Madonna luôn là đề tài gây tranh cãi bất tận đối với người yêu nhạc. Thời điểm Papa Don’t Preach ra mắt, cô khiến giới mộ điệu phải chia thành 2 luồng ý kiến đối chọi gay gắt: Rốt cuộc là Madonna đang cổ xúy việc có con tuổi vị thành niên hay thể hiện trách nhiệm của một người làm mẹ?



Trong hàng loạt những bản hit bùng nổ cũng đồng thời gây ra những sự tranh cãi khủng khiếp nhất của Madonna, có lẽ Papa Don’t Preach chính là phát súng đầu tiên. Nó đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của một cô ca sĩ nhạc pop đang được yêu thích, là thần tượng của giới trẻ sang một người phụ nữ gai góc hơn, dám chạm tới những chủ đề nhạy cảm không phải ai cũng dám viết, dám hát. Sự liều lĩnh của Madonna đôi khi khiến cô phải nhận những thất bại cay đắng sau này, nhưng với Papa Don’t Preach, đó chính là bước đệm để đưa cô lên đỉnh vinh quang, lột xác khỏi hình ảnh ngọt ngào dễ đoán để trở thành một nghệ sĩ đầy sâu sắc với những thông điệp tích cực về hạnh phúc gia đình. 

Lý do nào để nói Papa Don’t Preach là một sự liều lĩnh? Chưa nói đến việc cách cô đặt tên bài hát rất dễ gây liên tưởng tới các vị cha xứ, tạo ra một cuộc xung đột gay gắt giữa cô và tòa thánh Vatican, chỉ tính riêng trên nội dung bài hát cũng như video âm nhạc của bài hát, đó cũng đã là cả một câu chuyện với những thông điệp rất sâu sắc. Papa Don’t Preach bắt đầu với những lời thú nhận của cô gái trẻ với người cha của mình: 
Papa I know you're going to be upset
'Cause I was always your little girl
But you should know by now
I'm not a baby
“Cha ơi, con biết cha sẽ buồn vì con vốn vẫn là cô con gái nhỏ của cha, 
nhưng bây giờ cha cần phải biết rằng, con đã lớn rồi”
Cô gái tuổi vị thành niên gặp phải biến cố lớn nhất trong đời, và cha là người cô dành trọn sự tin tưởng để thổ lộ. Cô tin rằng cô không còn là một đứa trẻ nữa, cô đã đủ trưởng thành để tự đưa ra quyết định của bản thân: 
Papa don't preach I'm in trouble deep
Papa don't preach, I've been losing sleep
But I made up my mind, I'm keeping my baby,
I'm gonna keep my baby,
“Cha ơi cha đừng thuyết giảng, con đã gặp đủ rắc rối rồi
Cha ơi cha đừng thuyết giảng, con đã mất ngủ nhiều đêm rồi, 
Nhưng con đã quyết định rồi, con sẽ giữ đứa con của mình”


Không vòng vo, không né tránh, cô đi thẳng vào chủ đề chính, vào sự lựa chọn của mình. Cô đã có bầu ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên, nhưng cô không nói ra để xin một lời khuyên nào cả. Cô ngăn cha cô trước khi ông thuyết giảng và nói ra sự quyết định của cô: Cô sẽ giữ lại đứa bé. Và điều cô mong mỏi ở đây chỉ là sự ủng hộ của người cha. 
Có thai ở độ tuổi vị thành niên là một điều kinh khủng ngay cả ở thời điểm bài hát ra mắt và cả thời điểm hiện tại. Cô gái trong bài hát đã suy nghĩ đến mất ngủ mỗi đêm, bạn bè khuyên cô nên bỏ cái thai đi bởi cô còn quá trẻ và còn cả cuộc đời phía trước. Nhưng sau cùng, cô vẫn quyết định giữ cái thai lại. Nếu nhân vật ấy là một cô gái nông nổi, hư hỏng để dẫn đến việc có thai không mong muốn như những luận điểm chống lại bài hát đưa ra, cô ấy chắc chắn đã nghe theo lời khuyên của bạn bè và chẳng mảy may quan tâm đến chuyện đó một chút nào. 
Nhưng rõ ràng, cô ấy đã trăn trở, cô ấy đã lo lắng, và cuối cùng đã quyết định đi ngược lại với lời khuyên của mọi người. Cô đã mắc phải một sai lầm, đúng, nhưng cô không muốn vì sai lầm đó mà bỏ đi đứa con của chính mình. Việc cô khẳng định rằng cô đã trưởng thành và sẽ tự đưa ra quyết định giữ lại đứa bé cho thấy cô không phải là một cô con gái tuổi vị thành niên nông nổi, mà đó là một quyết định khẳng định tình yêu vĩ đại và trách nhiệm lớn lao của một người mẹ, và cô sẽ làm mọi cách để bảo vệ đứa con của mình. Đó mới thực sự là thông điệp mà Madonna muốn truyền tải bởi, việc lựa chọn kể về sai lầm của một cô gái trẻ và cách xử lý đầy nhân văn của cô ấy chưa bao giờ và sẽ không bao giờ đồng nghĩa với việc cổ xúy cho hành động sai lầm. 
Bên cạnh bản thu âm xuất sắc, Madonna cũng thực hiện một video ca nhạc đầy cảm động cho Papa Don’t Preach. Madonna vào vai chính cô gái trong bài hát, từ khi cô bắt đầu gặp được chàng trai trong mộng, cô gặp gỡ và hẹn hò với anh, để rồi mắc phải sai lầm. Những phân cảnh khi cô ở cạnh cha của mình, ánh mắt của cô luôn tràn đầy sự sợ hãi, lo lắng, bất an, trái ngược hoàn toàn với ánh mắt tràn đầy tình cảm và khát khao khi cô ở bên người cô yêu. Khi cô ngồi lại để nói chuyện với cha, cô sợ sệt, run rẩy và phải ôm chặt lấy chiếc gối. 
Nhưng thật may, cuối cùng Madonna cũng có được sự ủng hộ và cảm thông đúng như cô mong muốn. Phân cảnh cảm động cuối cùng khi người cha bước đến, mỉm cười và ôm lấy cô chính là một trong những đoạn đỉnh cao và giúp Madonna chiến thắng giải “Video ca nhạc của nghệ sĩ nữ xuất sắc nhất” tại giải thưởng MTV Video Music Award năm 1987. Cô đã nói lên nỗi lòng, ước mơ của hàng triệu cô gái trẻ ở trong độ tuổi ấy khi mắc sai lầm. Họ đã biết họ sai và đã đủ lớn để chịu trách nhiệm cho hành động bồng bột của mình, cha mẹ lúc này đừng nên trách móc hay dạy dỗ con cái phải làm thế này thế kia. Hãy là một người bạn ở bên cạnh, ủng hộ mọi quyết định và giúp đỡ con sửa chữa điều đó theo cách con muốn, đó mới là những gì mà những đứa con cần lúc này.
Papa Don’t Preach đến nay đã ra mắt được hơn 30 năm, nhưng những thông điệp mà bài hát đưa ra chưa hề cũ. Vấn nạn có thai tuổi vị thành niên, nạo phá thai bất hợp pháp,... vẫn luôn nhức nhối trong lòng không chỉ nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Và những góc nhìn, những quyết định của Madonna trong bài hát vẫn luôn là nguồn truyền cảm hứng cực kì to lớn cho những bạn trẻ không may mắc sai lầm và những phụ huynh của họ để có được những cách hành xử đúng đắn và nhân văn.
Mình là Nam, một người viết về âm nhạc và muốn giới thiệu những album nhạc xuất sắc trong và ngoài nước đến với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn muốn đọc thêm về âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt và US-UK, truy cập vào trang facebook cá nhân của mình nhé: https://www.facebook.com/namtran2811