Đêm qua, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu đầu tiên trên đất UAE trong khuôn khổ bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á với Indonesia, đội bóng đã gây bất ngờ lớn ở loạt trận hôm 3/6 khi cầm hòa Thái Lan 2-2. Đúng với dự đoán, thầy trò HLV Park Hang-seo đã có những phút thực sự khó khăn trước lối chơi quyết liệt của đối thủ, nhưng cuối cùng đã vượt qua và đánh bại họ một cách thuyết phục, bằng sự linh hoạt về chiến thuật mà sự mềm mại trong lối chơi. Trong video này, chúng tôi sẽ phân tích cách HLV Park Hang-seo bố trí đội hình, trong đó trọng tâm là những điều chỉnh ở khu vực hàng tiền vệ và hàng công.


Trên lý thuyết, đội tuyển Việt Nam xuất phát với sơ đồ 3-4-3. Tuấn Anh và Quang Hải là cặp tiền vệ trung tâm, trong khi ở phía trên, Phan Văn Đức (trái) và Văn Toàn (phải) hỗ trợ cho trung phong cắm Tiến Linh. Ở hai cánh, do Trọng Hoàng bị treo giò và Văn Hậu không thể ra sân từ đầu vì chưa đủ thể lực, HLV Park Hang-seo đã bố trí bộ đôi đang khoác áo HAGL là Hồng Duy (trái) và Văn Thanh (phải). Trước mặt thủ môn Tấn Trường vẫn là bộ ba trung vệ quen thuộc, gồm Quế Ngọc Hải đá ở giữa, Bùi Tiến Dũng lệch trái và Duy Mạnh lệch phải.
Tuy trên lý thuyết là sơ đồ 3-4-3, song thực tế, các vị trí của Việt Nam di chuyển rất linh hoạt, liên tục thay đổi vai trò. Ví dụ, Quang Hải từ vị trí tiền vệ trung tâm thường xuyên dâng cao để chơi một một tiền đạo lệch phải, trong khi Phan Văn Đức ở vị trí tiền đạo lệch trái lại thường xuyên lùi về để chơi như một tiền đạo. Mỗi khi Quang Hải dâng cao, Văn Toàn sẽ được đẩy lên cao, gần như chơi ngang hàng với Tiến Linh. Trong rất nhiều trường hợp, khi Tiến Linh lùi xuống hàng tiền vệ, Văn Toàn sẽ di chuyển tấn công vào khoảng trống mà tiền đạo của Bình Dương vừa tạo ra, do đó trở thành người chơi cao nhất trên hàng công.
Do Indonesia chủ động chơi phòng ngự theo sơ đồ 4-4-2 khá chặt chẽ, cách di chuyển của Quang Hải và Văn Đức giúp chúng ta luôn có được những cầu thủ có khả năng xoay xở tốt ở khu vực giữa các tuyến của đối phương. Tất nhiên, cách tạo ra và khai thác các khoảng trống có sự khác biệt ở hai cánh. Bên cánh phải, khi Quang Hải dâng lên, chúng ta dễ dàng tạo được thế 3 đánh 2, từ đó Văn Toàn hoặc Văn Thanh có nhiều khoảng trống để tạt bóng. Trong khi đó bên cánh phải, mỗi khi Văn Đức lùi xuống, Hồng Duy sẽ lập tức dâng lên và di chuyển vào hành lang trong, sẵn sàng đón những quả chọc khe từ chính Văn Đức.
Trong hiệp một, hệ thống của Việt Nam hoạt động tương đối mượt mà. Đây là điều đáng mừng, bởi các cầu thủ của chúng ta đã có một thời gian rất dài không được trải nghiệm bầu không khí của một trận đấu chính thức ở cấp đội tuyển. Chưa kể thời tiết nắng nóng cũng có nhiều tác động tới những pha xử lý của mỗi cầu thủ. Tuy nhiên, mặc dù có thể đưa bóng tới một phần ba sân của Indonesia khá dễ dàng, chúng ta lại gặp vấn đề trong những pha triển khai cuối cùng. Chủ yếu là vì đối thủ thi đấu quá quyết liệt, sẵn sàng áp sát thậm chí phạm lỗi ngay khi cầu thủ của chúng ta có bóng.

Sang hiệp hai, cả Việt Nam lẫn Indonesia đều có một số điều chỉnh. Indonesia có vẻ muốn dâng cao để tìm kiếm bàn thắng ở thời điểm các cầu thủ Việt Nam chưa ổn định. Đầu hiệp hai, có nhiều thời điểm cả hai tiền vệ biên của họ đều bó vào trung lộ, tạo ra tuyến tấn công có tới 4 người. Thời điểm bắt đầu gây sức ép của các cầu thủ Indonesia cũng được đẩy cao, xa khung thành hơn khoảng 5-7 mét so với trong hiệp một. Việc Việt Nam phải thay cầu thủ chơi hay nhất trong hơn 30 phút hiệp một là Tuấn Anh ra càng khiến Indonesia tự tin với kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, việc Indonesia dâng cao hơn là cơ hội để các cầu thủ Việt Nam tìm kiếm các khoảng trống giữa hàng hậu vệ và tiền vệ hoặc sau lưng hàng hậu vệ của họ. Đầu hiệp hai, HLV Park Hang-seo cũng có một điều chỉnh rất quan trọng là rút Văn Toàn ra để thay bằng Công Phương. Từ đây, Việt Nam chính thức chuyển sang sơ đồ 3-5-2. Văn Đức lùi hẳn về chơi như một số 8 lệch phải. Ở phía đối diện là Quang Hải. Chơi thấp nhất trong tam giác tiền vệ là Xuân Trường.
Với bộ ba tiền vệ này, Việc Nam chủ động “hút” các cầu thủ Indonesia về phía mình, trước khi vượt qua tuyến pressing của họ bằng những pha phối hợp nhanh. Có thể nói, những pha lên bóng của Việt Nam như dòng nước, nhẹ nhàng len lỏi giữa các lớp bê-tông do Indonesia tạo ra. Sự linh hoạt về vị trí giữa Văn Đức và Quang Hải cũng rất đáng nói. Trong khi Văn Đức có xu hướng di chuyển ra biên khi dâng cao, thì Quang Hải lại bó vào giữa để chơi như một số 10. Với cách bố trí này, chúng ta vừa có thể tấn công vào các khu vực bên ngoài hệ thống phòng ngự của Indonesia để kéo giãn nó, vừa có thể khai thác những khoảng trống giữa các tuyến, mà cụ thể là trước mặt hàng phòng ngự.
Đối phó với những pha phối hợp của Việt Nam, Indonesia có hai lựa chọn. Hoặc là lùi sâu đội hình để đảm bảo khoảng cách giữa các tuyến là hẹp nhất. Hoặc là đẩy cao để gây sức ép sớm. Trong thời gian đầu hiệp hai, Indonesia đã chọn cách thứ hai. Đó là lúc chúng ta có được bàn thắng đầu tiên. Sau một loạt những pha phối hợp nhanh ở hàng tiền vệ, bóng được bấm ra sau lưng hàng thủ của Indonesia lúc ấy đã bị kéo lên cao cho Tiến Linh băng xuống. Sau hai nhịp dứt điểm, chân sút của Bình Dương cuối cùng cũng đã khai thông được thế bế tắc.


Không lâu sau khi có được bàn mở tỉ số, Việt Nam tiếp tục có thêm một điều chỉnh quan trọng khác, cũng ở hàng tiền vệ. Văn Đức được rút ra, Hoàng Đức vào sân. Cầu thủ của Viettel chơi ở vị trí số 8 lệch trái, để Quang Hải sang phải. Vẫn với sơ đồ 3-5-2, nhưng trọng tâm phối hợp của Việt Nam giờ đây tập trung vào trung lộ. Và cũng rất nhanh chóng, sự thay đổi này mang lại tác dụng. Từ một tình huống Hoàng Đức nhận bóng ở trung lộ và rê bóng lên, Quang Hải đã có cơ hội nhận bóng giữa một khoảng trống lớn trước mặt hàng phòng ngự Indonesia. Cầu thủ của Hà Nội có đủ thời gian ngắm nghía trước khi tung ra cú sút chìm không thể cản phá. Ở thời điểm này, chúng ta đã có thể tin chắc về một chiến thắng.
Một điểm nhấn quan trọng khác của Việt Nam trong trận đấu với Indonesia liên quan tới các tình huống đá phạt góc. HLV Park Hang-seo rõ ràng đã nghiên cứu rất kỹ điểm yếu chống phạt góc của Indonesia. Ở trận gặp Thái Lan, cả hai bàn thua của Indo đều xuất phát từ các tình huống Thái Lan đá phạt góc. Trận đấu đêm qua, Việt Nam đã có rất nhiều phương án phối hợp, khiến đối phương không biết đâu mà lần. Đó có thể là những đường chuyền thẳng ra khu vực trước vòng cấm để Tuấn Anh (hoặc Xuân Trường) dứt điểm trực tiếp. Có thể là cú đá căng vào cột gần để người nhận bóng nhả ngược ra phía sau. Cũng có thể là một pha treo bóng về cột xa để một trung vệ đánh đầu ngược vào trong.
Từ những pha phối hợp như thế, chúng ta đã tạo ra rất nhiều sóng gió cho khung thành của Indonesia. Bàn thắng thứ ba, được ghi do công của Công Phượng, chính là kết quả của một trong các bài bản dàn xếp đá phạt góc đã được nói đến ở trên. Bóng được nhắm tới cột gần, Tiến Linh trả ngược và ở phía trong, Công Phượng không bị ai kèm thoải mái đưa bóng vào lưới bằng đùi.
Ở những phút còn lại, Việt Nam chủ động “chơi” bóng với những pha đập nhả ở giữa sân, với mục đích chủ yếu là giữ sức chờ hết giờ. Nhưng chúng ta vẫn kịp có thêm một bàn thắng, sau pha di chuyển thông minh và dứt điểm điệu nghệ của Văn Thanh.
Nói tóm lại, dù tỉ số có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhất là sau khi chứng kiến những gì Indonesia đã thể hiện trước Thái Lan, chiến thắng của Việt Nam trước Indonesia là hoàn toàn nằm trong dự liệu. Ngoài kết quả, một điểm tích cực khác mà chúng ta thu về sau trận đấu này là sự linh hoạt về mặt chiến thuật. Các cầu thủ đã thể hiện một cách trơn tru những ý đồ chiến thuật của ban huấn luyện mà ở những thời điểm khác có thể là quá phức tạp với người Việt Nam. Hi vọng rằng theo thời gian, khi các cầu thủ có được cảm giác tốt hơn, lối chơi của chúng ta lại càng nhuần nhuyễn hơn nữa.
Xem đầy đủ tại đây: