Một bài viết cũ rích từ năm 2021 không ai thèm xem nên bây giờ lôi ra lại
Chủ đề về gia đình luôn là một chủ đề bao trùm lên mọi bộ môn nghệ thuật từ phim ảnh, kịch nghệ, văn học đến âm nhạc. Trong đó riêng với nhạc Rap từ lúc chưa được phổ biến rộng rãi thì chủ đề tình cảm gia đình bao gồm tình cảm cha mẹ, anh em hay ông bà vẫn luôn là một chủ đề được nhiều người khai thác, nếu không muốn nói là một bệ đỡ an toàn. Ngoài những bài nhạc về tình yêu thì những năm đầu thập kỷ 2010 số bài rap về cha mẹ nhiều không kể hết. Đó là những bài rap về cảnh đời, về gia đình nghèo, những đứa con hư, những đứa con mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình... Những bài rap đó hầu hết dễ lấy được tình cảm của người nghe và đến giờ đó vẫn là một công thức "chắc kèo", "dễ chơi dễ trúng thưởng". Nhưng trong số đó thì Pama diary lại đi theo một con đường khác, cũng là gia đình, cũng là một đứa con cũng những tháng năm trẻ dại nhưng câu chuyện trong bài Rap hoàn toàn không đi theo những công thức trên. Điều đó làm cho Pama diary trở thành một trong những bài rap về gia đình xuất sắc nhất với tôi cùng với những Happy Birthday Mom (Viet Dragon). Nên tôi sẽ nói về bài nhạc ở các khía cạnh như nội dung, âm nhạc và giá trị nghe lại.
Về nội dung, như đã nói ở phía trên, những bài rap cùng thời về chủ đề này thường bắt đầu bằng một hoàn cảnh khốn khó của kiếp mưu sinh, bằng một đứa con mặc cảm vì gia cảnh. Không lấy gì làm lạ khi những chủ đề này thường lấy được sự đồng cảm của người nghe kể cả những người không thường xuyên nghe rap. Tôi nhớ rằng trong một chương trình thi thố ca nhạc có một vị giám khảo từng đặt một câu hỏi rằng "Sao chúng ta cứ mãi làm nhạc về người nghèo? Những người không nghèo thì không có vấn đề nào trong cuộc sống sao?". Đó thật sự là một câu hỏi khá hay mà tôi vẫn nhớ đến giờ. Quay lại với Pama diary, bối cảnh của bài nhạc có lẻ là đến từ câu chuyện thật của Acy chứ không phải một câu chuyện bi kịch nào đó được bịa ra để lấy nước mắt người nghe. Nó giữ được cái chất "real" mà những anh em của dòng nhạc này hô hào, keep it real! Ở verse đầu, Acy bắt đầu bài nhạc bằng một câu hỏi "Có bao giờ mày nghĩ mày chết trẻ?" và kế tiếp là một câu hỏi khác "Người mày mún gặp trong những hơi thở cuối cùng sẽ là ai?". Những câu hỏi đó ngỡ như sẽ là câu hỏi dành cho chúng ta, những người nghe và cũng là những người con. Chỉ hai câu nhưng thật sự đã làm cho mọi người phải nhìn vào bên trong mình, thay vì nhìn vào một viễn cảnh nào đó như các bài nhạc khác. Nhưng rất nhanh hai câu sau đó là những câu hỏi khác cho ta thấy rằng đây là lời độc thoại của tác giả. Xen lẫn đó là những nét vẽ về một gia đình, một con hẻm, một ngôi nhà những thời ấu thơ. Nơi đó có người cha, người mẹ dành một tình yêu vô bờ bến cho đứa con, làm tất cả và không mong nhận lại đều gì cả. Không một hoàn cảnh éo le, chỉ là tình cảm thuần nhất của mỗi bậc cha mẹ mà đâu đâu cũng có. Một lần nửa chúng ta có thể nhìn vào sâu bên trong bản thân mình thay vì một hoàn cảnh nào đó. Để rồi sau khi kết thúc verse đầu thì đoạn hook được vang lên, một trong những đoạn hook xuất chúng nhất về chủ đề này.
Nhưng khi mày có tất cả, liệu mày còn nhớ về họ hay không? Hay chỉ khi mày vấp ngã, thì họ tồn tại, còn thứ mày có chỉ là hư không Trên đường đời, có ngàn nỗi đau, mà mày nghĩ là điều tệ nhất. Nhưng tin tao đi không có nỗi đau nào đau hơn ngày họ mất
Những câu hỏi vừa dành cho bản thân của như dành cho người nghe. Những câu hỏi mà có thể làm cho bất kì ai cũng phải lặng lại và dành đôi phút nghĩ suy. Đoạn hook kết thúc để mở đầu verse thứ hai. Trong verse này tiếp tục là những ngày hồi tưởng về những tháng ngày tuổi trẻ của hầu hết mọi thiếu niên, ngông nghênh và có phần bất cần, thoát ly khỏi gia đình và rồi gặp những cơn sóng dữ của cuộc đời. Nhưng tất yếu của câu chuyện, sau những điều không mấy êm ả bên ngoài thì nhân vật chính trở về dưới sự yêu thương của cha mẹ, trở về những tháng ngày bình yên. Không quá nhiều điều để nói về đoạn này nhưng đoạn kế tiếp thì thật sự một một trong những đoạn rap hay nhất tôi từng nghe và sẽ luôn như thế.
Mommy nói với tao... điều tốt đẹp luôn dành cho người tốt. Daddy dạy tao biết... khổ cực là hệ quả của sự ngu dốt. ... Tao đã từng ngượng vì điều đó khi tao béVà giờ tao lại tự hào vì điều đó khi tao lớn
Hai câu đầu trong đoạn trên thật sự là đã làm tôi cảm thán không biết bao nhiêu lần. Hai câu trên cho tôi thấy hai yếu tố làm nên sự phát triển của một đứa trẻ. Đó là tình yêu thương, lòng nhân hậu và cũng như niềm tin về cái tốt lành. Song song với đó vẫn là lý trí, là thực tế. "Khổ cực là hệ quả của sự ngu dốt!" mấy ai có thể đặt một câu như thế trong một bài nhạc nói về một chủ đề đâu đâu cũng là những tiếng than thở, thi vị hóa những khổ cực trong kiếp mưu sinh? Về hai câu sau thì tôi nghĩ sẽ không ít người đồng cảm. Tôi cũng từng như thế, từng ngượng để rồi lớn lên thấy rất đổi tự hào. Một đứa trẻ được bảo bọc, được cha mẹ yêu thương và có những thứ tốt nhất khi bắt đầu cuộc đời là một lẻ hết sức thường tình. Cảm thương cho cái khó, cái khổ thì không nhất thiết cái tốt, cái no đủ là cái xấu. Đây chính là cái xuất chúng nhất của bài nhạc. Không chỉ là tình cảm gia đình, bài nhạc cho chúng ta thấy một cách nhìn khác về cuộc sống cũng như cách làm nghệ thuật. Như để khẳng định một lần nửa, đoạn cuối như một cánh cửa số hé mở ra những thứ bên ngoài gia đình. Đó là những xô bồ, những khó khăn của kiếp mưu sinh và vòng luẩn quẩn tù túng của những phận đời khác. Có vẻ lúc này cậu bé con ngượng ngùng năm nào đã không còn mà thay vào đó là một người trãi qua những sương gió tuổi trẻ, trở về bên vòng tay gia đình, một người nhìn thẳng vào mọi thứ và dẹp đi sự ngượng ngùng kia. Thay vào đó là tình yêu thương, là sự biết ơn và niềm tự hào về những thứ đang có trong đời.
Bên cạnh sự xuất sắc của nội dung đó chính là các truyền tải. Thứ nhất là thứ xuyên suốt bài nhạc, beat. Thú thật những bài nhạc cũ của Acy thường có beat cực hay và đây một trong số đó. Beat mang tính hoài niệm và tự sự với sự man mác như các một người con hoài niệm về những chặng đường đã qua trong đời, về người cha, về người mẹ và về gia đình yên ấm. Đặt biệt đoạn kết beat mang đến một cảm giác như sự kết thúc của một câu chuyện hoàn chỉnh. Flow Acy những ngày đó cũng rất dễ nghe, bình thản như những lời tâm sự nhưng cũng có lúc đầy cảm xúc như đoạn hook đầu. Vần được gieo chủ yếu là vần đơn, gieo đều đủ đề người nghe bắt nhịp theo bài nhạc cùng với việc ngắt nhịp hợp lý và hòa với nhịp beat khá mượt. Vần đôi chỉ được sử dụng chủ đích nhất trong bốn câu của phần cuối và sử dụng rất tốt cùng với một cách truyền tải không thể hợp lý hơn
Mà họ nghĩ có thể xóa đi sự vất vả. Nên họ đánh đổi bằng tất cả Để rồi khi đánh mất tất cả. Họ lại thấy hạnh phúc với sự vất vả Một vòng tròn mà tao vẫn gọi là 'rat race' Cái cuối cùng còn trong đó chỉ là những hạt cát bay...
Cặp vần "vất vả" và "tất cả" được lồng vào hai câu với vị trí đối xứng với nhau như trong hai câu tạo một cảm giác dồn dập, bí bách thậm chí là lòng vòng khi chỉ có hai từ cùng vần và cũng dấu nhưng được sử dụng quay lại. Đây là một thủ pháp mà có thể thấy trong khá nhiều bài nhạc sau này của Acy như Eyes, Logic... Sau hai câu đó là hai câu dưới với hình ảnh vòng tròn và rat race. Một cú delivery hoàn hảo! Khi mà nghe đến đây thì những gì được chuẩn bị trong hai câu trên như bật ra trong đầu "vất vả... tất cả... tất cả... vất vả..." Một vòng toàn không lối thoát. Một cuộc sống, một thế giới u ám mà nhiều người vẫn đang ngày ngày như những con chuột chạy hụt hơi trong vô vọng. Nhưng may mắn, đó chỉ là những hình ảnh qua khung cửa sổ bên trong một ngôi nhà nơi tác giả sống, nơi có cha và có mẹ. Những người yêu thương con mình vô bờ bến, những người đã dành cho đứa con của mình không chỉ là tình yêu thương mà còn là những bài học, những lời chỉ dạy. Chỉ một cái nhìn ra ngoài khung cửa sổ trong sáu câu cũng đủ để gián tiếp làm bật lên chủ đề chính của bài nhạc.
Phần cuối chính là giá trị nghe lại. Tôi nghe bài này lần đầu những năm cấp ba thời còn u mê tăm tối. Nghe chỉ vì kiểu nghe xem Acy rap "life" sẽ ra sao. Cảm nhận là cũng bình thường. Đến khi lên Sài Gòn sống, đầu óc và trải nghiệm được mở mang thì cảm nhận rằng bài nhạc này hay hơn tôi nghĩ rất nhiều và nó thật sự khác biệt với những bài nhạc cùng chủ đề. Đến sau này khi đi làm kiếm cơm thì gần như là lúc mọi cảm nhận về bài nhạc được trọn vẹn nhất. Là lúc mà câu "Khổ cực là hệ quả của sự ngu dốt!" gần như đánh gục tôi bởi sự xuất sắc. Để rồi đến bây giờ khi lại, ngoài tình cảm dành cho cha mẹ bài nhạc này còn làm cho tôi suy nghĩ thêm một vấn đề khác. Một ngày nào đó khi làm cha, tôi có thể cho con mình những điều như trong bài nhạc không? Một đứa trẻ lớn lên ngoài giáo dục về tình yêu thương và lòng nhân ái thì còn phải được giáo dục về tư duy, kiến thức và cách nhìn nhận cuộc sống. Một kẻ như tôi đã đủ những yếu tố đó để có thể giáo dục một đứa trẻ chưa?
Kết lại thì Pama diary sẽ luôn là một trong những bài về tình cảm gia đình xuất sắc nhất với tôi. Có lẻ tương lai sẽ khó có một bài nhạc nào như thế nửa về cả mặt nội dung, cách tiếp cận cũng như truyền tải