Phân tích nhân vật trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt - F.M Dostoyevsky: Sonya - Thánh nhân hay tội nhân?
Đại văn hào Macxim Gorki đã từng nhận xét Dostoevsky là “Nhà văn thiên tài, biết phân tích những bệnh trạng của xã hội thời ông”. Khi...
Đại văn hào Macxim Gorki đã từng nhận xét Dostoevsky là “Nhà văn thiên tài, biết phân tích những bệnh trạng của xã hội thời ông”. Khi sinh thời, ông đã để lại cho kho tàng văn học nhân loại rất nhiều những tác phẩm hay và đặc sắc, những tác phẩm mang đậm màu sắc phê phán, lên án những thói xấu, mặt trái của xã hội nước Nga đương thời. Trong số những tác phẩm để đời của ông không thể không kể tới “Tội ác và trừng phạt” - Một trong những tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại. Cuốn sách không chỉ lên án một xã hội nước Nga thế kỉ XIX đang rơi vào tình trạng khủng hoảng và hỗn loạn, tầng lớp tư sản trong xã hội luôn chà đạp lên nhân phẩm của những người ở tầng đáy xã hội mà nó còn mang tính nhân văn sâu sắc, chứa chan tình yêu thương giữa con người với con người.
Bên cạnh nhân vật chính - Rodion Romanovich Raskolnikov, nhân vật Sonya cũng là một trong những nhân vật quan trọng không thể không kể tới. Cô là con gái của một người công nhân già nát rượu, phải bán thân để nuôi cả cha, cả mẹ kế và các em nhỏ trong khung cảnh đói rét và bệnh tật. Có ý kiến cho rằng, Sonya vừa là thánh nhân, vừa là tội nhân. Theo bản thân mình, Sonya chỉ là nạn nhân của xã hội Nga thời bấy giờ. Cô là một cô gái trong sáng, thuần khiết, có một trái tim đầy lòng nhân hậu. Chính cái xã hội đã đẩy cho vào bước đường cùng - Phải đi làm gái. Cô đã hi sinh tất cả mọi thứ, từ sắc đẹp, tuổi trẻ thanh xuân của mình, chịu đựng mọi lời khinh miệt, dè bỉu của xã hội để nuôi gia đình nghèo khó.
Nếu xem xã hội nước Nga trong bối cảnh thế kỷ XIX là một khoảng đen tối, nhem nhuốc, dơ dáy và bẩn thỉu thì chính những con người như Sonya và Dunhia lại là những tia sáng khiến chúng ta thấy rằng trong xã hội vẫn còn những con người mang phẩm chất tốt đẹp ẩn chứa dưới vẻ ngoài nhơ nhuốc do chính xã hội ấy vấy bẩn. Không ai mong muốn rơi vào con đường bán thân cả, chỉ vì thế lực đồng tiền ép con người ta vào cuối chân tường khiến cô không còn sự lựa chọn nào khác. Theo mình thấy, việc bán thân để nuôi gia đình không thể khiến chúng ta nhìn Sonya là một tội nhân mà điều đó còn cho ta thấy cô là một con người giàu đức hi sinh, ẩn sâu trong cô vẫn là một người con gái trong sáng, thuần khiết, lương thiện.
Không chỉ vậy, đức tính tốt đẹp trong con người Sonya còn được thể hiện qua cách cô đối xử và truyền cho Raskolnikov niềm tin vào tôn giáo. Điều làm chúng ta không thể ngờ đó là Sonya - một cô gái bị cả xã hội chà đạp, thân thể nhơ nhuốc nhưng tâm hồn thì lại cao đẹp hướng về thần, tin rằng sau này sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mình cảm giác chính Sonya là một trong những nguyên nhân giúp Raskolnikov đi đầu thú, giúp anh dũng cảm đối diện với tội tác của mình. Tình yêu của Sonya thật lớn lao, dù biết phải chịu khổ sở nhưng cô vẫn quyết định tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với Raskolnikov trong chuyến lưu đày tám năm ở vùng đất Sibiria khắc nghiệt. Qua đó chúng ta thấy được trong con người Sonya là một cô gái giàu đức hi sinh, không hề nghĩ cho bản thân mà luôn luôn sống vì người khác, hy sinh hết mình vì tình yêu.
Tác giả thật xuất sắc khi xây dựng nhân vật Sonya khiến chúng ta không thể khẳng định hoàn toàn con người cô là tội nhân hay thánh nhân. Chúng ta không thể hoàn toàn đánh giá Sonya là người có đạo đức vì sự hy sinh cao cả của cô cho gia đình, chấp nhận việc phải làm gái điếm chuyên nghiệp, không được ở với gia đình và bị xã hội khinh rẻ; hay xem Sonya như một người thiếu đạo đức, vì đồng tiền mà bán cả thân xác mình? Có thể rõ ràng nhận thấy cách xây dựng nhân vật vô cùng độc đáo của tác giả thông qua nhân vật Sonya, tuy chỉ là nhân vật phụ trong tác phẩm, tuy nhiên Sonya cũng mang trong mình rất nhiều màu sắc. Thông qua nhân vật này, tác giả còn thể hiện rất rõ tấm lòng nhân đạo của mình thương những số phận con người bất hạnh, vì đồng tiền mà bán rẻ bản thân, vì đồng tiền mà đánh mất đi tiết hạnh của người con gái hay nói rộng ra chính là tác giả đã dựng lên một bức tranh ảm đạm về số phận bế tắc của lớp người dưới đáy xã hội Nga, nhất là tầng lớp trẻ trong trắng, nhiều khát vọng. Tuy bề ngoài bị xã hội vùi dập nhưng ẩn sâu trong con người Sonya là những phẩm chất tốt đẹp không thể bị che lấp bằng bất cứ thứ gì. Tác phẩm còn là lời tố cáo mãnh liệt tầng lớp tư sản hãnh tiến, giẫm đạp lên đạo đức, nhân phẩm, tài năng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất