Có bao giờ, bạn trải qua một giấc mơ như thế này chưa? Mơ một điều gì đó mà mình ước muốn cả đời, một giấc mơ thật đẹp, và nó thực đến nỗi bạn không hề nghĩ mình đang mơ. Và khi gần chạm được đích đến... Đùng, vâng, bạn tỉnh giấc, xung quanh là 4 bức tường cùng không gian tối tăm quen thuộc. Thế là, giấc mơ đẹp ấy cũng chỉ là một giấc mơ, nó chẳng thể cứu nổi bạn thoát khỏi một ngày tuyệt vọng như mọi ngày.
Tôi đã trải qua một giấc mơ dài như vậy đấy. 
How to help someone you live with who has depression

Tôi là ai? Là một thằng sinh viên Bách Khoa năm 4, sắp sửa tốt nghiệp và cầm trong tay tấm bằng kĩ sư, đang làm một công việc mà mình làm giỏi với mức lương cũng thuộc hàng kha khá so với đám bạn cùng trang lứa. Tôi sống một cuộc sống lành mạnh, ổn định, không tiệc tùng, cũng chẳng đàn đúm bạn bè như bao người khác ở cái độ tuổi đôi mươi. Nhưng, cũng chính vì vậy, mà cuộc sống của tôi là một chuỗi ngày dài vô vị, nhạt nhẽo, lạc lõng với chính bản thân mình.
Ngay từ những ngày còn bé, ba mẹ tôi đã đặt hết mọi kì vọng vào tôi. Nhất là ba tôi, ông từng học rất giỏi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nội tôi ngày xưa không cho phép ba tôi có thể tiến xa lên môi trường đại học để trở thành một kĩ sư hay bác sĩ gì đó. Ừ, thế là, ba đặt hết mọi ước mơ, hoài bão của ông vào tôi ngay từ những ngày tôi chỉ là một thằng nhóc học tiểu học. Suốt từ những ngày cấp 1 đến cấp 2, tôi phải học, học thật nhiều, phải thi này thi kia, từ cấp trường, cấp quận, cho đến thành phố... Tôi chưa bao giờ tham dự thiếu một kì thi nào. Kể cả khi đã lên cấp 3, tôi vẫn phải tiếp tục chuỗi ngày đi học thêm rất nhiều môn, thậm chí có vài môn tôi còn phải học thêm đến 2 chỗ để có được kết quả tốt nhất. Tôi hiểu gia đình kì vọng vào mình nhiều đến nhường nào, dù tôi còn một đứa em gái - nhưng chưa bao giờ nó phải chịu nhiều áp lực như tôi đã từng trải qua suốt những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tôi vẫn còn nhớ mãi cái ngày đó, đó là ngày tôi học lớp 9, tôi bị khống chế điểm của một môn phụ và mất danh hiệu học sinh giỏi. Cuối tuần ấy có buổi họp phụ huynh, và thực sự khi đó tôi như rơi vào ác mộng. Tôi đi học xong thậm chí còn không dám về nhà, tôi không dám mường tượng cảnh tôi sẽ phải chịu đòn, chịu sự la mắng nhiều đến nhường nào chỉ vì mất danh hiệu học sinh giỏi. Và đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nghĩ đến... cái chết. Tôi nghĩ: "Hay là, mình chết, thì ba sẽ không đánh mình nữa?" Nhưng may làm sao, lúc đó tôi còn nhỏ, và dĩ nhiên là nghĩ đến thôi chứ chẳng dám làm. Sau buổi họp phụ huynh ngày đó, tôi bị cấm ra đường, tôi cứ nhốt mình trong phòng suốt gần một tuần lễ, bị tịch thu điện thoại di động, và cấm cả ngồi vào máy tính...
Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ trong vô số câu chuyện tôi phải sống trong áp lực ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ việc học, thi cử, tôi luôn phải vắt kiệt sức mình để làm thật tốt. Chí ít, là không được để gia đình thất vọng.
Sau này, khi lớn hơn, lên đại học, tôi không phải chịu áp lực từ việc học như trước nữa, áp lực từ gia đình cũng không quá nặng nề. Nhưng thay vào đó, tôi lại chịu áp lực đến từ chính bản thân mình, áp lực từ cuộc sống này.
Phải làm gì đây? Cố gắng học để tốt nghiệp với một tấm bằng tốt, kiếm được một công việc tốt cho tương lai? Phải tự kiếm tiền để dần lo cho cuộc sống? Phải nỗ lực mọi thứ để tạo ra một tương lai tốt đẹp cho chính bản thân mình, và cho cả người yêu của mình sau này? Tôi đã nghĩ như vậy đấy, và dần dà, những thứ áp lực đó ngày một đè nặng lên chính bản thân tôi, từ deadline công việc, những bài tập từ đại học, phải cố thu xếp thời gian để bên cạnh người yêu, phải tự kiếm ra tiền để trang trải cuộc sống và lo cho tương lai... Chúng ngày một bao vây lấy bản thân và khiến tôi cảm thấy nghẹt thở. 
Khoảng thời gian tôi học đại học năm 2 cũng là lúc kinh tế gia đình tôi lao dốc không phanh. Thực ra thì không đến mức gia đình tôi phải phá sản, nhưng ba mẹ tôi phải gồng mình để lo chi tiêu cho cả nhà, vừa phải lo học phí cho em gái tôi và tôi. Ngành học của tôi tốn hơn 30 triệu tiền học phí mỗi năm - con số này có thể là bình thường nếu xét với các trường tại Hà Nội hay TP.HCM, nhưng tại Đà Nẵng, nó là mức học phí rất cao với một trường đại học công lập. Hơn nữa, gia đình tôi cũng chỉ kinh doanh, không quá khá giả gì mấy. Và khi tài chính gia đình đi xuống, tình hình ngày một trở nên tệ hơn. Có những lúc tôi không dám mở miệng ra xin tiền học phí từ ba mẹ, vì tôi hiểu tình cảnh kinh tế nhà mình lúc đó. Chính điều đó ngày một thôi thúc tôi phải kiếm thật nhiều tiền, phải cố gắng tự lo cho bản thân mình, thay vì cứ dựa dẫm vào gia đình.
Kể từ khi lên đại học, tôi mất dần liên lạc với bạn bè, và hạn chế những mối quan hệ ngoài kia. Ngoài những lúc đi học, làm việc, thì thời gian còn lại tôi dành cho người yêu. Tôi trở thành một con người vô cùng bận rộn, lúc nào trên đầu cũng có một đống thứ cần phải giải quyết. Thế là, ngoài người yêu ra, tôi chẳng còn một người bạn "thực sự" nào hết. Nói thẳng ra, là suốt những năm qua, tôi không hề có bạn bè. Nhưng may mắn thay, trong những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi và tuyệt vọng nhất, chính người yêu tôi là động lực để tôi có thể gượng dậy, ở những thời điểm mà tôi muốn vứt bỏ tất cả mọi thứ khỏi cuộc đời mình.
Người yêu tôi là một người biết lắng nghe, biết cảm thông cho cuộc sống của tôi, dù tôi là một người bạn trai rất vô tâm. Chắc có lẽ, nếu tôi yêu một ai đó khác, người ta đã "đá" tôi từ rất lâu rồi :) 
Khoảng giữa năm 2020, tôi gặp rất nhiều vấn đề về công việc, đặc biệt là về vấn đề tài chính - lúc đó tôi dần phát hiện ra, mình mắc bệnh trầm cảm. Càng ngày, tôi càng khép mình lại nhiều hơn, thậm chí là với cả người yêu mình. Bởi tôi không muốn cô ấy biết điều này để rồi phải lo lắng. Tôi vùi đầu vào công việc để cố tự trấn an bản thân, cố làm quen với những sở thích cá nhân để không cảm thấy chán ghét cuộc đời này. 
Ban ngày tôi có vẻ ổn. Nhưng đêm đến, tôi không thể ngủ được. Thế là tôi phải sử dụng đến thuốc an thần để có thể dễ chìm vào giấc ngủ. Ở ngoài, tôi cố tỏ ra mình vẫn bình thường, vui vẻ, cố không để những cảm xúc tiêu cực của bản thân lọt ra ngoài, đặc biệt là cố không để người yêu tôi biết tôi đang bị bệnh.
Có những thời điểm, áp lực cuộc sống quá lớn khiến tôi chỉ muốn kết liễu cuộc đời mình để không còn cảm thấy mệt mỏi nữa. Nhưng ít ra, tôi đủ tỉnh táo để không làm vậy bởi tôi biết mình còn gia đình cũng như người yêu bên cạnh.
Nhưng kể từ khi tôi và người yêu chia tay nhau, những áp lực khủng khiếp trong cuộc sống dần trở lại bủa vây lấy tôi. Tôi không biết phải chia sẻ với ai, không biết bản thân cần phải làm gì để thoát khỏi những thứ sợ hãi đó. Ít ra trước đây, tôi cảm thấy an toàn vì được bên cạnh người mình yêu, tôi có thể chia sẻ với cô ấy. Nhưng giờ, điều ấy chẳng còn nữa. Và tôi cũng chẳng còn ai để mình có thể giải phóng ra những cảm xúc tiêu cực ấy.
Hiện tại, tôi ngày một giam mình trong phòng nhiều hơn, còn không, thì lại lang thang trên đường, hay ra cafe ngồi một mình. Những giấc ngủ chập chờn ngắt quãng khiến tôi càng trở nên sợ hãi điều gì đó trong chính bản thân mình hơn. Tôi đã hiểu được vì sao ngày trước bạn mình lại nhảy cầu tự vẫn chỉ vì mắc bệnh trầm cảm. Ngày ấy, tôi cứ nghĩ, sao phải làm chuyện dại dột đó? Nhưng giờ đây, tôi đã trải qua được những thứ cảm xúc kinh khủng như vậy, vào những thời điểm bản thân cô độc nhất.
Những ngày này, playlist của tôi chỉ toàn nhạc của The Beatles và Linkin Park, tôi biết mình không nên làm vậy vì nó chỉ khiến cảm xúc tệ hơn mà thôi. Nhưng tôi không thể làm gì khác được. Cứ mỗi lần nghe câu hát của Chester Bennington, tôi lại bị ám ảnh bởi những cảm xúc mà anh mang vào những bài hát của Linkin Park:
In cards and flowers on your window
Your friends all plead for you to stay
Sometimes beginnings aren't so simple
Sometimes goodbye's the only way, oh
...
And the shadow of the day
Will embrace the world in gray
And the sun will set for you
Tôi không có một tuổi thơ bất hạnh, cũng chẳng từng trải qua việc bị bạo hành hay gì. Nhưng tôi lại bị chính những áp lực từ gia đình, từ cuộc sống đè bẹp. Ước mơ, niềm hy vọng của tôi đã dần vụt tắt, nó khiến tôi càng trở nên vô cảm hơn. Giờ đây, tôi chẳng biết mình cần phải làm điều gì nữa...