Đường xưa mây trắng.
Không sinh, không diệt, đừng sợ hãi.
Hạnh phúc cầm tay.
Đây là 3 cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh mà mình từng đọc. Cuốn nào cũng rất giá trị, mang cho mình sự sáng suốt hơn.
ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG
Cuốn sách thầy viết về cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ khi còn là thái tử Shidata của vương quốc Shuhodana đến khi giác ngộ thành bậc Thế Tôn. Khác hoàn toàn với những gì mình biết về đạo Phật qua phim Tây Du Kí, một Phật Tổ Như Lai lấp lánh  cùng các vị thần tiên phép thuật vô biên, họ rất đức cao vọng trọng; hình ảnh và quan niệm của Phật Thích Ca trong truyện của thầy Thích Nhất Hạnh cũng rất khác với những gì mình thấy ở các sư thầy hiện nay. Họ đi cúng bái thật nhiều để lấy tiền đó xây những ngôi chùa thật nguy nga, đồ sộ, họ vận động người dân quyên góp, công đức đúc tượng Phật bằng vàng, đầu năm mới chùa tổ chức lễ dâng sao giải hạn, hình hài thế mạng. Những lễ nghi tốn kém và không đúng theo giáo huấn nhà Phật nguyên thủy cứ ngày một ăn sâu vào tâm thức của một đại đa số quần chúng. Dân ta đa số là vô thần nhưng đời sống tâm linh vẫn gần gũi với Đạo Phật. Chỉ tiếc rằng họ không thực sự hiểu hết những điều giản đơn của đạo Phật. Đọc cuốn Đường xưa mây trắng và xem hết series Cuộc đời đức Phật, mình nghiệm ra vài điều thế này:
Đức Phật cũng là con người bằng xương bằng thịt như chúng ta, ngài sinh ra không phải đã là một bậc Thế Tôn tạo ra muôn thú, thần thông quảng đại. Ngài cũng đi học, là con của cha mẹ, có anh em họ hàng. Có cả vợ là công chúa Yashodhara xinh đẹp và có chung một người con trai. Sau khi ngài giác ngộ thì ngài cũng mất đi chứ không trường sinh bất tử. Đức Phật chỉ khác chúng ta là ngài biết buông bỏ, buông bỏ những tham sân si để đến với an lạc. Đó là một hành trình khó khăn. Nói thì dế chứ bảo chúng ta buông công danh, địa vị mà sau bao gian khổ ta mới leo đến được, dù cho đến ngày ngày hôm nay chúng ta vẫn đang đau đầu vì nó liệu chúng ta có từ bỏ? Chúng ta chỉ có thể tìm đến ngài để học cách sống an lạc, tỉnh thức chứ không thể tìm đến ngài để xin tiền tài, phúc lộc.
Vì vậy, thứ nhất khi mình dâng nén nhang đến Bụt (một cách gọi khác của Phật Thích Ca) hãy dâng nên niềm hoan hỉ, an lành. Như một người thầy, một người bạn của mình. Mình và bạn có thể tâm sự, giải tỏa mọi phiền muộn trong lòng đến ngài. Chỉ vậy thôi.
Thứ hai, cuộc đời của mình, nghèo khổ, vất vả, sung sướng là do mình tạo ra. Không phải có số phận được sắp đặt trước. Đức Phật, người mà ta nghĩ là vị thánh cao nhất, thì cũng từ con người mà tu hành ra mà. Họ không tạo ra số phận cho ta. Có những người họ bất hạnh thật, như mình thấy họ bị ốm đau, bệnh tật, gia đình ly tán mặc dù họ sống rất lương thiện. Nhưng có ai biết họ đã làm gì kiếp trước để kiếp này phải trả. Họ đã reo những gì vào vũ trụ kia để cộng dồn lại. Thế nên, dù có sướng khổ như thế nào ta cũng không ngừng cố gắng cải thiện lòng tốt, giúp đỡ mọi người đúng không?
Cuốn sách thứ 2- KHÔNG SINH, KHÔNG DIỆT, ĐỪNG SỢ HÃI.
Mình xin trích dẫn “câu chuyện đám mây” rất đáng yêu trong này.
Một ngày đẹp trời bạn nhìn lên trời cao, thấy một cụm mây trắng nõn như bông đang trôi lơ lửng. Bạn ngắm nghía, thưởng thức hình dáng đám mây, ánh sáng chiếu trên nhiều từng mây và bóng mây che mát cánh đồng màu xanh dưới đất. Bạn đâm ra yêu đám mây. Bạn mong đám mây cứ ở đó với bạn để bạn được sung sướng. Nhưng rồi hình dáng và màu sắc của mây thay đổi. Nhiều đám mây khác tụ lại, rồi bầu trời tối xầm và bắt đầu mưa. Không còn đám mây nữa, nó đã biến thành mưa. Bạn bắt đầu than khóc, mong đám mây dễ thương kia trở lại với mình. Bạn sẽ không than khóc khi bạn biết rằng nếu nhìn sâu vào các giọt mưa, bạn sẽ thấy đám mây. Trong đạo Bụt có giáo pháp vô tướng (Animitta). Tướng là hình dáng bên ngoài của một sự vật. Thực tập vô tướng để không bị cái bề ngoài của sự vật đánh lừa mình. Khi ta hiểu chữ Animitta, ta sẽ thấy hình tướng bề ngoài không phải là tất cả thực tại.
Khi đám mây biến đổi thành ra mưa, bạn có thể nhìn sâu vào mưa để thấy rằng đám mây vẫn còn đó, đang cười với bạn. Điều này làm cho bạn sung sướng và bạn có thể ngưng khóc vì bạn không còn bị vướng vào hình tướng của đám mây nữa. Khi bạn quỵ xuống vì đau khổ và tiếp tục khóc lóc hoài, đó chỉ là vì bạn đã bị bỏ lại phía sau, bị vướng vào hình tướng của đám mây. Bạn bị quá khứ buộc chặt và không thể nhìn thấy được hình tướng mới. Bạn không theo được đám mây khi nó đã biến hóa thành ra mưa hay tuyết. Khi bạn mất một người nào và bạn than khóc nhiều quá, thì xin hãy nghe lời gọi của Bụt. Nhìn cho sâu để nhận ra bản chất vô sinh bất diệt, không tới không đi của người bạn thương. Đó là giáo pháp của Bụt dạy về bản chất thật sự của chúng ta.
Ngày hôm nay thầy viên tịch nhưng những gì thầy làm thì còn mãi trên thế gian này. Từ cái cây thầy trồng, từ dấu chân thầy đi trên những bậc đá, đặc biệt những lời giảng của thầy cho rất nhiều con người đang còn sống trên hành tinh này thì thầy sẽ còn mãi. Như thầy nói, chỉ là thầy chuyển qua một dạng hình hài khác. Hiểu được điều đó, rất nhiều cái mất sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, ta không còn quá bi lụy vào một điều gì đó. Cái ta cần là trân trọng những gì đã có, và tiếp tục duy trì nó bằng nhiều hình thức khác nhau.
Cuốn sách thứ 3- HẠNH PHÚC CẦM TAY
Cuốn sách nhắc nhở về sống chánh niệm, sống cho phút giây hiện tại- một triết lý mang tên Thích Nhất Hạnh. Khi đánh răng hãy tập trung cho đánh răng, hãy thấy rằng những lông tơ mềm mại của bàn chải đang đưa những mảng bám cuốn trôi, cho hàm răng ta trắng sáng, thơm tho. Hãy ăn bữa sáng của mình với háo hức vì được nấp đầy cái bụng đói, và khi đi làm thì vui vì mình có công việc tạo ra thu nhập. Kể cả khi bước chân, thì bạn cũng hãy an lạc trong từng bước chân.
Hôm nay nghe tin thầy viên tịch, mình khá buồn. Cảm giác thầy là người rất xa thế hệ mình về mặt tuổi tác nhưng thầy truyền tải thông điệp để giúp rất nhiều bạn trẻ như mình tìm lại được ý nghĩa cuộc sống khi mông lung, khi còn nhiều sân si với mọi người ngoài kia, đánh mất an lạc nơi chính bản thân mình.
Cảm ơn thầy vì những bài học quý giá để con biết thế giới vốn đơn giản. Cứ sống tốt, cố gắng và không ngừng hy vọng. Con vui mừng vì trong con có thầy.