Để bắt đầu bài viết này, mình muốn chia sẻ một chút cảm hứng cá nhân, dạo gần đây khi dành nhiều thời gian cho bản thân hơn và biết trân trọng giây phút hiện tại, thì mình bắt đầu thích chiêm nghiệm lại chính những cảm xúc của mình, như mọi ngày khi ăn cơm xong mình hay ra phía ao cá ngồi hóng gió, ngắm cây ngắm cỏ, mấy con cá bơi tủm tủm dưới ao, và chợt mình nghe thấy tiếng chim, rất lâu rồi mình nghe lại được tiếng chim, một âm thanh mà gần như ở những thành phố lớn rất khó để nghe, nhưng trải nghiệm nghe tiếng chim của mình lúc này thật khác, mình cũng chẳng biết từ ngữ hóa cho những âm thanh đó là gì? Không phải ríu rít, líu lo, lủng lẳng,... gì cả, trong khoảnh khắc mình nghe tiếng chim là mình ngước nhìn lên bầu trời, mấy con chim bay qua cái vèo, mất tiêu, nhưng trong những phần nghìn giây đó, mình lắng nghe và cảm nhận nó thật trọn vẹn, à lan man quá, túm lại mình viết bài này vì mình nghe chim hót, ngắm cá bơi, cây gió lung lay, mình thấy yêu đời nên viết trải nghiệm này ra dị á. 
Source: Ngôi nhà trên đồi của bác Nguyễn Quí Đức | Vietcetera SPACES
Source: Ngôi nhà trên đồi của bác Nguyễn Quí Đức | Vietcetera SPACES
Phóng tâm, con người là loài động vật bầy đàn, từ rất lâu, trong những hang động cổ, thì dấu tích sót lại rõ ràng duy nhất là những ký hiệu tượng hình về con người, cụ thể nhiều người, đó là bộ lạc, bầy nhóm hoặc các khóm hoặc các tụ riêng lẻ nhưng tất cả nói lên là từ xa xưa vạn dặm con người thực sự cần những kết nối với một hoặc nhiều cá thể khác, đặc biệt là kết nối ra bên ngoài, vì những mục đích cụ thể như duy trì nòi giống, sự an toàn, sự thừa nhận, sự tôn trọng và sự chia sẻ cảm xúc,.... Xã hội dần thay đổi, nhiều các phát minh, sáng chế hơn, số lượng và cả chất lượng cho các thiết bị phục vụ cho con người ngày càng đậm đà hơn, như là trước đó mình nấu nước lèo bằng củ cải và gia vị thì bây giờ mình có thể hầm xương, hoặc sử dụng các loại thiết bị nồi áp suất để rút ngắn thời gian nấu súp, nhưng vẫn đạt độ ngon nhất định. Chính điều đó tạo cho chúng ta ở tâm thế kết nối, mọi việc mình làm đều dẫn đến kết nối ra bên ngoài từ đó đặt tâm vào những chuyện ngoài lề nhiều hơn. Với điều kiện bình thường, mọi người đều ổn với chuyện đó, tại vì cơ bản mình đã có kết nối rồi. Nhưng khi đối cảnh xảy ra, như tình hình dịch bệnh Covid, tất cả các kết nối xã hội gần như đứt gãy, hoặc có thì cũng yếu ớt được duy trì, thì lâu dần con người sẽ mất đi khả năng kết nối, tách biệt khỏi cái ‘thói quen’ với hình thái xã hội cũ, và đối mặt với sự trống không vô định vì không biết bao giờ mới được trở lại sự ‘kết nối’. Đó là căn bệnh trầm kha đang gặm nhấm chúng ta từng lỗ nhỏ, rồi đến khi mọi kết cấu mục rỗng, đó là lúc chúng ta vụn vỡ, tan tác bơ vơ giữa tất cả. 
Thứ giết chết chúng ta không phải là kỷ niệm, không phải là cây phóng lợn, mà là phóng tâm.
Chúng ta đã không nhận thức khi đặt tâm ra ngoài quá nhiều, mà đôi khi quên mất mình có thể kết nối ngược vào trong thay vì lúc nào cũng hướng ra ngoài. Đúng, không phải cứ đi sâu thật sâu vô là đúng, cũng không phải luôn luôn đi ra ngoài là đúng, mà cái phù hợp nhất là bản thân bạn, bạn sẽ có câu trả lời chính mình; cho đi ra bao nhiêu, đi dô bao nhiêu là đủ. Nên nhớ, đi ra ngoài nhiều quá thấy mệt, thì dừng lại nghỉ xíu, rồi mở cửa đi dô lại, an trú trong đó, nào hết mệt thì lại mở cửa ra đi tiếp. 
Source: Ngôi nhà trên đồi của bác Nguyễn Quí Đức | Vietcetera SPACES
Source: Ngôi nhà trên đồi của bác Nguyễn Quí Đức | Vietcetera SPACES
Hiện tại là một món quà, câu này xưa rồi he, nhưng mình thấy được sự phức tạp của câu nói này thông qua bộ phim Kungfu Panda cũng như tầm quan trọng của việc học từ vựng và ngữ pháp trong tiếng Anh.
“Yesterday is history, tomorrow is a mystery, and today is a gift… 
that's why they call it present”
Master Oogway
‘Present (n)’ lại vừa là ‘hiện tại’ những vừa mang nghĩa ‘món quà’, vậy ‘today is a gift’ = ‘today is a present’, mà hiện tại là hôm nay, thì ‘present is a present’, tức là hiện tại là một hiện tại mà hiện tại cũng là món quà, vậy món quà của hiện tại là hiện tại. Woa. Nghe hơi lú, mà nó đúng thiệt, tuy đang ở hiện tại nhưng thực chất mình luôn nghĩ về tương lai; về quá khứ, trước dịch mình được đi tà tưa vui chơi, mình gặp crush ở chỗ học rồi đêm về tủm tỉm cười, gặp cô bán bún bò đầu hẻm hỏi “tô không hành hả con?”,.... còn sau dịch mình luôn mong cầu được làm chuyện này chuyện kia, bao nhiêu dự định, ước mơ đè nén cho bản thân vì hiện tại đang ‘tạm tránh dịch’, suy nghĩ ở hiện tại mà lúc nào cũng tập trung vào thứ vô định đâu đó mà không bao giờ ở hiện tại. Những lúc đó mình đồng hóa với những suy nghĩ mông lung, không chủ đích, mình đang ở hiện tại không phải là mình của ngày hôm qua, cũng không phải là mình của một tương lai nào đó, những ý nghĩ đó không phải là mình, mà mình cũng không phải là những ý nghĩ đó, mình là hiện tại, ở đây và ngay lúc này, đang thở, tay đang lướt màn hình hoặc cuộn con trỏ chuột để đọc những dòng này, đó là mình. Việc đồng hóa với sự khổ đau hạnh phúc ở quá khứ là một trải nghiệm đẹp, đâu đó ta vẫn luôn gìn giữ và trân trọng; nhưng cần phải thoát ly, tách biệt những thứ đó: quá khứ, tương lai, chuyện buồn, chuyện vui, giàu sang nghèo khổ,.. đó là trải nghiệm, đừng lún sâu mà quên mình ở thực tại, duy chỉ sự hiện diện, an trú trong hiện tại và thích nghi với mọi thứ là cách tốt nhất, vừa giữ được niềm an lạc mà vừa không đánh mất mình. Lúc đó mình làm mọi việc với với sự an nhiên trong tâm cảm, thở, khóc, cười, nghe, ngửi, uống nước, đánh răng,.... đều hạnh phúc cả. 
Source: Ngôi nhà trên đồi của bác Nguyễn Quí Đức | Vietcetera SPACES
Source: Ngôi nhà trên đồi của bác Nguyễn Quí Đức | Vietcetera SPACES
Mọi thứ đều có ý nghĩa riêng của nó, do tâm đặt sai chỗ mà bình thường ta chẳng thèm quan tâm đến sự hiện diện của mọi vật, mọi chuyện xung quanh ta, chai nước, cái bàn, cái giường, lá phổi, cái răng sún,... đều có chức năng, nhiệm vụ và ý nghĩa của riêng nó. Để an lạc trong từng phút giây, bây giờ mình tập lại tất cả, mình tập thở, thở đều, bụng phập phồng lên xuống, có thể đưa tay lên bụng để cảm nhận, nhắm mắt để xem nhịp thở nhanh hay chậm, nhưng tuyệt đối không hướng ý nghĩ để đặt nặng vào việc thở, cố ý thở mạnh hít sâu để cảm nhận được thì một lần nữa suy nghĩ lại dẫn dắt chúng ta, hãy để việc thở chỉ là thở, mình đứng ở đó cảm nhận nó thôi, đừng ép uổng, tội nghiệp nó; rồi tập ăn uống lại, lúc ăn chỉ ăn thôi, nhìn hột cơm tròn méo ra sao, nhai vô miệng cứng hay mềm, ngọt hay mặn, dùng đầu lưỡi cảm nhận cái răng sún khi nhai cơm, tuyến nước bọt tiết ra dịch để phân hủy thức ăn, rồi nuốt ực ực, quá đã, ăn cơm không thôi mà ngon quá chừng, nói chi tới các món còn lại; rồi hãy tập quan sát, nhìn xung quanh, cái gối, cái nệm nó ru mình ngủ bao lâu nay mà mình không bao giờ đoái hoài nó, quăng quật nó, xài cho thiệt dơ rồi hất hủi nó ở một góc; rồi tập cảm nhận, cái bụng, cái phổi, trái tim đập bụp bụp, bao lâu nay nó vận hành, mang cho mình sự sống mà mình cứ hành hạ nó, thức khuya rồi ăn uống độc hại, nó cũng mệt, cũng buồn chứ bộ,.... cảm nhận và trân quý mọi thứ hiện diện xung ta thì ta mới đạt tới sự hạnh phúc thuần khiết ở hiện tại, không phán xét không chê bai, với sự bao dung trải nghiệm.
Vậy đó, bài viết có thể viết lan man, không đầu không cuối, nhưng dù gì đây là những trải nghiệm rất cá nhân thôi, bạn đọc thích thì mình vui, bạn không thích mà chê thì mình cũng vui, vì ít ra bạn đã dành thời gian để đọc. Chúc bạn một ngày sống vững chãi, sâu sắc và tự do, namaste!
Tản mạn 25.12.21