[Phần 2] Làng gốm Việt- Gốm Phù Lãng
Ngoài Bát Tràng, còn nhiều làng Gốm Việt khác lụi tàn rồi nở hoa trên nền đồng bằng Sông Hồng.....
Nơi mọi thứ từ to tới nhỏ được làm bằng tay....
"Gốm Phù Lãng có nét sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn. Nếu vẻ đẹp của Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì hồn cốt của Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn."
Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60 km và cách sông Lục Đầu khoảng 4 km. Theo Google map, cộng với chút mua đường qua Bắc Giang nho nhỏ, quay lại dọc theo men theo con đê sông Lục Đầu, chúng tôi cũng mò đến được Phù Lãng.
Trời buồn mưa, không khó để nhận biết đã đến Phù Lãng, chưa thấy nhà, chưa thấy gốm nhưng bên đường đã là gọn gàng đống củi.
Bát Tràng là phố, Hương Canh là thị, thì Phù Lãng là một ngôi làng nghề đặc trưng của xứ Kinh Bắc. Ở Phù Lãng, những ngôi nhà mái ngói vẫn thấp thoáng lũy sau lũy tre làng, vài ba câu cau, những hàng chum vại dọc theo con đường làng quanh co rồi những tranh gốm, bình gốm xếp chồng cao ngất bên hiên nhà.
Cơn lóc thương mại hóa, showroom bán hàng chưa bén mảng đến Phù Lãng. Thật khó để kiếm cô em, bà chị xinh tươi, đôi môi đỏ chót mời chào mua bán. Cuộc sống ở đây là làm, làm và sản xuất gốm. Họ chủ yếu buôn bán xỉ, từng chuyến xe tải chuyển hàng đi khắp cả nước. Từ ngã ba đầu làng, ngôi làng khá rộng, chúng tôi chọn rẽ phải dọc theo những ngôi nhà sát bờ sông Lục Đầu để tham quan.
Đồng ruộng vẫn xanh mướt quanh làng, dân vùng này không đào hố họ lấy đâu ra đất mà sản xuất? Oh! hóa ra đất được chở về Phù Lãng theo đường sông (sông Cầu). Điều này rất thuận lợi do Phù Lãng không phải lấy đất sét tại chính làng họ, tránh phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan làng.
Công nghệ hiện đại, nhiều làng gốm chuyển dần dùng gas nhưng ở Phù Lãng người ta vẫn sử dụng phương pháp truyền thống - dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi.
Gốm Phù Lãng được sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng, với những hình khối đa dạng. Nhưng nhìn chung có thể quy vào hai phương pháp cơ bản: phương pháp thứ nhất tạo hình trên bàn xoay (làm trong gốm gia dụng và gốm trang trí); phương pháp thứ hai đó là in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại (làm trên đồ tín ngưỡng). Mỗi loại hình sản phẩm, mỗi chủng loại hàng đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng, tất cả đều nhằm đạt được hiệu quả tối đa về hai phương diện kinh tế và thẩm mỹ.
Gốm Phù Lãng đại trà, hình giáng thô mọc, độ tinh tế chưa xuất hiện nhiều trên sản phẩm, hay chí ít nó ẩn khuất nơi nào đó rất khó tìm. Về mặt trang trí, gốm Phù Lãng tạo hình nhàn nhạt, quanh quẩn trong đời sống như lá chuối, lá khoai, lá sen, đu đủ hình tượng những con vật gần gũi hay các chủ đề dễ bắt gặp trong các tác phẩm tranh dân gian chó, mèo, cá, gà, trâu, chim, ngựa, hội làng chợ búa... Cách thức tạo hình truyền thống, chưa có nhiều đổi mới dù nó rất chi phù hợp với màu sắc đỏ/ màu men da lươn quê quê của gốm. Người thợ Phù Lãng sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép để tạo hình khối cho sản phẩm.
Điều đặc biệt của Phù Làng là cái chất của làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm ẩn trong không gian trìu mến của làng quê. Nơi nụ cười, niềm đam mê chưa bị thương mại hóa. Nơi có những thứ nhỏ nhoi, bé tí và đáng yêu.
Nơi có cô nhok thẹn thò chờ mẹ...
Hay bến nước, nhà cũ, lò gạch...
Đến cái nhà nghỉ đậm chất quê ...
Vậy đó! Bạn muốn tìm hiểu về không gian làng nghề gốm Phù Lãng là sự lựa chọn tuyệt vời.
Bắc Ninh. 25.4.2021 Lt Phan
Bài viết có tham khảo một số nội dung từ:
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất