Chào bạn, ồ mình biết bạn đấy. Cách đây 2 năm mình cũng giống như bạn bây giờ, rất máu đọc tài liệu kỹ thuật nhưng không có kỹ năng và cũng rất muốn nghiên cứu sáng chế nhưng lại chẳng có nguồn nào hướng dẫn bài bản và đầy đủ cả. Thật khó chịu phải không nào. Vậy thì đây, trong loạt series bài viết về "Cơ bản về Sáng chế - những điều cần biết" này mình sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn từ A chí X. Đây sẽ là cú click sáng suốt nhất của bạn :))

Fun tí thôi, thế mới hấp dẫn chứ đúng không?
Như vậy là bạn cũng hình dung được loạt bài viết này của mình là về nội dung gì rồi. Một số điều bạn cần tỏ tường trước khi chúng ta bắt đầu:
• Mình là tay ngang trong lĩnh vực này, tìm tòi học hỏi mấy nội dung liên quan đến Sáng chế, Bằng Sáng chế, được sự chỉ dẫn của Sếp cũng là 1 Luật sư về SHTT, việc của mình là tìm hiểu các cải tiến và đánh giá đảm bảo các tiêu chí đăng ký Bằng SC;
• Thế nên những gì mình chia sẻ ở đây, mình không đảm bảo nó chính xác 100%, bạn có thể đọc với tâm trí để hiểu thêm, nắm rõ hơn mảng này và có thể phục vụ cho công việc của bạn (ví dụ hỗ trợ việc đọc tài liệu kỹ thuật, đọc tài liệu Sáng chế, hay bài báo khoa học chẳng hạn);
• Mình chia sẻ nội dung theo góc nhìn của một người làm về kỹ thuật chứ không phải là chuyên gia SHTT;
• Và vì mình viết theo những gì mình biết, nên nội dung có thể sẽ cơ bản, ngắn gọn xúc tích, hoặc cũng có thể dài dòng lê thê (tùy tâm trạng, và thời gian rảnh :>), nhưng sẽ cố gắng không khô khan trừu tượng mà dễ hiểu nha.
• Bạn sau khi đọc, có quan điểm hay phản biện như nào thì cũng cứ hãy chia sẻ để chúng ta cùng tiến bộ hơn nhé!
• Tất cả các nội dung trong phần này không phải là ý kiến tư vấn về pháp lý.

Bắt đầu phần 1, "Cái nhìn cơ bản về Sở hữu trí tuệ (SHTT)"

Cũng nhân dịp đầu tư được ít đất (khoảng mấy bao tải đất trồng cây ý, không phải BĐS đâu ^^), mình sẽ bắt đầu với khái niệm tài sản nhé.

Tài sản

Tài sản (TS), nhìn chung chia 2 loại là Tài sản hữu hìnhTài sản vô hình.
Tài sản theo quy ñịnh tại ñiều 163 của Bộ Luật Dân Sự bao gồm
Tài sản hữu hình đối với cá nhân gồm tiền bạc, đất đai, nhà cửa, đồ đạc... mình sở hữu; đối với một tổ chức/ công ty/ doanh nghiệp gồm nhà xưởng, máy móc, tài chính, cơ sở hạ tầng...
Tài sản vô hình gồm từ nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật (bí quyết sản xuất) đến ý tưởng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, thương hiệu, bằng sáng chế, kiểu dáng sản phẩm, các kết quả vô hình khác được tạo ra bởi sự sáng tạo và đổi mới của công ty;
Nhìn chung, trước đây Tài sản hữu hình là tài sản có giá trị chính của một công ty và được coi là có tính quyết định trong việc xác định khả năng cạnh tranh của công ty đó trên thị trường. Trong những năm gần đây, điều này đã thay đổi cơ bản. Các công ty đang nhận ra rằng các Tài sản vô hình đang trở nên có giá trị hơn so với tài sản hữu hình.
Nhìn vào Apple, họ thuê các công ty khác thực hiện phần lớn công việc sản xuất và chủ yếu tập trung vào việc tạo ra sản phẩm và kiểu dáng mới và quảng bá thương hiệu/ nhãn hiệu của mình ₫ể thu hút khách hàng. Trong khi sản phẩm ₫ược thiết kế một nơi thì việc sản xuất các sản phẩm đó lại được thực hiện ở nơi khác. Đối với những doanh nghiệp này, giá trị tài sản hữu hình của họ có thể rất ít, nhưng tài sản vô hình của họ (ví dụ, danh tiếng thương hiệu và/hoặc quyền sở hữu độc quyền các công nghệ quan trọng hoặc các kiểu dáng hấp dẫn) - những nhân tố chính cho thành công của họ - lại có giá trị rất cao.

SHTT (IP - Intellectual property)

Mình bắt đầu bằng ví dụ trên, để bạn tiếp cận với khái niệm về Sở hữu trí tuệ dễ hình dung hơn. Về cơ bản, SHTT (IP - Intellectual property) là một loại Tài sản bao gồm những sáng tạo vô hình của trí tuệ con người. Sáng tạo bắt nguồn từ các ý tưởng, và mỗi dạng thể hiện của ý tưởng thì sẽ tương ứng với một dạng của SHTT.
(Quyền SHTT nhằm bảo vệ biểu hiện ban đầu của một ý tưởng dưới dạng một tác phẩm sáng tạo, nhưng bản thân nó không phải là ý tưởng)
Và nếu như một ý tưởng chỉ tồn tại trong đầu một người thì nó không gọi là SHTT, nó phải được bộc lộ dưới một dạng nào đó và thỏa mãn một số điều kiện nào đó thì mới là SHTT nhé.
Có những loại hình SHTT chính sau (chú ý rằng với mỗi quốc gia thì sẽ khác nhau về loại hình, thời hạn, các vấn đề pháp lý liên quan):

1 -  Nhóm Quyền tác giả (Copyrights)

- Trong này bao gồm các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa (còn gọi là tác phẩm), ví dụ như các bài viết về khoa học hay văn học, sáng tác nhạc, ghi âm, tranh vẽ/tác phẩm hội họa, hình chụp, bản thu buổi biểu diễn, tác phẩm điêu khắc, buổi biểu diễn, phim và các chương trình truyền thanh, truyền hình...

- Quyền tác giả (Copyrights) được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa không bị vi phạm bản quyền.
- Quyền tác giả không cần phải đăng ký và thuộc về tác giả khi một tác phẩm được ghi giữ lại ít nhất là một lần trên một phương tiện lưu trữ (tức là về lý thuyết khi bạn sáng tác ra một tác phẩm thì mặc định nó thuộc về bạn và việc bạn đi đăng ký là không bắt buộc, nhưng đăng ký thì tốt vì nó là cơ sở để làm bằng chứng sau này khi tranh chấp :>)
- Quyền tác giả thông thường chỉ được công nhận khi sáng tạo này mới, có một phần công lao của tác giả và có thể chỉ ra được là có tính chất duy nhất, đạo hoặc nhái lại thì dễ bị kiện lắm.
- Thường thì tác giả được hưởng tác quyền suốt đời cộng thêm tối thiểu 50 năm (hoặc 70 năm - tùy nước) sau khi qua đời.

2 - Nhóm Quyền sở hữu công nghiệp (gồm 7 phân nhóm)

- Nghe tên thì bạn hiểu là các sáng tạo có tính chất công nghiệp rồi (tạo ra các sản phẩm giống nhau với một quy trình lặp đi lặp lại - kỹ thuật sản xuất hàng loạt, còn ví dụ như vẽ tranh thì mỗi lần vẽ nó không thể giống nhau hoàn toàn được rồi đúng không ^^)
Các đối tượng trong nhóm này bao gồm:

2.1 - Sáng chế (Patent)

Mục này để viết rõ hơn ở bài sau nhé, thấp hơn một chút thì có Giải pháp hữu ích (Utility model)

2.2 - Nhãn hiệu/ thương hiệu (Trademark)

Để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở/ tổ chức khác nhau; có thể là từ ngữ, hình ảnh, biểu trưng hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, có thể được thể hiện bằng màu sắc. Ví dụ đi siêu thị mua đồ uống, nhìn qua phát biết ngay là sản phẩm của Coca hay Pepsi phải không nào.

Ký hiệu ™ là để chỉ ra rằng đây là Nhãn hiệuchưa được đăng ký (TM là viết tắt của Trademark), trái với ký hiệu ® là chỉ Nhãn hiệu này đã được đăng ký (R là viết tắt của Registered) với cơ quan chính phủ. Cách gõ 2 thằng này thì dễ thôi: Alt + 0153 = ™ và Alt + 0174 = ®
Ở một số quốc gia, người ta còn sử dụng cả SM (Service Mark, nghĩa là dấu hiệu dịch vụ) cho các sản phẩm dịch vụ, và bạn cũng cần phân biệt với © là ký hiệu của Copyrighted, nghĩa là bản quyền nhé.

2.3 - Kiểu dáng công nghiệp (Industrial design) 

Là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó;  Ví dụ như hình dạng các loại chai lọ, cốc chén, bàn ghế, bạn dùng hàng ngày, hình dáng xe đạp, xe máy ô tô, hoặc hình dạng điện thoại, laptop máy tính... rất nhiều luôn. 

Có một ghi chú nhỏ ở đây là đặc điểm chính của nó là thiết kế được tách biệt khỏi sản xuất: hành động sáng tạo xác định hình thức và tính năng của sản phẩm diễn ra trước hành động vật lý của việc tạo ra sản phẩm,  ngược lại với thiết kế thủ công là hình thức của sản phẩm được xác định bởi người tạo ra sản phẩm tại thời điểm tạo ra nó;
Ví dụ Design Patent của anh chàng iPhone 2G được đăng ký bởi Apple Inc, với số công bố tại Mỹ USD 558,756

2.4 - Chỉ dẫn địa lý (geographical indication hay GI)

Nếu nói khái niệm này có thể bạn không quen, nhưng ví dụ như bưởi Đoan Hùng, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, thuốc lào Hải Phòng, rượu Champagne... đến những cái nghe lạ hơn như trà Tân Cương, chuối ngự Đại Hoàng, nón lá, rượu Cognac...; đây đều là những chỉ dẫn về hàng hoá bắt nguồn từ lãnh thổ hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý.

Có một tài liệu được trình bày khá đẹp mắt và thú vị về các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam các vùng miền, của Cục SHTT xuất bản, bạn có thể xem thêm tại đây: 
Ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt - có cả phiên bản Tiếng Việt và tiếng Anh: http://www.noip.gov.vn/chi-dan-dia-ly

Còn đây là trang tra cứu thông tin Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở Việt Nam mình, có đủ thông tin đặc tính của sản phẩm đó luôn: http://www.noip.gov.vn/chi-dan-dia-ly

2.5 - Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (Integrated circuit layout design)

Cái này mình không nắm rõ lắm nên không lạm bàn, về cơ bản đó là sự sắp xếp trên một con chip bán dẫn hoặc linh kiện tương tự thế, theo bố cục hai hoặc ba chiều. Đến đây có thể một câu hỏi nảy sinh trong đầu bạn là, thế nó khác gì so với Quyền tác giả, hay thiết kế công nghiệp mà không xếp chung được? Cái này mình không hiểu rõ ràng rành mạch được nhưng bạn có thể google thêm để tìm hiểu nhé, đại loại là cấu trúc in và quy trình thiết kế mạch bán dẫn khá đặc trưng và khó có thể áp dụng và bảo vệ theo luật như luật bản quyền được, nên nó được xếp thành một loại riêng.

Nói thêm là, bất kỳ quy trình nào khác được thực hiện trong công việc thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đều có thể được cấp bằng sáng chế, hoặc bí mật kinh doanh... 

2.6 - Bí mật thương mại/ bí mật kinh doanh (Trade secret)

Bạn có đồng ý rằng không phải cứ cái gì là thành quả sáng tạo đều đem đi đăng ký SHTT không? Có những vấn đề người ta muốn giấu càng kỹ càng tốt chứ, nó sẽ trở thành một yếu tố cạnh tranh cực kỳ hữu hiệu, có thể giúp cho bạn thống lĩnh được thị trường, hoặc đơn giản là tạo ra lợi thế cạnh tranh so với thằng hàng xóm chẳng hạn. 
Đó có thể là các kỹ thuật sản xuất trong nhà xưởng công ty, hoặc các quy trình, thiết kế, công cụ, công nghệ, kỹ năng đặc biệt, tập hợp các thông tin, các đề án tài chính... tạo lợi thế cạnh tranh (về tốc độ, giá cả, chất lượng, tài chính...)
Ví dụ thực tế như, công thức của Côca-côla chẳng hạn, có thể đem đi đăng ký Bằng sáng chế được chứ, quá được là khác, hoặc cũng có thể giữ làm bí mật thương mại, so sánh các điểm được-mất cực kỳ quan trọng khi quyết định đăng ký SHTT cho một sáng tạo, phần này mình sẽ viết cụ thể trong nội dung tiếp nhé.
(Note: có thể Côca-côla họ cũng chẳng có một công thức nào đặc biệt đâu, ai mà biết được chứ, biết đâu họ dựng lên một câu chuyện, một công thức và thần thánh nó để tạo hiệu ứng marketing và xây dựng thương hiệu chẳng hạn, hihi)
Ví dụ khác là công thức gà rán của ông trùm KFC.
Bí mật thương mại cần phải được bảo vệ vì nó là một loại tài sản đặc biệt mang lại lợi nhuận cho công ty. Nếu bí mật thương mại bị tiết lộ sẽ dẫn đến hậu quả làm mất lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh của công ty. 
Không giống như các loại SHTT khác là có thời hạn bảo hộ hữu hạn, thời hạn bảo hộ của Bí mật kinh doanh là vô thời hạn, có nghĩa là bạn giữ kín được bí mật càng lâu thì càng tốt, cho đến khi nó không còn là bí mật nữa thì thôi ^^
Tất nhiên không phải cái gì cũng là Bí mật được, nó phải đảm bảo một số điều kiện nhất định, ví dụ như một bí mật thương mại là thông tin mà:
    - Thường không được công chúng biết đến;
    - Mang lại lợi ích kinh tế cho người nắm giữ nó vì thông tin không được công khai; và
    - Chủ sở hữu thực hiện những nỗ lực hợp lý để duy trì bí mật của nó.

2.7 - Tên thương mại (Trade name)

Phù, sắp hết rồi, cố lên. Mọi người hay có sự nhầm lẫn giữa Tên thương mại (Trade name) và Nhãn hiệu (TradeMark). Mình sẽ đưa ra một ví dụ như này để bạn dễ hình dung: ví dụ bạn muốn mở một công ty kinh doanh máy tính Táo Đỏ trên địa bàn quận mình, bạn phải đặt tên và sử dụng tên đó để đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan thuế, sở kế hoạch đầu tư) để có thể tiến hành hoạt động. Trong quá trình kinh doanh bạn sẽ dùng tên thương mại để giao dịch nhằm phân biệt doanh nghiệp của bạn với doanh nghiệp khác.
Do Tên thương mại phải bao gồm các từ ngữ, chữ số phát âm được và một doanh nghiệp chỉ có một tên thương mại (có thể có tên đối nội và đối ngoại), bạn sẽ đặt tên công ty mình là "CÔNG TY CỔ PHẦN MÁY TÍNH TÁO ĐỎ (CẮN DỞ) VIỆT NAM" hoặc "RED APPLE COMPUTER VIETNAMCOMPANY", viết tắt là REAPVINA, JSC chẳng hạn :>
Trong khí đó, Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu công ty bạn đăng ký sẽ là hình ảnh quả táo màu đỏ chẳng hạn. Công ty bạn cũng có thể sản xuất/bán nhiều loại sản phẩm hoặc có thể kinh doanh nhiều dịch vụ, như thế có thể có nhiều nhãn hiệu hàng hóa.
Thời hạn bảo hộ Không hạn chế 10 năm (là có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 10 năm)

3. Nhóm Quyền đối với giống cây trồng (plant variety rights - PVR)

Là một nhánh riêng của các quyền SHTT, Quyền của nhà tạo giống cây trồng (PBR), còn được gọi là Quyền giống cây trồng (PVR).

Thông thường, quyền giống cây trồng được cấp bởi các văn phòng quốc gia, sau khi kiểm tra. Hạt giống được gửi đến văn phòng giống cây trồng, họ sẽ trồng nó trong một hoặc nhiều mùa, để kiểm tra xem nó có khác biệt, ổn định và đồng đều không. 
Nếu được thông qua, các quyền độc quyền được cấp trong một khoảng thời gian xác định (thường là 20/25 năm (hoặc 25/30 năm đối với cây và dây leo), là các quyền được cấp cho nhà tạo giống của một giống cây mới, mang lại cho nhà tạo giống quyền kiểm soát độc quyền đối với vật liệu nhân giống (bao gồm hạt giống, giâm cành, phân chia, nuôi cấy mô) và vật liệu thu hoạch (cắt hoa, quả, tán lá) của một giống mới trong một số năm.
Ở đây thì thời hạn bảo hộ sẽ lâu hơn là so với Bằng sáng chế (25/30 so với 20 năm), theo mình nghĩ là do mặt bằng chung về thời gian đầu tư nghiên cứu phát triển một giống mới, gồm cả thời gian kiểm tra sẽ lâu hơn nhiều so với việc nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, và điểm nữa là thời gian cần thiết để tác giả có thể thu lại lợi ích kinh tế từ việc độc quyền đối với giống cây sẽ cần nhiều hơn so với độc quyền về giải pháp kỹ thuật.

---
Dài quá rồi, mình rất vui vì bạn đã kiên trì đọc đến đây, ở các phần sau mình sẽ viết về các nội dung liên quan đến Sáng chế, Bằng sáng chế, Sách lược đăng ký Sáng chế của một tổ chức kinh doanh như thế nào, Cách để đọc hiểu được bằng Sáng chế, và các vấn đề đau khổ khác liên quan đến cái ngành này. 
Hãy cùng đón đọc nhé...