săn bắt, cách leo núi, cách dự báo thời tiết, và quan trọng nhất, cách để cai quản vùng đất nguyên sơ này.
Nhưng những mâu thuẫn trong quyết định lại bắt đầu nảy sinh từ đây. Khi đã mang trong mình tư tưởng của một con người, Yuki lại cảm thấy khó chịu với việc Ame không dành thời gian ở trường mà lại vào rừng nhiều hơn. Cô bé một mực quyết định Ame là người và sẽ đi học với mình trong khi người em trai quả quyết rằng mình là sói và rừng mới là nơi mình thuộc về. Đỉnh điểm của sự căng thẳng là khi 2 chị em cùng lúc hoá sói rồi lao vào tấn công nhau, phá vỡ nhiều món đồ đạc trong nhà. Đây chính là giây phút mà quyết định của 2 con người khiến họ chia lia đôi đường. Trước tình cảnh ấy, người mẹ Hana chỉ biết tự nói với bản thân "dù mình đã mong bọn chúng lớn để có thể tự quyết định cuộc đời mình, nhưng mình lại không ngờ rằng mọi chuyện lại thành ra như thế này". Qua tình huống trên, ta cũng không thể phán xét rõ ràng xem ai đúng ai sai, vì dù sao thì Yuki cũng là người lớn tuổi hơn, cô bé biết số phận của ba mình cực khổ là vì không có bằng cấp và cũng không có công việc ổn định, do đó mà trên thân phận của một người chị, Yuki muốn cả mình lẫn Ame đều được học hành đầy đủ, để sau này không phải cực khổ, thiếu ăn thiếu mặc như ba và mẹ. Điều này là đúng với lối sống của một con người, nhưng với một người đang dần mất đi sự kết nối với phần người trong mình, liệu Ame có cho điều đó là đúng? Tất nhiên là không rồi, với cậu, rừng mới là nơi cậu thuộc về, đó mới là nơi mà cậu có thể sống thật với chính mình, cuộc sống như một con sói. Dù nơi rừng thiêng nước độc có nguy hiểm, có thiếu thốn đi nữa thì nó vẫn là nơi mà Ame có thể sống như một con sói. Cậu có thể đói, cậu có thể ướt mưa, cậu có thể bị thương, cậu có thể không có chăn êm áo ấm, cậu có thể gặp nguy hiểm, nhưng không sao cả, vì với cậu, đó mới thực sự là sống. Trước sự đối lập về tư tưởng ấy, ta có thể thấy tầm quan trọng của những quyết định trong cuộc sống lớn lao đến thế nào. Khó có ai có thể nhận định rằng ta đúng hay ta sai, đôi khi có những thứ mà chỉ có ta, người với những trải nghiệm độc nhất mới có thể quyết định cuộc đời của chính mình.
Từ những phân tích mà mình đã viết ra, đối với mình thì đây là một bộ phim cực hay và ý nghĩa. Wolf's Children không những tôn lên nét đẹp về hình tượng người phụ nữa của Mamoru Hosoda, mà nó còn truyền tải thông điệp sâu sắc về sự quyết định của con người. Đó là một thông điệp nhân văn về việc chúng ta không nhất thiết phải sống theo những quyết định có sẵn hay những định kiến của người đời, mà cuộc sống của ta là do ta lựa chọn
Bài viết này hơi dài nên nếu có sai sót gì về chính tả, typo hay về chi tiết phim thì nhắc mình với nhá :v
Otakulture
/otakulture
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất