Các Mác khẳng định, mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là không thể tách rời, trong đó kinh tế quyết định đến chính trị, và đồng thời chính trị tác động ngược trở lại kinh tế. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của kinh tế, nó rõ ràng là động lực căn cơ để xây dựng một nhà nước ổn định, phát triển. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu cầm quyền, Park Chung Hee cực kì tập trung đầu tiên vào việc phát triển kinh tế cho đất nước Hàn Quốc. Mặc dù, xuất thân là nhà giáo tiểu học và hoạt động trong quân sự nhưng Park bộc lộ nhiều tư duy sắc sảo về kinh tế bằng sự nhìn xa trông rộng với nhiều cuộc cải cách trực tiếp, toàn diện nền kinh tế của Hàn Quốc.
Vậy, tư duy phát triển của Park bắt nguồn từ đâu và biểu hiện như thế nào? Thêm nữa, mô hình phát triển của Hàn Quốc thời kì đó được xây dựng là gì? Và còn có yếu tố nào tác động tới sự phát triển của Hàn Quốc nữa hay không? Sau đây mình xin đi sâu vào nghiên cứu và làm sáng tỏ toàn bộ giả thuyết trên.

2.  CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HÀN QUỐC DƯỚI SỰ CẦM QUYỀN PARK CHUNG HEE

Ý tưởng phát triển
Hàn Quốc là quốc gia nằm ở khu vực Đông Bắc Á, chỉ duy nhất có đường biên giới trên đất liền với Triều Tiên, xung quanh là biển. Về địa hình, Hàn Quốc không có các vùng đồng bằng rộng, các vùng đất thấp là sản phẩm của hoạt động xói mòn núi. Khoảng 30% lãnh thổ Hàn Quốc là các vùng đất thấp, phần còn lại bao gồm vùng cao và những ngọn núi. Mặt khác, Hàn Quốc còn phải chịu nhiều thảm họa tự nhiên như động đất, sóng thần do núi lửa và sông ngòi có vị trí ở cuối nguồn nên chịu sự chi phối lớn từ phía Triều Tiên. Hơn nữa, tài nguyên của Hàn Quốc nghèo nàn, chỉ duy có nhiều than đá, và nếu so sánh với Nhật Bản thì Hàn Quốc còn khó khăn hơn nhiều phần.
Nguồn ảnh: duhocsunny.edu.vn
Park Chung Hee đã thấu hiểu rõ những khó khăn của đất nước Hàn Quốc về vị thế địa chính trị vì vấn đề ấy sẽ gây trở ngại to lớn khi thực hiện chính sách phát triển kinh tế. Do vậy, ngay từ khi cầm quyền vào năm 1961, Park phải nhận thức được sẽ lấy thành phần nào làm mô hình phát triển cho quốc gia trong khi tài nguyên không có mà nền kinh tế thì luôn phải nhập khẩu. Bằng sự thông minh vốn có của mình Park đã chọn ra đường lối phát triển đúng đắn và hiệu quả, đó là đưa nền kinh tế từ một nước chủ yếu phải nhập khẩu thành cường quốc xuất khẩu nhờ đưa ra các chính sách xuất - nhập khẩu, thu hút nhà đầu tư,.. cực kỳ thông minh và tài tình.
Thêm vào đó, Park thấu hiểu bản chất con người Hàn Quốc vì ông từng nhà giáo dạy tiểu học nơi truyền tải, ươm mầm những tư tưởng đầu tiên gây dựng lên dân tộc Hàn. Tư tưởng vốn của người Hàn Quốc lúc bấy giờ vẫn mang nặng tàn dư phong kiến ở vùng nông thôn nói riêng và tất cả họ đều có hệ giá trị nặng tính truyền thống mang nặng tư tưởng Đạo Phật, tín ngưỡng bản địa nói chung, đặc biệt hơn cả là “tam cương-ngũ thường” ở Nho giáo đã tạo nên các quan hệ xã hội giường cột rõ ràng.
Chính tư tưởng xã hội đã khiến người dân phải chịu một thứ quyền lực vô hình khiến họ định hình mọi hoạt động, hành vi, chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Vì vậy, người Hàn luôn tôn trọng nhau, lễ phép với bề trên, trong công việc thì họ luôn nghiêm túc, chăm chỉ, cần cù và đặc biệt trong công việc họ rất siêng năng, đó là “niềm tin” mãnh liệt của người dân Hàn. Park đã nhận ra những điều kiện cốt lõi ở chính dân tộc của mình, ông đã đưa ra kết luận sáng giá trong đường lối và đánh đổi “dân chủ” để lấy “kinh tế”, đó là lấy con người làm tài nguyên, ông xem trọng con người chính là tài nguyên quý giá nhất mà Hàn Quốc có lúc bấy giờ. Park chung Hee khẳng định: “đối với những người nghèo, bên bờ vực của sự chết đói, như người dân Hàn Quốc, thì kinh tế được đặt cao hơn chính trị trong đời sống hằng ngày và việc thực thi dân chủ là điều vô nghĩa”. Vì vậy, người dân lao động thời kỳ này cực kỳ vất vả với đồng lương rẻ mạt dưới chích sách thống trị hà khắc của chính quyền Park. 
Mặt khác, Chính quyền cũng tạo điều kiện và khuyến khích các nhà tư bản mới nổi sử dụng nhân công giá rẻ. Công nhân làm việc như khổ sai, và sống kham khổ. Hàng tuần mỗi người dân đều phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc ngoại nhập, không uống cà phê. Thời gian lao động dài đến 12-14 tiếng mỗi ngày, nhưng điều kiện lao động của các công nhân lại tồi tệ, lương rất thấp. Những phản kháng tự phát của công nhân, nông dân hoặc của dân nghèo thành thị đòi hỏi cải thiện điều kiện sống đều bị chính quyền thời đó đàn áp không thương tiếc. Các quyền dân chủ cơ bản, như quyền tự do hội họp, lập hội, bày tỏ ý kiến đều bị chà đạp.
Có thể khẳng định rằng, để nền kinh tế Hàn Quốc phát triển ngoạn mục thì cái giá phải trả chính là nhân dân Hàn phải mất đi quyền dân chủ và hi sinh rất nhiều quyền lợi khác trong công cuộc cải cách kinh tế này. Khi nhìn lại kết quả sự phát triển của Hàn Quốc, ta không chỉ thấy được sự sắc sảo và quyết liệt trong cách phát triển đường đối kinh tế của Park Chung Hee, mà ta còn thấy được rằng để có được thứ “quả ngọt” ấy người dân Hàn Quốc đã phải cắn răng mà đánh đổi công sức và quyền lợi đáng có của một nền dân chủ để sống dưới chế độ độc tài trong một thời gian. Họ đã hi sinh thế hệ của mình để đổi lấy những thế hệ sau có thể sống tốt hơn. Rõ ràng, nền kinh tế phát triển Hàn Quốc ngày nay phần nhiều là nhờ công sức rất lớn của chính người dân Hàn Quốc nói chung và sự cầm quyền độc tài theo chiều hướng phát triển của Park Chung Hee nói riêng. 
Chiến lược phát triển kinh tế
Ngay sau khi lên làm tổng thống Hàn Quốc vào tháng 7/1961, Park Chung Hee đã tuyên bố trước 20,000 sinh viên đại học Seoul: “Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Nếu làm được vậy, trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới… Hôm nay, có thể một số người dân bất đồng ý kiến với tôi, nhưng xin hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân…Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”.(1) 
Với lý tưởng đó, Park chỉ đạo Hộiđồng tối cao tái thiết quốc gia (SCNR) thành lập riêng một Bộ Kế hoạch kinh tế (EPB) tập hợp các chuyên gia trong và ngoài nước cùng ông đưa ra chính sách kinh tế tối ưu nhất cho đất nước. Kế hoạch của ông đưa ra đầu tiên và cần phải làm ngay đó là đưa đất nước Hàn Quốc thoát khỏi khủng hoảng bằng cách xóa bỏ sự độc quyền doanh nghiệp nhà nước, tạo ra nền kinh tế xuất khẩu lấy nhập khẩu của nền kinh tế bên ngoài làm đòn bẩy cân bằng cán cân kinh tế. Đặc biệt, giảm dần sự phụ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ để được tự do trong các chính sách đưa ra. Việc phụ thuộc vào Mỹ sẽ khiến các chính sách Hàn Quốc đưa ra nếu gây bất lợi với Hoa Kỳ sẽ bị xóa bỏ. Park Chung Hee cùng Bộ Kế Hoạch kinh tế cùng nhau hoạch định, điều chỉnh chính sách và quyết định đưa ra kế hoạch phát triển từng bậc theo thời gian 5 năm, đó là kế hoạch 5 lần thứ nhất (1962 -1966) và tiếp tục là 5 năm lần thứ hai, thứ ba, …Park dành hết sự nghiêm túc trong kế hoạch 5 năm đầu tiên nhằm tạo bước ngoặt trong sự cầm quyền của ông, mong muốn dành được sự tin cẩn của người dân trong nước. Nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1962-1966) đó là:
Thứ nhất, bảo đảm nguồn năng lượng, bao gồm điện và than. Chính quyền Park cung cấp điện cho cả nước đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc cả ngày tạo ra các ca làm đêm thay phiên nhau của công nhân để tạo ra nhiều hàng hoá. Hàn Quốc có thế mạnh về tài nguyên than đá nhưng thay vì đem chúng đi xuất khẩu toàn bộ thì Park chú trọng tới việc giữ các nguồn cung than đá dư thừa trong nước chuẩn bị công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng phải sử dụng tới nhiên liệu đốt.
Thứ hai, mở rộng nguồn vốn đầu tư phát triển các đường sắt và cảng. Chính phủ luôn quan tâm tới các cơ sở hạ tầng để phát triển đất nước vì nó sẽ là nền móng vững chắc để tăng lưu thông hàng hoá giữa các vùng miền ở Hàn Quốc. Do đó, Park cho thi công các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch đó là “xa lộ Seoul-Busan” và hải cảng Ulsan, nhiều công trình khác. 
Cao tốc Gyeongbu (Seoul – Busan): biểu tượng cho tinh thần dám nghĩ dám làm của người dân Hàn Quốc, nguồn ảnh: cafebiz.vn
Thứ ba, xây dựng ngành công nghiệp cơ bản, như các nhà máy xi măng, phân bón và thép. Park đã bắt đầu công nghiệp hóa đất nước từ các ngành công nghiệp nhẹ nhưng bị thất bại trong những năm đầu thực hiện do ngành công nghiệp nhẹ đã bị tàn phá quá nặng nề và chưa thể vực dậy nổi từ thời kì trước. Vì vậy, Park thay đổi đầu tư vào sự phát triển của ngành công nghiệp nặng để tăng lượng hàng hoá đi xuất khẩu. Hàn Quốc quyết định xúc tiến một chương trình đầy tham vọng về công nghiệp hóa ngành công nghiệp nặng và hóa chất, thúc đẩy ngành đóng tàu, ô tô, máy móc và nhiều ngành khác nữa.(2)
Thứ tư, mở rộng sản xuất nông nghiệp. Park rất cẩn trọng trong phát triển nông nghiệp và ông nhận thức được rằng nền nông nghiệp tự cung tự cấp trong nước là rất quan trọng đối với nhân dân, phần nào sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào các quốc gia nước ngoài về vấn đề lương thực. Park đưa ra chủ trương khuyến khích người dân tự hợp tác và giúp đỡ nhau, đây chính là nền tảng cho phong trào “Saemuanl Udong”. Phong trào này tạo ra một thành công lớn cho nông nghiệp Hàn Quốc và được nhiều quốc gia khác học hỏi cho đến ngày nay. TS Ngô Thị Lan Phương nhận định “Có rất nhiều yếu tố đem đến thành công của phong trào Saemaul Undong, nhưng quan trọng nhất là cơ chế hoạt động tự lực của cộng đồng, khả năng lãnh đạo của người đứng đầu và sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ”.(3)
Thứ năm, cải thiện cán cân thanh toán nước ngoài và thúc đẩy công nghệ. Park nhanh chóng đưa các chính sách về xuất- nhập khẩu nhằm giải ngân vốn, giảm lạm phát,... Về công nghệ thì chính phủ Park được Hoa kỳ chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến và đặc biệt là những công nghệ mới ra đời của Nhật Bản được trao đổi nhờ mối quan hệ ngoại mới thiết lập giữa hai nước “cựu thù”.
Tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ R&D trong khoa học và công nghệ ở Hàn Quốc (4)
Như vậy, đường lối phát triển kinh tế của Hàn Quốc được Park Chung Hee vạch ra như một kim chỉ nam cho hành động, đường hướng kiến thiết đất nước. Kế hoạch được thiết lập nghị trình 5 năm một lần, tiếp tục được đề cao và xây dựng nền tảng quốc gia Hàn Quốc tự lực, không phụ thuộc.
Tận dụng nền tảng ngoại giao.
Nguồn ảnh: pixaybay.com
Một nền kinh tế phát triển đồng nghĩa với vận tốc lưu thông của tiền ở trong và ngoài nước phải lớn. Đặc biệt, dòng tiền phải được xoay vòng trên phạm vi thế giới trong việc đảm bảo nguồn cung và cầu, đảm bảo tỉ giá hối đối, tốc độ chu chuyển, v..v thì đó mới là nền kinh tế phát triển. Cho nên, một quốc gia phải mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia khác để hợp tác giao lưu trên nhiều lĩnh vực khác nhau mà trong đó, kinh tế thương mại phải là trọng tâm hàng đầu.
Chính phủ độc tài của Park Chung Hee có một lợi thế cực lớn đến từ những viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ đem lại. Hiển nhiên, Hoa kỳ dường như không có được nhiều lợi ích về kinh tế từ Hàn Quốc. Thế nhưng, Hoa Kỳ sẽ được hưởng những lợi ích chính trị xứng đáng với số tiền bỏ ra cho “Xứ sở kim chi”. Bởi lẽ, nhìn chung trong quan hệ chính trị quốc tế, mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ tồn tại được bởi sự trao đổi lợi ích, nước nhỏ hy sinh lợi ích chính trị để được hưởng đặc quyền kinh tế từ nước lớn và ngược lại. Cho nên, sự lợi dụng chính trị Hàn Quốc đối với Hoa kỳ đó là tạo chiến lược địa chính trị quan trọng để bịt đường mở rộng quyền lực của Liên Xô thời kì đó.
Mối quan hệ chính trị cường quyền luôn đặt nặng nhiều vấn đề chủ quyền đối với nước nhỏ - ở đây là Hàn Quốc. Park cũng lo ngại về sự phụ thuộc quá nhiều này, ông bắt đầu đi tìm các mối quan hệ các nước bên ngoài mới phát triển. Tháng 6 năm 1965, hiệp ước bình thường hóa Hàn - Nhật được ký tại Tokyo và năm 1967 thiết lập lãnh sự ở Indonesia. Park nhận thấy sự phát triển cực mạnh về công nghệ của Nhật Bản và các doanh nghiệp thì đang cần chỗ ở mới có nhiều thuận lợi hơn, không còn gì lợi hơn bằng việc thiết lập quan hệ hợp tác với nhau để phát triển. Tuy vậy, Nhật Bản lại là kẻ thù lịch sử của Hàn Quốc, với những tội ác trong thế chiến thứ hai đã hằn sâu trong tiềm thức của nhân dân Hàn. Các cuộc biểu tình nổ ra nhằm phản đối sự kiện ngoại giao này và hành xử của Park là đàn áp thẳng tay, đây cũng là tội ác của ông khi cầm quyền mà các sử gia về sau đánh giá công – tội của ông. Nhìn về phía cá nhân cầm quyền, Park đã thể hiện mình là con người chính trị sâu sắc khi gạt bỏ mối thù cá nhân với Nhật Bản để tiến tới cái lợi lâu dài và bền vững hơn. Quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế gặp khó khăn về nguồn vốn thì chính phủ Park được bù đắp khoản tiền đền bù chiến tranh từ Nhật Bản và viện trợ của Hoa Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Park bắt tay vào cải tổ chính sách trong nước.
Năm 1966, Park ban hành luật thu hút vốn đầu tư nước ngoài với những chính sách “đẹp lòng” các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy, nó đã tạo ra cơn sóng đầu tư các chi nhánh và hợp tác làm ăn của các doanh nghiệp nước ngoài hình thành một nền kinh tế thị trường phát triển. Đặc biệt, về xuất - nhập khẩu chính quyền nhanh chóng đưa ra các gói chính sách miễn thuế về các giai đoạn nhằm đơn giản hóa các quá trình xuất hoặc nhập khẩu. Và phía nhập khẩu, Park luôn đưa ra các món hàng cần thiết với đất nước như khí cụ nông nghiệp, công nghệ kỹ thuật,… và chỉ giữ thuế với các mặt hàng làm giảm giá trị của sản phẩm trong nước. Các thành phố trọng điểm được Park lựa chọn làm các công xưởng và tại đó ông đưa ra nhiều chính sách ưu đãi tối ưu để cho doanh nghiệp phát triển như cho vay vốn lãi suất thấp, phá giá đồng won đến mới xuất khẩu tối đa,… Ông đặc biệt chọn tư tưởng tư bản, lấy doanh nghiệp làm chỗ dựa phát triển kinh tế trong nước đã sản sinh ra các tập đoàn (gia tộc) tài phiệt lớn nhất Hàn Quốc bây giờ như : Hyundai, Dewoo, Samsung, … 
Tựu trung lại, phương châm ngoại giao được Park Chung Hee cường hoá theo hướng đa dạng hơn đối với các nước với mục đích quan trọng là phát triển kinh tế quốc gia. Từ đó, việc phát triển nhờ nguồn trợ cấp lớn từ Mỹ, rút ngắn tiến trình phát triển công nghệ nhờ ngoại giao với Nhật Bản, mở rộng quan hệ ngoại giao nhiều quốc gia, hình thành các tập đoàn xuyên quốc gia đã làm nền tảng kinh tế Hàn Quốc phát triển lên tầm cao mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1)  Bước đi đúng đắn trong giáo dục đã thay đổi kinh tế hàn quốc như thế nào?, http://tindi.vn/buoc-di-dung-dan-trong-giao-duc-da-thay-doi-kinh-te-han-quoc-nhu-the-nao/
(2)  Nguyễn Thị Thanh Mai, “Phân bổ nguồn lực để nâng cấp cơ cấu ngành kinh tế: Kinh nghiệm từ chính sách công nghiệp của Hàn Quốc”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, tập 34, số 4 (2018), trg.38.
(3)  Đ.T.Chánh, “học tập mô hình làng mới Seamaul Undong”, http://nongthonmoi.gov.vn/Pages/hoc-tap-mo-hinh-lang-moi-seamaul-undong.aspx
(4)  Eui-SeongKim – HyeokseongLee, “International Cooperration of science and technology for developing economy: lessons from korean footprint”, JSTPM vol 6, no 1+2, 2017, pg.108.