Nhìn chung, nghệ thuật là một khái niệm mà trong nó tính biên giới gần như không hữu hạn, nếu ta ngược về thời điểm trăm năm trước và bảo với những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật rằng việc sắp đặt những chất liệu khác nhau vào một không gian cố định được xem như nghệ thuật thì hẳn ta sẽ bị phản bác một cách rất dữ dội, nhưng rồi thì sao? Thế kỉ 21 chứng kiến sự ra đời của một trong những hình thái nghệ thuật sáng tạo và được ca ngợi nhất, là “Nghệ Thuật Sắp Đặt”.
Gần đây nhất với một trong những tác phẩm tiêu biểu của loại hình nghệ thuật này là tác phẩm “Diễn Viên Hài” của nghệ sĩ Italy Maurizio Cattelan, nổi bật là hình ảnh quả chuối được dán lên nền tường bằng băng dính, với trị giá hơn 120 ngàn đô. Khi đi sâu vào tác phẩm, chúng ta suy tư và đặt ra rất nhiều câu hỏi cho mục đích của tác phẩm này, nếu quả chuối được ăn, liệu nó có đại diện cho khả năng biến động của thời cuộc? Và nếu quả chuối không được ăn mà vẫn giữ nguyên trạng thái vốn có, liệu tình trạng héo úa có tượng trưng cho quá trình sinh - lão - bệnh - tử của loài người? Và vô vàn hướng tiếp cận khác cho một tác phẩm sắp đặt đầy ẩn dụ như thế. Thế mới thấy nghệ thuật trước tiên là sự chuyển động, điện ảnh – vốn là một nhánh của nghệ thuật cũng tương tự như vậy.
Michael Chapman đã từng nói thế này về vấn đề học vấn nền của nhà làm phim: “Nếu tôi là vua, tôi sẽ ra lệnh cấm các trường điện ảnh hoạt động, và tôi sẽ gửi những nhà làm phim thực sự tâm huyết vào những trường đại học khác để họ có thể học lịch sử, văn học. Để truyền đạt đến khán giả, nghệ thuật phải có mặt chung trong những yếu tố kể trên, không thể là bản thể tách rời, độc lập với cuộc sống con người. Trong khi ngược lại, ở những trường dạy làm phim, người ta nói với bạn rằng, bất cứ thứ gì bạn tạo nên đều là nghệ thuật. Điều này thật vô lý...”
Trình bày cho luận điểm của ông, cá nhân người viết nhận ra những điểm hợp lý và cả những chỗ có thể chưa thật sự phù hợp với tình huống của nền điện ảnh đương đại hiện thời. Đối với bất kì một cá nhân thực hành điện ảnh nào, văn học – lịch sử và rất nhiều những cấu trúc văn phạm nền tảng khác là những chất liệu để kiến thiết nên thế giới quan của những nhà làm phim, ta không thể loại bỏ dấu ấn của những chất liệu trên trong bất kì một trước tác điện ảnh nào dù là kinh điển hay đương đại, tuy nhiên, nếu ta xem chúng như kim chỉ nam độc nhất cho khả năng kể chuyện của người đạo diễn thì có vẻ có phần khiên cưỡng và đôi chút phiến diện.
Cũng giống như hội họa, nghệ thuật trước tiên phải là sự chuyển động, và bởi có sự chuyển động mà biên giới điện ảnh chưa bao giờ bị đóng khung hay dậm chân tại chỗ ở bất kì một tiến trình phát triển nào, ví như trong thời vàng của phim câm, mấy ai tin có ngày điện ảnh xuất hiện thoại? Và cũng như thế, người viết nghĩ rằng quan điểm của những trường dạy điện ảnh về việc bất cứ thứ gì bạn tạo nên đều là nghệ thuật cũng có phần đúng chứ không sai.
Đâu cần nói sâu xa, ngay cả tự thân nội tại của điện ảnh cũng ghi dấu cho sự xuất hiện của hình thức thể nghiệm, những bộ phim thể nghiệm đó mang nặng trạng thái tác giả một cách mạnh mẽ và cũng đầy sự tươi mới. Trên hết, chính sự thể nghiệm đó là những chất liệu cần thiết cho cái chuyển động không ngừng của dòng chảy điện ảnh, vốn dĩ cũng có ai tắm hai lần trên một dòng sông đâu?
Nhìn vào quan điểm của Michael Chapman, ta lại lần nữa đặt câu hỏi về tầm quan trọng của những trường dạy điện ảnh, liệu cần thiết cho sự xuất hiện của những ngôi trường như thế đến góc nhìn, cái tôi và trên hết là kiến thức của những nhà làm phim? Điện ảnh, cũng như bao ngành học nghệ thuật khác, ngoại trừ những văn phạm cơ bản của nhiều vấn đề xã hội khác, thì kiến thức nền về cách quay dựng, góc, trục, biên kịch, chỉ đạo diễn xuất, vv… cũng là những giá trị cốt lõi mà một nhà làm phim bắt buộc phải có, thế nên sự có mặt của những trường dạy điện ảnh là một điều kiện cần trước khi ta đề cập đến một điều kiện đủ.
Nhìn chung, mỗi nhà làm phim đều có một quan điểm khác nhau về một vấn đề chung, cũng giống như triết học, với mỗi triết gia xem hệ phái của mình như kim chỉ nam cuộc đời, nhưng chính cái không biên giới đó mới dẫn đến đối thoại, tranh cãi, phản biện, vv… Tổng kết lại, ta hoàn toàn có thể xem nhận xét của Michael Chapman như một chân lý, cũng có thể không, chỉ cần hiểu được cần phải hành động gì để dòng chảy điện ảnh trong sự quan tâm chung của mỗi nhà làm phim đều được khơi thông và tiếp tục chuyển mình.
Nghệ thuật trước nhất chính là một cuộc hành trình, trải dài với tiến trình lịch sử của nhân loại qua mấy ngàn năm, qua mỗi thời kỳ, vốn tích lũy của con người đều dựa trên cái nền tảng của tiền nhân rồi mới đưa đến những đột phá cho thời đại mới. Kiến thức trên hết là một khả năng với đầy tính thiên biến vạn hóa và có thể rộng mở vô biên, vì thế mà mỗi cá nhân trên con đường tìm kiếm sự học hoàn toàn có thể là những nét chấm phá khác nhau không ai giống ai. Cũng vì thế mà con người cần có sự giao thoa và đối thoại, đối thoại để tiếp nhận những kiến thức hữu ích mà ta có thể chưa biết, đối thoại để phản biện những kiến thức mà ta cảm thấy chưa đúng, và đối thoại để ghi nhận những giá trị nội tại hữu ích cho tự thân mình.