Phân tích Lửa và Máu: Aenys và Maegor – những triều vua đầy gian nan
Phân tích về hai vị vua Aenys và Maegor Targaryen - hai người con của Vua Aegon Targaryen Đệ Nhất
Nội dung bài viết sẽ có tiết lộ trước nội dung bộ sách Lửa & Máu, các bạn cân nhắc trước khi đọc để tránh spoiler.
Sau khoảng thời gian trị vì dài đến 37 năm, Vua Aegon Targaryen Đệ Nhất đã qua đời và để lại di sản cho vương quốc của mình là hai người con trai: trưởng nam Aenys là con của Vương hậu Rhaenys, và ấu nam Maegor là con của Vương hậu Visenya. Mặc dù vương quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển với hai người con của vị vua vĩ đại này, không ai ngờ khoảng thời gian sau đó lại là sự bất ổn dài 11 năm sau sự qua đời của Con Rồng Aegon. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự bất ổn mà hai anh em Aenys và Maegor để lại.
Aegon I đã cai trị Bảy Vương Quốc trong 37 năm. Sau khi kết thúc Chiến tranh xứ Dorne lần thứ nhất vào năm 13 HCP, lục địa Westeros được hưởng nền hòa bình và thịnh vượng trong 24 năm. Tuy nhiên, sẽ thật sai lầm nếu như đánh đồng giữa vẻ ngoài hòa bình với sự yên bình bên trong. Không một tân chư hầu của Aegon có thể đánh lại vị long vương vì năng lực quân sự đáng kinh ngạc, những con rồng của ông và tất cả họ đều thiếu sự hỗ trợ để có thể làm nghiêng cán cân sức mạnh trên chiến trường.
Tuy vậy, việc hòa bình được lập lại có thể dẫn đến một thời thịnh thế, nhất là trong trường hợp những người con trai của Aegon đều thể hiện mình có thể tiếp nối di sản mà người cha vĩ đại để lại. Dù Aenys không phải là một chiến binh, anh đã cưỡi con rồng Quicksilver từ khi còn bé, và toàn bộ Westeros đã biết về sức mạnh của loài rồng, kể cả những con rồng non. Ngược lại, người em trai Maegor của Aenys là một chiến binh xuất sắc: trở thành hiệp sĩ từ khi còn là một thiếu niên, và khi tập luyện chiến đấu thì luôn dễ dàng đánh bại những người lớn tuổi và giàu kinh nghiệm hơn mình. Với những gì đã thể hiện, cảm giác ở thời kỳ cai trị của người kế vị, Westeros sẽ còn vĩ đại hơn cả thời của Aegon.
Khi Aegon I qua đời vào giữa độ tuổi 60, người con trai trưởng của ông nối ngôi, tức Vua Aenys Targaryen. Các lãnh chúa đều cho rằng dưới thời của ông, nếu như mọi thứ diễn ra không hoàn hảo thì ít nhất sẽ ở mức chấp nhận được. Nhưng hỡi ôi, cuộc đời đâu như là mơ…
Aenys Targaryen – một kẻ yếu đuối
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Một câu nói đầy cay đắng trong trường hợp của Vương tử Aenys Targaryen. Giống như mẹ mình là Vương hậu Rhaenys, Vương tử Aenys là một người rất yêu nghệ thuật và âm nhạc. Tuy nhiên, mẹ anh đã hy sinh trên chiến trường khi Aenys còn rất nhỏ, và từ đó, Aenys được nuôi dưỡng trong một môi trường toàn các chiến binh: người cha Aegon, người mẹ kế Visenya và người em trai Maegor. Điều này có thể rất quan trọng đối với sự phát triển của Aenys, và đa phần những thất bại khi làm vua của anh có thể được suy luận từ sự nuôi dạy đầy sai lầm.
Là con trai cả (5 năm đầu đời là con trai duy nhất) của nhà vua, Aenys có thể đã được kỳ vọng được người đời ngưỡng mộ bởi là người thừa kế Ngai Sắt. Tuy nhiên, có một tin đồn không hay (có thể là từ chính Vương hậu Visenya – người mẹ kế của Aenys) rằng Aenys là một đứa con ngoài giá thú. Với việc các ca sĩ và diễn viên thường xuyên ra vào các căn phòng của Vương hậu Rhaenys, Vua Aegon có thể không phải là cha của Aenys – và một đứa con hoang không được hợp pháp hóa không thể trở thành vua. (Nếu như những tin đồn và cáo buộc của Visenya là sự thật thì sẽ thật trớ trêu, bởi nếu như vậy thì mọi vị quân vương của gia tộc Targaryen đều... không phải là người nhà Targaryen. Lịch sử Đế quốc Nga đã từng có tình huống như vậy, khi Hoàng đế Pavel I nhiều khả năng là đứa con ngoài giá thú của Ekaterina Đại Đế với người tình là Bá tước Sergei Saltykov).
Khi người em cùng cha khác mẹ của Aenys là Maegor ra đời, mọi thứ chẳng hề tốt đẹp hơn với anh. Vương hậu Visenya Aenys luôn đề cao Maegor so với Aenys, và Vương tử Maegor là một kẻ đặc biệt tàn nhẫn với động vật. Tình yêu của Aegon dành cho Rhaenys có thể giữ cho Aenys an toàn trước mọi mối nguy, nhưng trong một gia đình với những con người có tính khí đầy mạnh mẽ, Aenys có lẽ đã trở thành một “con cừu đen” với tính cách đối lập. Điều này sẽ trở thành thảm họa cho thời kỳ cai trị sau này của anh, khi anh phải đối mặt với những mối đe dọa về các cuộc nổi loạn – những thứ sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Sự dạy dỗ ban đầu này, nơi mà mọi hành động của anh có thể được cha mẹ anh xem xét kỹ lưỡng và uốn nắn, đã giúp tạo nên những hình thành ban đầu của rất nhiều hành động sau của anh: luôn muốn làm hài lòng người khác để tránh xung đột. Ác cảm về những xung đột sẽ là một trong những điểm riêng biệt của Aenys, và theo nhiều cách, đây sẽ là sự sụp đổ cho sự cai trị của vị vua này.
Dù vậy, sẽ thật sai lầm nếu nói rằng Aenys không có công trạng gì, bởi trên thực tế, anh đã rất nỗ lực để giành được tình cảm của nhân dân. Không thể vì trí tưởng tượng phong phú mà nói Aenys là kẻ tối dạ, bởi anh hiểu rằng nhân dân đã giúp Dorne chống lại cha mình. Nhà Chinh Phạt không bao giờ có thể dùng những con rồng để thu phục lòng dân, thì có lẽ âm nhạc và nghệ thuật có thể làm được điều đó. Vương hậu Rhaenys được nhân dân yêu mến vì là bà là người bảo hộ cho nghệ thuật, và nếu Aenys có thể duy trì điều đó, thì anh có thể giữ cho thời kỳ cai trị của mình không có xung đột. Khi bắt đầu kế vị Ngai Sắt, tầm nhìn của Aenys về vương quyền rất đơn giản: cha anh đã giành chiến thắng trong cuộc chiến, và bây giờ công việc của anh là giữ hòa bình.
Aenys cũng đã cố thể hiện sự khác biệt khi trở thành vị vua đầu tiên nỗ lực triệu tập một Đại Hội đồng. Khi các cuộc nổi loạn lớn nhỏ diễn ra trên khắp vương quốc, Aenys đã cố gắng triệu hồi các lãnh chúa lớn nhỏ để giải quyết những mối đe dọa, chứng tỏ rằng anh sẵn sàng lắng nghe các chư hầu để được tư vấn về cách xử lý các cuộc nổi loạn này. Sau khi các cuộc nổi loạn bị dẹp tan, Aenys đã dành những phần thưởng cho những người đã phụng sự vương quốc. Việc ban thưởng cho thuộc hạ là một cách để giữ cho họ trung thành với nhà vua.
Bài học sâu sắc về thuật cai trị mà Aenys đã học hỏi được từ cha mình là: giá trị của việc tìm cách thỏa mãn các chư hầu. Một điểm đáng nói trong thời cai trị của Aenys: tuy là một vị vua thời loạn kém cỏi, nhưng anh không bao giờ phải đối mặt với một cuộc nổi loạn của các lãnh chúa – điều mà những hậu duệ của anh, từ minh quân như Daeron II hay hôn quân như Aerys II đều phải trải qua. Điều tồi tệ nhất mà Vua Aenys phải đối mặt là Giáo hội – một lực lượng vừa khủng khiếp, lại vừa là vấn đề nghiêm trọng hơn so với các vấn đề mà các vị vua nhà Targaryen phải đối mặt vào sau này.
Không may cho Aenys, anh đã tìm sự ủng hộ từ các quý tộc hơi thái quá rồi. Bằng cách triệu tập Đại Hội đồng thay vì hành động nhanh chóng, các kế hoạch của anh lại thể hiện rất nhiều điểm yếu, và những kẻ nổi loạn sẽ không bị xử lý như những kẻ phản bội vương quốc. Khi Aenys lần đầu nghe về cuộc nổi loạn của Jonos Arryn, anh đã phái một lực lượng đặc nhiệm hải quân để xử lý vấn đề. Tuy đây là một hành động đúng, nhưng gần như ngay sau khi ra lệnh thì anh lại rút lệnh vì sợ cuộc nổi dậy của Harren Đẫm Máu ở Riverlands. Lúc này, Aenys không chỉ thể hiện các điểm yếu, mà còn thể hiện sự thiếu quyết đoán và cả sự sợ hãi. Những kẻ nổi loạn đó có thể khiến nhà vua sợ đến mức khiến anh từ chối thực hiện những nghĩa vụ cơ bản của của quân vương đã làm tăng thêm sự phấn khích của phiến quân và khiến những người trung thành đặt câu hỏi tại sao họ lại phải tuân lệnh một người cai trị hiền lành và thiếu hiệu quả như vậy.
Như để trầm trọng hơn, những tính cách này đã khiến Lãnh chúa Ronnel Arryn của xứ Vale, một chư hầu lâu năm của nhà Targaryen thiệt mạng dưới tay người em trai Jonos. Các gia tộc Greyjoy, Baratheon, Tarly, Royce, thậm chí cả Stokeworth đã có thể hành quân để bảo vệ vương quốc trong khi Aenys còn đang run sợ. Một chư hầu hùng mạnh đã chết khi Aenys ngồi vắt tay lên Ngai Sắt đã nói lên một điểm yếu đặc hữu trong chế độ quân chủ: một vị vua không sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của bản thân theo yêu cầu của một lãnh chúa.
Quy tắc hoạt động của chế độ phong kiến là: tầng lớp dưới đóng thuế cho tầng lớp trên, và tầng lớp trên có nghĩa vụ bảo vệ cho tầng lớp dưới. Hơn nữa, tước hiệu cuối cùng của một vị vua nhà Targaryen (và sau này là nhà Baratheon) luôn là “Protector of the Realm” (tức “Người Bảo vệ Vương quốc”). Ngay cả khi Aenys có ý định tốt, nhưng với việc không hành động đủ nhanh và đủ mạnh tay, anh đã thất bại trong nhiệm vụ của mình, và điều đó bắt đầu nảy sinh ý kiến về Aenys với địa vị là người cai trị.
Trong nỗ lực làm vừa lòng các thuộc hạ, Aenys cũng mắc những sai lầm chính trị, khiến cho nhiều người tức giận hơn là vui vẻ. Nghiêm trọng nhất trong số đó là việc trục xuất Thất Diện Thần giáo khỏi Quần đảo Sắt, và là một sai lầm chính trị ngay từ đầu. Lãnh chúa tối cao Goren Greyjoy lợi dụng bản chất thiếu quyết đoán của Aenys, đã đàn áp cuộc nổi dậy của tên vua thầy tế Lodos. Aenys, với mong muốn thưởng ban thưởng cho Goren, đã phạm một trong những lỗi nghiêm trọng nhất trong đàm phán: anh đã cho phép Goren được chọn bất cứ phần thưởng nào. Trong chiến lược đàm phán, không gì tuyệt hơn việc đạt được điều mình muốn mà không phải trả một cái giá nào; và bằng cách đó, một bên có được lợi thế tuyệt đối so với bên kia. Trong trường hợp này, Goren Greyjoy đã khiến nhà vua phải giải quyết nhu cầu của mình là trục xuất Thất Diện Thần giáo khỏi Quần đảo Sắt – một việc mà sau đó Aenys buộc phải làm theo.
Mặc cho những tác động tiêu cực lên vương quốc, thật khó để mà phủ nhận sự thông minh trong kế hoạch của Goren Greyjoy. Việc trục xuất Thất Diện Thần giáo chắc chắn sẽ chọc giận những tín đồ của tôn giáo này, và Quân đội Giáo hội là một lực lượng quân sự hùng mạnh. Việc ép nhà vua ban ân điển bằng cách thực hiện yêu cầu của mình, Goren đảm bảo những kẻ gánh chịu sự phẫn nộ không phải là người dân của mình mà là vương thất Targaryen. Vua Aenys lâm vào tình huống tiến thoái lưỡng nan: Hủy bỏ ân điển vương thất, hoặc từ chối ban thưởng cho Goren ngay từ đầu. Đây sẽ là một đòn đánh dội ngược rất mạnh dành cho Ngai Sắt, bởi lúc này triều đình không những không tìm cách chấm dứt các mối đe dọa, mà còn không ban thưởng cho những người đã kết thúc những đe dọa ấy. Hành động như vậy chắc chắn tất cả các chư hầu của Aenys khơi dậy một cuộc nổi loạn mới.
Hành động này chắc chắn sẽ khiến Giáo hội nổi giận, và đây không phải là lần đầu tiên điều đó xảy ra. Vào năm 25 HCP, Vương hậu Visenya từng đề nghị gả Maegor cho con gái đầu lòng Rhaena của Aenys theo truyền thống của nhà Targaryen, nhưng Giáo hội coi một cuộc hôn nhân nội tộc là điều đáng ghê tởm. Để làm Giáo hội hài lòng, Maegor đã phải kết hôn với Ceryse Hightower – người cháu họ của Đại Tu sĩ (có thể coi ông này như Giáo hoàng trong thế giới của chúng ta). Giáo hội dường như rất hài lòng với điều đó, vì ngay cả khi trục xuất các tu sĩ khỏi Quần đảo Sắt, họ vẫn giữ mối giao hảo với Ngai Sắt cho đến năm 39 HCP, khi Maegor làm một điều khiến họ nổi trận lôi đình.
Maegor đã công khai thể hiện sự bất bình với việc không được có một cuộc hôn nhân nội tộc theo truyền thống bằng cách tái lập một tập quán hôn nhân khác của người Valyria: chế độ đa thê. Anh lấy Alys Harroway làm vợ, với mẹ mình làm người chủ trì hôn lễ. Điều này đã khiến Giáo hội nổi giận thêm một lần nữa, và lần này Aenys đã nhượng bộ rất nhiều để giữ hòa bình: đày Maegor sang thành bang Pentos ở lục địa Essos, tước bỏ chức vụ Chưởng quản Đại thần của anh và trao nó cho Tu sĩ Murmison. Đây là lần đầu tiên một tu sĩ giữ một chức vụ cao như vậy ở Westeros, và điều này đã làm Giáo hội nguôi giận. Hai năm tiếp theo sẽ là hai năm yên bình, nhưng rắc rối vẫn đang sôi sục dưới bề mặt, chỉ chờ một mồi lửa để nó bộc phát.
Thật không may, Aenys đã không học được bài học từ người em trai. Anh sắp xếp một cuộc hôn nhân mang tính báng bổ tôn giáo, và điều này đã đưa Thất Diện Thần giáo đến cực điểm của sự phẫn nộ. Vào năm 41 HCP, Aenys lệnh cho Murmison tổ chức đám cưới cho hai đứa con đầu lòng của anh là Rhaena và Aegon. Aenys thực hiện hành động bị tuyệt đối cấm này sẽ là sự xúc phạm cuối cùng. Quân đội Giáo hội đã cầm vũ khí và kêu gọi lật đổ vị vua báng bổ tôn giáo này.
Để hiểu được sự sụp đổ của Aenys, ta phải hiểu được cơ chế chính trị của Westeros và những gì đã diễn ra. Vua Aegon I đã đầu tư sức mạnh đáng kể cho các chư hầu của mình và cho phép họ có những đóng góp to lớn vào thành công của vương quốc của ông, nhưng nhiều chư hầu lại nhớ về thời kỳ không có một chúa rồng Valyria nào được gọi là vị vua tối cao của Westeros, và mong muốn Westeros không bị ảnh hưởng bởi nhà Targaryen.
Thất Diện Thần giáo là một trụ cột chính của sự hỗ trợ chống lại chế độ quân chủ, và điều này đúng vì hai lý do sau. Thứ nhất, họ là một trong những tổ chức quyền lực nhất ở Westeros, một trong số ít các chủ đề phổ biến để liên kết với con người ta với nhau, ngay cả những kẻ ghét nhau như người Dorne và người vùng Reach. Cuộc chinh phạt lục địa Westeros của người Andalos mang tính tôn giáo rất lớn, và tôn giáo thường trở thành niềm an ủi trong thời kỳ khủng hoảng, với nhiều so sánh trong thế giới thực thậm chí cho đến ngày nay (có thể kể đến sự kiện Hưu chiến Lễ Giáng sinh, với việc những người lính Anh và Đức tạm đình chiến để kỷ niệm ngày lễ Giáng sinh). Những người nghèo khó nhìn thấy những người Công giáo giàu có và béo tốt đã nhìn thấy những thứ trang sức của Giáo hội khiến họ xao nhãng việc phục vụ cộng đồng tôn giáo, và nổi dậy, tố cáo tham nhũng hệ thống này. Chuyện này sẽ xuất hiện một lần nữa với Người Chăn Cừu vào thời vua Aegon II, và với Đại Chim Sẻ lộng hành khi Thái hậu Cersei Lannister chấp chính.
Giáo hội khoe khoang rằng mình có hai lực lượng quân sự có thể cung cấp rất nhiều đội quân đông đảo và những sĩ quan chỉ huy đã được huấn luyện kỹ càng, và chính bản thân họ còn sở hữu ngân hàng trung tâm, đủ vốn để cho vay những khoản nợ khổng lồ, thậm chí là cả cho ngân khố vương thất nữa. Họ có sức mạnh để xử án và có thể truyền bá thông điệp đến mọi người Westeros khi họ tham dự các buổi lễ tại một thánh đường. Ngay cả Trường Thành và Citadel cũng chẳng dám khoe khoang mình có nhiều sức mạnh đến vậy trên toàn Westeros.
Những chuyện tầm thường nhỏ mọn này lặp đi lặp lại, và điều này dẫn đến lý do thứ hai: Aenys liên tục lăng mạ Thất Diện Thần giáo. Trong lúc vị vua này cố gắng lấy lòng giáo hội sau khi Ngai Sắt thực hiện những hành động báng bổ, thì mỗi lần điều này xảy ra, sự kiên nhẫn của Giáo hội lại giảm đi. Sự vi phạm lặp đi lặp lại cho thấy một mô hình, và những sự vi phạm này đã chống lại hạt giống niềm tin của Giáo hội, rằng sự thiếu hiểu biết không thể được sử dụng như một cái cớ. Điều này cũng giống như một người mắc cùng một lỗi hết lần này đến lần khác, thì sau một thời gian, những lời xin lỗi và lời bào chữa bắt đầu trở nên vô nghĩa. Sau rất nhiều sự lăng mạ, Giáo hội đã nổi dậy chống lại “Tên vua tởm lợm”, và cuộc nổi loạn của Quân đội Giáo hội đã xảy ra.
Aenys đã đối mặt vấn đề bằng tính cách đặc trưng của anh: sự thiếu quyết đoán, sợ hãi những cuộc ẩu đả, và ở đây Aenys đã thể hiện mình là người không phù hợp làm lãnh đạo. Khi hội Anh Em Nghèo tấn công Aenys, anh sợ hãi chạy trốn khỏi kinh đô, để lại phần lớn thành phố trong tay của Quân đội Giáo hội. Khi các con anh bị bao vây tại lâu đài Crakehall, Aenys lo đến lâm bệnh. Việc trốn khỏi kinh đô và để lại nó cho đội quân kẻ thù là một động thái dại dột, đặc biệt là khi cuộc nổi dậy của Quân đội Giáo hội còn chưa thật sự bắt đầu.
Tốc độ thành công của một phiến quân nhanh hay chậm thì còn phụ thuộc vào tốc độ tịch biên tài sản, cho dù đó là một chiến thắng trên chiến trường hay việc tịch biên tài sản hữu hình, để cung cấp cho phong trào của họ sự ngầm chấp thuận cần thiết để thúc đẩy thành công liên tục của họ. Đa phần các cuộc nổi dậy đi vào thoái trào khi các thành tựu quân sự đến chậm dần và quân nổi loạn bắt đầu phải bảo vệ lãnh thổ cũng như thành quả. Sự sợ hãi của Aenys đã trao thành King’s Landing vào tay Quân đội Giáo hội, và điều này cho Giáo hội mọi sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo đó là sự tiếp quản hòa bình.
Hai mẹ con Visenya và Maegor dưới thời Vua Aenys
Vương tử Maegor được sinh ra sau khi Vương hậu Rhaenys qua đời, một sự kiện có ảnh hưởng lớn đến cả Maegor và mẹ anh, Vương hậu Visenya. Vào năm 21 HCP, Visenya đã đề nghị hứa hôn Maegor với con gái Rhaena của Aenys – đây là một cơ hội để đặt dòng máu của mình lên Ngai Sắt, đồng thời giữ cho dòng máu Targaryen thuần khiết, nhưng Aenys đã buộc phải xoa dịu Giáo hội bằng cách gả Maegor cho Ceryse Hightower. Năm 26 HCP, Aenys sinh ra một người thừa kế nam là Vương tôn Aegon, và điều này sẽ đẩy Maegor mỗi lúc một thấp hơn trong thứ tự thừa kế Ngai Sắt (theo quan điểm của các lãnh chúa). Năm 28 HCP, Aenys có thêm một người con trai khác là Vương tôn Viserys. Dù Maegor đã nỗ lực hết sức nhưng không bao giờ có thể cùng Ceryse Hightower sinh ra một đứa con, anh sẽ không bao giờ lên ngôi nếu không có sự trợ giúp.
Trong những năm đầu của triều vua Aenys, Maegor đóng vai trò là người thi hành các chính sách của Ngai Sắt, và anh xử lý các vấn đề quân sự một cách dễ dàng đến mức đáng ngạc nhiên. Noi gương mẫu thân mình gần bốn mươi năm trước, anh đã cưỡi con rồng Balerion bay lên lâu đài Eyrie, và anh đã được tưởng thưởng bằng danh hiệu Chưởng quản Đại thần.
Dù là mang sẵn trong người bản tính hung bạo, đây là lần duy nhất Maegor xử lý vấn đề một cách thích hợp. Ronnel Arryn, Lãnh chúa Tối cao của xứ Vale đã bị em trai mình là Jonos giết bằng cách ném ra khỏi Cổng Mặt Trăng. Jonos Arryn không chỉ đơn giản là một kẻ giết người thân – thứ tội ác bị nguyền rủa trong mắt của người Westeros; mà hắn đã giết người đã từ bỏ vương miện của mình để trở thành một chư hầu của triều đại Targaryen. Ronnel là Hộ thần Phương Đông và là một trong những chư hầu chính của nhà Targaryen. Bằng cách giải quyết vụ việc, Vương đệ Maegor đã thực hiện một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của quân vương: bảo vệ chư hầu.
Mặc dù vậy, Maegor dường như không quan tâm đến việc giành lấy Ngai Sắt cho mình, điều đó cho thấy rằng anh ta bằng lòng với việc trở thành Chưởng quản Đại thần và xử lý các vấn đề tàn bạo nhiều hơn là cai trị. Trong khi cuộc hôn nhân của anh với Ceryse Hightower không đơm hoa kết trái, anh đã không gạt cô sang một bên cho đến năm 39 HCP, khi anh kết hôn với Alys Harroway trong một nghi lễ do Visenya chủ trì. Visenya là người thôi thúc Maegor hành động, và cuối cùng cũng dẫn đến lễ đăng quang của anh. Visenya đã cố gắng đưa Maegor lên ngôi vua bằng cách gả anh cho Vương tôn nữ Rhaena (người vào thời điểm ấy thì đó là đứa con duy nhất của Aenys); nhưng lúc này, với cuộc hôn nhân đa thê với Alys Harroway, Visenya đã chú ý đến một vấn đề khác: Maegor phải có một người thừa kế.
Truyền thống của người Valyria là anh chị em kết hôn với nhau, và nếu như có ai đó không có người anh chị em khác giới để kết hôn thì mới đến lượt thế hệ chú bác. Ngoài ra, người Valyria cũng có truyền thống kết hôn đa phu thê. Và không may cho nhà Targaryen, những tập quán của họ khi ở Valyria không được Giáo hội chấp nhận. Việc Aenys đày Maegor và Alys Harroway sang Essos là để giữ hòa khí với Giáo hội, nhưng ngay sau đó anh đã tổ chức hôn lễ cho hai đứa con lớn của mình, và hành động này khiến việc đày hai vợ chồng Maegor sang Essos cũng thành công cốc. Aenys vốn là một kẻ thiếu quyết đoán, nhưng động thái ấy của anh lại vô cùng cứng rắn, và nhiều người cho rằng Thái hậu Visenya là người giật dây phía sau. Dĩ nhiên, Aenys cũng có thể toàn quyền quyết định, nhưng nếu như Visenya đề nghị cuộc các cuộc hôn nhân của Maegor (dù là với Rhaena Targaryen hay với Alys Harroway), bà đã có thể đích thân bình định Quân đội Giáo hội sau khi thuyết phục nhà vua.
Với cương vị của người đọc, chúng ta thấy kế hoạch của Visenya là quá rõ ràng: đưa Maegor lên làm vua, và bà có nhiều cách để thực hiện kế hoạch. Dĩ nhiên, cách thứ hai là một canh bạc mạo hiểm khi Giáo hội có thể dễ dàng nổi loạn để chống lại vương thất Targaryen.
Vào những ngày sau khi thái hậu Visenya qua đời, người ta đồn rằng chính bà là người hạ độc vua Aenys, thậm chí một số người còn gọi bà là kẻ giết người thân và kẻ giết vua. Có phải bà đã đứng đằng sau mọi chuyện để cho Maegor lên ngôi thay cho Aenys? Đó là câu hỏi mà chúng ta không thể nào biết được.
Vào thời điểm Aenys ngã bệnh sau khi biết tin hai con mình bị bao vây ở lâu đài Crakehall, Thái hậu Visenya là người đã chăm sóc anh, và anh đã bắt đầu hồi phục, nhưng sau đó anh lại chết một cách bí ẩn, để lại một trong những bí ẩn lớn của triều đại Targaryen: liệu Visenya đã giết Vua Aenys để đưa con trai Maegor lên Ngai Sắt?
Visenya mang trong mình nhiều mặc cảm. Khi còn trẻ, tình yêu của Aegon dành cho bà có lẽ chỉ bằng một phần mười so với Rhaenys. Với việc Aenys có rất nhiều người thừa kế khỏe mạnh, đưa một Maegor mạnh mẽ lên Ngai Sắt là cách duy nhất để bà đảm bảo dòng máu của mình được truyền trong thời kỳ còn lại của nhà Targaryen. Visenya là người dân tộc Valyria, và với dân tộc này, việc giết người thân có đáng bị khinh bỉ như với người Westeros hay không thì ta không biết rõ.
Và cuối cùng, với một cú đánh quyết định, triều vua thiếu quyết đoán nhất của Westeros đã chấm dứt. Một người đàn ông sợ xung đột đã tàn đời khi tất cả mọi thứ chung quanh anh là xung đột, và một vị vua cố gắng hết sức để được muôn dân yêu mến đã kết thúc cuộc đời mình với tư cách là tên vua bị coi thường nhất vào lúc chết. Sau tất cả, Aenys yếu đuối là một bài học bi thảm về sự cần thiết khi phải hành động của một nhà cai trị. Đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng việc cai trị đầy những tình huống khó khăn, và bằng cách trở thành một nhà cai trị, việc trốn tránh những vấn đề quốc gia đại sự là điều bất khả thi.
Triều vua đẫm máu của Maegor Bạo Chúa
Dù Maegor đã phạm phải rất nhiều tội lỗi, thì sự thiếu quyết đoán chưa bao giờ nằm trong số đó. Ngay sau khi Aenys chết và được hỏa táng, Thái hậu Visenya đã cưỡi con rồng Vhagar bay thẳng đến thành Pentos để triệu hồi con trai về Bảy Vương Quốc. Maegor được mẫu thân trao vương miện bằng thép Valyria của cha mình trên đảo Dragonstone, một hình ảnh tái lễ đăng quang của cha mình tại Aegonfort năm xưa. Điều này đã liên kết anh với sự thành công của Nhà Chinh Phạt Aegon chứ không phải là sự hiền lành của anh trai Aenys. Khi Đại Học sĩ Gawen phản đối sự bất hợp pháp của hành động này, Maegor giết ông bằng thanh Blackfyre và những lời chống đối im bặt.
Giờ đây, khi đã là một vị vua, Maegor nhanh chóng xua tan đám mây đen do Quân đội Giáo hội đã mang đến King's Landing. Đây có lẽ vừa là điều thông minh và cũng lại là điều ngu xuẩn nhất anh từng làm trong sáu năm chiếm giữ Ngai Sắt. Anh quyết định thách thức Hội Con Trai Thần Chiến Binh bằng cách xử đấu bảy chọi bảy – một tục lệ cổ xưa của Thất Diện Thần giáo để đáp lại lời tuyên án dành cho tính chính danh để cai trị của Maegor.
Điều thông minh là ở chỗ: Hội Con Trai Thần Chiến Binh không thể từ chối loại yêu cầu này, bởi đối với Thất Diện Thần giáo, việc tổ chức các cuộc xử đấu bảy chọi bảy là một hình thức ban phúc mang tính tôn giáo rất đặc biệt (cần biết rằng trong 300 năm kể từ ngày nhà Targaryen bắt đầu, chỉ có hai lần xử đấu bảy chọi bảy diễn ra). Vai trò của tôn giáo độc thần trong việc cai trị là gì thì ai cũng rõ. Việc Maegor khởi xướng một cuộc xử đấu như vậy là một điều khôn ngoan, bởi anh cho bàn dân thiên hạ thấy mình là một người tôn trọng tôn giáo, và nếu như Hội Con Trai Thần Chiến Binh từ chối, họ sẽ mâu thuẫn với chính giáo hội và cho muôn dân thấy mình là những kẻ không ra gì.
Còn về sự dại dột, Maegor đã tự đặt mình vào một tình huống vô cùng nguy hiểm. Anh có con rồng lớn nhất và mạnh nhất trên toàn vương quốc, và tham gia vào một trận chiến công bằng thì việc anh thiệt mạng là điều khả thi, ngay cả khi phe của anh thắng. Sau này, Đại hãn Drogo chính là một minh chứng rằng vết thương viết thương độc có thể làm chiến minh mạnh mẽ nhất phải chết, và Maegor đối mặt với một sự nguy hiểm như vậy cũng là sự mạo hiểm của việc Ngai Sắt sẽ được truyền cho con trai trưởng Aegon của Aenys, lúc ấy mới là một chàng thiếu niên 16 tuổi và đang cưỡi một con rồng nhỏ hơn rất nhiều: con rồng Quicksilver của chính cha cậu.
Cuộc xử đấu bảy chọi bảy người đã kết thúc với chiến thắng thuộc về Maegor, khi anh là người cuối cùng còn sống của phe chiến thắng. Tuy nhiên, Maegor đã gặp một chấn thương quái gở đã khiến cho anh hôn mê trong một tháng. Ngay khi bình phục, anh cưỡi con rồng của mình đến Thánh đường Tưởng Nhớ – ngôi thánh đường được xây dựng để tưởng niệm Vương hậu Rhaenys quá cố, và cũng là nơi Quân đội Giáo hội đang tụ tập. Tại nơi đây anh đã thiêu rụi toàn bộ thánh đường, còn những người cố gắng chạy trốn đã bị cung thủ hạ gục. Triều vua đẫm máu của Maegor đã bắt đầu bằng lửa và máu. Thế rồi, hàng trăm người đã bị giết, từ những kẻ thù bị giết trên sông Honeywine đến những người thợ góp công xây dựng Red Keep. Anh còn muốn kéo người khác vào con đường trở thành sát nhân bằng cách thưởng một đồng rồng vàng cho cái đầu của bất kỳ chiến binh nào của Hội Con Trai Thần Chiến Binh, và một đồng nai bạc cho một người trong Hội Anh Em Nghèo. Điều này đã đem lại biệt danh khét tiếng cho Maegor: Bạo Chúa.
Thậm chí Maegor còn là kẻ giết người thân, điều cực kỳ bị khinh miệt ở Westeros. Người con trai cả của Vua Aenys là Aegon sẽ không để cho Maegor chiếm đoạt chiếc vương miện mà cậu coi là của mình. Cậu đã huy động một đội quân của Westerland để lật đổ Maegor và khôi phục lại dòng máu của Vương hậu Rhaenys trên Ngai Sắt. Không may thay, lực lượng ủng hộ Aegon là không nhiều, và khi hai chú cháu giáp mặt nhau trên hồ God’s Eye, dù quân của Aegon đông hơn, thì sức mạnh của Balerion là quá đủ để giết Quicksilver cũng như khiến đội quân bên dưới bỏ chạy.
Maegor tiếp tục tăng cường sự tàn ác trong nỗ lực bình định Quân đội Giáo hội bằng cách thả hai nghìn hộp sọ tại kinh đô King’s Landing, tuyên bố đó là của thành viên của Quân đội Giáo hội (điều này cho thấy Maegor không chỉ bạo lực ở hành động mà còn là ở sự tuyên truyền), nhưng ngay cả những lời răn bảo đầy hòa nhã của tân Đại Tu sĩ cũng không thể dập tắt được ngọn lửa sục sôi của Quân đội Giáo hội. Giống như cha mình, Maegor cũng không linh hoạt về chiến lược và chiến thuật, khiến nỗ lực tiêu diệt kẻ thù của anh trở nên khó khăn.
Việc cai trị của Maegor cũng chứa đầy những hành động phi nhân tính. Khi lâu đài Red Keep được hoàn thiện vào năm 45 HCP, nó chứa đầy những lối đi bí mật và những người thợ xây biết điều đó. Để ăn mừng sự kiện trọng đại này, Maegor đã ban yến cho những người thợ, và sau ba ngày vui chơi, Maegor ra lệnh hạ sát toàn bộ. Bằng cách này, anh khiến kiến thức của họ về những lối đi ấy là bí mật nhà nước cấp tối mật, và giờ đây chỉ có một mình vị vua tàn bạo này biết một cách đầy đủ về bí ẩn của tòa lâu đài. Khi anh xây một nơi trú ẩn dành cho những con rồng trên đống tro tàn của Thánh đường Tưởng Nhớ (nếu khi ấy Thái hậu Visenya vẫn còn sống, hẳn bà sẽ nhảy cẫng lên vì vui sướng), anh đã buộc phải sử dụng các tù nhân làm lao động chính dưới sự giám sát của những người thợ thuê từ Essos, bởi không người Westeros nào muốn làm việc cho anh nữa. Với Maegor, bạo lực và sự tàn bạo là những phương pháp xử lý ngay tức khắc, và vương quốc đã chảy rất nhiều máu từ hàng nghìn vết thương.
Vấn đề về người thừa kế của Maegor
Tác giả George R. R. Martin xây dựng hình tượng Maegor dựa trên Vua Henry VIII của Anh – một vị vua ích kỷ, khắc nghiệt, và tâm lý bất ổn. Một trong những điểm nổi bật trong thời cai trị của Maegor là anh liên tiếp lấy vợ, nhưng không phải là do sự thèm khát phụ nữ như Vua Aegon IV sau này, mà do anh thèm khát một người thừa kế. Người vợ đầu tiên của anh là Ceryse Hightower đã không sinh cho anh một người thừa kế trong hai mươi năm kết hôn, và khác với những người vợ còn lại của Maegor, Ceryse chưa bao giờ có thai, điều đó cho thấy cô có vấn đề về sinh sản.
Việc anh kết hôn với Alys Harroway vào năm 39 HCP (tức mười bốn năm sau khi kết hôn với Ceryse) hẳn là đã có sự xúi giục của Visenya, khi bà cũng là người đã gợi ý Maegor và Rhaena kết hôn với nhau theo truyền thống của nhà Targaryen. Chế độ phức hôn vốn không xa lạ gì với người Valyria, và ngay chính người chồng của Thái hậu Visenya là Vua Aegon cũng lấy hai chị em gái mình làm vợ. Việc Visenya tổ chức hôn lễ đã ám chỉ rằng bà đã góp phần trong việc sắp xếp ý tưởng để bắt đầu, nhưng Alys đã chỉ có một thai nhi chết non năm 44 HCP. Trong cơn thịnh nộ, Maegor giết chết tất cả các thành viên trong gia đình cô, cùng với những người hầu gái và Đại Học sĩ Desmond, người đã hỗ trợ cô trong quá trình sinh nở.
Người vợ tiếp theo là người tình của anh từ thời lưu vong, Tyanna của Tòa Tháp. Là một kẻ tra tấn đáng sợ và là kẻ phá hoại những bí mật, Tyanna đã làm Tổng trưởng Tình báo cho Maegor. Tyanna được đồn là đã luyện phép, và điều này hơi khó hiểu khi cô được phép chăm sóc Maegor trong tình trạng hôn mê sau xét xử bằng đấu bảy người. Sau đó, cô đã tra tấn Vương tử Viserys (người con thứ của Vua Aenys) đến chết để báo thù cho Alyssa Velaryon vì đã bỏ trốn cùng Jaehaerys và Alysanne Targaryen cũng như đánh cắp Dark Sister, thanh kiếm của người mẹ vừa qua đời của Maegor. Tyanna cũng đã không sinh cho Maegor một đứa con nào, và sau đó thú nhận đã đầu độc tất cả những người vợ khác của Maegor, để những đứa con của họ trở nên dị dạng. Điều này khá là rõ ràng, Tyanna gần như tàn bạo như chính Maegor, nhưng nhà Targaryen có một lịch sử lâu dài về những đứa trẻ chết non và dị dạng, nhiều đứa có đặc điểm giống với rồng. Kỹ năng phép thuật và độc dược của Tyanna có thể đã ảnh hưởng đến điều này, nhưng cũng có khả năng chính Maegor là lý do đằng sau những cái chết đó, và lời thú tội của Tyanna đã bị đưa ra để làm lý do cho việc cô bị tra tấn sự, thể hiện sự khát máu của Maegor, và tìm ra một sự khinh bỉ để đổ lỗi cho anh cho việc anh không có một người thừa kế.
Những Nàng Dâu Đen của Maegor là một trường hợp rất đáng buồn. Maegor lấy những góa phụ của những người anh đã giết, những người đã có con, buộc họ phải làm vợ mình và cố gắng khiến họ có thai với mình. Các phu nhân Elinor Costayne, Jeyne Westerling, và Rhaena Targaryen bị buộc phải lấy Maegor cùng một lúc. Hai người đầu tiên đã có thai với Maegor, nhưng cả hai đều là những đứa trẻ dị dạng như những đứa con khác của Maegor. Jeyne Westerling đã chết trên bàn đẻ, còn hai người kia đã sống sau kẻ bắt cóc độc ác.
Việc khao khát có một người thừa kế vô cùng mãnh liệt của Maegor rất có khả năng đã khiến anh có một cảm giác tự ti lớn trong tâm lý. Cho đến ngày nay, trong nhiều nền văn hóa , khả năng tình dục được xem là yếu tố quyết định chính của “chất đàn ông”. Maegor là một chiến binh vô song và là chủ nhân của một con rồng dũng mãnh, đã không thể có con trong khi người anh trai mảnh khảnh, yếu đuối của anh có tới tận sáu đứa, đó chẳng khác nào một cái tát vào mặt Maegor.
Điều nhân dân thực sự mong muốn: hòa bình
Maegor vô cùng lúng túng khi nghe tin hàng loạt cuộc phản loạn nổ ra. Và có lẽ vì không còn sự hướng dẫn của mẫu thân, anh trở nên giống Aenys.
Như chúng ta có thể dự đoán, một chiến dịch tàn bạo kéo dài không có tác dụng bình định sự kháng cự cho thấy Maegor yếu thế đến mức nào. Ngày qua ngày, vương quốc đã chống lại bạo chúa khát máu của họ. Vào năm 44 HCP, Thái hậu Visenya qua đời vì tuổi già ở Dragonstone; và sự bối rối của một tang gia đã cho phép Alyssa Velaryon (người vợ góa của Vua Aenys) đánh cắp thanh gươm Dark Sister rồi cùng hai người con út Jaehaerys và Alyssane trốn đến lâu đài Storm's End, nơi Lãnh chúa tối cao của vùng Stormlands là Rogar Baratheon che chở họ trước Maegor (hoặc là giấu họ đi và giả vờ không biết gì, hoặc theo ý Rogar là nghênh chiến Maegor).
Chiến dịch cuối cùng chống lại Maegor bắt đầu khi Jaehaerys tuyên bố công khai mình sẽ giành lấy Ngai Sắt. Dĩ nhiên, vương quốc đầu tiên ủng hộ Jaehaerys là Stormlands – nơi cậu dấy nghĩa. Với việc Alyssa thoát khỏi Dragonstone an toàn, nhà Velaryon với lực lượng hải quân hùng hậu có thể tự do trả thù những tội ác mà Maegor đã gây ra cho họ hàng của họ. Lãnh chúa Daemon Velaryon đã chiếm đoạt phần lớn lực lượng hải quân và các quý tộc biển đã hội quân với ông. Hiệp sĩ Joffrey Doggett và Tu Sĩ Moon đã chiếm được tình cảm của hầu hết các gia tộc Riverlands, bao gồm nhà Tully. Các gia đình Westerlands bị mất người thân trong cuộc binh biến của Maegor đã về phe với Jaehaerys, trong đó có nhà Lannister hùng mạnh. Rhaena Targaryen, một tù nhân và người vợ bất đắc dĩ của Maegor, đã đánh cắp thanh Blackfyre và trốn đi trong đêm với sự giúp đỡ của hai hiệp sĩ Ngự Vệ của Maegor.
Một loạt sự phản bội có hệ thống diễn ra khiến Maegor bối rối. Quá nửa vương quốc công khai ủng hộ Jaehaerys đăng quang, và Maegor chỉ có sự hỗ trợ của một vài gia tộc Crownlands gần đó do sợ bị vị vua khuất phục. Cuối cùng, Maegor nhận thấy rằng anh không thể giải quyết vấn đề này được. Sự tàn bạo có hệ thống của anh trong suốt thời kỳ cai trị là một sai lầm, và bây giờ, ngay cả một hy vọng chiến thắng mong manh của anh cũng không còn. Một ngày nọ, khi bình minh ló rạng, Vương hậu Elinor tìm thấy cái xác của anh trên Ngai Sắt. Cánh tay bị chém từ cổ đến khuỷu tay bằng những ngạnh lởm chởm, và một lưỡi gươm khác đâm xuyên qua họng anh. Một triều vua nhuốm máu nhiều người đã kết thúc bằng máu của một người.
Khi nhìn lại thời kỳ cai trị của Maegor, chúng ta thấy thất bại của anh xảy ra là bởi sự tàn bạo không có dấu hiệu dừng lại. Khi anh bắt đầu chiến dịch, hàng nghìn người ở King’s Landing sẵn sàng chiến đấu dưới lá cờ của anh mà không mảy may suy nghĩ gì. Cuộc chiến chống lại Vương tử Aegon đã cho anh sự ủng hộ của nhà Tully cùng vùng Riverlands. Tuy nhiên, dần dần, những gia tộc từ bỏ đại nghiệp của anh khi những người đứng đầu các nhà bị hãm hại, và việc mất sự hỗ trợ sẽ khiến quân nổi loạn quá đông khiến Maegor và Balerion cũng không thể xử lý nổi.
Một thất bại khác của Maegor là không thể đưa ra những điều kiện hòa bình cho kẻ thù của mình, và đây là điểm mà Maegor khác biệt chủ yếu với cha mình. “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” là một việc làm hợp lý, và Vua Aegon I đã thực hành triệt để câu nói này những kẻ chống lại ông thì bị giết, còn những người đầu hàng trước ông sẽ được tha bổng và ban thưởng. Nhưng với Maegor, với những lời đề nghị về một khoản tiền thưởng cho việc giết người, và việc phá hủy Thánh đường Tưởng Nhớ cũng như tiêu diệt Hội Con Trai Thần Chiến Binh khi họ đang cầu nguyện, đã gieo vào đầu những kẻ thù của anh một suy nghĩ: sẽ có không có chỗ cho kẻ bại trận trong thế giới của Maegor. Khi đặt vào thế “chiến đấu hoặc chết”, không có gì ngạc nhiên khi họ chọn chiến đấu. Và ngay lúc ấy, một giải pháp cho họ xuất hiện: Vương tử Jaehaerys tuyên bố sẽ giành lại ngôi báu.Họ lập tức tập hợp dưới lá cờ của cậu, và để lại một vị vua tàn bạo bị cô lập. Maegor nhận ra thời kỳ cai trị của mình đã đến hồi kết.
Tất nhiên, tạo ra một cuộc tấn công là một trong những điều quan trọng để buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàm phán, như Aenys I đã học được trong thời gian trị vì Westeros ngắn ngủi. Việc anh không có khả năng thực hiện hành động quyết đoán khiến phần lớn kẻ thù của anh có thể tự do làm bất cứ điều gì chúng muốn, và anh không thực hiện nghĩa vụ quân vương của mình khi khi bỏ rơi chư hầu của mình, khiến họ tự hỏi tại sao mình cần phải tôn kính một vị vua yếu đuối không cho mình cái gì. Trong khi Maegor không đưa ra một điều gì ngoài chiến tranh, Aenys chỉ thực hiện những hành động bất lực, thất bại trong những thời điểm khủng hoảng và phó mặc nhiệm vụ của mình cho kẻ thù. Aenys muốn mọi người trở thành bạn của mình, rồi anh nhận ra có quá nhiều người sẵn sàng trở thành kẻ thù của anh vì tình bạn với anh không mang lại lợi ích gì.
Ngược lại, những nhà chinh phạt thành công rực rỡ như Aegon I và Robert Baratheon có thể kết hợp lực lượng áp đảo và sự cởi mở. Tywin Lannister có một châm ngôn nổi tiếng như sau: “Khi kẻ thù của ngươi thách thức ngươi, ngươi phải dùng lửa và gươm giáo để trấn áp chúng. Tuy nhiên, khi chúng quỳ gối đầu hàng, ngươi phải đỡ chúng đứng dậy. Nếu không, sẽ chẳng có ai quỳ gối trước ngươi.” Lời đề nghị hòa bình đáng tin cậy và có ý nghĩa trong khi dự phòng lực lượng cần thiết để chứng minh sự hủy diệt là cả hai khía cạnh quan trọng đối với quá trình tạo dựng hòa bình. Ngay cả những kẻ thù đang gào thét để báo thù như xứ Dorne cũng phải xuôi tay trước lời đề nghị hòa bình của Jon Arryn. Chúng ta biết Thân vương Doran Martell đã thiết lập một hôn ước bí mật với Chúa biển Braavos, tuy nhiên thực tế là sự ủng hộ dành cho nhà Targaryen ở cả Westeros lẫn Essos đều rất yếu ớt và mỏng manh. Việc đưa nhà Targaryen trở lại ngôi báu chỉ có thể khả dĩ là nhờ vào những việc làm của nhà Lannister, Littlefinger và Varys đã khiến nền cai trị của nhà Baratheon suy yếu trầm trọng (hoàn toàn là ngẫu nhiên vì Doran chẳng thể nào kiểm soát được những việc đó). Xem xét kỹ toàn bộ kế hoạch “thiên tài” của Doran, ta có thể thấy rằng nó phụ thuộc vào may mắn quá nhiều. Thực tế là nếu chỉ có duy nhất lực lượng của người Dorne thì kế hoạch trung hưng nhà Targaryen sẽ không thể thành công, giả sử như vua Robert còn khỏe mạnh.
Ngay cả ở trong thế giới của chính chúng ta, các hiệp ước hòa bình là một việc phức tạp yêu cầu sự đầu tư và ý chí mong muốn hòa bình. Kết thúc Thế chiến thứ I, các khoản bồi thường và tái thiết của nước Đức là một bước đi tiến triển, với nguồn viện trợ tài chính từ các nước Đồng minh bao gồm Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi Đại suy thoái xuất hiện và Thế giới dừng việc hỗ trợ tái thiết, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã quét qua nước Đức. Một vài người Đức coi việc dừng hỗ trợ tái thiết là một cái tát vào mặt tiếp theo Hiệp ước Versailles vốn dĩ đã rất nặng nề. Điều này đã tạo nên trạng thái giận dữ, phẫn nộ, và sự quay trở lại của Thế chiến thứ II chỉ còn là vấn đề thời gian.
Đàm phán, cho dù là bằng văn bản hay chiến tranh, là về việc nhượng bộ để đi đến thỏa hiệp. Aenys dường như chẳng thể cung cấp bất cứ điều gì để nhượng bộ, và Maegor dường như không muốn nhượng bộ bất cứ điều gì, vì vậy hòa bình với hai vị vua này là điều không thể xảy ra. Để giải quyết chiến tranh với Quân đội Giáo hội và những vấn đề còn sót lại của vương quốc, nhà Targaryen sẽ cần một nhà đàm phán hàng đầu. Ngự trên Ngai Sắt là một cậu thiếu niên mười bốn tuổi, đã tạo nên một liên minh của những người theo tín ngưỡng và một liên minh giữa ba đại gia tộc. Họ cần một người đàm phán. Và người họ có trong tay là một nhà đàm phán thiên tài.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất