Tôi đã xem bộ phim đầu tay Past Lives của nữ đạo diễn/biên kịch Celine Song hai lần. Trong lần đầu tiên, tôi đến với bộ phim này với tâm thế mong đợi một tác phẩm điện ảnh lãng mạn xuất sắc theo lời bình “Một mối tình thăng hoa trải dài cả một thập kỉ sẽ hút hồn bạn” của The Hollywood Reporter hay “Một trong những chuyện tình thời hiện đại hay nhất” theo như tờ The New Yorker được đề lên các tấm poster chính thức của phim. Tuy nhiên, sau khi xem xong, ngoài sự mê hoặc của phần hình ảnh thật thơ mộng với một tông màu vàng ấm của loại film Kodak 35mm cũng như sự tương tác bằng đôi mắt của cặp đôi diễn viên chính, Past Lives chỉ để lại cho tôi một dư vị chơi vơi khác với sự mong đợi của bản thân dành cho một câu chuyện tình muôn kiếp như đã được quảng bá. Vài tháng sau, khi đã chuyển tới sinh sống tại một đất nước xa xôi nơi họ sử dụng một ngôn ngữ lạ lẫm được một thời gian ngắn, tôi xem lại bộ phim này một lần nữa và nhận ra rằng yếu tố tình cảm-lãng mạn của phim chỉ là vỏ bọc bên ngoài cho một câu chuyện về nỗi mong nhớ cuộc đời và con người cũ của một người Mỹ gốc Á khi cô cuối cùng cũng phải đối mặt với lời từ biệt còn dang dở với mối tình đầu của mình.
Past Lives mang câu chuyện được kéo dài xuyên suốt hơn hai thập kỷ của Nora và Hae Sung, bắt đầu lúc Nora 12 tuổi cùng gia đình nhập cư tại Canada và rời bỏ cuộc sống quen thuộc ở Hàn Quốc, bao gồm cả mối tình đầu Hae Sung. Mười hai năm sau khi cả hai đã bước vào độ tuổi 24, Hae Sung đã chủ động tìm trang Facebook của Nora và cả hai dần tạo dựng được một mối quan hệ mơ hồ - trên tình bạn bình thường những không đủ để gọi là người yêu – qua Internet. Sau một thời gian ngắn khi nhận thấy mối quan hệ này đang dần bước vào đường cùng và kéo cô quay lại cuộc sống cũ ở Hàn, Nora đã ngỏ lời muốn dừng lại vì cô biết rằng bản thân đã hi sinh quá nhiều thứ cho cuộc sống mới này và nếu cứ vấn vương một con người cũ thì cô sẽ không thể hoàn toàn hiện diện với cuộc sống hiện tại. Tua nhanh đến 12 năm sau, giờ đây cô đã cưới người chồng Arthur và cùng anh tạo dựng được một cuộc đời tại New York với công việc là nhà viết kịch còn Hae Sung vẫn sống một cuộc đời bình thường đúng chuẩn Hàn Quốc theo như lời nhận xét của Nora. Chính cái sự “chuẩn Hàn” của Hae Sung đã khiến Nora chợt nhận ra cô không còn là một người Hàn nữa, thế nhưng đồng thời điều đó cũng làm cô trở nên giống người Hàn hơn, gần gũi với gốc gác của mình hơn.
Đứng giữa hai người đàn ông, một đến từ quá khứ còn người kia đại diện cho hiện tại và tương lai của cô, Nora hiện lên như cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, Seoul và New York, Hae Sung và Arthur, Past Lives đã lột tả được cảm giác thuộc về cả hai nơi cùng một lúc của những người nhập cư, di cư và du học sinh. Họ sống ở hai nơi, thế là họ không thể thực sự hiện diện toàn vẹn ở bất cư nơi nào. Celine Song đã cho biết rằng trong phân cảnh tại quán bar nơi Nora ngồi phiên dịch lại cuộc hội thoại cho hai người đàn ông đó, cô không chỉ đơn thuần phiên dịch lại hai thứ ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau và cô còn đang phiên dịch hai nửa của bản thân mình.
Cuộc hội ngộ với Hae Sung đã cho phép cô trở thành người Hàn một lần nữa và có cơ hội hiếm hoi trực tiếp sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trên đất Mỹ, đồng thời bắt đầu quá trình từ biệt tuổi thơ họ đã cùng nhau đánh mất. Đôi khi Nora nghĩ rằng mình không còn điều gì giống với Nayoung (cô hồi bé), nhưng rồi cuộc gặp gỡ với Hae Sung đã khiến cô nhận ra bản chất của cô vẫn không đổi. Khi Hae Sung suy ngẫm về viễn cảnh liệu cả hai có cưới và sinh con nếu Nora chưa từng rời rời Hàn Quốc 24 năm trước, anh đã phải thừa nhận với cô rằng: “tớ thích cậu vì cậu là chính cậu, và cậu là một người luôn phải rời đi.” Trong phim, Nora nhập cư không chỉ một mà tận hai lần, lần đầu là khi cô 12 tuổi còn lần tiếp theo cô nhập cư tại Mỹ vào độ tuổi 24. Dù lần nhập cư thứ hai dường như không mang tính quan trọng so với lần đầu trong quá trình định hình tính cách của Nora vì lần này cô đang ở ngưỡng cửa trưởng thành và nền văn hóa cũng như ngôn ngữ của Canada và Mỹ gần như tương tự nhau. Song nữ đạo diễn trong một bài phỏng vấn đã cho rằng cả hai lần đều mang ý nghĩa quan trọng như nhau bởi vì trong lần thứ hai, Nora đã chủ động chọn cách tiếp tục đến New York – thành phố đa dạng sắc tộc và nhiều người nhập cư nhất thế giới. Vì vậy tại nơi này, cô không còn cảm giác như một người xa lạ chỉ vì cô đến từ nơi khác, trên thực tế tôi nghĩ rằng cô còn cảm thấy quen thuộc hơn chính quê hương Hàn Quốc xa xôi mà cô đã rời bỏ 12 năm trước.
Chúng ta là những bức tranh khảm mosaic được cấu thành từ những mảnh ghép thuộc về những người từng bước qua đời ta. Để rời bỏ “kiếp trước” tại Hàn Quốc của mình, Nora phải từ bỏ mọi miếng ghép từ bức tranh khảm cũ đó để tiếp tục hướng đến tương lai ở New York. Cô đã gầy dựng nên cuộc sống mới tại nơi đây hơn 20 năm mà không hề nhận ra rằng bản thân cô vẫn còn giữ một mảnh tranh cũ thuộc về Hae Sung cho tới khi hai người trực tiếp gặp lại nhau. Anh sẽ luôn gợi cô ấy nhớ về Seoul, còn cô ấy sẽ luôn đem lại cho anh ấy cảm giác thời thơ ấu. Như thể con người đó luôn tỏa ra ánh sáng, mùi hương và âm thanh tựa như một nơi chốn trong trí nhớ lẫn nhau.
“Khi ta từ bỏ một thứ gì đó, ta sẽ nhận lại một thứ khác,” mẹ của Nora trả lời khi được hỏi về lí do rời bỏ Hàn Quốc để định cư tại Canada. Với một câu trả lời mơ hồ và vô thưởng vô phạt, người mẹ này dường như không muốn tiết lộ lí do thật sự đằng sau quyết định nhập cư của gia đình mình. Một câu trả lời ngắn gọn như vậy lại là một chân lý cho mọi quyết định quan trọng của ta trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi chuyển đến sống tại một châu lục hoàn toàn khác, đặc biệt là trong một độ tuổi đang phát triển về tư duy như nhân vật chính, nghĩa là cô đã chấp nhận từ bỏ căn tính cũ của mình để đón chào con người mới sẽ được sinh ra ngay khi cô bước ra khỏi sân bay. Một cái tên mới, Nora, thay cho tên Nayoung đã đi cùng cô từ lúc mới lọt lòng. Học một ngôn ngữ khác và thứ ngôn ngữ này sẽ dần áp đảo tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống đời thường mới của cô. Biệt ly với bạn bè và mối tình đầu để làm quen với những mối quen hệ mới ở phương xa. Câu trả lời trên của người mẹ gợi tôi nhớ đến một đoạn văn nói về nỗi đau đớn khi phải chọn một cuộc đời và từ bỏ những viễn cảnh cuộc đời khác mà ta có thể đạt được trong cuốn tiểu thuyết The Bell Jar của nữ nhà văn Sylvia Plath:
“Tôi thấy cuộc đời mình vươn dài ra trước mắt như cây sung xanh trong câu chuyện. Mỗi cành cây mọc ra từng quả sung tím mọng nước tượng trưng cho những viễn cảnh tuyệt vời đang mời gọi tôi. Một quả là một người chồng với một gia đình hạnh phúc cùng những đứa trẻ, quả kia hiện ra hình ảnh một nhà thơ nổi tiếng còn quả khác là một vị giáo sư thông thái… Tôi thấy bản thân mình ngồi dưới gốc cây, đói tới chết, chỉ vì tôi không thể quyết định tôi muốn quả nào nhất. Tôi muốn chọn mọi quả trên cái cây này, thế nhưng chọn một nghĩa là từ bỏ những quả còn lại.”
Phản tư về những đường đời ta bỏ lỡ, suy tư về những cách cuộc đời ta sẽ thay đổi như thế nào nếu như ngày đó ta không lựa chọn làm điều ta đã làm trong quá khứ là một trải nghiệm chung của mọi người trên Trái Đất này, hay thậm chí vượt qua “đa vũ trụ” như trong Everything Everywhere All at Once (cũng là một bộ phim có đề cập đến chủ đề về những rẽ nhánh trong cuộc đời của người Mỹ gốc Á). Thế nhưng khác hẳn với bộ phim này, những “kiếp sống” khác trong Past Lives lại vô cùng thực tế và giản đơn, chỉ đơn thuần là hai con người trẻ tuổi vẫn còn vấn vương quá khứ nhìn lại cuộc sống của mình.
Khi bình luận về chi tiết Nora thỉnh thoảng nói mớ bằng tiếng Hàn trong giấc ngủ và cho dù Arthur có cố học tiếng Hàn đến đâu thì anh vẫn không hiểu những lời nói trong mơ đó của vợ mình, nữ đạo diễn đã cho biết rằng trong mọi mối quan hệ thân mật, con người ta luôn có những phần mà người kia sẽ không bao giờ biết được. Điều này còn rõ ràng hơn trong trường hợp của Nora và Arthur bởi vì ta có thể nhìn nhận và cảm thấy rõ điều mà Arthur không biết về Nora, và điều này nó liên kết với ngôn ngữ và văn hóa. Song, mỗi chúng ta đều gặp phải tình huống như vậy cho dù bạn và họ có cùng quê hương đi chăng nữa, họ vẫn luôn là “một người khác,” và điều này thật đẹp đẽ lẫn đớn đau. Ta càng hiểu rõ người còn lại bao nhiêu thì ta càng xem người đó là một “con người khác” bấy nhiêu. Celine Song còn tâm sự thêm về chi tiết này rằng:
“Điều tôi thật sự quan tâm nhất đó là Arthur có cố gắng học tiếng Hàn. Khi gặp Hae Sung lần đầu, anh ấy chào bằng tiếng Hàn còn Hae Sung chào lại bằng tiếng Anh. Bộ phim này không khắc họa sự xa lạ văn hóa và ngôn ngữ, bởi vì tôi nghĩ rằng sự xa lạ này chỉ là một phần trong cuộc sống. Điều cảm động về những nhân vật này là họ thật sự cố gắng và họ quan tâm, họ muốn thấu hiểu lẫn nhau, cho dù chỉ là một chút.”
Những giọt nước mắt của cô ở cuối phim không thể hiện cho nỗi buồn cho một mối tình dang dở, mà nó là lời vĩnh biệt cho một “kiếp trước” mà cô tưởng chừng đã lãng quên tại một quê hương mà cô cảm thấy xa lạ. Bộ phim không phải là một chuyện tình tay ba bắt nhân vật chính lựa chọn giữa mối tình thời thơ ấu ở quê nhà hay một người đàn ông da trắng giúp cô có cơ hội cư trú tại Mỹ để đạt ước mơ của mình, hay là về sự nuối tiếc những lựa chọn trong quá khứ và mơ tưởng về những câu hỏi “nếu như.” Không, bộ phim này chỉ đơn thuần khắc họa nỗi đau nội tâm của những con người nhập cư khi họ phải chia tay danh tính cũ, văn hóa và ngôn ngữ cũ để tập trung sống cuộc đời mới tại miền đất mới. Có thể thấy Nora đã phần nào đó đạt được cuộc đời cô mong muốn: sinh sống tại New York – trung tâm của cả thế giới, làm công việc viết kịch cô yêu thích, và cưới một người đàn ông dịu dàng, thấu hiểu. Hình ảnh Hae Sung rời đi chính là mảnh tranh cuối cùng để Nora thực sự ghép lại bức tranh khảm mosaic chứa đầy kỉ niệm trong quá khứ, và cất nó lại để cô có thể toàn tâm toàn ý hoàn thiện danh tính người Mỹ gốc Á của mình. Căn tính Hàn của cô đã thật sự chết và trở thành một “kiếp trước” ở cuối phim.
Ta không thể sống mãi trong quá khứ, nhưng quá khứ thì vẫn luôn sống trong ta.