Phân tích 6 câu thơ đầu của bài thơ "Đàn ghi-ta của Lorca (Thanh Thảo)
Thanh Thảo - một cái tên quá đỗi quen thuộc với những độc giả yêu thơ Việt Nam, là một nhà thơ tiêu biểu trong làng thơ nước nhà với...
Thanh Thảo - một cái tên quá đỗi quen thuộc với những độc giả yêu thơ Việt Nam, là một nhà thơ tiêu biểu trong làng thơ nước nhà với mong muốn cách tân thơ Việt, muốn "thổi" một làn gió hiện đại vào thể loại thơ Việt Nam. Với tài hoa của mình, ông đã để thương để nhớ trong lòng người đọc rất nhiều tác phẩm. Nổi bật giữa rừng "tinh hoa" ấy phải kể đến là "Đàn ghi-ta của Lorca" - "đứa con tinh thần" mà ông đã dành tặng cho con người biểu tượng của nghệ thuật Tây Ban Nha, cho người "tri âm" nơi viễn xứ mà ông hằng ngưỡng mộ. "Đàn ghi-ta của Lorca" chính là tiếng lòng ngưỡng mộ, tiếng lòng xót thương của Thanh Thảo đối với cuộc đời của một người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh. Nổi bật lên hết chính là sáu câu thơ ông chắt chiu dành tặng để giới thiệu vị anh hùng của xứ sở Tây Ban Nha:
" những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếch choáng
trên yên ngựa mỏi mòn"
Mở đầu là một hình ảnh gợi âm thanh "những tiếng đàn bọt nước". "tiếng đàn" ở đây có thể được hiểu là tiếng đàn ghi-ta. Đàn ghi-ta có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, là đứa con tinh thần của Tây Ban Nha nên cũng có thể nói rằng đàn ghi-ta là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật của Tây Ban Nha. Ở câu thơ này có một danh từ nhưng được sử dụng như một tính từ để miêu tả tiếng đàn ghi-ta, "bọt nước". Bọt nước gợi ta đến một hình ảnh về một thứ gì dễ vỡ, lăn tăn li ti thế nhưng lại được hồi sinh liên tục, không ngừng nghỉ, không bao giờ biến mất. Nguyên cả câu thơ này, Thanh Thảo ví tiếng đàn ghi-ta, ví nền văn hóa Tây Ban Nha với "bọt nước" để nhấn mạnh rằng: dù có trôi qua bao thời gian đi chăng nữa, nền văn hóa Tây Ban Nha vẫn mãi được làm mới liên tục, cũng có thể như dự báo trước những tinh hoa như Lorca sẽ luôn luôn tái sinh, xuất hiện dù ông đã chết.
"Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt"
Xuất hiện với "tấm áo choàng", Lorca đã thành công chiếm trọn sự chú ý của người đọc. Lorca cũng chính là biểu tượng của Tây Ban Nha. Tây Ban Nha xuất hiện thì y như rằng Lorca sẽ được gọi tên. Với tấm "áo choàng đỏ gắt", Lorca xuất hiện với hình tượng là một chiến sĩ đấu bò tót oai phong, lẫm liệt, sẵn sàng chiến đấu với cái ác để đòi tự do cho nhân loại. Cái tài của Thanh Thảo ở đây chính là việc sử dụng tính từ chỉ màu sắc với gam nóng ở mức độ mạnh "đỏ gắt" để Lorca xuất hiện với một hình ảnh rực rỡ, hút mắt người nhìn, đi vào tâm hồn người đọc.
"li-la li-la li-la"
Lorca đang hát nghêu ngao, báo hiện cho sự xuất hiện của mình. Hay phải chẳng đó là tiếng đàn ghi-ta, là tiếng đàn của Lorca, là dấu hiện nhận biết, là điểm đặc trưng của Lorca. Một tràng "li-la" không ngừng như những âm thanh trong trẻo vang mãi trong tâm trí người đọc.
Ba câu thơ tiếp theo, Thanh Thảo gom góp tinh hoa, chắt chiu cái tài, cái hoa của mình để gợi tả một Lorca vừa anh hùng vừa lãng mạn, vừa là một chiến sĩ vừa là một thi ca trong mắt người đọc:
"đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếch choáng
trên yên ngựa mỏi mòn"
Lorca "đi lang thang", đi không có điểm dừng, đi không biết điểm đích. Lorca "về miền đơn độc", Lorca đang một thân một mình đi trên con đường đổi mới văn hóa Tây Ban Nha, không ai bên cạnh, không ai cùng chung chí hướng, Lorca đang tận hưởng cuộc sống chính mình. Việc sử dụng từ láy "đơn độc" như góp phần nhấn mạnh sự cô đơn, lẻ loi, độc nhất của Lorca trên con đường cải tiến nghệ thuật Tây Ban Nha.
"với vầng trăng chếch choáng"
Thì ra, Lorca không hề cô đơn một mình. Lorca còn có "vầng trăng", còn có nghệ thuật song hành trên con đường "về miền đơn độc". Ở đây lại thêm một từ láy xuất hiện "chếch choáng". "vầng trăng chếch choáng" là vầng trăng đang say, say vì cái tài của Lorca, say vì tiếng đàn của Lorca, say vì vui khi được song hành cùng Lorca. Hay là chính Lorca đang say nên mới thấy "vầng trăng chếch choáng", hình như Lorca say, say vì nghệ thuật, say với niềm vui được đi trên con đường mà mình mong muốn, say vì có "vầng trăng" đồng hành.
"trên yên ngựa mỏi mòn"
Lorca là một người nghệ sĩ mà Lorca cũng chính là một người anh hùng, anh hùng thì không thể thiêu "yên ngựa" đồng hành. Trên con đường "về miền đơn độc", Lorca có "vầng trăng", Lorca có "yên ngựa", Lorca không còn một mình. Lại một từ láy nữa xuất hiện "mỏi mòn", là đi mãi, đi dài, không biết bao giờ kết thúc. Lorca không hề biết điểm dừng trên con đường mình đi là ở đâu, Lorca cứ đi mãi, đi hoài, đi vì mong muốn cách tân nghệ thuật nước nhà. Qua câu thơ này, ta mới hiểu rõ Lorca trong lòng Thanh Thảo đẹp đến nhường nào.
Với cái tài hoa của mình, Thanh Thảo đã mang đến cho người đọc một Lorca vừa dũng cảm vừa lãng mạn, vừa là một chiến sĩ anh hùng vừa là một người nghệ sĩ đầy cảm hứng. Điểm đặc biệt của đoạn thơ này, cũng như toàn bài thơ "Đàn ghi-ta của Lorca" chính là những tiếng đầu dòng không được viết hoa. Nó làm cho mạch thơ không bao giờ ngắt, kéo dài vô tận, cũng như Thanh Thảo muốn chúng ta hiểu rằng cuộc đời của Lorca là mãi mãi vô tận, trong lòng Thanh Thảo, Lorca chưa bao giờ mất, khi nào còn tiếng đàn thì khi đó Lorca còn sống. Đây là tấm lòng ngưỡng mộ mà Thanh Thảo dành tặng cho người tiền bối Lorca của mình.
Bằng tài năng của mình, Thanh Thảo đã khắc sâu trong lòng người đọc hình ảnh văn hóa Tây Ban Nha mà biểu tượng chính là người nghệ sĩ Lorca mà ông hằng kính mến; in đậm hình ảnh một Lorca với hai đặc điểm trái ngược: anh hùng và lãng mạn, góp phần tô điểm thêm cho bức tượng đài Lorca vĩ đại trong lòng ông; góp phần làm sáng thêm, tinh túy thêm, nổi bật thêm cho thi phẩm "Đàn ghi-ta của Lorca" để cho nó có thể trở thành "ngôi sao sáng nhất" trên "bầu trời văn học Việt Nam".
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất