Hình chỉ có tính minh họa
Trong ngành CNTT, Design Pattern là một từ rất nổi tiếng. Nhưng không phải học viên cao học nào cũng hiểu hết về Design Pattern. Một phần do họ không hiểu hết được tầm quan trọng của nó nên không đầu tư thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn, nhiều hơn.

Design Pattern nói rằng: trong trường hợp hệ thống có những đặc tính đặc trưng nào đó thì áp dụng một “cách” thiết kế phù hợp (Design Pattern) sẽ giúp dễ cài đặt (Implement) hay dễ bảo trì, thay đổi (maintenance).

Trong xử lý hình ảnh (computer vision), cái gọi là Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) có thể nhận biết đâu là gương mặt người, đâu là con chó, con mèo, con chim…, đâu là ký tự, chữ viết.... có thể được tạo ra bằng cách phát hiện mẫu quan tâm (pattern recognition). Đối với gương mặt người, máy tính “phát hiện” ra những vùng điểm ảnh “giống” con mắt, mũi, miệng,  từ đó, một cách cân đối và tương đối máy tính phát hiện “vùng” của gương mặt. Đối với con chó hay con mèo, máy tính phát hiện được “đặc trưng” của loài 4 chân, cái đuôi, cái đầu..v…v.. để một cách tương đối phát hiện đâu là con chó, đâu là con mèo. Đối với ký tự, chữ viết, máy tính phát hiện số nét ngang, dọc, cong… từ đó tính ra xác suất, khả năng cái hình đó là ký tự gì (thực ra là “phân loại” theo xác suất).

Hạn chế của trí tuệ nhân tạo là nó phải được thiết kế, cài đặt để có thể nhận ra những pattern cụ thể nào đó. Và vì hạn chế này nên nó chưa thể xem là trí tuệ thật sự.

Trí tuệ của con người có được sự tự do để nhận biết thông tin, từ đó nhận biết ra những “mẫu” quen thuộc. Người ta thường phân loại các khái niệm, các đối tượng, những thứ lặp đi lặp lại, những nhóm đặc tính đặc trưng để từ đó phân tích sâu hơn và có cách ứng xử phù hợp với từng loại “mẫu”.

Trong quyền anh, một vận động viên có thói quen đấm nhử vài cái thẳng mặt, rồi đấm thật mạnh từ bên trái hay có một cú móc hàm có thể gọi là một pattern(hay thói quen, chiến thuật…,gì cũng được!). Và khi phát hiện ra được pattern này thì đối thủ sẽ có cách chống lại hiệu quả.

Trong khiêu vũ, một bài có rất nhiều động tác khác nhau, không bài nào giống bài nào. Nhưng nếu quan sát và ghi nhớ sẽ nhận ra có những đoạn giống nhau giữa bài này và bài kia. Từ đó nhận ra rằng một bài khiêu vũ thực chất là ghép các đoạn lại với nhau theo một chủ đề hay ý muốn của người biên đạo.
Khi nhận dạng được các pattern bạn sẽ dễ nhớ hơn, tưởng chừng nghịch lý là: cái cần nhớ ít hơn(thứ tự hay sự xuất hiện của các pattern) nhưng lại nhớ được nhiều hơn(toàn bộ quy trình hay cả vấn đề).

Như vậy, mẫu (pattern) có nhiều trong tự nhiên và con người cũng tạo ra mẫu, mục đích là nhận biết nhanh, tương tác hiệu quả với chúng hay vận dụng chúng theo ý muốn, mục đích của mình. Và đó là cách trí tuệ vận hành!