[Phần 1] - Những lời khuyên nên bỏ ngoài tai
Hồi còn là học sinh năm cuối cấp 3, tôi vô tình nghe được lời khuyên từ thầy trưởng phòng Đoàn-Đội nói với học sinh rằng :” Tôi không...
Hồi còn là học sinh năm cuối cấp 3, tôi vô tình nghe được lời khuyên từ thầy trưởng phòng Đoàn-Đội nói với học sinh rằng :”Tôi không hiểu vì sao học sinh bây giờ toàn đua nhau chọn thi đại học. Thử nghĩ xem, nếu học cao đẳng chỉ tốn có 02 năm mà các em được đào tạo thẳng vào nghề, ra trường sau 02 năm là có thể đi làm lấy kinh nghiệm rồi thế nào cũng cứng hơn những bạn học đại học…”
Lời khuyên ấy theo tôi không đúng cũng không sai, đúng là ở chỗ các bạn có học lực không thực sự nổi trội hoàn toàn có thể chọn một con đường khác ít rủi ro hơn cho mình để phát triển sự nghiệp. Nhưng mặt khác, lời khuyên này vô tình đã trở thành một rào cản vô hình cho những cái đầu còn non nớt, còn hoài nghi vào bản thân rằng học Đại Học chưa chắc đã thành công và phần nào đó là một con đường sai.
Mặt khác, mỗi khi mùa tuyển sinh đến, trên Tivi thường có không ít những bài báo phân tích rằng trường nghề sẽ phù hợp hơn cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn, thành tích học tập không nổi trội và cần có những khoản thu nhập ngay để có thể trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình. Lời khuyên ấy là hoàn toàn đúng, không có gì sai cả, nhưng điều quan trọng là lời khuyên ấy được phát trên sóng truyền hình quốc gia, nơi có không ít những bạn có thành tích học tập khá, không bị áp lực về kinh tế và cũng không biết rõ định hướng cho cuộc đời mình. Cái duy nhất các bạn ấy thiếu chính là kinh nghiệm, sự dẫn dắt của những người đi trước và những lời động viên rằng khả năng của các bạn ấy còn hơn thế rất nhiều. Như một kiểu ám thị tâm lý, những lời khuyên ấy khiến một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ nghĩ rằng Đại Học ra trường cũng chỉ thất nghiệp, "thầy nhiều hơn thợ", lãng phí thời gian và tiền bạc của gia đình.
Nhưng các bạn trẻ ơi, các bạn nên hiểu một điều rằng, đất nước ta đang ngày càng phát triển và hội nhập, hàng trăm, hàng ngàn, hay hàng triệu cơ hội mở ra hàng ngày, hàng giờ. Để nắm bắt được những cơ hội ấy, các bạn cần phải có đủ 02 yếu tố là điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần ở đây là cái tấm bằng Đại Học đấy ạ. Ngày nay, để được vào những công ty hàng đầu của đất nước hay những tập đoàn đa quốc gia, họ yêu cầu bạn phải có bằng đại học. Để làm ở những tổ chức phi chính phủ (NGOs) uy tín, bạn cần có trình độ chuyên môn phản ánh qua tấm bằng Đại Học. Để được trở thành một nhà nghiên cứu với những công trình khoa học hữu ích cho đất nước hay trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần có tấm bằng Đại Học để chứng minh rằng bạn có khả năng. Để được đi nước này nước kia thông qua những chương trình học bổng quốc tế, bạn cần phải có bằng Đại Học. Và còn hàng tá những ví dụ khác mà để liệt kê hết chắc cần phải hết cả ngày mất.
Tôi xin được nhấn mạnh rằng tấm bằng Đại Học không đảm bảo rằng 100% bạn sẽ đạt được những điều kể trên nhưng ít nhất, nó là tấm vé thông hành không thể thiếu để bạn có đủ điều kiện tham dự những cuộc thi kia. Tấm bằng Đại Học sẽ không có giá trị khi bạn không biết cách sử dụng nó để làm bàn đạp chinh phục những giấc mơ. Và tấm bằng Đại Học sẽ không phản ánh đúng năng lực của bạn nếu như trong quá trình học bạn không thực sự tâm huyết để giành được nó. Tuy nhiên, việc đánh giá năng lực của bạn sẽ do những uỷ ban có thẩm quyền, những chuyên viên ở phòng nhân sự của các công ty đánh giá. Nhưng để những con người đó nhìn vào tập hồ sơ của bạn, trước tiên bạn phải đủ tiêu chuẩn đã và tôi tin chắc rằng không nhiều công ty tốp đầu bỏ qua tiêu chí “tốt nghiệp đại học” của một ứng viên tiềm năng.
Quay trở lại với lời khuyên của thầy Đoàn-Đội, nếu như lúc trước tôi nghe theo thì có lẽ cuộc đời tôi đã rẽ hơn một hướng khác, có lẽ không thất bại nhưng sẽ chậm hơn so với tôi của bây giờ. Tôi chọn cách theo học tại một trường đại học hàng đầu về kỹ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh với một chuyên ngành mà không nhiều người nghĩ là hot, ngành Quản lý Tài nguyên và Công Nghệ Môi Trường. Trong quá trình học tôi cũng nghe không ít những lời khuyên mà tôi cho rằng là “không phù hợp” với tôi mà tôi sẽ kể ở những phần tiếp theo. Rồi sau khi ra trường, nhờ tấm bằng Đại Học ấy mà tôi tìm được một công việc ở một công ty nước ngoài và có được mức lương có thể xem là cao so với mặt bằng chung của những sinh viên khác mới ra trường. Ngoài ra tôi cũng có khả năng lựa chọn công việc mà tôi yêu thích thông qua câu nói :”Background của em là về ngành môi trường và với những kiến thức và kĩ năng của em đang có, em tin chắc rằng em sẽ mang về giá trị hữu ích cho công ty”.
Albert Einstein đã từng bị giáo viên cho rằng không có khả năng học và cũng chẳng thể làm gì to lớn được. Nhưng may thay phụ huynh của ông đã không tin vào những “lời khuyên” ấy và đảo ngược nó trở thành một lời động viên cho cậu bé Einstein trẻ tuổi. Thử tưởng tượng xem ngày ấy nếu như phụ huynh của ông nghe răm rắp những lời khuyên của những người giáo viên kia thì thế giới giờ đây đã không có những Thuyết Tương Đối, bóng đèn dây tóc và cũng chẳng có một thiên tài lỗi lạc như bây giờ.
Còn các bạn nghĩ sao về điều này, hãy để lại comment trong phần bình luận cho mình biết suy nghĩ của các bạn nhé.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất