I. Tiền tệ là gì?



Nhà kinh tế học người Anh William Stanley Jevons (1835-1882) cho rằng tiền tệ có 4 chức năng chính:
1. Phương tiện trao đổi (Medium of exchange) 
2. Hệ thống đơn vị định lượng (Unit of account)
3. Tiêu chuẩn cho tín dụng (Standard of deferred payment)
4. Bảo tồn giá trị (Store of value) 
Nếu thứ nào đó thoả 4 điều này thì cơ bản được xem là tiền tệ. Vậy bộ tứ thời hiện đại này sẽ như thế nào khi chúng được dùng để diễn giải và đánh giá sự hữu dụng của tất cả các loại tiền tệ nảy sinh trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại?
 

II. Từ hoá tệ tới tiền tệ


 

1. Lúa gạo và lúa mì


Từ thời ăn lông ở lỗ, phân công lao động (division of labour) đã diễn ra một cách đầy bản năng và tự nhiên. Để cho sự phân công xảy ra thì chắc chắn phải có những sự khác biệt giữa các cá thể và môi trường xung quanh họ. Năng lực của đàn ông và phụ nữ vốn đã khác nhau vì sự khác biệt sinh học, nhưng đó chưa phải là cách phân chia tốt nhất vì cũng có 1. sự tồn tại của ngoại lệ thiểu số và 2. sự đa dạng các công việc ngay trong mỗi quần thể nam và nữ. Năng lực bản thân cũng không quyết định tất cả vì bản thân nó cũng bị ảnh hưởng bởi địa lí và văn hoá cộng đồng. Có những vùng chỉ thích hợp cho trồng trọt, săn bắt, chăn nuôi, khai khoáng và có những nền văn hoá được tự nhiên lập trình trong gene để phát triển các bản sắc khác nhau. 
Nếu muốn phức tạp hơn nữa, tôi có thể thêm sự giới hạn về thời gian. Đời sống con người vốn yêu cầu nhiều thứ vật chất và tinh thần nên thức ăn đồ uống cơ bản cũng không thoả nổi sự phức tạp của sinh vật thông minh nhất trái đất. Con người chẳng phải ba đầu sáu tay, chẳng sống lâu và cũng chẳng kiên nhẫn dưới áp lực của bản năng háu đói, nên phải san sẻ công việc đáp ứng nhu cầu khắt khe này cho những cá thể khác. Làm lần lượt từng cái thì quá tốn thời gian, sao không làm nhiều cái cùng một lúc cho nhanh?
Sự phân công này đã xúc tiến cho những cuộc trao đổi hàng hoá đầu tiên rất là tự nhiên. Họ bắt đầu trao đổi một cách rất trực tiếp. Một bao gạo lớn đổi một chiếc vòng trang sức nhỏ. Nhưng dù có cù lần tới đâu thì bầy người chắc chắn phải nhận ra hai sự bất cập của việc trao đổi hàng hoá này. 
Thứ nhất, sự khó khăn này nảy sinh từ việc đàm phán theo tiêu chuẩn chủ quan của hai bên. Ông nói gà bà nói vịt thì vừa tốn thời gian, tốn chất xám mà còn gây xung đột mang nguy cơ chấm dứt mối quan hệ làm ăn lâu dài. Mà một khi từ mặt nhau thì chỉ có nước nhân loại tuyệt vong vì đói bụng và đói tình mà thôi.
Thứ hai, đó là sự khác biệt của từng loại hàng hoá. Dù hai bên có cam kết đổi một tấn gạo cho một chiếc vòng trang sức thì sự cồng kềnh trong vận chuyển một tấn gạo đó vẫn sẽ khó nhằn hơn rất nhiều. Đó là còn chưa kể sự hao mòn độ tươi của gạo và hàng tá thứ nảy sinh trong lúc vận chuyển như thảo khấu, thời tiết thất thường và đường xá gập ghềnh. Đến lúc gặp nhau để trao đổi thì sự bình đẳng giữa giá trị hàng hoá hai bên đã không còn. Thậm chí, khi đồng ý thiết lập lại cam kết để đổi lại nửa tấn gạo còn nguyên vẹn thì bên kia có dám cắt nửa cái vòng trang sức để đổi không? Gạo còn chia được theo từng hạt chứ cái vòng đó một khi cắt đôi là mất hết giá trị của nó.
Loài người vốn thông minh nên phải rặn cho bằng được một trung gian hoà giải hai bên. Trao đổi trực tiếp đã được phát triển thành trao đổi gián tiếp. Trung gian đây chính là những thứ ít nhất phải 1. được một cộng đồng lớn thừa nhận giá trị của nó, 2. có thể chia nhỏ nó thành các đơn vị nhỏ nhất có thể và 3. dồi dào về số lượng để đáp ứng nhu cầu trao đổi ngày càng tăng. 
Nếu phân chia thế giới theo hướng Đông Tây thì phải nhắc tới nguồn sống của hai nền văn minh: lúa gạo và lúa mì [1]. Nhìn sơ qua, ai cũng thấy chúng phù hợp với ba tiêu chí kể trên. Ngay cả khi không dùng để trao đổi thì con người cũng có thể hấp thụ chúng vào người để sống qua ngày. Đây chính là hình thức chính xác nhất của hoá tệ (tiền tệ dưới dạng hàng hoá-commodity currency), loại tiền tệ có tính ứng dụng cao bên cạnh chức năng thanh toán.
 

2. Vàng và bạc

a. Ai Cập, nơi tiền tệ được thần thánh hoá


Lớp quan tài cuối cùng làm từ vàng ròng đặc của vua Tutankhamun (1342 –1325 TCN)

Lớp quan tài cuối cùng làm từ bạc đặc có tráng lớp vàng của vua Psusennes I (1036-989 TCN). Ở Ai Cập, bạc hiếm hơn vàng và chủ yếu được nhập khẩu nên được xem vật trang trí xa xỉ hơn vàng thời đó. Dưới tiêu chuẩn kinh tế của Ai Cập cổ đại, quan tài bạc của Psusennes I được nhìn nhận là quý giá hơn quan tài vàng của Tutankhamun. Nhưng về giá trị thẩm mĩ và văn hoá Ai Cập, Tutankhamun vẫn hơn. Không phải cứ hiếm hơn là sẽ quý hơn vì giá trị vàng không chỉ nằm ở kinh tế.
Việc phát hiện ra lửa và phát triển văn hoá trồng trọt đã đảm bảo mặt vật chất. Sự tiếp thụ hiệu quả đa dạng các chất dinh dưỡng đã làm con người khôn dần theo thời gian, và sự dồi dào về lương thực đã cho con người nhiều thời gian để nghĩ tới những thứ trừu tượng tinh thần. Trong giai đoạn này, con người dần biết cách tách hàng hoá (hữu dụng) và tiền tệ (vô dụng) thành hai phần riêng biệt. Và đây là lúc vàng và bạc ra đời.
Vàng và bạc có giá trị vì bản thân chúng gầy dựng được lòng tin của con người. Một thứ lòng tin siêu ngây ngô đến nỗi không một logic thực dụng nào có thể diễn giải được tận gốc vấn đề. Rõ ràng chúng không ăn được như gạo, không thể dùng để gieo trồng vụ mùa và không thể tạo nên vũ khí và công cụ nông nghiệp như đồng và sắt. Đây là một dấu hiệu cho thấy nền văn minh con người đã tiến xa tới mức nào. Nó vượt qua rào cản của hệ giá trị thực dụng để tiến tới hệ giá trị trừu tượng tinh thần.
Trong cuốn The Power of Gold, Peter Bernstein cho rằng giá trị của vàng đã được phát triển đầu tiên bởi Ai Cập, một nền văn minh cổ xưa bậc nhất đã phô trương vàng về mặt thị giác đến mức ám ảnh [2]. Ai Cập thờ thần mặt trời Atum-Amun-Ra và nhận Pharaoh là con của ngài hay mặt trời bé con của người dân. Mặt trời có màu vàng sáng chói nên Pharaoh có lẽ phải làm bản thân sáng rực bằng cách đeo vàng, một thứ kim loại vừa có màu vàng và vừa có độ phản chiếu ánh sáng cao.
Sự hùng mạnh của Ai Cập đã dẫn tới sự truyền bá ảnh hưởng văn hoá của nó khắp vùng Trung Đông, nơi những nền văn minh cổ xưa nhất và những tôn giáo rường cột của nhân loại được khai sinh.
Một Ai Cập tinh thông thậm chí còn tạo nên cặp đôi bất di bất dịch của văn minh của nhân loại, vàng và bạc. Ghi chép lịch sử sớm nhất về cặp đôi này chính là vào năm 3100 TCN, thời của Menes, vị vua đầu tiên của vương quốc đã thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập. Ông đặt ra luật rằng giá trị của 1 phần vàng bằng 2.5 phần bạc [3].
Về mặt trừu tượng, bạc phải có một sự yếu thế nào đó mà có thể được nhân hoá thành những mối quan hệ xã hội con người. Vàng là mặt trời thì bạc chính là mặt trăng. Hai thứ này thay phiên nhau soi sáng thế giới vào ngày và đêm nên có thể được xem là hai đấng tối cao cai trị chúng sanh. Nhưng con người chỉ làm việc ban ngày nên phải nhờ ơn mặt trời nhiều hơn. Ngoài ra, những thứ sáng chói luôn có một sự chính danh cao hơn nên mặt trăng âm u phải chịu phần thiệt hơn.
Về sau này, khoa học hiện đại còn củng cố cho sự phân chia cấp bậc của vàng-bạc. Thứ nhất, nó phát hiện ra ánh sáng của mặt trăng đến từ sự phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Thứ hai, nó giúp đo lường độ hiếm của hai kim loại này và từ đó cho thấy, bạc dễ được khai thác với số lượng lớn hơn vàng rất nhiều [4]. Thứ ba, bạc có nhiều công dụng cho chế tạo và sản xuất công nghiệp hơn vàng rất nhiều. Dù trước đó bạc được thần thánh hoá nhưng vì khoa học đã khai phá ra được giá trị thực dụng của nó trong sản xuất nên bạc đã bị tổn hại rất nhiều với tư cách là một loại tiền tệ.
Hệ giá trị thực dụng luôn rất bấp bênh vì nó thay đổi không ngừng và thay đổi đến chóng mặt. Đây chính là lí do tại sao gạo và lúa mì hay các loại lương thực thiết yếu mất đi giá trị trong xã hội thịnh vượng nhưng lại vô tình biến thành bảo vật trân quý trong xã hội đói nghèo. Chính ra hệ giá trị trừu tượng mà đại diện mạnh nhất của nó chính là tôn giáo mới vững vàng. Rule of thumb rút ra là càng được thần thánh hoá, càng vô lí và càng vô dụng thì càng vững. Vì vàng vô dụng trong suốt chiều dài lịch sử nên nó mới được con người rationalise hay tìm lí do phi thực dụng cho ý nghĩa của nó trong đời sống.
Thế giới cổ đại phân cấp vàng bạc dựa trên tín ngưỡng của họ. Suy xét xa hơn là chẳng phải chính sự sùng bái này dẫn tới sự ra đời của khái niệm tiền tệ trường tồn suốt chiều dài lịch sử nhân loại hay sao? Nhưng cần phải đề cập là không phải tín ngưỡng-tôn giáo nào cũng có được sự vững vàng như vậy vì sự thật là không phải dân tộc nào hay cá nhân nào cũng chia sẻ điểm tương đồng về tín ngưỡng-tôn giáo. 
Ai Cập rất may mắn là nó vô tình lấy cái gốc rễ của nhân loại làm trọng tâm cho tín ngưỡng của nó. Bản chất tín ngưỡng của Ai Cập, xem vàng là mặt trời đã luôn có tính chất toàn cầu. Cả trái đất này chỉ có một mặt trời. Dù có là da vàng, da trắng hay da đen thì đều phải công nhận mặt trời đã cho họ ánh sáng để nhìn thấy lẫn nhau và làm việc. Sự dung hợp giá trị toàn cầu vào vàng là một phát minh vĩ đại của Ai Cập. Không biết làm sao giá trị vàng có thể vươn tới nền văn minh cổ Á Đông là Trung Quốc, hoặc có thể dân tộc Hoa Hạ cũng giống như Ai Cập là tự mình ngộ nhận ra điều đó. Nhưng có một điều chắc chắn là giá trị vàng của Ai Cập đã lan tới toàn bộ nền văn minh phương Tây. Một sự thật là nhờ có vàng bạc mà giao thương quốc tế thời cổ đại mới được xúc tiến.

b. Vàng bạc dưới tiêu chuẩn của Jevons 

Quy về bộ tứ của Jevons, Medium of exchange của vàng bạc là sự thống nhất về tín ngưỡng mặt trời-mặt trăng. Store of value của chúng sẽ được chia thành hai phần là 1. sự bền vững của tín ngưỡng đó và 2. sự bền vững về mặt vật chất/sinh học/hoá học. 
Một tín ngưỡng mà thuyết phục được tất cả con người trên trái đất thì tôi rất tự tin gán cho nó sự trường tồn gần như là vĩnh cửu. Giá trị vàng bạc tồn tại dài lâu vì nó theo cơ chế dân chủ nhắc nhở lẫn nhau trên quy mô thế giới. Nếu một nhóm người cố gắng loại nó thì những nhóm còn lại sẽ tát vào mặt chúng bằng cách tiếp tục sử dụng vàng bạc và dùng điều lệ kinh tế để ép chúng thay đổi suy nghĩ.
Về sự bền vững vật chất, thật là may là vàng là một trong những nguyên tố ít phản ứng nhất. Vì vậy nó có thể giữ nguyên chất trong gần như mọi loại môi trường phổ biến. Tất nhiên là đừng nghĩ tới mấy cái extreme case như nhiệt độ siêu cao hay các chất siêu phức tạp có thể phản ứng với vàng vì xác suất của chúng nhỏ như con kiến vậy. Còn bạc thì không được sự may mắn như thế nhưng cũng có thể chấp nhận được vì kim loại còn bền hơn cả lương thực và nó thường chỉ bị biến chất ở phần ngoài bị tiếp xúc.
Về Unit of account, vàng và bạc có thể nung chảy và đóng khuôn thành những đơn vị nhỏ hơn.
Về Standard of deferred payment, vàng và bạc rất khó để nói vì khác với giấy nợ, cheque và tiền định danh, chúng gần như là sự kết thúc của nợ. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ để làm rõ tính chất này của vàng bạc.
Một con nợ sở hữu vàng nhưng chủ nợ không muốn nhận vàng mà thay vào đó là gạo. Đến lúc trả nợ thì con nợ chưa xoay sở kịp đủ số gạo thì có thể thuyết phục chủ nợ nhận vàng thay và đợi một thời gian nhất định để con nợ tích đủ gạo để trả. Vàng trong trường hợp này là một vật cầm cố để kéo dài thời gian. Trong thời gian đó, nếu như chủ nợ thật sự cần gạo thì có thể dùng vàng mua gạo. Xét về kinh tế thì chủ nợ có thể phải trả thêm chi phí vô hình, đó là công đi mua gạo trong trường hợp quá cần gạo. Chi phí đó có thể được loại trừ nếu như con nợ đưa gạo đúng hạn. Vì tín dụng kiếm tiền nhờ thời gian nên việc con nợ đưa vàng cầm cố sẽ dẫn tới việc tăng số nợ trong lần trả kế tiếp.
Nhưng dù sao ví dụ này cũng rất khó hiểu nếu áp dụng đời thực vì thực tế cho thấy là dân cổ đại và trung đại đều muốn thu nợ bằng vàng chứ không phải một thứ khác. Như tôi đã nói là bộ tứ của Jevons là tiêu chuẩn hiện đại của thế kỉ 19 nên nó cũng có sự chập chen nhất định khi áp dụng lên tiền tệ thời xưa. Vì vậy, Standard of deferred payment này chỉ nên áp dụng cho giấy nợ mà về sau này tiến hoá lên thành tiền định danh, một sản phẩm của chủ nghĩa tư bản chuyên đi kiếm lời từ tín dụng.
 

c. Niềm tin

Bàn thờ chính của nhà thờ chính tòa Sevilla, Tây Ban Nha
Tượng Phật vàng khối của chùa Wat Traimit, Thái Lan







Nhưng mục đích lớn nhất của phần vàng bạc này không phải là để xét liệu vàng bạc có là tiền tệ hay không, mà muốn dùng vàng bạc để nhấn mạnh cốt lõi giá trị của mọi loại tiền tệ trên thế giới. Đó chính là niềm tin, thứ mà bộ tứ Jevons còn hạn chế trong việc khiến người đọc mường tượng ra.
Hãy xem vàng đã giúp thế giới đoàn kết như thế nào dù nó được xây dựng trên một tín ngưỡng chưa được kiểm chứng là thật hay giả. Mà cần gì phải truy cầu sự thật đến như vậy khi sự mơ hồ đã giúp những con người xa lạ làm việc cùng nhau rồi cuối cùng là là tạo nên một thành quả có thể đong đếm bằng số và logic. Hơn nữa, cũng rất có khả năng là chính niềm tin này mới dẫn tới chuyện con người tìm đủ mọi cách để khiến vàng bạc thoả các tiêu chí bôi trơn kinh tế khác như được chia nhỏ đơn vị và tín dụng. Nếu thêm chút thuyết âm mưu thì có thể việc vàng bạc vô tình thoả hết tất cả tiêu chí tiền tệ là do một đấng tối cao nào đó cố tình sắp đặt. Alien?
Dù thời hiện đại, vàng bạc đã được tiền định danh thay thế làm tiền tệ nhưng giá trị của chúng không chỉ nằm ở kinh tế mà còn nằm ở văn hoá. Lịch sử đã chứng minh là tiền định danh có thể sụp nhưng vàng chưa sụp vì đơn giản thứ vàng vô dụng ấy và người anh em bạc của nó (rất giống một dạng derivative hay sản phẩm ăn theo) không thuộc sự kiềm hãm của hệ thống kinh tế và cả chính trị. Ngay từ ban đầu chúng đã là tín ngưỡng của thế giới.
Tín ngưỡng-tôn giáo là nơi mà vàng bạc luôn được tôn thờ. Cũng giống như tín ngưỡng Ai Cập, các tôn giáo lớn nhất thế giới luôn dùng vàng và bạc làm chất liệu trang trí. Nếu nói theo ngôn ngữ con buôn, tôn giáo là đội ngũ marketing thường trực cho giá trị của vàng bạc. Chừng nào các tôn giáo còn dùng vàng bạc thì con người còn lâu mới quên đi vàng bạc. Nếu muốn xoá bỏ vàng thì cũng chẳng khác nào xoá bỏ đi văn minh loài người.
Mối quan hệ giữa tín ngưỡng-tôn giáo và kinh tế là hai chiều nhưng rõ ràng tín ngưỡng-tôn giáo có trước và là cái gốc nuôi dưỡng cho kinh tế. Niềm tin đã tồn tại từ thời gạo và lúa mì còn là tiền tệ. Khi niềm tin được trang bị bởi sự trừu tượng tín ngưỡng-tôn giáo, nó càng mạnh hơn bất cứ lúc nào. Mất tín ngưỡng-tôn giáo là coi như mất niềm tin ngây ngô, và tiếp theo cái domino đó chính là kinh tế. 

Rule of thumb: Gold is God.

 

3. Ngân phiếu

Vàng bạc dù có quý nhưng chúng sẽ có vài trở ngại. Chúng khá nặng và rất khó để cất giấu khi mang số lượng lớn. Vì vậy, ngân phiếu và các trạm đổi ngân phiếu ra đời để đẩy nhanh sự lưu thông kinh tế và đồng thời tạo nên ngành dịch vụ kiếm tiền từ việc làm trung gian giữa các cuộc mua bán. Sự phát triển lên ngân phiếu đã phản ánh niềm tin vững chắc giữa các thương gia vì họ dám phó thác phần thanh toán giao dịch cho một bên thứ ba. Ngoài ra, ngân phiếu cũng phản ánh một xã hội văn minh mà ở đó mỗi con người rất trọng chữ tín. 
Trung Quốc dù sinh sau đẻ muộn nhưng anh tài này chính là nơi tạo ra ngân phiếu đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Tiền Jiaozi đã được ra đời vào thời Tống (960-1279). Đáng chú ý là nó được phát hành bởi doanh nghiệp tư nhân, chứ không phải nhà nước và được một cộng đồng địa phương thừa nhận. Về sau này, chính quyền nhà Tống đã giành quyền quản lí nó để đảm bảo sự bình ổn thị trường [5].
Dù là tiền nhân của tiền giấy thời hiện đại, giá trị của Jiaozi bấp bênh còn hơn cả đồ thị chứng khoán. Giá trị quy đổi của nó thay đổi theo cung cầu thị trường và tất nhiên là có lạm phát. Jiaozi dù có phổ biến tới mấy thì nó cũng chỉ là một derivative từ vàng bạc và không hề có giá trị nội tại. Quan trọng, nó còn là một derivative cho niềm tin của người dân với chính quyền vì nó được quản lí bởi nhà nước. Một tiền tệ của thế tục thì làm sao mà vững bằng tiền tệ của thần thánh, nhất là khi Jiaozi là thử nghiệm đầu tiên của tiền định danh trong một xã hội tôn thờ vàng bạc như thần thánh. Giữa thần thánh và nhà nước thì dân tin bên nào hơn? Vì vậy, bất kì phốt nào xảy ra với nhà nước là Jiaozi có thể ngay lập tức biến thành đống giấy vụn trong chớp mắt.
Hội Dòng Đền Templar (1119 –1312), một tổ chức tôn giáo cực kì nghiêm ngặt đã phát triển hệ thống này trên toàn Châu Âu [6]. Các thương gia chỉ cần trao đổi vài ba tờ giấy là có thể kết thúc quá trình mua bán lượng hàng hoá khổng lồ. Sau khi Templar bị diệt bởi vua Phillip IV của Pháp, các thương nhân sao chép lại mô hình này mà tiêu biểu nhất là gia tộc Medici ở Florence, Ý.
Đây mới là lúc tính chất tín dụng của tiền tệ thật sự được phát triển mạnh mẽ. Dân buôn lớn trao đổi ngân phiếu như tiền tệ và phó thác việc đổi ra vàng bạc cho các tổ chức đứng ra bảo đảm những tờ ngân phiếu đó. Nói một cách khác, dân buôn rút ngắn thời gian buôn bán của mình bằng cách tạo nên diễn biến hậu mãi. Thường thi việc thanh toán sẽ xảy ra ngay lập tức sau khi giao dịch hàng hoá. Nếu như vậy thì các lái buôn sẽ multitask hơi bị nhiều thứ cùng một lúc và tạo nên rủi ro khá lớn trong lúc mua bán. Ngoài việc chuẩn bị hàng hoá, vận chuyển thì còn phải lo luôn phần vàng bạc mang theo, một tài sản được thừa nhận trên quy mô quốc tế mà thảo khấu thích hơn cả đống hàng hoá có tính thanh khoản yếu.
Nhờ có ngân phiếu, họ có thể chia bớt khối công việc của giao dịch sang hậu mãi. Thanh toán hay đổi ngân phiếu chính là thứ được điều động sang. Giờ thì dân buôn chỉ cần tập trung sản xuất và trao đổi hàng hoá, còn việc thanh toán sẽ có bên tổ chức ngân phiếu lo toan. Đây là một sự phát triển của phân công lao động và nó thúc đẩy sự chuyên môn hoá. Sự ra đời của tín dụng luôn gắn liền với sự xuất hiện của ngân hàng, nơi tập trung tiền mặt và cũng như các hoạt động vay nợ quy mô lớn. 
Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu cho sự lên ngôi của chủ nghĩa tư bản ngay trong lòng xã hội phong kiến. Nó chú trọng tới phân công lao động mức độ chi tiết hơn, đẩy cao năng suất sản xuất hàng hoá và dọn đường cho tiền định danh, một thành tựu giả kim về sau tháo bỏ mọi xiềng xích kinh tế.

[1]


[2]

[3]

[4]

[5]

[6]