Phân Lô Bán Nền Và Tâm Tư Của Nông Dân Trẻ
Trời chiều trong xanh với gió nhẹ, gã nông dân trẻ tôi đang ngồi dạng rộng trên một chiếc ghế gỗ, có tựa lưng vuông vắn, màu vàng thẫm,...
Trời chiều trong xanh với gió nhẹ, gã nông dân trẻ tôi đang ngồi dạng rộng trên một chiếc ghế gỗ, có tựa lưng vuông vắn, màu vàng thẫm, đôi chút sờn vì nắng gió. Tại nơi đó, dưới bóng râm của cây nhãn vườn nhà đã nhiều năm tuổi, tôi xì xụp húp một ly trà đinh lăng Thái Hưng nguội lạnh. Hít sâu vào một hơi, hạ ly trà xuống và ngước nhìn lên tán nhãn xum xuê bên tay phải. Xuyên qua kẽ lá, tôi thấy một mảng xám xịt, trơ trọi, lạnh và thô ráp của xi măng tô tường phả ra từ mặt bên căn nhà phố hàng xóm. Tiếng thở ra dài thượt của tôi chui lẫn vào tiếng rung rinh của lá cây.
Nơi căn nhà phố kia đang chất chồng lên đã từng là một mảnh vườn khác, giống như vườn nhà tôi đấy. Lúc bác hàng xóm bán đất vườn ấy đi, tôi nghe bác ấy nói giá là 4-5 triệu/m2, hơn 450m2, nghĩa là trên dưới 2 tỷ. Đất chưa có thổ cư gì sất. Mua xong không biết người ta làm thế nào mà lên thổ cư hết ráo rọi, rồi xây ngay căn nhà kia, mà thật ra là ba căn nhà phố liên tiếp, y hệt nhau, trên cùng mảnh đất đấy, trong chưa đến một năm. Người ta gọi đó là phân lô bán nền thì phải. Nhà nào nhà nấy hai, ba tầng, sau này 30, 40 tuổi là đã leo mệt bỏ xừ. Giá một căn rao bán bây giờ đã là 5, 6 tỷ. Tôi thấy có gia đình dọn vào ở một trong các căn đó vào tháng trước rồi. Siêu lợi nhuận phải không? Và không biết bác chủ vườn cũ kia nay đang ở đâu, hay có tiếc nuối gì không.
Thế rồi, “Choang! Choang! Choang!”, bình tĩnh nhấp tiếp một ngụm trà, tôi lại liếc sang bên trái. Không gian phía đó là một căn nhà to đang được thi công, mọc lên từ một mẫu vườn to không kém khác. Dù mỗi ngày đều nốc lấy nốc để nước trà thay nước lọc, giúp an thần, ngủ ngon, chính hãng đại lý, 65k/hộp 25 gói, cod, freeship hcm, nhưng trưa nay, như mọi trưa khác, tôi vẫn không thể nào chìm vào giấc ngủ một cách êm ái, mà có chìm rồi đi nữa thì trong chốc lát cũng lại giật mình hốt hoảng vì tiếng đục, gõ, khoan, cắt inh ỏi. Cũng đã có người nói, và thợ đã chú ý mỗi lần khoan, đập, gõ thì nghỉ tầm 10 phút để chuyển sang làm việc khác ít ồn hơn rồi quay lại, như thế thì tôi và các bác hàng xóm nông dân xung quanh cũng được nghỉ xả hơi, tạm thời giảm nhẹ nồng độ cortisol trong máu, trì hoãn quá trình chuyển nặng của các bệnh tăng huyết áp, đau thắt ngực, động mạch vành, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và đột tử.
Đứng dậy giăng ngang tấm khăn vải sợi tre to tướng để ngăn lớp bụi mịn đang rũ xuống chỗ ngồi, tôi thả đít về mặt ghế cứng và tự cảm thấy hài lòng với hành động mang tính tượng trưng này. Tiếp tục vân vê ly trà và quay lại nói về tiếng ồn, tôi không khỏi bồn chồn khi chợt nhớ rằng chỉ còn vài tiếng chiều nay nữa là đến giờ ca nhạc sống định kỳ của gia đình mới chuyển đến kia. Họ, và những người bạn, sẽ nhậu và hát, và hét, với âm thanh được khuếch đại đến đâu đó cỡ 100-120dB (90dB là tiếng hét to, còn 125dB là điếc vĩnh viễn luôn). Họ vui nên muốn chúng tôi cũng vui.
Khu tôi ở là nông thôn, dù là thổ hào hay bần nông như tôi thì nhà nào cũng vậy, thứ không thiếu nhất chính là thuốc bảo vệ thực vật, hay còn gọi là thuốc trừ sâu. Ngoài ra tôi còn có một bộ xiệt cá, độ mấy chục sò để chích cá dưới mấy con mương gần nhà, chẻ ra từ sông cái. Tí nữa lỡ mà có âm thanh không tốt phát ra từ căn nhà kia, liệu tôi nên chọn giữa: đeo lên bình phun thuốc sâu, hay là vác bộ ắc quy dây nhợ với hai cái cần tre, để qua vui chung cho vừa lòng họ. Thuốc sâu nồng độ cao thì tác dụng chậm, họ sẽ suy hô hấp, ức chế thần kinh, hôn mê và co giật. Còn chích điện thì giúp họ co giật, ngất, ngưng thở ngay lập tức. Thời khắc sinh tử sẽ làm xuất hiện nỗi sợ hãi cực lớn, sinh ra từ tâm, lộ ra tại thân, và đó là cái tôi cần. Ngó xuống nước trà đang rung lắc trong tay, tôi nghĩ tôi sẽ chọn điện trước, vì thích, sau đó sẽ dặm thêm thuốc, như vậy là đạt hiệu quả cao nhất. Tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng tới thính giác, giấc ngủ, tim mạch, tuổi thọ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của con người. Báo đài và tôi sẽ nói như vậy để trả lời cho họ, nếu họ (còn) hỏi (được).
Giờ, ngẫm lại thì chỉ còn mỗi nhà tôi là còn đất vườn. Hàng xóm thì bán đất xong, tự do tài chính hay không chưa biết, nhưng đã nhà lầu, xe hơi cả rồi. Dưới chân tôi còn chồng báo chuẩn bị đốt, trong đó có bài nói về “xã giàu nhất khi có tới hàng trăm căn nhà tiền tỷ, 300 xe hơi, nhà nhà tậu ô tô phóng chật đường làng”, rồi sau đó là “tỷ phú nông dân giàu lên nhanh chóng nay bỗng chốc trở thanh trắng tay”, thấy mà lo. Nước người ta giàu lên nhờ tạo ra giá trị từ công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, cung cấp dịch vụ mới; nước ta thì giàu lên nhờ bán đất, chia đất ra bán, sau đó là bán đi bán lại, mua đi mua lại, dỡ nhà cũ xuống, xây nhà mới lên, nhà nào nhà nấy tí xíu, cao ngất. Quy hoạch chênh nhau sớm muộn một tẹo, đã là thời cơ anh hùng xuất thế. Một nông dân trẻ nông cạn như tôi nên làm gì? Thời cơ để làm giàu là gì? Phân lô bán nền là chuyện xưa rồi? Có thể làm gì khác?
Tôi trẻ và nghèo, và dốt, nên không biết. Chỉ biết thiên hạ bảo tôi phải nhớ kỹ, mặc kệ làm cái gì cũng không được chần chừ, nhân sinh nhìn qua tưởng như rất dài nhưng thật sự lại rất ngắn. Nếu cả đời đã khó có thể làm tốt một việc, lại còn thay đổi bất định, vậy sẽ phí cả cuộc đời. Cuối cùng nhận lại chỉ là hai bàn tay trắng. Nhạc đã nổi lên. Tôi đặt ly trà xuống, chậm rãi đứng dậy, ngó về phía huyên náo và bắt đầu nở nụ cười cuồng dại.

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất