Mình đọc về khái niệm “Panspermia” từ quyển “Deception Point” của Dan Brown, và thực sự ấn tượng về lượng kiến thức khoa học trong truyện, khá là chết chìm trong đống thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến thiên thạch và sự sống ngoài Trái Đất ấy. Và “Panspermia” là giả thuyết đã suýt được chứng minh (tất nhiên là trong truyện thôi, còn thực tế thì vẫn là 100% tiên đoán) qua một thiên thạch giả mạo chứa hóa thạch của một loại bọ. Về bản chất, học thuyết đó giả định sự sống trên Trái Đất khởi nguồn từ một thiên thạch mang mầm sống, và nếu một ngày giả thuyết đó được chứng minh là đúng, loài người không chỉ biết rằng mình không hề cô đơn trong Vũ Trụ rộng lớn này mà còn khẳng định cội nguồn tổ tiên của chúng ta là người ngoài hành tinh.
Có nhiều những ý kiến khác nhằm giải thích cho nguồn gốc bất ngờ của sự sống khi Trái Đất còn ở dạng sơ nguyên. Nhiều nhà sinh vật học cho rằng đó là nhờ sự kết hợp kì diệu của một hỗn hợp lý tưởng các thành phần nguyên tố tự nhiên tại môi trường biển nguyên thủy, tuy nhiên, cho đến hiện tại, với sự phát triển chóng mặt của khoa học kĩ thuật thế kỉ 21, các nhà khoa học vẫn không thành công trong việc tái tạo quá trình thần kỳ đó trong phòng thí nghiệm. Nhiều học giả tin vào tín ngưỡng đã tuyên bố đó là minh chứng sự sống không thể được tạo ra trừ phi Chúa Trời cho phép. Ngài đã tạo ra mầm sống tại Trái Đất và gieo nó xuống đại dương trong thời kì hỗn mang của lịch sử và từ đó, sự sống bắt đầu trỗi dậy.
Tất nhiên, với các nhà thiên văn học sở hữu cái đầu thực tế, “Panspermia” mang lại lời giải thích hợp lý hơn cho việc sự sống bất ngờ được hình thành tại Trái Đất. Cũng như nhiều thuật ngữ khoa học khác, “Panspermia” có nguồn gốc là tiếng Hi Lạp cổ, với “Pan” có nghĩa là “tất cả” (all), “sperma” là “hạt giống” (seed) và “Panspermia” đơn giản là hạt giống (sự sống) ở mọi nơi. Mặc dù ý tưởng này nghe có vẻ như được lôi ra từ một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và được phát triển bởi một nhóm những fan cuồng phim về người ngoài hành tinh màu xanh lá của Hollywood, trên thực tế, ý tưởng này đã manh nha hình thành từ lâu trong lịch sử và một số bằng chứng khoa học cũng cho rằng giả thuyết nguồn gốc loài người đến từ bên ngoài Trái Đất chưa chắc đã là vô căn cứ.
Theo những ghi chép lịch sử, ý tưởng này được công khai ủng hộ dưới cái tên “Đa nguyên vũ trụ” (Cosmic Pluralism) từ khoảng năm 500 trước Công Nguyên khi một nhóm các triết gia người Hy Lạp cổ tìm hiểu về cuộc sống vĩnh hằng trên Trái Đất, và lần đầu tiên, đề cập đến sự khả thi của một hình thái sự sống khác ngoài Trái Đất nhưng vẫn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên vào thời điểm đó, cả 2 nhà triết học vĩ đại Plato và Aristotle đều ủng hộ chủ nghĩa về Đấng sáng tạo và ý tưởng về “Panspermia” nhanh chóng bị bác bỏ.
Sau 2 thiên niên kỉ lãng quên, vào giữa những năm 1600, nhờ sự phát minh của kính viễn vọng, ý tưởng về sự sống ngoài Trái Đất một lần nữa lại được khơi dậy mạnh mẽ tại Châu Á và khu vực Trung Đông và vào thế kỉ 17, ý tưởng này đã thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học châu Âu. Vào giữa những năm 1800, thuật ngữ “Panspermia” được đặt tên bởi nhà hóa học Svante Arrhenius qua việc tham khảo thuyết tiến hóa của Darwin và các lý thuyết Hy Lạp cổ.. Thực tế cho thấy các câu chuyện về người ngoài hành tinh xuất hiện với tần suất ngày càng phổ biến trong các văn bản chính thức và khảo sát của Đại học Cambridge về niềm tin đối với ý tưởng người ngoài hành tinh đã đưa ra một số liệu đồng ý đáng kinh ngạc

Có thể thấy, sau một khoảng thời gian dài bị bác bỏ, “Panspermia” đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục và trở thành chủ đề rất được quan tâm.
------------------------------------------
Bài viết có tham khảo từ các nguồn: