Toàn thể vũ trụ chỉ là một bãi chiến trường, trong đó trỗi lên một bản tình ca bất tận.”
L’univers tout entier n’est qu’un champ de bataille sur lequel monte un chant d’amour eternel.
– Maryse Choisy
Sau khi xem phim và đọc rất nhiều bài viết phân tích các hình ảnh, thông điệp, ý nghĩa của bộ phim nhưng dường như mình chưa thỏa mãn với bất cứ bài nào cả. Thật ra cũng khó để hài lòng bởi một bộ phim (hoặc bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào) được coi là có giá trị khi khơi gợi được ở người thưởng thức những cảm nhận khác nhau: dù chỉ một hình ảnh, âm thanh cũng gợi liên tưởng, dấy lên cảm xúc với tùy người. Nói gì một bộ phim với dày đặc biểu tưởng, ý đồ được sắp đặt khéo léo và cách kể chuyện hấp dẫn như Parasite (Bong Joon-Ho). Mặc dù vậy, mình cảm thấy cần phải ngồi ghi lại những ý nghĩ còn đeo bám mình sau khi xem phim (bởi lúc xem chỉ tập trung thưởng thức bộ phim không nghĩ gì cả). Mình sẽ không đi sâu vào những thông điệp hay phân tích ẩn ý “parasite” mà chỉ chia sẻ vài ý kiến vụn vặt từ góc nhìn cá nhân: một số hình ảnh yêu thích chưa thấy ai nhắc đến (có khi đạo diễn cũng không có ý đồ đó), vài suy nghĩ liên tưởng có thể hơi khác với số đông, nhưng sao đâu, vì “Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch gì cả” [1].
(Bài viết có tiết lộ một số chi tiết trong phim. Cân nhắc trước khi đọc.)
Chiếc tất
Mình đặc biệt ấn tượng bởi hình ảnh mở đầu phim: một chiếc giá tròn treo bốn đôi tất mới giặt của bốn người trong gia đình. Cảnh quay được tập trung khá lâu, ánh sáng từ chiếc cửa sổ chiếu vào những chiếc tất, giá treo tất đung đưa trong nhịp sống đời thường diễn ra phía trên căn nhà ẩm thấp. Hình ảnh này khiến mình liên tưởng đến những đôi giày trong cụm từ “in somebody’s shoe” nói về việc đặt mình vào hoàn cảnh hoặc địa vị của một ai đó khác, và dần dần các diễn biến lần lượt xảy ra có vẻ đúng theo chiều hướng đó: từng người trong gia đình nhà Kim đều muốn đặt chân vào những vị trí sang trọng hơn trong gia đình nhà Park. Ngoài ra, còn một liên tưởng (đi hơi xa) đó là câu tục ngữ “đói cho sạch, rách cho thơm” khi nhìn những đôi tất sạch tinh phơi lên trong nắng ở một căn nhà điển hình “khu ổ chuột”. Nếu không có sự xuất hiện của cậu bạn chuyển giao công việc gia sư cho người anh trai, nếu lòng tham chưa được kích hoạt và hy vọng đổi đời chưa hề nhen nhóm thì có lẽ mỗi người vẫn vừa vặn với chiếc tất đôi giày của mình, cả nhà cùng nhau gấp hộp pizza sống qua ngày hoặc từng bước tìm cách dần cải thiện cuộc sống của gia đình. Cái giàu đến quá nhanh chóng và dễ dàng nên chẳng có lí do gì để từ chối, nhất là khi nghèo đói đeo bám trong thời gian dài. Và sự choáng ngợp đó cũng chính là ngòi nổ cho một loạt những bi kịch về sau như minh chứng rõ ràng cho câu easy come, easy go: dễ đến, dễ đi; dễ có, dễ mất. Hình ảnh đôi tất từ đầu phim này cũng hiện diện cho các mặt đối lập luôn song hành xuất hiện xuyên suốt trong phim nói riêng và cuộc sống nói chung, dấu hiệu cho những đinh ninh: cứ tưởng thế mà chưa chắc đã phải thế.
Quần lót
Khi được tài xế riêng của nhà học sinh đưa về, sự nhiệt tình của người tài xế muốn đưa về tận nhà đã vô ý khiến cô em gái nhà Kim bực mình do không muốn tiết lộ nơi sống. Từ sự bực bội nhỏ nhặt đó lóe ra trong đầu cô ý tưởng chơi xỏ người tài xế: cởi quần lót vứt lại trên xe. Đặt mình vào vị trí ông chủ hôm sau đi xe và nhặt được chiếc quần lót ở ghế sau, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Phản ứng của ông chủ cũng giống y hệt phản ứng thông thường của chúng ta: suy diễn ra câu chuyện đơn giản và hợp lý nhất là người tài xế đã quan hệ với một cô gái trên ghế sau xe của mình. Đem chiếc quần lót về kể lại cho vợ – một con người “đơn giản” như lời nhận xét đầu phim, cô vợ hoảng hốt trước sự bệnh hoạn của người tài xế (theo câu chuyện tự suy diễn của hai vợ chồng) rồi cẩn thận đóng gói kĩ càng chiếc quần lót rẻ tiền làm chứng cứ. Đương nhiên, chiếc quần lót cố-ý-để-lại của cô gia sư là nguyên nhân người tái xế bị đuổi việc. Dừng lại một chút ở chi tiết này, bạn có thấy hình ảnh của chính mình trong đó không? Biết bao nhiêu bực tức, hiểu lầm, tai họa đã xảy ra xuất phát từ những đinh ninh giống như vậy? Chúng ta đã quá tự tin với kiến thức, kinh nghiệm cá nhân đến mức bất cứ tình huống gì xảy ra cũng “tìm” được nguyên nhân, không cần cân nhắc hay hoài nghi thêm những khả năng khác. Đó không phải “đơn giản” mà là hời hợt, áp đặt. Đây là căn bệnh chung người lớn hay mắc phải, trong khi trẻ con – với sự ngây thơ chưa bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm hay định kiến – thường nhìn thấy và phản ánh bản chất sự vật hiện tượng rõ ràng hơn. Nhưng đáng buồn là những chi tiết đó hay bị coi là “trẻ con”, không nhận được sự quan tâm tin tưởng của người lớn. Ví dụ như chi tiết cậu bé nhìn vào chiếc bóng đền chập chờn và giải được mã Morse về lời kêu cứu dưới hầm; lúc cậu ngửi thấy mùi bột giặt giống nhau trên người cô gia sư dạy vẽ, bà quản gia và ông lái xe; chi tiết cậu bé nhìn thấy “ma” và vẽ lại đúng khuôn mặt của con ma đó thì bố mẹ không chịu tìm hiểu, dẫn đến hậu quả cậu bé luôn sống trong sợ hãi, tinh thần bất ổn.
Sống đơn giản cho đời thanh thản ­– cần phải hiểu đúng chữ “đơn giản” ở đây: đơn giản như đứa bé, chứ không phải như người mẹ. Giống như lời Trang Tử “Ôi, thiên hạ đều biết tìm cái mà mình không biết mà chẳng ai biết tìm lại cái mà mình đã biết; đều biết chê cái điều mà mình cho là không phải, mà chẳng ai biết chê cái mà mình đã cho là phải.”[2]
Câu chuyện của những đinh ninh
Để ý một chút sẽ dễ nhận ra các tình tiết nối tiếp nhau phát triển đều là kết quả của nhiều “đinh ninh”: đinh ninh ông tài xế quan hệ trên xe (vì chiếc quần lót) nên đuổi việc; đinh ninh bà quản gia bị lao (vì tờ giấy ăn xịt tương cà chua) nên cũng đuổi việc; rồi trong đêm mưa cả nhà chủ đi vắng đinh ninh là cơ hội hoàn hảo để gia đình mình tận hưởng giàu sang (không lường được nhà chủ về bất ngờ và sự xuất hiện của bà quản gia cũ). Nhưng sự đinh ninh bao trùm cả bộ phim mà mình muốn nhắc đến ở đây, cũng là điều hầu hết các bài review đều đề cập như thông điệp chính của bộ phim: đinh ninh về khác biệt giàu nghèo. Hầu hết các bài mình đọc đều có xu hướng nhận xét bộ phim phản ánh hiện trạng phân cấp trong xã hội, nhưng cá nhân mình cảm nhận thì bộ phim đã đi được xa hơn thế, không đơn thuần chỉ “phản ánh” phần bề nổi mà đã chạm đến nhiều vấn đề triết học sâu sắc.
Chênh lệch giàu nghèo: tương phản hay tương đồng?
Ngoài những chênh lệch rõ ràng về điều kiện vật chất của hai ngôi nhà: vẻ lộng lẫy của nhà Park và nhà ổ chuột thấp hơn cả mặt đường của Kim thì mình lại chú ý hơn đến không gian sinh hoạt và tương tác giữa các thành viên trong gia đình. Ngôi nhà (mà như tòa lâu đài thời hiện đại) với vườn tược được cắt tỉa chu đáo, từng khoảng sáng được sắp xếp tính toán tỉ mẩn đáng ngưỡng mộ; tuy nhiên ngay từ cảnh đầu tiên từ lúc cậu gia sư bước vào đi mãi mới gặp được bà quản gia, rồi mãi lúc sau nữa mới thấy xuất hiện bà mẹ ngủ gật ngoài sân đem đến cảm giác lạnh lẽo, rời rạc, trái ngược với cảnh quây quần ngay từ đầu phim ở nhà Kim – một căn phòng chật ních cả bốn người quây quần ngồi gấp hộp pizza, cười nói rôm rả cùng nhau bắt wifi chùa. Bầu không khí ấm áp, những giao tiếp tự nhiên giữa các thành viên tạo thành sợi dây kết nối chặt chẽ. Trái ngược hẳn với sự lạnh lẽo nhà Park – theo trí nhớ của mình thì gần như không có một cảnh nào cả gia đình sum vầy đông đủ: hầu hết chỉ có giao tiếp giữa hai vợ chồng với nhau hoặc với người làm, hai chị em gần như không hề có biểu hiện tình cảm nào, các cuộc hội thoại của bố với cậu con trai phải qua bộ đàm, cô con gái có duy nhất đoạn càm ràm với mẹ vì không hỏi ý kiến có ăn mì không – luôn xuất hiện lạc lõng trong gia đình với chiếc điện thoại trong tay, chỉ chờ đến giờ học để được trò chuyện với anh gia sư. Quan hệ vợ chồng, cách trao đổi thông tin hay thể hiện tình cảm cũng tương phản: nhà Park luôn cư xử theo “chuẩn mực” để giữ hình ảnh, không biểu lộ gì ra ngoài, ngay cả cảnh giường chiếu trong phòng khách nhà mình cũng vẫn lo bị thằng bé nhìn thấy và có vẻ không nồng nàn lắm (hoặc do bị cắt haha.) Trong khi đó, ông Kim thản nhiên vỗ mông vợ mình ở ngay giữa nhà ông Park giữa thanh thiên bạch nhật mọi người qua lại, một hành động nhỏ đầy bỗ bã và bản năng khiến bà Kim cười tủm tỉm.
Song song với những khác biệt như vậy, tuy nhiên, nếu quan sát sinh hoạt của hai gia đình đại diện cho hai tầng lớp tương phản trong xã hội, chúng ta sẽ nhận thấy thực chất cuộc sống của họ đều phải đối diện với nỗi lo như nhau. Nếu nhà Kim phải chật vật tìm kiếm việc làm để trang trải nhu cầu thiết yêu thì nhà Park cũng phải khổ sở tìm kiếm người làm để xứng với ngôi nhà “kiệt tác”. Nếu nhà Kim phải tằn tiện ăn uống thì nhà Park tưởng như “có tiền mua tiên cũng được” sơn hào hải vị không thiếu nhưng lúc về nhà giữa đêm cũng chỉ thèm một món mì bình dân, bọn trẻ con luôn thèm thuồng ăn đào. Nếu tiền nhà Kim phục vụ nhu cầu thiết yếu và mua rượu rẻ tiền thì mức tiêu nhà Park cũng phải đáp ứng mức đồ gì cũng “order từ Mỹ”, cả bộ sưu tập rượu để trưng bày hay những buổi tiệc tùng xa xỉ. Nỗi sợ bệnh tật cũng như nhau: nhà Kim sợ nhiễm độc lúc ngoài đường phun thuốc diệt côn trùng – còn nhà Park hoảng hốt sợ bị lây lao từ bà quản gia và luôn âu lo về tình trạng bất thường của cậu con trai. Đứng từ ngoài nhìn vào có thể mọi người sẽ đinh ninh nỗi buồn trong một ngôi nhà sang trọng, giữa đống tiền bạc của cải thì kiểu gì cũng sướng hơn buồn trong ngôi nhà tồi tàn thiếu thốn, nhưng thực tế thì cảm giác, tâm trạng được quyết định bởi tâm trí mỗi người, chứ không hề liên quan hoàn cảnh bên ngoài, ở đâu “cũng vẫn có chừng ấy cái vui, cái khổ” như lời khuyên của Chúc dành cho Dũng – một con người luôn cảm thấy chán nản đau khổ giữa ngôi nhà quyền thế, giàu có và lúc nào cũng nung nấu hy vọng được thoát khỏi sự bí bách trong tâm hồn:
Những cái vui khổ của anh không ở cảnh đời anh; sống sang trọng trong một tòa nhà lộng lẫy, hay sống nay đây mai đó trong cảnh nghèo nàn như hiện giờ, lúc nào anh cũng vẫn là anh, anh cũng vẫn có chừng ấy cái vui, cái khổ. [3]
Thế nghĩa là giàu cũng khổ, nghèo cũng vẫn khổ. Có cách nào để sướng mãi không?
Triết lý sâu sa nhất mình đọc được từ bộ phim là sự kết hợp của ba hình ảnh: căn hầm, tảng đá và tiếng cười của người anh trai đoạn cuối phim. Cũng là một phần thuộc về ngôi nhà “kiệt tác” nhưng người ngoài, thậm chí chủ nhân của ngôi nhà không ai biết đến sự tồn tại của căn hầm. Nó giống như phần chìm, góc khuất của mỗi cá thể hay hiện tượng luôn luôn bị che đậy bởi vỏ bọc tinh vi dưới nhiều hình thức. Không ai nhìn thấy nó, hoặc thấy nhưng phớt lờ đi những mặt đối lập luôn tồn tại song song của vạn vật mà chỉ quan tâm đến phần bề nổi, với những “đinh ninh” định kiến của mình: thấy nhà nhưng không thấy hầm, thấy giàu mà không thấy nghèo, thấy sướng mà không thấy khổ. Khi chất lượng cuộc sống được đo lường bằng tiền bạc và của cải vật chất; ca ngợi sự khôn ngoan, biết “nằm thời cơ” dưới mọi hình thức; cổ vũ tính ganh đua tranh giành lợi ích; tự vỗ ngực với danh hiệu tự trao mĩ miều văn minh, phát triển…thì mâu thuẫn lên đến cực điểm thể hiện ở đoạn tiệc sinh nhật đẫm máu y hệt một bầy thú hoang lao vào nhau. Văn minh của loài người hóa ra cũng chỉ đến thế: đến chết vẫn ích kỉ lo cho con mình.
Chứng kiến toàn bộ bi kịch từ đầu đến cuối, cũng là nhân duyên đưa đẩy mọi thứ xảy ra, thật trớ trêu là một tảng đá. Một tảng đá thì có ý nghĩa gì? Có thể mỗi người sẽ tự có giải thích cho riêng mình như quan hệ vật chủ – kí sinh trùng, cho gánh nặng gia đình Kim tự chuốc lấy, cho thứ vũ khí cậu con trai định dùng để trả thù nhưng lại gậy ông đập lưng ông… Cách giải thích nào cũng hợp lý cả, nhưng trên hết, một tảng đá là một tảng đá. Tất cả mọi ý nghĩa mà con người gán lên nó đều là định kiến, ngay cả ý tưởng “nó cứ đeo bám con” cũng là ý tưởng tự cậu anh trai nghĩ ra mà thôi. Nhưng chính sự im lặng của hòn đá, nụ cười ngờ nghệch của người anh đoạn cuối phim (do chấn thương cũng từ tảng đá gây ra) lại chứa đựng toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống: “Toàn thể vũ trụ chỉ là một bãi chiến trường, trong đó trỗi lên một bản tình ca bất tận.”
Bản tình ca đó đã vang lên trong đêm mưa bão khi cô em gái ngồi trên nắp bồn cầu đang tuôn ra thứ nước đen ngòm, châm một điếu thuốc và bình thản hút.
[1] Trích dẫn lời thoại trong phim
[2] Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Tinh hoa đạo học phương Đông, NXB Trẻ (2018).
[3] Nhất Linh, Đôi Bạn, NXB Văn hóa Sài Gòn (2006). Trích đoạn của Thế Lữ trong lời mở đầu.
Nếu thích bài viết này, mời bạn đọc thêm các bài viết khác của mình trong cuốn sách mới xuất bản này nhé!