"Ở lưng chừng cuộc đời thực sống, quanh ta phủ xuống một tấm màn u sầu tăm tối, nó được diễn tả bằng lời lẽ nhạo báng và buồn thiu, ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối." — Guy Debord
Là trích dẫn Patrick Modiano dùng để mở đầu cho cuốn tiểu thuyết của mình, "Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối" đem đến cho ta cảm giác chông chênh, sự thiếu hụt trống rỗng như chính tựa đề cuốn sách vậy.
4 trường đoạn, 4 người kể chuyện, họ đều là khách quen của quán. Một sinh viên, một cựu nhân viên tình báo, một cô nàng Louki nào đó và một trong những người tình của cô. Là con gái của một bà mẹ đơn thân làm việc ở Moulin Rouge, Louki lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó ở Montmartre. Nỗ lực thoát khỏi hoàn cảnh của cô đã thất bại khi cô bị Lycée Jules-Ferry từ chối. Cô lang thang trong cuộc sống, nghiện cocaine và bắt đầu thường xuyên lui tới quán Café Condé, nơi họ gọi cô là "Louki". Lơ đễnh bước vào cuộc hôn nhân với một giám đốc công ty bất động sản nhưng không hài lòng, cô quyết định không quay trở về cùng anh ta vào một tối. Louki bắt đầu quan tâm đến một chàng trai trẻ, người hầu như cũng lạc lối, trôi dạt giống cô, nhưng có lẽ anh ta yêu cô không kém. Qua con mắt của bốn người kể chuyện rất khác nhau, bao gồm cả chính Louki, chúng ta chiêm ngưỡng tính cách và số phận của cô, trong khi Modiano khám phá các chủ đề về danh tính, ký ức, thời gian và sự lãng quên.
"I never understood why. . . When we really love someone, we’ve got to accept their role in the mystery." — Câu trích dẫn của Guy de Vere (một nhân vật trong cuốn sách) về Louki
Ở trường đoạn thứ nhất, khi người kể chuyện tìm khái niệm "bohemian" trong từ điển và thấy nó miêu tả người sống phóng túng, không mục đích, không đoái hoài đến tương lai. Dường như anh ta đang mô tả chính mình cũng như những vị khách thường xuyên đến quán cà phê vậy. Mỗi trường đoạn mỗi người kể chuyện đều nói ở ngôi thứ nhất nhưng chủ yếu nói về một nhân vật khác (ngoài trừ Louki khi ở trường đoạn thứ ba cô lên tiếng và nói về chính bản thân mình). Cách viết này giúp người đọc có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về số phận của Louki, đồng thời mang đến cho người đọc bức chân dung của Paris những năm 1950.
Hiện diện xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là thành phố Paris, gần như chính là một nhân vật nữa của cuốn sách vậy. Là Paris của "những vùng đất không người", của những hành trình đơn độc trên chuyến tàu điện ngầm cuối, hay những chuyến đi bộ về đêm dọc theo những đại lộ hiu quạnh bóng người, về những quán cà phê nơi tuổi trẻ lạc lối, lang thang đi tìm lẽ sống và thế hệ lớn tuổi tìm kiếm ký ức về thời niên thiếu đã qua của họ.
Mình chọn đọc cuốn sách này khi chưa biết gì về hình thức, chủ đề hay bất cứ điều gì cả. Mình chỉ cảm thấy tiêu đề của nó thật lôi cuốn và quyết định đọc nó. Đây quả là một cuốn sách thú vị với lối văn chương ảo diệu, lôi cuốn. Thực vậy, "Trong hàng chục cuốn tiểu thuyết mà Patrick Modiano từng viết, làm thành một bản nhạc đồ sộ gồm nhiều phần, “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối" là một tác phẩm đơn lẻ đặc biệt đẹp và đặc biệt buồn. Cuốn tiểu thuyết viết về những kỷ niệm xưa cũ mà sống động, trong một tiếng thở dài, một đoạn nhạc ngắn nhưng tinh tế và vô cùng sâu lắng."