Phân tích chuyên sâu: Muôn vàn kiểu đôi công Boxing
Boxing không chỉ là nghệ thuật "Đánh mà không bị đánh". Đôi khi Boxing còn là nghệ thuật "Đem 1 đổi 10". Đổi đòn cũng chính là một...
Boxing không chỉ là nghệ thuật "Đánh mà không bị đánh". Đôi khi Boxing còn là nghệ thuật "Đem 1 đổi 10". Đổi đòn cũng chính là một nghệ thuật của Boxing
Từ trước đến nay, những pha đổi đòn dù đẹp mắt, vẫn thường bị đánh giá là chiến thuật "thiếu IQ" nhất trong Boxing. Những võ sĩ mang lối đánh đổi đòn cũng thường bị đánh giá thấp về tư duy so với những võ sĩ chọn lối đánh thụ động. Thực tế, Boxing là một trò chơi ghép hình không có mẫu, và mỗi người võ sĩ được trời phú cho hàng nghìn mảnh ghép khác nhau để tạo nên kiệt tác của chính bản thân họ.
Những võ sĩ chọn lối đánh đổi đòn vì nhiều lý do, họ có chiếc cằm cứng hơn đối thủ, họ có thể lực hoặc sức mạnh lớn hơn đối thủ,.... Hoặc thậm chí là do tư duy họ nhạy bén hơn đối thủ trong loạn đả. Boxing là nghệ thuật khai thác tối đa sở trường của bản thân và khai thác tối đa sở đoản của đối thủ.
Trận đấu điên cuồng nổi tiếng giữa huyền thoại quá cố Arturo Gatti và Micky Ward đã trở thành biểu tượng của Boxing
Đổi đòn kiểu thể lực
Đây là dạng đổi đòn thường thấy nhất mỗi khi một cặp đấu có sự chênh lệch tuổi tác lớn. Thường thì các tay đấm trẻ sẽ đánh phủ đầu đẩy nhịp độ trận đánh lên cao để đối thủ già nua buộc phải tiêu hao thể lực để không bị lép vế. Nói theo khoa học, đây là chiến thuật đẩy cường độ vận động tim của đối thủ lên mức cao nhất, khiến đối thủ mau tụt dốc về thể lực.
Nhịp tim tối đa mà một người có thể chịu được tính bằng công thức tối giản sau Max HR (nhịp tim) = 220 - (số tuổi) của vận động viên. Như thế, càng lớn tuổi, ngưỡng vận động của tim càng thấp. Càng bắt đối thủ vận động nhiều, họ càng nhanh kiệt sức.
Một trong những ứng dụng đẹp nhất của chiến thuật đổi đòn này chính là trận đấu Canelo vs Golovkin II: Ở trận đầu tiên, Golovkin đã dồn ép Canelo khiến siêu sao Mexico phải chạy vòng quanh võ đài. Thậm chí, không ít lần Canelo gặp khó khăn dưới áp lực của Golovkin trong trận đấu đầu tiên.
Tuy nhiên, tại trận tái đấu, Canelo đã áp dụng một chiến thuật không tưởng, đối đầu với con quái vật Cardio Golovkin ngay trên lãnh địa của gã. Với nền tảng thể lực cũng bền bỉ không kém Golovkin, Canelo chủ động duy trì nhịp độ trận đấu ở mức cao nhất cho đến khi sức trẻ chiến thắng được tuổi già, Golovkin lần đầu tiên trong sự nghiệp bị đẩy lùi về phía dây đài.
Đương nhiên, nếu để nói về chiến thuật táo bạo này, bạn vẫn còn rất nhiều thứ để chú ý. Đó là ý đồ đưa cả hai cùng nhau mệt mỏi. GGG có sức mạnh và thể lực là hai yếu tố nổi trội để đánh bại Canelo, trong khi Canelo nhanh hơn, chính xác hơn và cũng bền bỉ hơn rất nhiều so với đối thủ. Do đó khi Canelo chủ động kéo thể lực của Golovkin xuống, tay đấm Mexico cũng đã lấy đi vũ khí then chốt của Golovkin - thể lực. Áp lực của Golovkin không còn, sự nhạy bén và tốc độ lại càng không thể đọ với Canelo và sức mạnh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Có thể nói rằng, Canelo chỉ dùng thể lực để đổi lấy cả thể lực, áp lực lẫn sự hiệu quả trong ra đòn của Golovkin. Và đó là cách mà Canelo dùng để chiến thắng những hiệp đấu cuối trong thế trận 49 gặp 50.
Đổi đòn kiểu sức mạnh
Đây là dạng đổi đòn thường thấy khi một võ sĩ có sức mạnh vượt trội so với đối thủ. Có 3 yếu tố chính của một võ sĩ đó là sự bền bỉ, sức mạnh và tốc độ. Không một võ sĩ nào toàn năng đến nỗi sở hữu cả 3 kỹ năng này. Họ luôn bị khuyết ít nhất 1 yếu tố then chốt, và họ chỉ có thể cải thiện điểm yếu đó sao cho "vừa đủ xài" để không trở thành một lỗ hổng quá lớn.
Dạng võ sĩ mạnh mẽ cũng tương tự, họ vẫn sẽ bị khuyết một yếu tố nào đó. Có thể khuyết tốc độ, có thể là khuyết bền bỉ, bắt buộc họ phải bị khuyết một yếu tố.
1. Khuyết thể lực
Mike Tyson chính là ví dụ điển hình nhất cho việc khuyết thể lực. Đương nhiên, một võ sĩ chuyên nghiệp sẽ phải thi đấu được hết 12 hiệp đấu. Tuy nhiên, nếu để trận đấu kéo dài, sức mạnh và tốc độ của Mike Tyson sẽ không còn là mối đe dọa cho bất kỳ ai nữa. Để chiến thắng, Mike "Thép" buộc phải kết thúc trận đấu càng sớm càng tốt, nên ông dùng cả tốc độ và sức mạnh đáng sợ của bản thân để phủ đầu đối thủ ngay khi hiệp một vừa bắt đầu. Mike giống như một cỗ xe phân khối lớn, mạnh mẽ nhưng rất mau hết xăng. Để có thể đến đích, cách tốt nhất là phóng thật nhanh mà thôi.
Mike Tyson mạnh mẽ hơn bất kỳ ai ở những hiệp đầu tiên
2. Khuyết tốc độ
Nếu Mike Tyson là điển hình cho lối đổi đòn sức mạnh bị khuyết thể lực thì Foreman lại là tượng đài cho những pha đổi đòn khuyết tốc độ. George Foreman rất mạnh mẽ, khi trở lại Boxing vào năm 1988, Foreman lại càng mạnh mẽ hơn bởi ông đã tăng cân khá nhiều. Nhưng nói gì thì nói, Foreman vẫn là một ông già béo bụng cục mịch. Foreman thiếu quá nhiều vũ khí để đối đầu với những đối thủ trẻ, ông chỉ có duy nhất sức mạnh và thể lực mà thôi.
Nhận thức được sự thiếu sót này, Foreman chỉ áp dụng một chiến thuật duy nhất cho mọi trận đấu. Ông sẵn sàng thả lỏng bản thân để duy trì thể lực, chiếc cằm cứng sẽ lo mọi việc cho những hiệp đấu đầu tiên. Nhiệm vụ duy nhất mà Foreman bám víu chính là làm sao để ra một đòn tay sau hoàn hảo. Chỉ có vậy, và ông lại một lần nữa trở thành nhà vô địch thế giới ở tuổi "già" của Boxing.
Đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều người cho rằng, trận đấu giữa Moorer và Foreman là một vở kịch được dàn xếp bởi cú KO không tưởng
Đổi đòn tư duy
Không một ai làm tốt điều này hơn huyền thoại người Mexico Manuel Marquez. Ông vốn bị đánh giá thấp bởi lối đánh điên cuồng và có phần "bán máu" của bản thân. Nhưng sự thật, lối đánh điên loạn đó chính là thứ tạo nên chiến thắng cho Manuel Marquez.
Biệt tài độc nhất của Manuel Marquez chính là ông có thể khiến cho mọi đối thủ phải đổi đòn với ông, kể cả dù họ không muốn. Ông khéo léo đưa bản thân vào cự ly thích hợp, đọc vị combo của đối thủ và đưa ra combo trả lời ngay trong lúc đổi đòn. Dù là một counter puncher đúng nghĩa, lối phản công của Marquez không thụ động một chút nào. Ông luôn tìm được cách để "lấy 1 đổi 10", thậm chí, cả Floyd Mayweather, vị thần của khả năng duy trì cự ly và phá nhịp cũng nhiều phen rơi vào bẫy đổi đòn của Manuel Marquez.
Bị đánh ngã những 3 lần ngay trong hiệp đầu tiên, Marquez đã thay đổi chiến thuật, ông đọc combo của Pacquiao tại những hiệp sau và lật ngược tình thế không tưởng
Bẫy đổi đòn là một kỹ năng khó, nó là sự kết hợp giữa chiến thuật của HLV và tư duy đài của võ sĩ. Ở dưới góc đài, người HLV có thể nhìn thấy tất cả, nhưng ở trong võ đài, người võ sĩ mới là người cảm nhận được tất cả.
Khôi Nguyên
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất