Người dưới bức ảnh có tên là Albert Johnson, a.k.a Prodigy, một Rapper thuộc nhóm Rap huyền thoại Mobb Deep (cặp cùng Havoc) ở Mỹ. Và anh vừa qua đời cách đây hai năm vì căn bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liểm, một chứng bệnh bẩm sinh mà Prodigy đã mắc phải.
Cả cuộc đời của anh có hai sự biến đổi lớn đi cùng sự nghiệp nghệ thuật.
Nickname của anh là Progidy-thần đồng thật ra có cái lý của nó. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Bên nội anh hai đời là những nhạc công Jazz có tài, và bản thân mẹ anh là một ca sĩ hát nhạc Pop. Nhưng thay vì chơi thứ nhạc hiền hoà, vui tươi ấy, Progidy lại thích lăn lộn xuống lề đường để Rap về những câu chuyện bạo lực và đầy thách thức, kể từ khi thứ nhạc ấy được (hoặc bị?) N.W.A định hình lại vào những năm cuối 1980. Từ một cậu bé thuộc gia đình hoạt động nghệ thuật, Progidy quyết định chuyển xuống sống khu “giang hồ” cùng người bạn Havoc của mình, và mức độ bạo lực trong những câu hát ngày càng gia tăng. Đó là sự thay đổi thứ nhất trong sự nghiệp của anh.
Âm nhạc từ lâu đã trở thành một nền công nghiệp với những định hình về xu hướng và nhạc Rap cũng vậy. Cuối những năm 1990, những bài Rap gangster về việc chửi bới, doạ giết nhau cũng đã vơi bớt sau sự ra đi của Tupac và Biggie. Sự hoà hợp giữa hai bờ Đông-Tây khiến những bài nhạc bạo lực cũng dần bị rơi vào vòng cô lập về sự ủng hộ. Và khi đó những bài Rap về những thú vui ăn chơi, thuốc phiện, bia rượu dần đến với công chúng khi cuộc sống về vật chất ngày càng được nâng cao. Và suốt 10 năm tiếp theo của đầu thiên niên kỷ mới, Mobb Deep đã theo đuổi dòng nhạc ấy, thậm chí họ còn là người đi đầu dẫn dắt cho lớp Rapper hiện tại mà ta có thể kể tên như: 50-cent, Drake, Nicky Manaj. Đó là sự thay đổi thứ hai trong sự nghiệp của Progidy.
Và thử đoán xem, khán giả đã nhớ đến Progidy về điều gì?
Ngày anh nằm xuống, khán giả nhớ về một gã gangster đầy thách thức vào thập kỷ vàng của nhạc Rap vào thập niên 1990. Một cây bút thường viết ra những câu chuyện “cổ tích” với súng và dao, với những cuộc đụng độ cùng cảnh sát. Họ nhớ về anh với câu hát “half way crooks” với chất giọng đầy khinh bỉ để phỉ nhổ vào đám dân chơi nửa vời. “Phải để tụi nó cảm nhận cái chết, không dám liếc, không dám nhìn”- lời nói của một tay máu mặt đúng nghĩa. Người sẵn sàng sống và viết về cuộc sống thường nhật với những sự thật đang hiển hiện trên mọi con phố ở bất cứ nơi đâu của nước Mỹ, để chỉ ra mảng tối mà ít người dám nhìn nhận. Và dĩ nhiên, một trong những lá cờ đầu ở bờ Đông dám chống lại Tupac “vĩ đại”.
Không ai nhớ đến Mobb Deep của những năm tháng sau đó, người mở ra cách mạng cho thứ Rap mới dễ dàng đến với công chúng hơn. Thậm chí, khán giả...còn tiếc vì nghĩ rằng Prodigy và Havoc không còn chất như xưa. Lạ vậy chứ?
Hiện nay, ai nghe nhạc US đều biết và có thể hâm mộ cả 50-cent, Nicky Manaj hay Drake, những Rapper rất giỏi về việc kể về cuộc sống xa hoa. Và chính Mobb Deep là một trong những người đàn anh dẫn dắt họ. Thế nhưng, việc nhớ về một Mobb Deep thứ hai như thế có lẽ khá khó khăn. Bởi thế, ngay trước khi qua đời, khi Prodigy với độ tuổi ngoài 40 tung ra những bài hát mới, những bản Rap trên nền nhạc u ám, đậm đặc của ngày xưa, khán giả đã rất ủng hộ.
Hai cuộc thay đổi và khán giả chỉ nhớ và thậm chí ngưỡng vọng về sự thay đổi ban đầu. Thậm chí có người tin rằng đó là bản chất của anh từ khi sinh ra, không hề có bước ngoặt nào dẫn anh đến với cuộc sống ấy. Đó là sự thật của sự thay đổi. Đối với những người tiến hành nó, họ có thể hiểu được điều ấy là cần thiết, có giá trị như thế nào với mình. Còn đối với người ngoài, họ chỉ so sánh nó với ấn tượng ban đầu. Nếu ấn tượng ban đầu xấu thì bạn thay đổi người ta cũng chỉ nhìn ra cái xấu. Và nếu ấn tượng tốt, thì khi bạn thay đổi hình tượng, người ta lại lôi cái ấn tượng ngày xưa ra so sánh, và tiếc là thường con người thích hoài cổ về những kỷ niệm đẹp. Giống như việc thi đại học, ai cũng nhớ đến kỳ thi đại học tập trung ngày trước với những kỷ niệm đẹp. Chả ai nhìn ra được kỳ thi năm nay đem đến lợi ích gì.
Thật ra bản thân người viết cũng đang nghe “Shook ones part 2”, “Hell on earth”, “Quiet storm” khi viết những dòng này. Bởi vì hình ảnh anh đầy bụi bặm ấy thật quá ấn tượng.
Rest in Peace, Prodigy.