Phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật Mị khi cắt dây trói cứu A Phủ trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài
Tô Hoài là một nhà văn lớn của dân tộc, là một trong những cây bút tiêu biểu nhất trong nền văn học Việt Nam. Nhắc đến Tô Hoài, ta...
Tô Hoài là một nhà văn lớn của dân tộc, là một trong những cây bút tiêu biểu nhất trong nền văn học Việt Nam. Nhắc đến Tô Hoài, ta nghĩ ngay đến biệt danh "nhà văn của phong tục tập quán" với vốn hiểu biết, vốn sống phong phú về con người, cuộc sống của nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước ta; ta nghĩ ngay đến một nhà văn với lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động với việc sử dụng ngôn từ bình dân, thông tục những đắc địa nên có sức hấp dẫn cao. Sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật, ông đã để lại cho nền văn học nước nhà hơn 200 đầu sách với nhiều thể loại khác nhau. Nổi bật lên trong đó là tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" trích trong "Truyện Tây Bắc" được ông sáng tác năm 1952 trong chuyến đi lên vùng cao cùng bộ đội. Tác phẩm vừa là bức tranh chân thực về cuộc sống vất vả, đầy khổ đau và bất hạnh của người dân nghèo vùng cao, vừa là bài ca khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống mãnh liệt của con người. Nổi bật lên giữa bài ca ấy là nhân vật Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cho A Phủ được miêu tả diễn biến tâm lý, hành động một cách tài tình để từ đó ta thấy được sức sống, sư phản kháng mạnh mẽ - vẻ đẹp mà Tô Hoài trân trọng.
Phản kháng nghĩa là không theo, là chống lại. Đó là khi ta bị ép buộc, dồn ép làm những điều mình không thích, không muốn, là khi ta bị áp bức, bị bóc lộ, là khi ta không cam chịu làm theo ai đó việc gì, vì vậy ta phản kháng. Nhân vật Mị của chúng ta cũng vậy. Quá khứ, cô là một bông hoa tươi đẹp chớm nở giữa chốn núi rừng Tây Bắc. Cô gái H'Mông của chúng ta vừa đẹp, lại vừa có tài. Cái tài thổi sáo của cô đã làm say mê biết bao chàng trai. Không những vậy, cô còn được sống một cuộc sống tự do, không ràng buộc, có cha, có người yêu, có hạnh phúc. Tuy nghèo nhưng cô lại được làm chính cô. Thế nhưng, biến cố xảy ra, cô bị lừa bắt về làm vợ A Sử. Mị về làm dâu nhà giàu - làm dâu gạt nợ. Chuỗi ngày "địa ngục" của cô bắt đầu từ đây. Ở nhà thống lí, Mị phải làm việc suốt ngày suốt đêm, bị bóc lột sức lao động, bị đối xử tàn tạ thua cả con trâu, con ngựa. Không những thể xác bị đánh đập mà tinh thần cũng bị hủy hoại. Từ ngày về nhà thống lí, Mị thu mình không nói, "lùi lũi như con rùa nuôi", "mặt buồn rười rượi". Những tưởng cô cứ sống vật vờ qua ngày như vậy ở nhà thống lí cho đến khi nào chết mới thôi, nhưng không, đêm mùa xuân năm ấy, từng tế bào trong Mị đang dần dần thức tỉnh, trỗi dậy, hồi sinh. Để rồi bùng nổ nhất, mãnh liệt nhất là vào đêm mùa đông, khi Mị hành động để thay đổi cuộc đời mình, đó là cắt dây trói cứu A Phủ.
Mùa đông năm ấy ở Hồng Ngài cũng như mọi năm, "dài và buồn". Ở cái nơi vùng cao Tây Bắc ấy, gió lạnh thổi từng đợt, vừa lạnh, vừa buốt, vừa rét. Thế mà đêm mùa đông ấy có một A Phủ bị đánh đập, bị hành hạ, trói đứng trên cột giữa trời đêm đông rét buốt để chờ chết. A Phủ là nô lệ của nhà thống lý vì đánh A Sử nên phải làm người ăn, người ở để trả nợ. Rồi chẳng may để mất một con bò nên mới bị ra nông nổi này. Như thường lệ, đêm nào cũng vậy, Mị trở dậy thổi lửa, hơ tay, hơ lưng cho đỡ lạnh. Thấy A Phủ bị trói, hai mắt mở trừng trừng, Mị cũng chỉ nhìn sang rồi lại "thản nhiên thổi lửa, hơ tay". "Thản nhiên" chính là Mị đang thờ ơ, đang lạnh nhạt với tình cảnh của A Phủ. Mị vô tâm sao? Không, không hề. Nếu giờ Mị thương, Mị giúp A Phủ, vậy thì ai, lấy ai thương, ai giúp Mị, lấy ai đến cứu vớt cuộc đời Mị đây? Mị biết A Phủ khổ, nhưng Mị cũng khổ lắm. Trong nhà thống lí, Mị là con ăn, người ở, "thấp cổ bé họng", có muốn cứu cũng chẳng thể làm gì. Với lại cảnh tượng này cũng đã quá quen thuộc với Mị rồi. Nhà thống lí Pá Tra không bao giờ thiếu cảnh người ta bị đánh đập, bị hành hạ, trói đứng như A Phủ. Trước kia cũng có người chết vì thế. Cứ như vậy, A Phủ vẫn bị trói, Mị vẫn cứ thản nhiên làm việc của mình. Cái tài của Tô Hoài ở đây chính là ông hiểu rõ nhân vật, ông hiểu rõ Mị. Nếu là chúng ta, cõ lẽ đã cởi trói cho A Phủ, cứu lấy A Phủ một mạng nhưng Tô Hoài thì khác, Mị khác "ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi". Tâm Mị cũng không còn nghĩ đến việc quan tâm cuộc sống xung quanh nữa. Nhân vật Mị của chúng ta đã bị tê liệt về cảm xúc. Ngọn lửa của "sức sống mạnh mẽ tiềm tàng" của đêm mùa xuân năm ấy âu cũng là đốm lửa tàn mà thôi.
Đến đây tưởng chừng như tác giả đã để cô Mị sống héo mòn, chết rũ ở nhà thống lí thì ông lại "nhen nhóm một ngọn lửa khác" trong lòng cô. Nó không còn "tiềm tàng" ẩn giấu bên trong nữa mà "bùng nổ, cháy rực" thôi thúc cô thay đổi cuộc đời mình. Cũng như vậy, Mị đêm này cũng dậy thổi lửa, hơ tay. Bằng một sự thôi thúc nào đó, Mị "lé mắt" trông sang A Phủ. A Phủ giờ đã yếu lắm. Cô thấy "một dòng nước lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ. A Phủ đuối, "dòng nước mắt" ấy cũng chẳng còn sức lực mà chảy. "Dòng nước mắt" của đau buồn, của tủi thân, của bao đau đớn, khó nhọc mà A Phủ gánh lấy đang từ từ "bò xuống", thật nổi bật, "lấp lánh", trên "hai hõm má đã xám đen" vì vất vả của A Phủ. "Dòng nước mắt" như dòng nước mát, như dòng suối trong lành, làm dịu đi cái tâm hồn khô héo, cằn cỗi bấy lâu nay của Mị. "Dòng nước mắt lấp lánh" ấy như một vệt sáng, một ngôi sao băng giữa cuộc đời đen tối của Mị. Mị nhớ lại ngày trước, đêm mùa xuân năm ấy, Mị cũng bị A Sử trói đứng lên cột như A Phủ bây giờ. Tâm trạng Mị chuyển biến, ý thức Mị có sự "cựa quậy". Mị thấy thương cho bản thân mình, rồi Mị thấy thương cho A Phủ. Mị đã hiểu vì sao A Phủ khóc, A Phủ cũng thấy buồn, thấy đau như Mị năm đó. Mị dần dần trở lại với "chất người" trong mình. "Chúng nó thật độc ác" - một suy nghĩ vô thức bật ra từ Mị. "Chúng nó" ở đât chính là cha con nhà thống lí Pá Tra, chính là bọn chúa đất, giai cấp thống trị của xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ. Bọn tàn bạo ấy đã lợi dụng thần quyền - tập tục cúng trình ma để trói buộc Mị, đã sử dụng cường quyền để áp bức bóc lột Mị, bóc lột A Phủ và bao người khác. "Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia phải chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết." Từ "chết" được lặp lại năm lần như ấn định số phận của A Phủ, chỉ có chết, không chết vì đau, vì vô số vết thương do bị trói mà ra thì cũng phải chết vì đói, nếu không nữa thì phải chết vì rét, kiểu gì cũng phải chết. Thấy A Phủ, Mị lại nhớ đến hồi trước ở nhà thống lí cũng có người bị trói như thế cho đến chết. Mị sợ, Mị thấy thương A Phủ. Ở Mị đang có sự phản kháng trong nhận thức "Người kia việc gì mà phải chết." Trong dòng chảy văn học nước nhà, ta cũng bắt gặp một sự phản kháng tương tự ở nhân vật Chí Phèo của tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Khi bị Thị Nở từ chối tình cảm, khi nghe những lời cay nghiệt của bà cô, Chí Phèo đã có sự phản kháng trong nhận thức, "đâm chết con khọm già", phải xóa sổ hết những thứ ngăn cấm hạnh phúc của mình. Để rồi đến khi gặp Bá Kiến, một loạt câu hỏi được đặt ra "Ai cho tao lương thiện?... Làm sao có thể xóa hết vết sẹo trên mặt?... Không, không thể..." Ở Mị cũng vậy, Mị cũng sự nhận thức tương tự để rồi nó đủ lớn, thôi thúc Mị hành động, thay đổi cuộc đời mình.
Sau khi thấy A Phủ khóc, Mị tiếp sau đó đã có một hành động mà không ai có thể tưởng tượng được, người con gái bé nhỏ ấy lại rón rén, lấy con dao cắt lúa rồi cắt dây trói, thả tự do cho A Phủ. Mị không sợ sao? Mị sợ chứ, Mị sợ sớm mai ra họ biết A Phủ trốn, biết Mị cắt dây trói thì Mị sẽ bị trói thay A Phủ, bị trói đến chết. Thê nhưng giây phút đó, Mị không hề cảm thấy sợ, chỉ kịp thì thào với A Phủ: "Đi ngay". A Phủ đi rồi còn Mị thì sao? "Mị đứng lặng trong bóng tối", tại sao lại như vậy? Tại sao không chạy ngay theo A Phủ để giải thoát bản thân mình? Cái tài của Tô Hoài chính là ở đây. Giây phút Mị "đứng lặng" là Mị đang đấu tranh tư tưởng với bản thân mình. Mị đã cúng trình ma nhà thống lý, dù có đi đâu cũng sẽ bị con ma đó ám, bắt về nên Mị sợ. Mị còn sợ Mị chạy, lỡ ai đó bắt được thì Mị cũng bị đánh đập, hành hạ đến chết nên Mị không dám. Nhưng nếu không chạy thì sống ở đây cũng chết, không hôm nay thì nay mai cũng chết, kiểu gì cũng chết. Không, Mị muốn sống. Mị mặc kệ cái cường quyền áp bức Mị, mặc kệ cái thần quyền đeo bám tâm trí Mị. Mị chạy, chạy theo A Phủ, chạy khỏi nhà thống lí, chạy khỏi cái nhà tù đã giam hãm Mị bấy lâu nay. Mị đuổi theo A Phủ, "băng", "lăn", rồi lại chạy, trong giấy phút sinh tử, người con gái bé nhỏ ấy thật phi thường. Chỉ kịp nói "A Phủ cho tôi đi!...Ở đây thì chết mất!" cũng đủ cho ta thấy Mị đã trở lại với chính mình, cô ham sống sợ chết, "chất người" trong Mị đã trở lại. Chỉ bằng vài câu kể ngắn mà Tô Hoài đã cho chúng ta thấy được sự phản kháng cũng như sức sống tiềm tàng của Mị. Có thể nói ông chính là người gián tiếp "thổi lửa" cho Mị phản kháng, thay đổi cuộc đời của mình.
Nhà thơ Tố Hứu đã từng viết:
"Ở đâu phải qua đoạn đường lửa bỏng
Cuộc đời ta bỗng chốc hóa thiên đường"
Mị của chúng ta cũng vậy. Sau một thời gian dài sống trong đau khổ, giờ đây cô được thấy "thiên đường". Cô gái H'Mông bé nhỏ đã dũng cảm vượt qua nỗi sợ cường quyền, thần quyền để rũ bỏ vũng bùn dưới chân mình để bước tiếp, tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bằng tài năng nghệ thuật của mình, ông đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Mị với diễn biến tâm lý và hành động, đặc biệt là qua đêm mùa đông cứu A Phủ. Qua đó, ông thể hiện tấm lòng đồng cảm, xót thương của mình trước những số phận bất hạnh, thể hiện sự trân trọng đối với vẻ đẹp của con người: sức sống mạnh mẽ, khát vọng tự do, hạnh phúc. Từ đó, ông lên án bọn chúa đất, giai cấp thống trị của xã hội cũ, và cuối cùng là mở một con đường mới cho những người nghèo khổ: họ sẽ tìm đến Đảng, được Đảng soi chiếu, để từ đó mà đấu tranh, mà đổi đời.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất