Phần kết của loạt bài Quỷ Ám
Ngay từ khởi đầu lịch sử nhân loại, câu chuyện trong vườn địa đàng đã cho chúng ta thấy rất rõ mưu định của ma quỉ lừa dối con người,...
Ngay từ khởi đầu lịch sử nhân loại, câu chuyện trong vườn địa đàng đã cho chúng ta thấy rất rõ mưu định của ma quỉ lừa dối con người, khiến cho con người nghi ngờ tính thiện hảo tuyệt đối của Ðức Chúa Trời.
Sa 3:1-13 ký thuật, “Vả trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Ðức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn các trái cây trong vườn sao? Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Ðức Chúa Trời có phán rằng: hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá động đến, e hai ngươi phải chết chăng. Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Ðức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác. Người nữ thấy trái cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí, vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Ðoạn mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân. Lối chiều nghe tiếng Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình trong bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Ðức Chúa Trời. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu? A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi loã lồ, nên đi ẩn mình. Ðức Chúa Trời phán hỏi: Ai đã chỉ cho ngươi biết mình loã lồ? Ngươi có ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn đó chăng? Thưa rằng người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán hỏi người nữ rằng: Ngươi có làm điều chi vậy? Người nữ thưa rằng: Con rắn dỗ dành tôi và tôi đã ăn rồi”.
Căn cứ trong phần ký thuật trên chúng ta có thể thấy kỹ thuật lừa dối của ma quỉ từ ban đầu vô cùng hiểm độc, vô cùng tinh vi. Chúng thừa biết Ðức Chúa Trời yêu thương A-đam và Ê-va, là kiệt tác của Ngài, và trong muôn loài vạn vật Ngài tạo dựng, A-đam và Ê-va đứng đầu, thuộc một loại riêng được Ngài vô cùng yêu quí. Ðức Chúa Trời đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, ban cho quyền quản trị muôn loài, tất nhiên Ngài không tiếc gì với con người, cho phép con người không những quyền quản trị mà còn sử dụng thế giới Ngài tạo dựng. Thế mà Satan đã đặt một câu hỏi hiểm độc, gieo nghi ngờ vào lòng Ê-va về tính hiện hảo của Ðức Chúa Trời, “Mà chi! Ðức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” Nó khôn khéo không khẳng định một điều dối trá như bảo rằng Ðức Chúa Trời ích kỷ, cấm không cho loài người ăn các trái cây ngon ngọt trong vườn, nhưng giả vờ đặt một câu hỏi khiến cho Ê-va không nghi ngờ dụng ý xấu xa của nó. Nó thừa biết Chúa chỉ cấm ăn một loại trái cây, nhưng giả vờ hỏi có phải Chúa cấm ăn tất cả các trái cây trong vườn không? Ê-va ngây thơ không ngờ, đã đối đáp với nó, nhưng trong câu trả lời cũng đã có phần sai lạc. Trong phần ký thuật của Sa 2:17, Chúa dặn “về cây biết điều thiện và điều ác, thì chớ hề ăn đến”, Ê-va đã thêm “và cũng chẳng nên đá động đến”; Chúa khẳng định “một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” thì Ê-va không quả quyết như vậy, bảo rằng “e khi hai ngươi phải chết chăng?”
Thêm bớt, sửa đổi Lời Chúa luôn luôn là những buớc đi vững chắc nhất dẫn đến thảm họa trong mối tương giao với Chúa. Khi nghe Ê-va trả lời lưng chừng như thế, Satan đã cướp ngay thời cơ, dốc toàn lực tấn công như vũ bão. Nó nói thẳng với Ê-va rằng: “Hai ngươi chẳng chết đâu...” Thật là kinh khủng khi chúng ta thấy vào lúc này Satan đã dám nói ngược hẳn lại với mạng lịnh Chúa truyền cho A-đam và Ê-va. Chúa bảo “chắc sẽ chết” thì Satan bảo “không chết đâu”, nó còn tiết lộ thêm một chi tiết hấp dẫn mà Ê-va có lẽ không biết, đó là “nhưng Ðức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. Ðây là một đòn trí mạng đối với Ê-va. Qua lời con rắn là Satan, Ê-va đã “khám phá” ra rằng sở dĩ Ðức Chúa Trời cấm ăn trái cây biết điều thiện và điều ác vì Ðức Chúa Trời không muốn A-đam và Ê-va giống như Ðức Chúa Trời, bằng Ðức Chúa Trời. Satan đã bóp méo hình ảnh Ðức Chúa Trời thiện hảo trong lòng Ê-va thành một Ðức Chúa Trời vị kỷ, một Ðức Chúa Trời nói dối và đã dấu Ê-va nhiều điều. Có lẽ lúc đó Ê-va đã cám ơn con rắn đã tiết lộ cho mình những điều bí mật mà Ðức Chúa Trời đã dấu. Nhìn vào thực tế, khi thấy trái cây “bộ ăn ngon, lại đẹp và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn...” Những lời dối trá lừa gạt của Satan kinh khủng ở chỗ nó không hoàn toàn sai lạc hay vô lý, nhưng dựa trên một phần sự thật phiến diện, kết hợp với cái hấp dẫn quyến rũ rất thật đối với dục vọng làm cho con người vốn giới hạn, bất toàn không thể phân biệt được.
Tất nhiên điều đó không có nghĩa là con người luôn luôn bị khuất phục trước sức cám dỗ của Satan vì chúng ta có thể rút ra bài học và giải pháp ngay trong cuộc chiến đầu tiên này.
Nguyên tắc cơ bản nhất là biết rõ mạng lệnh của Chúa, biết rõ Lời Chúa và bám chặt vào đó. Thái độ thiết yếu đối với Lời Chúa là tin cậy, tuân giữ, dù chưa hiểu hết.
Nguyên tắc thứ hai là không để cho ma quỉ có cơ hội dụ dỗ chúng ta. Cắt đứt mọi liên lạc với ma quỉ, không quan hệ với ma quỉ bất cứ là dưới hình thức nào. Không bao giờ được phép quên rằng ma quỉ là kẻ nói dối và là cha sự nói dối. Con người không đủ khôn ngoan để quan hệ với kẻ vô địch lừa lọc là ma quỉ cho nên cách tốt nhất là không dính dáng với nó, như Thánh Phao lô căn dặn, “Tôi không muốn anh em thông đồng với các quỉ”.
Ðiều sai lạc cơ bản trong ngoại giáo là thay vì thờ phụng Chân Thần là Ðức Chúa Trời, con người đã quay sang thờ tạo vật, thờ con người trong danh nghĩa thánh nhân hay thờ chính mình, qua việc chỉ lo làm thỏa mãn mọi dục vọng vị kỷ như Phao Lô viết trong Rô-ma 1.
Ro 1:21-25 chép, “vì họ dẫu biết Ðức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Ðức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa, song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Ðức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu thú, côn trùng. Cho nên Ðức Chúa Trời đã phó họ sa vào sự ô uế theo lòng ham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa, vì họ đã đổi lẽ thật Ðức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc tạo vật thế cho Ðấng tạo Hoá, là Ðấng đáng ca tụng đời đời! A-men”.
Chân lý Ðức Chúa Trời bày tỏ khẳng định rằng tôn giáo chân thật là tôn thờ một chân thần duy nhất là Ðức Chúa Trời hằng hữu, nhưng Satan đã nỗ lực huy động thuộc hạ là các tà linh sa ngã để phá hoại, dụ hoặc con người rơi vào bẫy thờ đa thần.
ITi 4:1-2 chép, “Vả Ðức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ, bị lầm lạc bởi sự giả hình của các giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì...”
IGiăng 4 cũng cho biết sự hiện hữu của các tà thần, và phải thử cho biết thần nào đến bởi Ðức Chúa Trời.
IGi 4:1-6 chép, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Ðức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ. Bởi điều này, hãy nhận biết Thánh Linh của Ðức Chúa Trời: Phàm thần nào xưng Chúa Cứu Thế Giê-xu lấy xác thịt mà ra đời, thần đó là bởi Ðức Chúa Trời. Còn thần nào không xưng Chúa Cứu Thế Giê-xu, chẳng phải bởi Ðức Chúa Trời. Ðó là thần của kẻ địch lại Chúa Cứu Thế mà các con đã nghe rằng hầu đến, và hiện nay đang ở trong thế gian rồi”.
Sách Khải Huyền cũng nói về tình trạng thờ hình tượng.
Kh 9:20, “Còn những người sót lại, chưa bị các tai nạn đó giết đi, vẫn không ăn năn những công việc bởi tay chúng nó làm, cứ thờ lạy ma quỉ cùng thần tượng bằng vàng, bạc, đồng, đá và gỗ, là những tượng không thấy, không nghe, không đi được”.
Có những lý thuyết xã hội ngày nay cho rằng “giả thuyết về một chủ nghĩa độc thần sơ khai là thiếu nền tảng và về bản chất là điều bất khả”. Nói cách khác, người chủ trương như thế phủ nhận quan niệm độc thần là một quan niệm có từ nguyên thủy và cho rằng con người đã khởi sự thờ đa thần, rồi mới tiến dần đến độc thần. Trong khi đó Kinh Thánh đã nói ngược hẳn lại với quan niệm đó khi cho biết Áp-ra-ham vào khoảng 2000 T.C. đã được Ðức Chúa Trời gọi ra khỏi một xã hội suy thoái, đã từ độc thần trở thành thờ đa thần. Mục đích Chúa kêu gọi Áp-ra-ham là để thành lập một chủng tộc tôn thờ chân thần độc nhất là Ðức Chúa Trời. Do Thái cho đến ngày nay vẫn là dân tộc thờ độc thần là Ðức Chúa Trời hằng hữu.
Sự kiện con người thuở ban đầu thờ độc thần là sự kiện vững chắc, hiển nhiên khi chúng ta chấp nhận rằng con người trực tiếp do Ðức Chúa Trời tạo dựng chứ không phải là sản phẩm của một quá trình tiến hóa. Lý thuyết cho rằng con người là kết qủa của một quá trình tiến hóa là lý thuyết đến từ ma quỉ. Kinh Thánh cho biết hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va đã vui hưởng mối tương giao với Ðấng Tạo Hóa suốt thời gian họ chưa phạm tội. Chúa đến với họ trong vườn Ê-đen trò chuyện, tâm giao trong niềm vui thỏa trọn vẹn cho đến ngày họ sa vào quỉ kế của Satan, trái mạng Chúa, tức khắc mối tương giao với Ðức Chúa Trời đổ vỡ, khiến họ phải trốn tránh mặt Chúa. Dầu vậy, hình thức thờ phượng Ðức Chúa Trời là chân thần độc nhất vẫn tiếp tục duy trì khi Kinh Thánh cho biết Ca-in và A-bên là con cái A-đam đã thờ phượng Chúa bằng cách dâng lễ vật và sinh tế cho Ðức Chúa Trời. Tuy nhiên trong sự thờ phượng và dâng hiến cho Chúa, Satan đã dẫn dụ khiến cho Ca-in ngay từ đầu đã rơi vào bẫy, đi con đường sai lạc. Ðó là thay vì dâng sinh tế là một con chiên bị giết bày tỏ lòng tin nơi Ðấng Cứu chuộc vị lai, Ca-in lại dâng thành quả công việc của tay mình, một hình thức của công đức dựa vào mình thay vì vào Chúa. Ma quỉ và thuộc hạ luôn luôn nỗ lực tối đa để làm con người mù mắt, mù lòng, không thấy được tình yêu thương, phẩm tính công chính, thánh khiết của Ðức Chúa Trời, bị ngăn cách với Ðức Chúa Trời do cố ý, cứng lòng hoặc do tội lỗi. Dâng sinh tế là con đường duy nhất nối lại tương giao với Ðức Chúa Trời nhưng Satan đã dẫn dụ, lừa gạt Ca-in, khiến cho thay vì dâng một con chiên chịu giết, là biểu tượng của Chúa Cứu Thế chịu chết trong tương lai, Ca-in lại dâng thổ sản của đồng ruộng là thành quả công việc tay mình. Cho đến nay, ma quỉ vẫn tiếp tục sử dụng quan điểm sai lạc này để đẩy con người ra xa khỏi Ðức Chúa Trời, để con người đứng độc lập với Ðức Chúa Trời, dựa vào khả năng và sức lực của mình thay vì dựa vào Ðức Chúa Trời.
Ma quỉ cũng cố ý hạ thấp mọi lý tưởng của con người, giới hạn
mọi mục tiêu đời người vào các giá trị vật chất trần gian, trong cõi tạm, để con người hướng mọi nỗ lực vào đó, thực hiện những mục tiêu thấp thỏi tầm thường, ngắn hạn, để không còn tâm trí thì giờ hoặc năng lực suy nghĩ gì đến cõi vĩnh hằng. Lý do ma quỉ không muốn con người suy nghĩ đến cõi đời đời là vì trong chiều hướng tư duy đó, con người sẽ mau chóng nhận ra những giới hạn đáng tội nghiệp của mình, nhưng đồng thời lại ý thức rất rõ rằng cõi vĩnh hằng là nơi mình phải bước vào nhưng không biết cách chuẩn bị. Nhận định này cuối cùng sẽ thúc đẩy con người đến chỗ tìm kiếm, nhờ cậy Ðức Chúa Trời là điều ma quỉ lo sợ hơn hết, vì một khi con người đã kêu cầu Chúa, dù chỉ là một tiếng kêu rất yếu ớt, khắc khoải trong linh hồn, Chúa cũng nghe và Ngài sẽ tức khắc đáp ứng, vì có Lời Chúa phán rằng “Ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu”. Lúc đó mọi công trình, mọi kế hoạch lừa dối tinh vi của ma quỉ xây dựng và che dấu hàng bao nhiêu năm ngăn cản con người đến với Ðức Chúa Trời sẽ bỗng nhiên tan thành mây khói.
Như vậy hành động của Ca-in dùng thành quả công việc của tay mình thay vì dùng huyết sinh tế dâng lên, chính là thể hiện thái độ từ chối ân sủng Chúa, và đó là bài giáo lý đầu tiên của quỉ dữ. Thái độ gạt bỏ Ðức Chúa Trời sang một bên là đặc trưng của con người từ Ca-in cho đến thời Nô-ê, rồi tiếp nối đến thời tháp Ba-bên, khi con người họp nhau xây một cái tháp “cao lên đến tận trời”, thách thức Ðức Chúa Trời. Ðến thời Áp-ra-ham thì nhân loại đã rơi vào khuynh hướng thờ đa thần phổ biến đến nỗi Ðức Chúa Trời phải kêu gọi Áp-ra-ham ra khỏi quê hương dòng tộc để đi theo Ngài là Chân Thần. Áp-ra-ham đã trở thành người đầu tiên được Ðức Chúa Trời coi là công nghĩa bởi đức tin giữa cả một thế giới chìm đắm trong ngoại giáo bị cắt đứt liên lạc với Ðức Chúa Trời.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất