“ Ảo tưởng về cái đẹp vốn là một ước lệ của con người. Ảo tưởng về cái xấu vốn là một quan niệm hay đổi thay. Ảo tưởng về cái thật vốn chẳng bao giở bất biến ! Ảo tưởng về cái đê tiện nó lôi cuốn bao sinh linh. Nghệ sĩ lớn là những áp đặt cho nhân loại ảo tưởng của riêng họ.”
            Guy de Maupassant đã viết như thế trong phần đầu  của cuốn tiểu thuyết Pierre và Jean, và cái ảo tưởng mà cuốn sách mang đến đã  góp phần lớn lao trong việc thay đổi diện mạo của nền văn học Pháp nói riêng và văn học thế giới nói chung. Đó là một cột mốc quan trọng trong sự chuyển mình của văn chương nhân loại. Nơi mà  mọi lằn ranh giữa những quan niệm trong nghệ thuật trở nên nhạt nhòa, đổi thay dưới cái “cách thức riêng biệt để nghĩ, để nhìn, để hiểu và để xét đoán” của người nghệ sỹ.
            Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của gia đình một người chủ tiệm kim hoàn Paris. Sau nhiều nằm trời mưu sinh tại chốn kinh kỳ, họ chuyển về thành phố cảng Le Harve hưởng cảnh hưu trí an nhàn với nguồn lợi tức ít ỏi. Một ngày, người bạn cố tri của gia đình qua đời, để lại cho người con thứ của gia đình là anh chàng Jean ( khi đó mới lấy bằng cử nhân luật ) toàn bộ gia tài của mình. Từ đó, cuộc sống gia đình không còn như trước, số tiền thụ hưởng từ người bạn đã đẩy các thành viên trong gia đình rời xa nhau, lạ lẫm với nhau trong chính mái ấm của mình. Và đặc biệt, mọi sự trong cuộc sống của Pierre và Jean đều đảo lộn.
          Trong Pierre và Jean Guy de Maupassant đã khẳng định tài năng của mình trong việc sử dụng ”uy lực của một từ đặt đúng chỗ”. Bằng thứ văn chương giản dị nhưng không vì thế mà kém phần sắc bén. Lối kể chuyện lôi cuốn, logic nhưng cũng đầy sự tiết chế. Cùng với khả năng thấu đạt tâm lý con người, xây dựng nội tâm nhân vật một cách tinh tế,. Mỗi nhân vật của ông đều để lại những ấn tượng và sức hút nội tâm lớn lao.
            Đó là Pierre , người anh trai, được mô tả như một con người dễ đổi thay, đồng thời là con người sống tình cảm và hành động bốc đồng, bột phát. Cái sự kiện bất ngờ kia, cái gia tài lớn lao mà em trai Jean của anh bỗng dưng nhận được đã đem lại cho Pierre rất nhiều cảm xúc hỗn độn. Là người trung thực với bản thân, sẵn sàng đối diện với bản thân để nhận ra mối ghen tuông, tị hiềm nảy sinh trong con người mình. Nhưng, chính anh, cái con người trung thực với bản thân, kẻ sẵn sàng nhìn nhận những lỗi lầm, và day dứt đau khổ với nó lại là người phải hứng chịu nhiều bất công của số phận nhất. Những lời tưởng như vô tình bâng quơ đến từ những người xung quanh gieo vào lòng anh một mối nghi ngờ. Mà khổ tâm nhất đó là những mối nghi ngờ đó lại hướng về phía mẹ anh, người mà anh hằng kính trọng và mến yêu. Và chính sự hiểu biết, thấu tỏ sự việc đó lại là sự bất hạnh của cuộc đời anh. Ôm trong mình mối hoài nghi mà chẳng thể giãi bày. Pierre chỉ còn cách âm thầm chịu đựng, âm thầm theo dõi và đánh giá chính người mẹ của mình. Trong anh sự giằng co đau đớn giữa lý trí và con tim. Dù luôn tự nhủ, không cho phép bản thân tồi tệ đến như vậy, bởi chăng loại người gì mà có thể nghi ngờ sự trong trắng, đức hạnh của ngay chính mẹ mình. Nhưng tiếng nói của lý trí, tiếng nói của óc phán đoán logic và nhạy cảm nói với anh, những nghi ngờ của anh là đúng. Còn gì đau đớn hơn, còn gì uất nghẹn hơn, khi tình yêu, sự tôn thờ của người con dành cho mẹ sụp đổ. Thay vào đó là sự giận dữ, là khinh miệt.
       
       Đó là bà Roland, mẹ của hai chàng trai. Những gì bà đã làm trong quá khứ liệu có phải là sai trái, cái đức hạnh mà con trai bà và cả người đời mong muốn ở một người mẹ, một người phụ nữ có xứng đáng để bà đánh đổi cuộc đời. Chồng bà là một con người thô lỗ, một kẻ thiển cận, trống rỗng. Chồng bà, con người chỉ ham mê những thú vui vặt vãnh, kẻ dễ dàng bằng lòng với bản thân, một gã thợ kim hoàn hạng xoàng, liệu có xứng đáng với bà. Chính dưới những bất hạnh, éo le của cuộc đời, của mối hôn nhân được sắp xếp vì lợi ích xã hội, và của cái tình yêu bị đè nén đó. Bà đã phải thốt lên ‘ Cuộc đời thật xấu xa ! Nếu có một lần ta tìm thấy trong đời đôi chút ngọt ngào. Thì ta có tội vì đã buông mình vào đó và ta trả giá thật đắt sau này’. Liệu bà, mẹ của Pierre và của Jean, vợ của ông Roland, bà có xứng đáng bị lên án, xứng đáng bị giày vò bởi chính đứa con của mình. Liệu bà có xứng đáng phải chịu đựng, phải trả giá bằng toàn bộ phần đời còn lại. Khi mà bà ‘trót’ một lần sống cho riêng mình, bằng những xúc cảm thuần khiết của trái tim ???
       Là cả Jean, con người có lẽ dễ dàng thỏa hiệp với số phận, với bản thân nhất. Ngay từ đầu, tính cách của anh đã được thể hiện rất rõ là con người hiền hậu, cần cù, kẻ luôn an tâm về cuộc đời của mình. Dễ dàng rũ bỏ những tình cảm cũ xưa cũ mà anh đã từng trân trọng, dễ dàng tiếp tục xây dựng những kế hoạch mới cho tương lai . Với cái đầu óc duy lý của một thầy cãi, ngay lập tức anh có thể viện ra được những lý lẽ, để không những bảo toàn được cái gia tài lớn lao kia, mà còn có thể thu xếp ổn thỏa với anh trai và với chính lương tâm của mình. Nhưng liệu anh có thể làm gì hơn. Khi định mệnh đã sắp đặt và trêu ngươi con người…
     Chính những con người đó và cái thế giới nội tâm đầy những hồ nghi, khổ đau giằng xé tuyệt vọng của họ đã tạo nên một sức hút riêng biệt. Đem lại cho câu chuyện giản đơn, tầm thường kia một sức sống mãnh liệt. Và phải chăng, những con người khốn khổ đó cũng chỉ là những ảo tưởng chẳng thể xét đoán,  những ảo tưởng mà bản thân người nghệ sỹ thực sự muốn tô bày.