Phải chăng chúng ta đang cố đảo ngược những điều quý giá tạo hóa ban tặng?
...nếu vì ai đó, muốn tốt cho ai đó đã khó, thì làm sao để vì họ, làm sao để tốt cho họ lại càng chẳng dễ dàng. ...
Nay đọc được một bài viết của tác giả Thái Hạo - một tay viết khá gai góc về các vấn đề còn tồn đọng trong xã hội. Bài hôm nay lão thảo ra vài nét về vấn đề giáo dục tại Việt Nam. Vâng, lại là vấn đề giáo dục, vấn đề mà có khi đã được động đến nhiều tới mức bị nhờn, có lẽ ai đó nghe thấy, đọc thấy cũng đã tự thân hình thành tấm miễn dịch... Song, Hạo tiên sinh như có tài đi guốc trong bụng tại hạ vậy, họa ra vài ba điểm mà trúng đích quá.
Người ta vẫn thường nói gìn giữ, phát huy phong tục tập quán, song thực chất vẫn chưa là đủ, chúng ta đáng nhẽ nên gìn giữ, phát huy một cách có chọn lọc thì hơn.
Chẳng biết tự bao giờ, trong mắt đại đa số mọi người, trẻ con là phải ăn nhiều, trẻ con là phải ngủ, trẻ con là phải học, trẻ con là phải ngoan. Phải chăng là do "Chúc con hay ăn chóng lớn"? "Chúc con năm nay là con ngoan trò giỏi"? hay "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan"?
Ngôn ngữ không có lỗi, song việc truyền đạt tràn lan thông điệp có thể gây nên sai lệch về mặt nội dung thực truyền đạt, từ đó tác động không nhỏ, thậm trí cấu thành nên hệ tư tưởng. Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu có một người ngày nào cũng bị nói là "Mày ngu lắm" chắc là người đó sẽ tưởng là mình rất "thông minh".
Khi xưa, Hồ Chủ tịch có nói rằng: "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan". Vâng, đúng câu cụ nói nó là "Biết ăn, biết ngủ, biết học". Ấy vậy mà, chúng ta, toàn những ông hoàng văn học, kẻ hủy diệt từ ngữ lại hiểu thành "phải ăn, phải ngủ, phải học". Nếu để ý kỹ, thì từ cụ Hồ dùng là "biết", nó thiên về bản năng. Giống như con chim biết bay, con cá biết bơi, con khỉ biết leo trèo vậy. Thì... con người sinh ra là đã biết ăn, biết ngủ, phải, ăn ngủ là đã được lập trình sẵn trong mã gen của chúng ta rồi. Đói thì ăn, mệt thì ngủ, tại sao lại phải giành dạy hai cái mảng hiển nhiên như vậy với tự nhiên chứ? Tại sao trẻ con cứ phải ăn ngày mấy bữa lận? hết ăn rồi lại bú, bú hết sữa mẹ rồi qua tu sữa bò? Tại sao buổi trưa lại phải ngủ khi chúng nó không buồn ngủ? Rồi cố ép chúng ăn làm chi, cố ép chúng ngủ làm chi để rồi vài năm sau, khi chúng đi học, ăn cũng là cơm chan nước mắt, chấm tiếng chửi? Tại sao vậy, chỉ là nó quậy ở trường thôi mà? Chỉ là vài ba con điểm mà theo hệ quy chiếu mốc 0 nó chưa hẳn cao thôi mà? Tại sao mắng con hư, con ngu, con dốt? Người ngoài động nhẹ đến con thì xù lông xù cánh lên, nhưng lại cho mình cái quyền sát phạt con như là hiển nhiên? Rồi cố ép chúng ngủ chi để rồi chỉ vài năm sau lại hét vào mặt chúng là "mày xem thằng A, đứa B, bạn C kìa, nó toàn thức đến 1, 2 giờ sáng để học, thế thì nó mới được học sinh giỏi cấp D, cấp E, cấp F chứ." Ủa, chi cực vậy? thử hỏi suốt ngày hở ra là nói sức khỏe là quan trọng nhất mà bắt thằng bé học thầy A, cô B. Ngày nào cũng như ngày nào, mấy ca như vậy? Sức khỏe ở đâu ra?
Tôi vẫn nhớ hồi trước tôi có dạy một em nhỏ, mà khi nó ngồi làm toán, nó không tài nào nghĩ ra, không tài nào hiểu được cái mớ kiến thức khù khoằm. Tôi thì cứ giải thích hết cách này đến cách khác, rồi tôi cũng nhận ra là tầm tư duy của tụi nhỏ nó thực sự chưa đủ để hiểu được đơn vị kiến thức ấy. Khi ấy tôi đâm ra giận nhà trường, thầy cô, sao mà ép trẻ quá, thế rồi, tôi đã không kiểm soát được mà lớn tiếng với em mấy câu. Mấy câu quát nạt vừa thể hiện sự bất lực của tôi trong tình huống đó, vừa dẫn đến một hệ quả mà tôi không lường trước. VÀ, nước mắt em trào ra, em hét lên "em ghét học", lúc ấy, tôi mới biết tôi đã sai, sai đến mức không thể cứu chữa được. Nhìn em mình, ở cái độ tuổi mới 6, 7 thôi, cái độ tuổi mà đáng ra ngày nào cũng nên tràn ngập tư lự, mà lại phải bị bó hẹp ở trong căn phòng bí bách, phải vùi đầu vô đống bài tập mà nó không tài nào tiêu hóa được và với một ông anh cũng chẳng mấy vui vẻ gì, Tôi lại nghĩ đến đời mình, Hồi trước tôi đi học cũng được coi là "con nhà người ta" trong mắt nhiều người, học toàn trường chuyên, lớp chọn, tuổi thơ tôi là chuỗi ngày học và thi liên tục. Tôi vẫn còn nhớ, có đợt lớp 9 tôi học 16 buổi học thêm một tuần (4 văn, 2 toán, 4 lý, 2 hóa, 2 anh) (😅 mà hồi đó chuyên Toán chả hiểu học Văn lắm vậy làm chi). Cộng thêm với thời gian ở trường, vậy là tôi đã học gần 72 giờ một tuần, 10 giờ một ngày, chưa kể còn đi lại, rồi bài tập về nhà mỗi thì ngày nào cũng có. Thời điểm đó đúng nghĩa là tôi đã bơi trong bài tập, Thời điểm đó, không một bữa cơm nào là đàng hoàng, không một giấc ngủ nào là trọn vẹn. Áp lực phải thi cấp 3, rồi thi cấp tỉnh, rồi lại một đống các kì thi qua mạng khác nữa, những thứ này đã khiến tôi không còn đủ tỉnh táo để biết lượng sức mình, để biết như thế nào mới là hiệu quả. Tôi đã làm điều này trong suốt một tháng dòng, và đến lúc tôi không chịu được và tôi phải cắt bớt 2 buổi hóa và 2 buổi văn. Suốt cả một đời học sinh thực sự tôi chưa bao giờ có một cái Tết mà thực sự ăn Tết. Nghĩ cũng nực cười, hồi nhỏ thì đâu có nhớ gì đâu mà cảm nhận Tết, đến lúc lơn lớn, biết biết chút thì lại chúi đầu vào học, Trưởng thành như bây giờ thì lại là bài toán cơm áo gạo tiền, sự nhiệp. Còn gì đâu mà Tết nữa.
Thế nên khi chứng kiến em như vậy, tôi thấy buồn cho mình, và cũng buồn cho em, vì mình đã là người trải qua, những gì đã qua thì cũng không làm gì được. Nhưng em thì khác, em có cơ hội để khác tôi, song tôi cũng không thể là được gì quá nhiều, vì tôi đâu phải đấng sinh thành của em? Khi nghe em nói: "Em ghét học" Tôi vừa mừng, vừa sợ, vừa đau. Mừng vì em vẫn còn ý thức được, mừng vì ít nhất em vẫn còn dám nói với tôi. Song, sự thật thà đó liệu có còn được lâu không, khi dần dần, chính em cũng sẽ bị "gà công nghiệp hóa", tôi sợ rằng không lâu nữa, em sẽ không còn có khả năng nhận ra bản thân ghét học nữa. Giống như tôi vậy, hồi trước tôi đâu có bao giờ than vãn về việc mình phải học nhiều. Hồi ấy tôi chỉ có tự trách mình còn chưa đủ chăm chỉ như chúng bạn, chỉ toàn là bản thân chưa đủ cố gắng. Và tôi đau, đau vì thực ra, việc học đáng nhẽ phải là một điều rất rất tuyệt vời. Mỗi ngày được học nên đúng nghĩa là một ngày vui. Con người chúng ta, ah không, giới động vật, có một cái bản tính, là tính tò mò, Vì tò mò mà sống mà cũng do tò mò mà chết. Hãy thứ cố nhớ lại xem, cảm giác khi mở một hộp quà không biết bên trong nó là thứ gì, nó háo hức như thế nào? Rồi khi đặt shopee, nhận được hàng, mấy ai để đến tuần sau rồi khui? (dù đã thừa biết bên trong là cái gì) Do đâu mà chúng ta có nước Mỹ - miền đất của sự tự do? Nếu chẳng phải vì tính tò mò, Columbus đã chẳng nhọc công lênh đênh trên biển cả tháng trời tìm ra miền đất mới. Nếu không vì tò mò tại sao con chim biết bay, thì lấy đâu là máy bay? Nếu không tò mò mùi vị của thức ăn khi được nấu chín, đào đâu ra văn hóa ẩm thực nghìn năm lịch sử? Vậy mới thấy đối với những kiến thức bí ẩn đến duyên dáng, đáng ra lũ trẻ phải hứng thú say mê mới phải? Song, Chúng ta rất giỏi, có thể chúng ta đã thua tự nhiên về mặt thiên tai, nhưng trên chiến trường lập trình mã gen, chúng ta đã có những thắng lợi. Chúng ta đã gần như đảo ngược hoàn toàn cái thứ vốn là bản năng nghìn đời của giới động vật.
Cách đây không lâu tôi có động viên một em nhỏ là kì trước em được 7 điểm Toán, thì kì này cố gắng lên 8, 8,5 em nhé. Ấy vậy mà bố mẹ em nghe được lại bảo rằng: "Không được, phải 9, 9.5 mới được chứ con! Mình phải biết phấn đấu chứ! Bố mẹ biết con làm được mà!" Thế rồi tôi chỉ còn cách thở dài mà không thể làm gì hơn. Các vị biết không, đến một độ tuổi nào đó, ngay cả những con số nó như vậy cũng chẳng con ý nghĩa gì khi mà lúc ấy, một cá nhân vị rơi vào trạng thái không định vị nổi bản thân mình. Làm sao định vị được khi ngay cả những việc nhỏ như cải thiện điểm 7 môn Toán còn bị người khác áp đặt. Tại sao quý vị muốn sự phấn đấu, nhưng lại tham lam thành quả? Ngay như vậy là đã dạy cho đứa trẻ cách ước lượng sai khả năng của mình thì thử hỏi sau này làm sao nó định vị được bản thân mình là ai, bản thân mình muốn gì làm gì? Tai hại hơn, quý vị lại lồng vào sự động viên một áp lực vô hình mà không một đứa trẻ nào có thể nhận ra. Trên đời này vốn dĩ luôn có nhưng điều làm được và những điều không thể làm được, dù có cố gắng đến đâu. Bởi vậy cái cây nó mới không tỏa sáng sưởi ấm muôn loài, con nước mới không rì rào bóng mát, loài chim mới không cần cù tìm mật. Phỏng thử, nếu đứa trẻ tin vào những điều anh chị nói, nó luôn nghĩ rằng trong vòng 1 kì nó có thể tăng được từ 7 - 9 điểm, rồi nó cố gắng, cần cù. Và cuối cùng nó đạt được. Ơn trời cảm ơn thằng bé, cảm ơn mọi điều xung quanh. Còn nếu... ngược lại, nó không làm được, ý nghĩ gì sẽ len lỏi và dần dần định hình tính cách của một đứa trẻ khi nó cố làm theo lời động viên của bố mẹ nó, và rồi, không may, nó làm bố mẹ nó thất vọng và tệ hơn, nó làm chính bản thân nó thất vọng.
Đáng buồn thay nếu liên kết giữa cha mẹ và con cái chỉ là những cộng trừ nhân chia trong phạm vi 100, là định nghĩa trả ơn, là từ đơn từ ghép, là quang trung anh của nguyễn huệ. Chúng ta bắt ép con em mình phải nai lưng ra mà học với cái động cơ không gì có thể cao đẹp hơn, đó là vì con, là vì muốn tốt cho con. Phải, nếu vì ai đó, muốn tốt cho ai đó đã khó, thì làm sao để vì họ, làm sao để tốt cho họ lại càng chẳng dễ dàng.
Để nói về sự học, Lenin đã từng rằng: Học, học nữa, học mãi. Đó là để ám chỉ việc học là việc cả đời, chúng ta có cả một đời người, một trăm năm để học, đâu phải là dồn dập trong một lúc rồi buông thõng về sau này, và việc học cũng không giới hạn là kiến thức Sinh Văn Sử Địa mà còn là cuộc sống, còn là thế nhân, luân lý. Tai hại làm sao khi câu nói ấy lại chỉ là khẩu hiệu trong 12 năm học ít ỏi của học sinh mà chẳng phải là băng-rôn treo suốt cả đời người, đáng tiếc thay khi đó chỉ là đề bài văn nghị luận tư tưởng đạo lý của học sinh lớp 8.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất