Hôm bữa dạo nhà sách, mình có thấy một chồng các tác phẩm khác nhau của tác giả Erich Maria Remarque đang giảm giá rất nhiều. Cuốn đầu tiên mình lựa là cuốn “Ba người bạn” nhưng khi đọc giới thiệu về tác giả thì thấy “Phía Tây không có gì lạ” là nổi tiếng nhất nên mình đã mua hai cuốn. Rất tiếc là giờ em nó đã sold out rồi 
                Tác phẩm không phải là một bảng cáo trạng hay một lời thú tội. Nó đơn giản là một lời từ sự về một thế hệ mà mỗi người lính dù cho họ có may mắn thoát khỏi đó thì họ cũng đã bị chiến tranh tàn phá.
                Tác phẩm cũng không phải một bản anh hùng ca, ca ngợi lòng yêu nước của những chiến sĩ quả cảm xông pha trên mặt trận. Mà tác phẩm chỉ là một cuốn hồi ký đơn giản, mộc mạc của anh chiến sĩ 19 tuổi vừa mới hôm trước còn ngồi học trên ghế nhà trường, làm đủ trò con bò với bạn bè, qua hôm sau, những người bạn ấy cùng anh lên đường chiến đấu vì một thứ mà anh cũng như bao đứa trẻ đồng trang lứa chưa thể hiểu hết. Bốn đứa bạn cùng lớp, mới hôm trước còn chỉ việc học hành, việc nhà chưa phải lo tới, nay họ sẽ phải lo việc nước, và cũng như bao người, cái họ thực sự lo là tính mạng của mình, mình có trở về lành lặn không, trở về thì làm việc gì? Mỗi đứa trước khi đi mang trong mình một giấc mơ khác nhau, nhưng ra chiến hào, giấc mơ duy nhất chỉ là còn sống để trở về.
ShoutFactoryTV : Watch All Quiet On The Western Front

                Cái hay khi đọc một tác phẩm như vậy bằng con chữ là những cảnh tàn bạo đến dã man được giữ nguyên vẹn. Nếu xem bản điện ảnh (mặt trận phía tây yên tĩnh, bộ phim xuất sắc dành giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất và cảnh quay xuất sắc nhất) bạn sẽ chẳng thấy hình ảnh “những người bị mất sọ mà vẫn còn sống”, có người đang chạy thì bị bắn bay đầu nhưng vẫn còn chạy được một đoạn rồi mới ngã xuống. Hay như những thân người tan nát bới sức ép bom đạn dính chặt vào bức tường gạch mà chỉ có thể lấy muỗng múc đống thịt bầy nhầy ấy ra.“Những anh lính bị đạn phạt bay cả hai bàn chân mà vẫn chạy với những mỏm chân cụt rách” hay “một cậu khác tự mò đến trạm cứu thương với hai tay ôm chặt đống ruột xổ ra lòng thòng”. Những hình ảnh tàn khốc nhất của chiến tranh được phô bày không chút giản lược hay nói giảm nói tránh. Những thứ khủng khiếp nhất ấy khiến những anh lính trẻ nếu không hóa điên thì họ sẽ phải hóa thú để đương đầu với những thứ mùi tanh tưởi của máu, những tiếng kêu rên thảm thiết của cả người lẫn thú, ban đêm cũng như ban ngày.
                Không chỉ đầy những cảnh chiến trường đầy máu me, tác phẩm còn có những khoảng lặng lúc những ký ức trẻ thơ của các chiến sĩ ùa về khi đang chờ trong các chiến hào. Hay những khi được thay quân, họ được nghỉ ngơi cho lại sức và cũng tìm trò này trò kia để không còn phải nghĩ đến sự tàn khốc của chiến tranh nữa. Những hôm khi trộm được con vịt hay con heo trong làng, họ chia nhau ăn nhậu túy lúy, hoặc đem theo ra chiến trận bởi số quân lương với họ là không đủ. Nhưng cũng có hôm nếu họ được ăn phủ phê, có thể được thêm hai ba phần bánh mì hay vài điếu thuốc thì không phải vì họ được cấp nhiều hơn mọi ngày mà là số người còn hiện diện không còn nhiều như trước nữa.
                Hay những khi họ được nghỉ phép về nhà nhưng họ lại chẳng lấy gì làm thích thú. Bởi lẽ họ biết ngày quay lại chiến trường sẽ lại khó khăn hơn rất nhiều, và có thể khi quay lại, những đồng đội cũ luôn sát cánh bên nhau sẽ không còn lại ai nữa.
All Quiet on the Western Front [Import]: <a target=

                 Điểm cộng: Đọc tác phẩm mình thấy thật sự rất xúc động. Tác giả rất khéo léo đưa ra những hình ảnh êm đẹp, bình yên nhất xong sau đó lại đẩy những cảm xúc ấy lên vô cùng khốc liệt, đau đớn. Những chiến sĩ không bị thần thánh quá mà rất con người, chân thật, họ cũng biết sợ, biết hoang mang, biết hóa điên để chống trả lại để dành dựt sự sống.  Có rất nhiều cảnh trong truyện khiến mình nhớ mãi vì nó thật sự khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Như đoạn K bị thương ở chân và bị cắt chân đến tận đầu gối (có một phân đoạn khác người ta nhắc đến việc cưa đi thì dễ dàng và nhanh hơn là cắt mỗ rồi khâu lại vì trong quân y lúc nào số lượng bác sĩ cũng rất ít so với số người bị thương thì quá nhiều), những người bạn đến thăm và động viên anh nhưng K biết mình không qua khỏi. Một người bạn trong nhóm liên tục hỏi K có định dùng đôi giày nữa không, đôi giày của mình bị rách nát rồi trong khi giày bạn còn tốt mà bạn cũng không thể dùng được nữa.
                Hay lúc nhân vật chính đứng canh trước dãy nhà tù giam giữ tù binh Nga, anh nghĩ về cuộc đời của họ và anh, vì một mệnh lệnh đã làm những người chẳng quen biết gì trở thành kẻ thù của nhau. Bất kỳ hạ sĩ quan nào đối với đám tân binh, bất kỳ giáo viên nào đối với đám học trò đều là một kẻ thù hung ác hơn hẳn những con người khốn khổ này. Hay như một anh chiến sĩ đã hài hước đề xuất một ý tưởng cho những lần tuyên chiến nên tổ chức như một lễ hội của dân chúng, có vé vào cửa và âm nhạc đàng hoàng giống như thi đấu bò tót vậy. Sau đó trên đấu trường, các ngài bộ trưởng và các vị tướng của hai nước sẽ mặc quần bơi, cầm gậy xông vào phang nhau. Vị nào trụ lại được thì nước của vị ấy thắng trận. Thế sẽ đơn giản và tốt hơn là ở đây, nơi toàn những người chả thù oán gì cứ phải choảng nhau.
 Điểm trừ: Kết quá buồn 
 Link phim có vietsub cho bạn nào cần: https://www.youtube.com/watch?v=k_NEwIHO0Ic