PUTIN - VỊ TỔNG THỐNG ĐƯA NƯỚC NGA QUẬT KHỞI
Không quá khi nói Putin là người hùng đã đưa nước Nga hồi sinh từ đống tro tàn. Hai thập kỷ lãnh đạo đất nước, ông Vladimir Putin đã “chèo lái” con thuyền nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc. Vậy, ông rốt cuộc là con người như thế nào?
Trong phần trước, chúng ta đã cùng nhau theo dõi hành trình của Putin trở thành vị tổng thống thứ hai của nước Nga non trẻ. Vậy, Putin sẽ làm những gì để có thể thúc đẩy một đất nước mới được hồi sinh từ tro tàn của Liên Xô trở thành một cường quốc như hiện nay?
Cùng chúng mình tiếp tục tìm hiểu về hành trình của vị tổng thống vĩ đại này trên sợi dây quyền lực của ông ấy thông qua bài viết “Putin - Vị tổng thống đưa nước Nga quật khởi” nhé. Cùng bắt đầu thôi nào.
1, Nhiệm kì thứ nhất khởi sắc
Ngày 7 tháng 5 năm 2000, lễ nhậm chức của Tổng thống Putin chính thức diễn ra. Đây có thể xem như một cột mốc mới trong lịch sử nước Nga nói riêng và thế giới nói chung. Việc Putin thắng cử và lên nhậm chức đã đánh dấu một bước khởi sắc mới cho nước Nga trong giai đoạn lịch sử hậu Xô Viết. Từ một đất nước có nền chính trị rối ren, kinh tế xuống dốc, Putin giờ đây sẽ bắt tay vào hành trình đưa nước Nga dần lấy lại vị thế của một cường quốc đã mất.
Ngay khi trúng cử, Putin đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin đối với đời sống chính trị vốn đang đầy hỗn loạn của Nga. Một trong những hành động đầu tiên của ông là xây dựng lại hệ thống quyền lực từ trên xuống theo truyền thống, cái mà ông gọi là "quyền lực theo chiều dọc". Cần phải biết rằng dưới thời Yeltsin, 89 vùng lãnh thổ chính trị cấp dưới liên bang ở nước Nga đều được trao những quyền tự trị rất lớn, dẫn tới sự phân mảnh quyền lực sâu sắc trong nội bộ đất nước. Thậm chí, sự li khai của Chenya dẫn tới cuộc xun đột Nga-Chenya cũng bắt nguồn từ yếu điểm chí mạng ấy. Để giải quyết tình trạng nhức nhối đó, ngày 13 tháng 5 năm 2000, Putin đã ban hành một sắc lệnh tổ chức lại 89 chủ thể liên bang của Nga thành 7 quận liên bang hành chính và bổ nhiệm 7 vị “đại diện toàn quyền” của tổng thống tại mỗi quân liên bang. Có thể nói, với tham vọng một một cường quốc Nga của Putin thì hành động tập trung quyền lực này là một nước đi hết sức cần thiết và đúng đắn.
Một hành động khác còn mang ý nghĩa quan trọng hơn, đó là Putin đã tiến hành cải cách triệt để hệ thống Thượng viện Nga cũng như Ủy ban Liên bang, đồng thời dần thay thế các nhân sự cũ (kể cả có là những nhân vật thân cận với Yelstin) không đạt yêu cầu. Việc thay đổi và thanh lọc bộ máy chính quyền này cũng đạt được nhiều hiệu quả tức thời khi quyền lực được tập trung vào tay dàn nội các mới của Putin, cũng như áp dụng các quy tắc mới giúp hệ thống này vận hành đúng theo chủ trương của Putin hơn.
Ngoài những cải cách nói trên, Putin và bộ máy của mình cũng trực tiếp đối đầu với nhiều quan chức hoặc những nhóm lợi ích có thái độ bất tuân, tiêu biểu như Vladimir Aleksandrovich Gusinsky, Boris Abramovich Berezovsky, và sau này là Mikhail Borisovich Khodorkovsky. Đặc biệt, Vladimir Aleksandrovich Gusinsky, người từng ủng hộ bộ đôi đối thủ tranh cử với Putin (tức Primakov và Luzhkov) lúc ấy là người cầm đầu các thành viên chủ chốt trong bộ máy cũ của Yeltsin (thường được gọi thông tục là “Gia đình”). Trong vòng một năm từ khi Putin lên nắm quyền, Gusinsky từ một kẻ có ảnh hưởng trở thành người ra tù vào tội. Các chiến dịch này đã khiến Putin phải nhận những lời cáo buộc từ cả trong nước lẫn quốc tế về việc “đạo diễn” các phiên tòa xử các nhân vật đầu sỏ chính trị nói trên một phần trong nỗ lực của Kremlin nhằm kiểm soát toàn bộ phương tiện truyền thông Nga và các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, việc hành động quyết liệt của ông cũng đã củng cố hình ảnh một vị lãnh đạo do dân và vì dân trong những năm đầu tiên trên ghế tổng thống.
Sở dĩ, Putin có khả năng thực hiện những cải cách mạnh mẽ đến vậy, đó là bởi khi bộ máy chính phủ mới của Putin hình thành, các bộ mặt nhiều ảnh hưởng từ thời Yeltsin ủng hộ ông (bao gồm cả Lãnh đạo Nhân sự Aleksandr Staliyevich Voloshin và Thủ tướng Mikhail Mikhailovitch Kasyanov, người ủng hộ Putin trong nhiệm kì thứ nhất) vẫn được giữ được nhiều vai trò trong chính phủ mới. Mặt khác, Putin cũng được hậu thuẫn bởi một nhóm các nhà cải cách kinh tế từ quê hương St.Peterburg của ông. Ngoài ra, còn có một thế lực khác mà ông có thể tin cậy cũng như có được ủng hộ sâu sắc, ấy là những chính khách có xuất thân từ cơ quan an ninh quốc gia như mình. Sự hợp tác một cách trơn tru giữa các nhóm quyền lực đó đã đem lại hiệu quả tuyệt đối cho các bước đi của Putin suốt nhiệm kỳ thứ nhất.
Nhìn chung, nhiệm kì đầu tiên của ông diễn ra tương đối suôn sẻ. Hình ảnh ông Putin trong lòng người dân đã trở thành một biểu tượng cho sự nam tính, tận tình và quyết đoán. Suốt 4 năm cầm quyền, ông Putin chỉ gặp hai cuộc khủng hoảng truyền thông lớn xảy ra vào năm 2000 và năm 2002.
Cuộc khủng hoảng truyền thông đầu tiên xảy ra vào tháng 8 năm 2000, tức là chỉ 3 tháng sau khi ông nhậm chức Tổng thống. Chiếc tàu ngầm nguyên tử Nga Kursk bị đắm ngoài khơi bán đảo Kola dẫn tới hậu quả 118 thủy thủ thiệt mạng. Trong những ngày đầu tiên, rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội Nga tức giận với sự thất bại của chính phủ và quân đội trong việc cung cấp thông tin và giải quyết thảm họa. Sau nhiều ngày để dân chúng tức giận và hoang mang, ông Putin (khi ấy đang trong kì nghỉ) đã quyết định quay trở lại Moskva và nhận trách nhiệm trực tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng. Sau khi chiếc tàu ngầm được trục vớt, Putin vẫn tiếp tục bị chỉ trích trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga vì sự bất lực của mình trong những ngày đầu đảm nhiệm công tác. May mắn thay, sự kiện này không để lại những hậu quả lâu dài đối với hình ảnh ông trong lòng nhân dân.
Cuộc khủng hoảng truyền thông thứ hai là vào tháng 10 năm 2002, khi vụ khủng bố bắt cóc con tin tại nhà hát Moscow diễn ra. Nhiều tờ báo của Nga và các phương tiện truyền thông quốc tế, đặc biệt là phương Tây đã lên án về cái chết của 130 con tin trong chiến dịch giải cứu của lực lượng đặc nhiệm trong cuộc khủng hoảng. Họ cho rằng đó là một “vết nhơ” sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sự ủng hộ của người dân với Putin trong tương lai. Tuy nhiên, trái ngược với sự chỉ trích từ bên ngoài, ngay sau khi cuộc giải cứu kết thúc thì tỷ lệ ủng hộ công chúng Nga với ông lại tăng lên mức cao kỷ lục, tới 83%. Hầu hết người Nga tuyên bố họ hài lòng với Putin và cách ông xử lý cuộc giải cứu, cho thấy đường lối lãnh đạo cứng rắn của ông đã tạo được ấn tượng rất tốt trong bối cảnh đương thời.
Không chỉ có những bước tiến về mặt chính trị, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2004, Putin đã bắt đầu tái thiết lại nền kinh tế Nga từ tình trạng nghèo đói hậu Xô Viết.
Những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của Putin cũng được đánh dấu bằng sự dàn xếp quan hệ với các nhóm tài chính-công nghiệp lớn, mà các nguồn tài chính cũng như các đế chế truyền thông của họ từng là những vũ khí quan trọng trong cuộc chiến tranh chính trị xảy ra trong nước Nga những năm trước đó. Putin dường như đã giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành quyền lực với các nhà tài phiệt Nga này, như báo chí phương Tây miêu tả là đã đạt được một “thỏa thuận lớn” với họ. Kết cục của sự dàn xếp này là hầu hết các nhà tài phiệt được phép duy trì quyền lực ngầm của họ để đổi lấy sự phục tùng đối với chính phủ mới của Putin.
Tronng suốt nhiệm kì thứ nhất của Putin, GDP tăng trung bình 7% mỗi năm, một con số cực kì khả quan. Điều này có được là nhờ các cải cách thuế mang tính toàn diện được áp dụng và nỗ lực rộng rãi nhằm bãi bỏ quy định quá có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một yếu tố quan trọng khác là nền kinh tế Nga được thúc đẩy bởi sự bùng nổ hàng hóa những năm 2000, bao gồm giá dầu cao kỷ lục. Một quỹ doanh thu từ dầu mỏ đã cho phép Nga trả hết các khoản nợ của Liên Xô vào năm 2005. Ngoài ra, vào giai đoạn này, kinh tế Nga cũng tập trung mạnh vào sản xuất và xây dựng, tạo nền tảng vững chắc cho những giai đoạn tiếp theo.
2, Nhiệm kỳ thứ hai rực rỡ
Trở lại một năm trước khi cuộc bầu cử tổng thống Nga 2004 diễn ra, trong cuộc Bầu cử Nghị viện Nga 2003, Đảng Nước Nga thống nhất ủng hộ Putin đã giành được một thắng lợi vô tiền khoáng hậu. Các nhà quan sát chính thức từ nước ngoài đã gọi đó là một cuộc bầu cử tự do, nhưng cũng ghi chú rằng các cơ quan truyền thông lớn do nhà nước kiểm soát, đặc biệt là Truyền hình quốc gia Nga, đã tiến hành các chiến dịch truyền thông rộng lớn và không công bằng dành riêng cho đảng cầm quyền. Quả thực, đa số các đài truyền hình Nga khi ấy dưới quyền quản lý trực tiếp hay gián tiếp của Kremlin. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy quyền lực của ông Putin sau 3 năm nắm quyền đã thực sự bén rễ và phát triển mạnh mẽ, báo hiệu cho những pha chuyển mình lớn về sau.
Ngày 24 tháng 2 năm 2004, chưa tới một tháng trước cuộc bầu cử, Putin đã cách chức Thủ tướng Kasyanov và toàn bộ chính phủ Nga sau những bất đồng về chính sách kinh tế. Sau đó, ông chỉ định Viktor Borisovich Khristenko làm quyền thủ tướng. Ngày 1 tháng 3 cùng năm, ông lại chỉ định Mikhail Yefimovich Fradkov vào vị trí này.
Dù có một cuộc thay máu lớn ngay trước thềm tranh cử, thế nhưng dường như các động thái ấy không làm suy giảm sức ảnh hưởn của Putin. Ngày 14 tháng 3 năm 2004, Putin thắng cử nhiệm kỳ thứ hai với 71% số phiếu bầu, một con số áp đảo tất cả những cử tri còn lại. Một lần nữa các kênh truyền hình lại thực hiện một chiến dịch tuyên truyền một phía ủng hộ Putin, đa số chúng đều là các kênh do nhà nước sở hữu hay kiểm soát. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử và việc kiểm phiếu đều được các phái đoàn của Văn phòng vì các Thể chế Dân chủ và Nhân quyền thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tuyên bố là "tự do và công bằng".
Ngày 13 tháng 9 năm 2004, sau vụ Khủng hoảng con tin trường học tại Beslan, và những vụ tấn công hầu như đồng thời của những kẻ khủng bố Chechnya vào Moskva, Putin đã đưa ra một sáng kiến nhằm thay thế cuộc bầu cử các thống đốc vùng bằng một hệ thống theo đó họ sẽ được Tổng thống đề cử và được chấp nhận hay không bởi các cơ quan hành pháp địa phương. Những người phản đối sáng kiến này, gồm cả Mikhail Gorbachev, Boris Yeltsin, và Colin Powell, những người chỉ trích coi đó là một bước xa rời dân chủ ở Nga và quay lại với bộ máy tập trung trung ương thời kỳ Xô viết. Cùng ngày hôm đó, Putin đã công khai ủng hộ kế hoạch của Ủy ban Bầu cử Trung ương về việc bầu các đại biểu Duma dựa hoàn toàn trên sự giới thiệu từ các vùng, chấm dứt một nửa các cuộc bầu cử đại biểu tại các đơn vị chỉ bầu một người. Như vậy, quyền lực chính trị lại thêm một lần nữa được thâu tóm vào tay điện Kremlin.
Ngày 25 tháng 4 năm 2005, Putin đã gây ra một số cuộc tranh cãi trong dư luận khi tuyên bố coi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết như là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ". Lời nói này được phương Tây và một số nước xung quanh nhìn nhận với thái độ chỉ trích, trở thành đề tài để công kích ông đang “xa rời dân chủ” và “manh nha cộng sản”. Dĩ nhiên là sau đó Putin đã nói rõ rằng ông không hề ca ngợi Liên bang Xô Viết cũ mà chỉ muốn nhấn mạnh tới ảnh hưởng mạnh mẽ của sự sụp đổ này trên thế giới, đặc biệt với kinh tế và đời sống người dân từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cũng như sự dịch chuyển dân cư một phần gây ra từ tình cảm chống Nga tại nhiều nước cộng hòa đó. Lời giải thích này được người Nga ủng hộ, do hầu hết người dân Nga khi ấy mặc dù không hề yêu thích cuộc sống đói kém thời kì cộng sản trước đây nhưng vẫn luôn tự hào về một quá khứ Xô Viết huy hoàng. Như để chứng thực cho tuyên bố của mình, cùng năm, Putin đã bãi bỏ ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (ngày 7 tháng 11) khỏi danh sách các ngày nghỉ lễ hàng năm.
Tháng 5 năm 2005, Mikhail Khodorkovsky, người giàu nhất nước Nga, Chủ tịch công ty dầu mỏ Yukos bị kết tội trốn thuế và bị xử tù 9 năm (sau đó bản án tiếp tục tăng thêm sau những điều tra liên quan). Như chúng ta đã được biết là ngay từ nhiệm kì thứ nhất, chính phủ của Putin luôn đối đầu một cách gay gắt với những nhóm lợi ích có thái độ bất tuân. Đây vẫn luôn là một trong những khía cạnh gây tranh luận nhiều nhất trong cả hai nhiệm kì của ông. Trong khi đa phần phương tiện truyền thông quốc tế coi đó là một hành động chống lại một người từng cung cấp tài chính cho các đối thủ chính trị của Kremlin, Putin tuyên bố rằng Khodorkovsky trên thực tế đã thực hiện hành vi mua chuộc phần lớn đại biểu Hạ viện Nga, ngăn chặn việc đưa ra những sửa đổi về thuế nhằm kiếm lợi ích riêng. Chắc chắn rằng, những vụ tư nhân hóa trước đó, gồm cả việc tư nhân hoá Yukos, đều được coi là có sự gian dối (hãy nhớ Yukos, được định giá 30 tỷ dollar năm 2004, từng được định giá bán cho Khodorkovsky chỉ có 110 triệu dollar), và giống như những nhóm chính trị đầu sỏ bất tuân khác, cái tên Yukos-Menatep luôn gắn liền với những lời buộc tội có liên quan tới các tổ chức tội phạm. Chính phủ Nga khẳng định những hành động của họ chống lại các nhân vật đầu sỏ như vậy hoàn toàn trên dựa trên tinh thần pháp luật và nhằm kìm chế cũng như hủy bỏ những xung đột nghiêm trọng trong nền kinh tế Nga bởi giới siêu giàu đã có được quá nhiều đặc quyền đặc lợi trong nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, như đã nói ở phần trước, theo “thỏa thuận lớn” của Putin với giới tài phiệt, những đầu sỏ tài phiệt khác từng thiết lập được quan hệ tốt với Kremlin như Roman Abramovich và Vladimir Potanin thì hoàn toàn yên ổn, không ai bị đặt vấn đề nghi vấn tài sản ở mức độ như vậy.
Ngày 7 tháng 10 năm 2006, Anna Politkovskaya, một nhà báo từng vạch trần tình trạng tham nhũng trong quân đội Nga và hành vi sai phạm của quân đội này ở Chechnya, đã bị bắn tại sảnh tòa nhà chung cư của bà, vào đúng ngày sinh nhật của Putin. Cái chết của Politkovskaya đã gây ra sự chỉ trích quốc tế, với những cáo buộc rằng Putin đã không bảo vệ được phương tiện truyền thông độc lập mới của đất nước. Bản thân Putin đã nói rằng cái chết của bà đã gây ra nhiều vấn đề cho chính phủ hơn là các bài viết của bà.
Vào tháng 1 năm 2007, Putin đã gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại dinh thự Biển Đen của ông ở Sochi, hai tuần sau khi Nga ngừng cung cấp dầu cho Đức. Không chắc là liệu Putin có cố tình không khi ông đã mang chú chó labrador đen Konni của mình đến trước mặt Merkel, người nổi tiếng là sợ chó và trông rất khó chịu khi có nó ở đó. Trong cuộc gặp mặt, ông đã nói thêm rằng "Tôi chắc chắn nó sẽ tự cư xử tốt" và không hề đưa chú chó rời đi sau khi được nhắc về nỗi sợ chó của Merkel, gây ra một cơn thịnh nộ trong dư luận Đức. Sau này, Putin tuyên bố rằng ông không biết về việc đối phương sợ chó cho tới buổi gặp mặt, đồng thời nói thêm rằng "Tôi muốn làm bà ấy vui. Khi tôi phát hiện ra rằng bà ấy không thích chó, tất nhiên tôi đã xin lỗi". Merkel trong một lần nhắc lại sự việc này đã nói: "Tôi hiểu tại sao ông ấy phải làm như vậy để chứng minh rằng ông ấy là một người đàn ông. Ông ấy sợ sự yếu đuối của chính mình. Nước Nga không có gì, không có nền chính trị hay nền kinh tế thành công. Tất cả những gì họ có là thế này".
Vào tháng 2 năm 2007 tại Hội nghị An ninh Munich, trong bài phát biểu của mình, ông Putin chỉ trích phương Tây về cảm giác bất an do vị thế thống trị về địa chính trị của Hoa Kỳ gây ra và nhận thấy rằng một cựu quan chức NATO đã đưa ra những lời hứa suông về việc không mở rộng sang các quốc gia mới ở Đông Âu.
Tới ngày 14 tháng 7 năm 2007, ông Putin tiếp tục tuyên bố rằng Nga sẽ đình chỉ việc thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp ước về Lực lượng vũ trang thông thường ở Châu Âu, có hiệu lực sau 150 ngày, và đình chỉ việc phê chuẩn Hiệp ước Lực lượng vũ trang thông thường được điều chỉnh ở Châu Âu , hiệp ước này đã bị các thành viên NATO xa lánh do Nga sắp rút khỏi Transnistria và Cộng hòa Gruzia. Moscow tiếp tục tham gia vào nhóm tham vấn chung, vì họ hy vọng rằng đối thoại có thể dẫn đến việc tạo ra một chế độ kiểm soát vũ khí thông thường mới, hiệu quả ở Châu Âu. Nga đã chỉ định các bước mà NATO có thể thực hiện để chấm dứt việc đình chỉ. "Những điều này bao gồm các thành viên NATO cắt giảm các khoản phân bổ vũ khí của họ và hạn chế hơn nữa việc triển khai vũ khí tạm thời trên lãnh thổ của mỗi thành viên NATO. Nga cũng muốn đã loại bỏ các hạn chế về số lượng lực lượng mà họ có thể triển khai ở các sườn phía nam và phía bắc của mình. Hơn nữa, họ đang thúc đẩy các thành viên NATO phê chuẩn phiên bản cập nhật năm 1999 của hiệp định, được gọi là Hiệp ước CFE được điều chỉnh và yêu cầu bốn thành viên liên minh bên ngoài hiệp ước ban đầu, Estonia, Latvia, Lithuania và Slovenia, tham gia hiệp ước này."
Vào ngày 12 tháng 9 năm 2007, Putin đã giải tán nội các chính phủ theo yêu cầu của Thủ tướng Mikhail Fradkov. Fradkov nhận xét rằng rằng điều này nhằm trao cho Tổng thống "quyền tự do hành động" trước thềm cuộc bầu cử quốc hội. Viktor Zubkov sau đó được bổ nhiệm làm thủ tướng mới.
Vào ngày 19 tháng 9 năm 2007, lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga đã bắt đầu tập trận gần Hoa Kỳ. Đây là một nước đi hết sức táo bạo mà có lẽ chỉ có Putin dám thực hiện, mang ý nghĩa tuyên bố cho thế giới thấy nước Nga đã trở lại và sẵn sàng đáp trả mọi sự gây hấn. Cuộc tập trận tuy bị giới truyền thông phương Tây chỉ trích gay gắt nhưng lại được người dân Nga ủng hộ nhiệt tình.
Vào tháng 12 năm 2007, Đảng Nước Nga Thống nhất - đảng cầm quyền ủng hộ các chính sách của Putin - đã giành được 64,24% số phiếu phổ thông trong cuộc chạy đua vào Duma Quốc gia theo kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử. Chiến thắng giòn giã của Nước Nga Thống nhất trong cuộc bầu cử tháng 12 năm 2007 được nhiều người coi là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với giới lãnh đạo Nga khi đó và các chính sách của họ, đặc biệt là ông Putin.
Ngày 4 tháng 4 năm 2008 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, Putin đã nói với George W. Bush và các đại biểu khác của hội nghị rằng "Chúng tôi coi sự xuất hiện của một khối quân sự hùng mạnh trên biên giới của chúng tôi là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của quốc gia chúng tôi. Tuyên bố là quá trình này không nhằm vào Nga sẽ không đủ thuyết phục. An ninh quốc gia không dựa trên những lời hứa suông".
3, Trở lại làm Thủ tướng
Trước tiên, chúng ta cần nhìn lại một chút về thành tựu của Putin trong nhiệm kì Tổng thống thứ hai: sau 8 năm, hai nhiệm kì liên tục thực hiện chính sách tập trung vào sản xuất và xây dựng để tái thiết nước Nga, Putin đã ổn định đáng kể tình hình kinh tế đất nước và đưa vị thế chính trị của Nga trở lại sân chơi quốc tế, mang lại cho không ít người Nga cảm giác cường quốc Xô Viết đã trở lại. Nhưng có một thực tế phải nhìn nhận, ấy là dù có nhiều thành tựu nhưng dưới thời Putin cũng tồn tại nhiều bất cập. Về mặt kinh tế, các chỉ số khả năng cạnh tranh và điều kiện kinh doanh chưa có nhiều cải thiện, trong khi tham nhũng lại gia tăng. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế nước Nga khi ấy được các nhà kinh tế phương Tây đánh giá: phần lớn là do giá dầu tăng hơn là do hiệu quả của các chính sách của Putin. Đồng thời, về mặt chính trị, việc trở lại sân chơi chính trị quốc tế một cách mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc sự thù địch của phương Tây với Nga sẽ trỗi dậy trở lại, rất có thể sẽ đưa Nga vào thế khó trên bàn cân chính trị nếu như mắc phải dù chỉ là một sai sót nhỏ trong đường đi nước bước.
Mặc cho những ánh nhìn tiêu cực từ phương Tây, tại Nga, sau hai nhiệm kì tổng thống, ông Putin được người Nga yêu mến hết lòng. Bởi những đóng góp to lớn cho đất nước, khi niệm kỳ thứ hai sắp kết thúc, nhiều người đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp Nga để cho phép Putin ra tranh cử Tổng thống lần thứ ba. Sự đề xuất này nhanh chóng được quần chúng Nga ủng hộ nhiệt liệt, cho thấy sức ảnh hưởng to lớn theo thời gian của ông Putin, thêm phần khẳng định cho những thành tựu mà ông đã gây dựng được cho đất nước. Nhưng đây cũng lại chính là khó khăn mà ông Putin phải đối mặt: hoặc sửa đổi Hiến pháp và bị thế giới chỉ trích là tham quyền cố vị, hoặc rời khỏi ghế Tổng thống và suy giảm về sức ảnh hưởng nếu không có một người kế vị phù hợp.
Sau đó, Putin đã lựa chọn phương án thứ hai. Ông từ chối đề xuất sửa đổi Hiến pháp, không tham gia kì tranh cử tổng thống Nga 2008. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố dù không ở cương vị tổng thống, ông vẫn muốn có ảnh hưởng đến tình hình chính trị của nước Nga. Như đã nói, trong cuộc bầu cử Duma năm 2007, Đảng Nước Nga Thống nhất do ông đứng đầu đã chiến thắng, qua đó để ngỏ khả năng ông lên làm thủ tướng hoặc Chủ tịch Duma.
Ngày 10 tháng 12 năm 2007, Putin tuyên bố ủng hộ Phó thủ tướng Dmitry Medvedev trở thành người kế nhiệm mình. Ngay lập tức, Dmitry Medvedev đề nghị Putin trở thành thủ tướng nếu ông trúng cử tổng thống. Ngày 17 tháng 12 cùng năm, ông Putin tuyên bố đồng ý nắm chức thủ tướng sau cuộc bầu cử năm tới.
Sau sự thành công của người kế nhiệm của ông, Dmitry Medvedev, trong cuộc Bầu cử tổng thống Nga 2008, ông được Medvedev đề cử vào chiếc ghế Thủ tướng Nga và chính thức nhậm chức vào ngày 8 tháng 5 năm 2008, mở ra giai đoạn nắm giữ chức thủ tướng lần thứ hai của Putin, kéo dài 4 năm. Giai đoạn này về sau sẽ được biết tới với cái tên chế độ song quyền Medvedev-Putin (cũng từ đây, một thuật ngữ chính trị mới là tandemocracy ra đời để ám chỉ chế độ song quyền trong bối cảnh chính trị hiện đại). Trong khi chức vụ thủ tướng về danh nghĩa là chức vụ phụ thuộc, thì ý kiến lại khác nhau về mức độ Putin là nhà lãnh đạo thực tế trong giai đoạn này, với hầu hết ý kiến là Putin vẫn giữ vị trí tối cao hoặc ông và Medvedev có mức độ quyền lực tương đương. Cũng trong nhiệm kì tổng thống này, Medvedev đã sửa đổi lại hiến pháp về thời gian mỗi nhiệm kì tổng thống từ 4 năm lên thành 6 năm (áp dụng với các nhiệm kì sau nhiệm kì hiện tại), tạo điều kiện cho ông Putin trở lại với những nhiệm kì dài hơi hơn trong tương lai.
Thủ tướng Vladimir Putin, mặc dù giữ một vị trí ít quan trọng hơn về mặt hiến pháp, vẫn được xếp hạng là một chính trị gia có phần nổi tiếng hơn (83% phiếu bầu chấp thuận vào tháng 1 năm 2009) so với Tổng thống Dmitry Medvedev (75% phiếu bầu chấp thuận vào tháng 1 năm 2009). Theo các cuộc thăm dò ý kiến do Trung tâm Levada tiến hành, vào tháng 1 năm 2009, 11% số người được hỏi ở Nga tin rằng Medvedev là người nắm quyền lực thực sự ở Nga, 32% tin rằng Putin là người nắm quyền lực thực sự, 50% cho rằng cả Medvedev và Putin đều nắm quyền lực thực sự và 7% trả lời "không biết". Vào tháng 2 năm 2008, trước cuộc bầu cử tổng thống, 23% người dân tin rằng Medvedev nắm quyền lực thực sự ở đất nước này, 20% cho rằng Putin nắm quyền lực thực sự, 41% cho rằng Putin và Medvedev có quyền lực ngang nhau, 16% không trả lời. Trong khi số người cho rằng Medvedev là người số một đã giảm một nửa, thì tỷ lệ ủng hộ Putin đã giảm xuống còn 48% từ 62% trong cùng kỳ.
Về thành tựu, chính bản thân Putin đã nói rằng việc khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới là một thành tựu lớn của nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của ông. Bảo vệ nền kinh tế Nga trước những tác động đa chiều và sâu rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới 2008-2009 là một trong những thách thức lớn nhất đối với ông trong 4 năm giữ cương vị Thủ tướng Nga. Các biện pháp chống khủng hoảng đã trở thành vấn đề căn bản trong chương trình hỗ trợ với quy mô lớn cho các ngành, nghề khác nhau của nền kinh tế Nga. Để chống lại những ảnh hưởng không mong muốn, ông Putin đã bơm hàng nghìn tỷ ruble vào nền kinh tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các ngân hàng. Hành động này của ông đã giúp ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của các ngành công nghiệp, kiềm chế lạm phát và thực thi đầy đủ các cam kết xã hội của Nhà nước đối với người dân. Tuy mức độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này chỉ giữ ở mức 4,3% (thấp hơn so với con số 7% trước khủng hoảng) nhưng vẫn là một con số đáng để lạc quan trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy thoái nặng nề.
Một trong những nhiệm vụ kinh tế được ưu tiên khác của ông Putin trong thời gian làm Thủ tướng Nga là đa dạng hóa ngành xuất khẩu năng lượng nhằm giảm bớt sự lệ thuộc của kinh tế Nga vào các hoạt động xuất khẩu nguyên-nhiên liệu. Vì vậy, trong 4 năm cùng Medvedev điều hành chính phủ, ông rất coi trọng xuất khẩu khí đốt. Nhờ các chính sách tập trung vào khí đốt trong giai đoạn này, Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga đã có lúc chiếm tới gần 25% tổng sản phẩm quốc nội GDP và khoảng 30% tổng thu nhập ngân sách quốc gia, góp phần to lớn duy trì sự ổn định cho nền kinh tế này. Ngoài ra, các quốc gia Đông Âu và Đông Nam Âu phần lớn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, tạo nên một sự lệ thuộc nhất định của khu vực này với nền kinh tế Nga.
Nhờ sự khởi sắc trong suốt hơn 10 năm kể từ khi Putin nhậm chức tổng thống, năm 2011, Nga chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau quá trình đàm phán gay cấn kéo dài hơn 10 năm. Sự kiện này đã đánh dấu việc Nga chính thức nối thông với nền kinh tế năng động toàn cầu.
Ngoài những thành tựu kinh tế đã nói ở trên, các cải cách về mặt xã hội của ông Putin dưới nhiệm kì thủ tướng cũng rất đáng để được công nhận. Ổn định suy thoái nhân khẩu học hậu Xô Viết đã được ông từng bước khắc phục thông qua cải thiện, chuẩn hóa và gia tăng phúc lợi xã hội trong suốt những năm 2008-2012.
Một trong những cải cách quan trọng nhất trong lĩnh vực xã hội Nga dưới thời Thủ tướng Putin là về chế độ hưu trí. Đây cũng là cải cách đầu tiên theo hướng này ở nước Nga thời hiện đại. Theo đó, Nga tiến hành đánh giá lại các quyền lợi khi về hưu của những người đã có cống hiến trong thời kỳ Xô-viết, trả ngay 10% và 1% cho mỗi năm làm việc tính đến năm 1991. Năm 2010, khoản tiền bổ sung thêm là khoảng 1100 ruble một tháng, một con số được đánh giá là chấp nhận được.
Việc hỗ trợ phát triển lĩnh vực giáo dục và y tế cũng được coi là một trong những phương hướng hoạt động chính của Chính phủ Nga trong 4 năm qua. Vì vậy, trong 4 năm làm Thủ tướng, ông Putin đã cố gắng hiện thực hóa một số sáng kiến cải thiện đời sống được đưa ra từ nhiệm kỳ tổng thống 2000-2008. Trong đó, đáng chú ý là việc thí điểm kỳ thi quốc gia thống nhất CSE - đã được thực hiện trong 8 năm ở các khu vực của Nga - và được ghi nhận là mang lại hiệu quả. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2009, CSE đã trở thành hình thức chủ yếu để Nhà nước xác nhận kết quả học tập đối với tất cả học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông của Nga.
TIỂU KẾT
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau dõi theo hai nhiệm kì tổng thống rực rỡ nhất của Putin, cũng như nhiệm kì thủ tướng thứ hai khi mà ông cùng tổng thống Medvedev chia sẻ quyền lực để đưa nước Nga vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009. Vậy, vị tổng thống-thủ tướng được người Nga yêu mến này có còn phải đối mặt với thách thức nào nữa trong tương lai? Cùng đón đọc phần tiếp theo và cũng là phần cuối trong series “PUTIN VÀ HÀNH TRÌNH BƯỚC ĐI TRÊN SỢI DÂY QUYỀN LỰC” nhé. Còn bây giờ, nếu có cảm nghĩ nào về nhân vật này thì các bạn có thể để lại chia sẻ trong phần cmt nhé. Cũng đừng quên subscribe và like video để ủng hộ chúng mình, giúp chúng mình có thêm động lực để mang tới cho mọi người những thông tin thú vị khác trong tương lại nhé. Xin chào và hẹn gặp lại!
#Backturn
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất