Đã định viết cho Phan Mạnh Quỳnh nhiều lần, kể từ lần đầu biết đến anh sau bài "Vợ người ta". Trong một đoạn clip, ca sĩ Hà Anh Tuấn từng bảo "bài gì mà nghe tùm lum tùm la", đoạn nói về những ấn tượng ban đầu với Phan Mạnh Quỳnh.
"Vợ người ta" là một bài hát hay, chỉ có điều Hà Anh Tuấn, người luôn cố gắng xây dựng hình ảnh "văn minh, sang trọng" cho âm nhạc của mình, sẽ không dễ thích ngay từ đầu. Nhưng rồi nghe lâu, ca sĩ này cũng phải gật gù càng nghe càng thích.
"Vợ người ta" có concept rõ ràng, độc đáo so với cách tiếp cận tương tự ở đề tài dự đám cưới của người yêu cũ. Một bài hát tương đối sạch sẽ và cho người ta những thông tin ban đầu về tư duy âm nhạc viết nhạc của anh: nội dung gần gũi nhưng lại độc đáo và cách tiếp cận chân phương nhất có thể.
Quỳnh bị ảnh hưởng mạnh từ nhạc vàng và từng thừa nhận rất thích nghe nhạc của Trúc Phương (tác giả bài "Thói đời"). Nhạc của Quỳnh mang hơi hướm bolero ở những câu từ đơn giản, mang những triết lý "sến". Trong MV "Vợ người ta", có phân đoạn nhân vật do Phan Mạnh Quỳnh đóng nghe bài "Sầu tím thiệp hồng", tạo cảm giác rất thanh niên thôn quê mà những ai lớn lên giữa xóm làng sẽ đồng cảm.
Nhưng, Phan Mạnh Quỳnh làm mình nhớ đến nhạc sĩ Trần Tiến nhất. Đầu tiên, cả hai nhạc sĩ đều có nhiều bài hát về đề tài tuổi thơ, thôn quê và từng thể nghiệm ở những đề tài không ai "thèm" viết như gái mại dâm (Về đi em - Trần Tiến), đi tảo mộ (Hồi ức - Phan Mạnh Quỳnh), dân xây dựng trap gái quê (Chị tôi - Trần Tiến), một vụ tai nạn giao thông (Tự dưng - Phan Mạnh Quỳnh), xuất khẩu lao động (Nước ngoài - Phan Mạnh Quỳnh). Âm nhạc của Quỳnh có nhiều thể nghiệm trong cách phối khí, tất nhiên chưa đến mức kỳ tài, khiến nghe không bị nhàm chán. Đoạn nhạc intro "Có chàng trai viết lên cây" thật sự rất quái dị, cộp mác Phan Mạnh Quỳnh.
Không phải ngẫu nhiên Quỳnh viết nhạc phim lại mát tay như vậy. Nhạc sĩ gốc Nghệ An này chuộng ca từ giàu hình ảnh, phần lời lớp lang như cách dẫn dắt một bộ phim. "Nước ngoài" thực sự là một bộ phim ngắn mà khán giả chỉ cần nghe: Từng diễn biến tâm lý dễ gặp của người đi xuất khẩu lao động được kể nhẹ nhàng, có những day dứt, những u tối nhưng cũng có sự mạnh mẽ tươi sáng ở phần kết. Đấy là chuyện Quỳnh kể hộ người ta. Đến "Hồi ức" hay "Ai cũng có ngày xưa" là những bài gắn liền với tuổi thơ Quỳnh, khả năng kể chuyện của anh như thêm vài phần công lực, nhất là bài 'Ai cũng có ngày xưa' mà nếu nghe kỹ phần lời thì bất kỳ ai từng lớn lên ở vùng lũ miền Trung thấy cồn cào nhớ nhà.
Phan Mạnh Quỳnh cũng làm kinh tế, sáng tác nhiều bài hát cho các ca sĩ thị trường. Nhưng thứ khiến người ta nhớ về anh nhất vẫn là những bài mà Quỳnh trung thành với con người mình. Anh mang những câu chuyện mang nhiều màu sắc đặc trưng địa phương ra đại chúng mà khán giả không gặp nhiều trở ngại khi tiếp nhận. Thành công của anh là minh chứng cho việc cứ làm những thứ mình hợp nhất, những thứ đã định nghĩa nên con người mình thì trời xanh sẽ an bài.
Có một chi tiết nhỏ nhưng cũng thấy Quỳnh tinh ý như nào. Bài hát "Nhạt' do bạn gái/vợ PMQ đóng chính, mở đầu là cảnh trục trặc tình cảm của cả hai, rồi cô gái nhận lòi hẹn hò với một đại gia. Mình xem đến đó là đoán luôn bài này happy ending vì nhìn là biết sợ huông do đóng chung với vợ sắp cưới. :)))