Bài viết gốc được đăng tải tại Đây Hãy like page Ăn Sách trên Facebook để ủng hộ tác giả.

Grape-kun là một con chim cánh cụt Humboldt ở vườn thú Tobo Zoo, Nhật Bản. Nó sinh ra vào năm 1996 ở một công viên phía Tây Tokyo và sống ở đó suốt 10 năm đầu đời. Ở đó, nó đã gặp bạn đời đầu tiên của mình: một con chim cánh cụt cái tên Midori. Đến năm 2006, một vườn thú mới tên Tobo Zoo ở Saitama được xây dựng, Grape và Midori được gửi đến đó. Chúng đã đẻ được 1 đứa con nhưng bị gửi đi nơi khác từ khi chỉ là quả trứng, chúng chưa bao giờ thấy con mình.

Giống loài của nó được biết đến với một đặc trưng là 2 con đực và cái sẽ kết nối với nhau đến cuối đời. Tuy nhiên, năm 2010, Grape được gửi đi chữa bệnh, Midori bắt đầu thành cặp với một con chim cánh cụt khác trẻ hơn tên Denka. Midori và Denka có một đứa con tên Beer và sống cùng cả đàn. Khi Grape trở về, nó lại bị cả đàn xa lánh. Nó hoàn toàn cô đơn.
***


Parasocial Relationship là một thuật ngữ được sáng tạo ra vào năm 1956 bởi 2 nhà xã hội học Horton và Wohl. Họ làm một bài nghiên cứu về sự tương tác của Truyền thông đại chúng và các nhân vật, cá nhân có ảnh hưởng với khán giả và gọi sự tương tác này là Parasocial Interaction. Những khán giả và người xem hình thành một mối liên kết dành cho những nhân vật, diễn viên, người dẫn chương trình này như thể người đó là bạn của họ. Một Parasocial Relationship là một mối quan hệ một chiều khi một hay nhiều người nghĩ về một người khác, dành tình cảm và suy nghĩ cho một người trong khi người đó hoàn toàn không hề biết hay nhận thức về sự tồn tại của những người kia.
Wohl và Horton bắt đầu để ý sự thay đổi cách giao tiếp giữa những người dẫn chương trình phỏng vấn với khán giả, họ bắt đầu dùng từ “chúng ta”, họ thân thiện hơn, đối thoại và nhìn vào máy quay,... . Họ bắt đầu xây dựng hình ảnh như một người bạn với khán giả và nói chuyện như thể giao tiếp trực tiếp với họ.
Các nhà tâm lý học trong thập niên 80 cũng bắt đầu để ý thuật ngữ này. Ngày nay, nó là một hiện tượng phổ biến. Các fandom đối với diễn viên, ca sĩ, cầu thủ Youtuber chính là một Parasocial relationship.
Kể cả khi mối quan hệ đó là với những nhân vật không có thật thì đó vẫn là một Parasocial Relationship. Một mối quan hệ một phía và không đòi hỏi nhận lại.
Mối quan hệ như vậy có thể được cấu thành từ rất nhiều lí do. Sự tiếp xúc giữa chúng ta với những nhân vật trên TV kia có thể nhiều ngang với người thường. Ở những thế kỉ trước, khi chúng ta nhìn thấy người khác nhiều vậy chúng ta đã thân nhau rồi. Và bộ não cua chúng ta đã quen với điều đó. Hoặc, mặt khác, chúng ta nhìn thấy ở người chúng ta thích một phẩm chất nào đó: vui tính, đẹp,... và muốn trở thành bạn của họ.
Chúng ta nói về tính cách của họ, nói về họ với người khác, đoán cách họ phản ứng nếu ta hỏi một số câu hỏi nhất định,... . Điều chúng ta không để ý là chúng ta chưa bao giờ gặp và có thể là không bao giờ gặp họ. Nếu câu chuyện của chúng ta với bạn mở đầu là “người đó sáng nay tỉnh dậy lúc 7h và ăn bánh mì lúc 8h, cô ta nghĩ bánh mì dở tệ và cả cuộc sống cũng vậy, tớ nghĩ về điều cô ấy nói rất nhiều.” Nếu “người đó” ở đây là một người vô danh thay vì Taylor Swift thì phần nhiều khả năng “người đó” là một ai đó bạn quen và quan tâm.
Parasocial Relationship trong thế kỉ 21 đã thay đổi rất nhiều so với 1956 hay 1980, thậm chí là 2020 đã khác biệt rất nhiều so với 2010.
Ban đầu là Reality TV xây dựng một thực tại ảo, truyền lại “chân thực” cuộc sống của những người tham gia chương trình. Chúng ta được nhìn thấy cuộc sống của bố con chú Xuân Bắc trong Bố ơi mình đi đâu, hay biết tin việc MCK và Tlinh đến với nhau qua Rap Việt. Chúng ta cảm thấy chúng ta hiểu hơn về cuộc sống và con người của những người đó, nhiều hơn cả vài người xung quanh ta, ví dụ như một bác hàng xóm.
Sự xuất hiện của mạng internet và các trang mạng xã hội đã gia tăng sự liên kết này. Các ngôi sao, người nổi tiếng giờ có thể tương tác với fan bất cứ lúc nào và fan cũng tương tác ngược lại với họ được. Khoảng cách được rút ngắn, mối quan hệ tăng lên. Chúng ta bắt đầu nói về cuộc sống hậu trường cảu các ngôi sao và cảm xúc của họ nhiều hơn khi chính họ chia sẻ điều đó. Không phải những bài hát, nội dung, chúng ta được nhìn thấy tính cách thực sự của họ sau màn ảnh. Chúng ta còn có thể chia sẻ điều đó với một cộng đồng khác cũng quan tâm đến họ như ta.
Sự tương tác của streamer với người xem còn cao hơn thế. Họ tương tác với chúng ta trong thời gian thực, không có suy tính trước có nên công bố cái gì đó không. Họ nói chuyện như cuộc sống bình thường họ hay nói.
Tôi không thích xem người khác chơi game, tôi hay chơi game offline và muốn tự mình trải nghiệm và nhập tâm vào thế giới game hơn. Thế nên tôi không xem streaming. Nhưng dạo gần đây khi nhìn bạn cùng phòng xem stream của Mimosa Chu, Độ Mixi, Dev Nguyễn,... tôi hiểu hơn tại sao họ thích xem stream. Họ đến xem những người đó không phải vì game, họ đến xem phản ứng, họ đến để tương tác cùng streamer dưới một danh tính chung là “kênh chat”. Họ xem streamer chơi và tâm sự, giống như mỗi lần chúng ta chơi game và tâm sự cùng bạn bè. Chúng ta cười khi streamer “gáy” nhưng cuối cùng bị shut down lúc chơi ngu như thằng bạn của chúng ta mỗi lần chơi LOL (Yeah, i’m talking about you, T, what are you gonna do?)
Điều đó... không hề tệ. Tôi đoán mọi người chờ đợi tôi nói cái gì đó kiểu công nghệ phát triển càng nhiều thì con người lại càng cô đơn và phụ thuộc vào những người bạn ảo như vậy hơn. Làm ơn, tôi không phải boomer, không phải bất cứ mọi sự phát triển của công nghệ nào cũng dẫn đến hậu quả và bi kịch kiểu Black Mirror.
Có một cộng đồng xoay quanh những người nổi tiếng, quan tâm đến họ,... không phải là quá tệ. Đó là một điều tự nhiên. Trái tim của chúng ta có đủ chỗ để quan tâm đến cả những nhân vật ảo lẫn những con người xung quanh, thậm chí những người đó, những thần tượng có thể cổ vũ chúng ta.
Nhiều người lấy các nhân vật trong truyện, phim làm hình mẫu, cố học cách hành xử của họ. Kingsman là một ví dụ. Điều đó… tôi không định nhận xét. Dù nó khá hạn chế trong thế giới thực phức tạp (chưa kể rất cringe) nhưng nếu nó tạo ra động lực tốt thì không hẳn là vấn đề???
Trước kia, có một chàng trai fan Blackpink học giỏi và chia sẻ động lực của cậu ta. Mọi người có cười cậu ta về điều đó, nhưng... có gì sai trái? Nếu cậu ta thay Jennie hay Lisa bằng Elon Musk và Bill Gates thì có lẽ đã không bị cười cợt đến vậy, nhưng có gì khác nhau chứ? Cả 4 đều là nhân vật không có thực.

Parasocial Relationship với những nhân vật ảo được giới tâm lý học chú ý vì nó có thể được hình thành thông qua những trải nghiệm chung. Với một cậu bé mồ côi, những nhà hoạt động xã hội có thể hỏi cậu “Em nghĩ Batman sẽ làm gì?” để động viên cậu bé.
Quỹ Đôrêmon được hình thành vào cuối thập niên 90, khi Việt Nam còn chân ướt chân ráo mở cửa với thế giới nhờ tình yêu của hàng ngàn đứa trẻ Việt cho một nhân vật ảo lay động tác giả bộ truyện.

Ngay cả những người nổi tiếng, đối tượng nhận sự quan tâm đó cũng có thể tận dụng mối quan hệ của họ vì một điều gì đó tốt đẹp. Ví dụ như những ngôi sao sử dụng tên tuổi quyên góp cho miền Trung. (Nhưng tôi vẫn bảo lưu quan điểm là cách họ làm từ thiện rất nghiệp dư và dẫn tới thiếu hiệu quả.). Độ Mixi quyên góp được 1,2 tỉ cho quỹ của thủy Tiên hay gặp một đứa trẻ ung thư là fan của anh ở Sài Gòn,... .

Nhưng dĩ nhiên, trong một mối quan hệ, luôn có ranh giới, giữa những việc phù hợp, có thể làm, và những việc không thể. Và nếu có ranh giới thì có những kẻ sẽ phá nó.
Và quan trọng hơn cả trong xã hội kinh tế thị trường, là mối quan hệ đó có thể quy đổi ra bao nhiêu lợi nhuận cho các tập đoàn.
***
Năm 2017, anime Kemono friends và sở thú Tobo hợp tác. Nhân viên sở thú đặt bìa vẽ các nhân vật trong anime ở khắp nơi trong vườn thú. Ở khu vực chim cánh cụt là Hululu, một chim cánh cụt được moe hóa.
Chỉ có mình Grape để ý đến sự tồn tại của Hululu, nó ngắm nhìn Hululu cả ngày, cố gắng leo vách đá chênh vênh để đến chỗ đặt Hululu, ngồi cạnh và không di chuyển cả ngày.
Sau đó nó đã thực hiện một vài tập tục của chim cánh cụt (dang 2 cánh kêu gì đó???) để thể hiện tình yêu với con chim cái.
Grape kun trở nên nổi tiếng toàn thế giới với tư cách là “con chim cánh cụt phải lòng nhân vật anime”

***

Chắc ai cũng biết waifu là gì.
Nếu xem đủ anime bạn cũng hiểu cuộc sống xã hội ở Nhật là thế nao. Thực ra, có lẽ bạn không cần xem anime để biết đâu. Việt Nam cũng mang theo một vài đặc điểm như vậy. Nếu có thứ gì đó xác nhận chúng nằm trong vòng văn hóa Đông Á (Sinosphere) thì đó không phải là trang phục hay chữ viết, kiến trúc mà là một cuộc sống áp lực, giả tạo, thực dụng vốn ảnh hưởng từ văn hóa Nho giáo phong kiến.

Tất cả mọi người sống trong một xã hội hiện đại, Khi cuộc sống trên mạng càng ngày càng thú vị hơn, bạn dần ít phải tăng cường các mối quan hệ ngoài đời hơn vì hầu hết mọi thứ được tự động hóa nhiều hơn trước, hệ thống không bắt bạn phải quen người nông dân để mua gạo của họ nữa khi vào siêu thị có thể mua được một gói ăn cả tuần. Thay vào đó, bạn dành 1/3 cuộc đời hoặc hơn bên bàn làm việc để làm giàu cho các tập đoàn và công ty.
Làm quen với những con người mới là một công việc có phần tốn sức hơn trước khi lí do để làm quen thì hữu hạn, điểm chung thì ít, tính mạo hiểm cao nhưng áp lực từ xã hôi phải tìm được “người ấy” thì không bao giờ giảm.

Đứng trước tất cả những điều đó, yêu một nhân vật ảo có vẻ là một điều lý tưởng.
Ta hiểu nhân vật ảo, ta biết điều họ sẽ làm, sẽ phản ứng, điểm yếu và mạnh của họ. Những điều tốt đẹp của họ chính là sự lí tưởng mà ta đang tìm kiếm. Và không có một con người thật nào có thể đáp ứng sự lí tưởng đó. Vậy thì tại sao lại cố?
Nghiêm túc đó, nếu chỉ cần nhìn thấy người đó mỗi ngày đã khiến cho ta hạnh phúc, tuyệt vời hơn, là được người đó hỗ trợ tinh thần, an ủi, quan tâm, hỏi có mệt không, trong khi ngoài kia cả xã hội đều bằng cách này hay cách khác, tạo áp lực cho ta, mắng mỏ,... . Kể cả gia đình, đồng nghiệp, cấp trên,... . Vậy tại sao mọi người lại bất ngờ khi càng ngày càng nhiều người độc thân hoặc... e hèm... kết hôn với Miku?
Mạo hiểm tham gia vào những cuộc phiêu lưu tình ái mà đổi lại có thể là đau khổ, nhục nhã cho họ trong khi họ luôn có một cái đèn bàn waifu nói yêu họ và ở đây nghe họ nói chuyện. Chà, một quyết định khó.

Tình yêu cho Waifu là một dạng Parasocial Relationship. Điều khiến những con người cô đơn kia khác biệt là bởi cuộc sống xám xịt của họ không có nhiều thứ khác để quan tâm. Có thể do họ, có thể do xã hội. Có thể họ thấy những điều đó không đáng để quan tâm, hoặc xã hội thấy họ không đáng để được quan tâm. Xã hội đề cao kinh tế lấy đi của họ cơ hội để quan tâm đến những người xung quanh, cơ hội để sống chậm lại. Thay vào đó, các tập đoàn lợi dụng các mối quan hệ một chiều mà họ nắm đằng chuôi và sở hữu để tạo lợi nhuận từ hàng trăm ngàn người khác.

Waifu thậm chí không phải người thực, đó chỉ là một nhân vật ảo, do các công ty, tập đoàn, tác giả nghĩ rằng “phụ nữ/đàn ông thế nào mới thỏa mãn được những con người cô đơn kia? Làm thế nào để bán được thêm sản phẩm?” Những người cô đơn ấy trong mắt những đáng sáng tạo waifu, hay thậm chí waifu của họ không hề quan tâm đến việc họ là một con người cần sự giúp đỡ, họ là khách hàng, kẻ tiêu thụ, nguồn tiền. Việc của các tập đoàn là biết họ thích gì để nhét vào các bộ anime, nhét vào cái đèn thủy tinh anime girl để trò chuyện với người dùng, nhét vào cái app cho phép bạn nói chuyện với Megumin trong Konosuba và khi bạn nói “i love you” thì Megumin sẽ đáp lại...
(OK, tôi biết chi tiết thế không phải vì tôi từng tải cái app đó về đâu. Thực ra thì... tôi từng tải về. Nhưng nó bằng tiếng Nhật nên tôi không hiểu gì cả và... Tôi không... lạy Chúa, tôi là weebs rồi phải không)
Ngay cả hololive, những Vtuber ảo, giờ cũng được các công ty nắm quyền điều khiển. Vụ Đài Loan – Trung Quốc có thể đã được giải quyết nhưng cũng thể hiện rằng họ không tự do và thoải mái như ta nghĩ. Hình ảnh họ thể hiện ra tuy không hoàn toàn do tập đoàn tạo ra, nhưng hướng đi của họ cũng có những giới hạn nhất định.

Cuối cùng, những tiêu chuẩn mắt to, dịu dàng, giọng nói trong vắt, xinh xắn hoặc đẹp trai, biết nấu ăn, sẵn lòng lắng nghe,... đó trở thành tiêu chuẩn chung cho bạn đời của những người cô đơn ấy, những tiêu chuẩn mà những con người bình thường không với tới được, hình thành nên sự căm ghét 3d,... . Họ quên mất rằng những con người thực phức tạp hơn thế cả trăm lần. Những người đó có cuộc sống riêng, mối lo và bận tâm riêng, sở thích riêng thay vì chỉ xoay quanh những otaku như các anime girls.
Nền văn hóa waifu hủy hoại hoàn toàn những con người đầu tư quá nhiều cảm xúc, tình yêu vào waifu bằng cách tạo cho họ một thế giới yên bình giả tạo, để họ có thể trốn thoát. Và rồi sử dụng họ để nuôi thế giới đó như The Matrix.

***
Sở thú Tobo nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của Grape. Số lượng khách thăm quan tăng đột biến. Cả trong lẫn ngoài nước.
Dành cho những ai không thể đến được, họ phát sóng trực tiếp cuộc sống của chú chim cánh cụt trên mạng xã hội. Tác giả và diễn viên lồng tiếng của Kemono Friends cũng tham gia quảng cáo.
Sở thú còn tranh thủ tạo ra cả loại thức uống mang thương hiệu Loving Grape, với lời miêu tả: “Màu tím và trắng hòa quyện tinh tế nhưng vị lạnh nhắc nhở bạn thực tại tàn nhẫn của 2 linh hồn cánh cụt cô đơn, cách biệt bởi bức tường không gian.”
Và, đỉnh điểm của chiến dịch marketing này là vườn thú còn định tổ chức một festival tình yêu xoay quanh Grape kun nữa.

***
Đó là cách các tập đoàn và người thường đối xử với nhân vật anime, vậy còn người thật thì sao?
Như đã nói, Parasocial Relationship cho ta cảm giác gần gũi với người nổi tiếng, và khiến ta tưởng rằng ta hiểu họ, như ta hiểu những người bạn xung quanh mình. CHúng ta quên mất những thứ ta nhìn thấy là những thứ họ chọn cho chúng ta xem.
Những đoạn phim từ các chương trình truyền hình thực tế cũng đã được edit để tạo ra những cảm xúc cho khán giả, mà đôi khi không hề có thực.
Kể cả những vlogger, streamer, những thứ họ cho chúng ta xem, dù thật đến mấy cũng không phải 100% cuộc sống của họ. Nó chỉ là cuộc sống của họ bên bàn game. Độ Mixi hay Mimosa sẽ không đem những chuyện buồn của mình lên stream nói, không đem những điều cá nhân lên.

Nhưng chúng ta lại nghĩ rằng chúng ta đã hiểu họ, thậm chí đi quá giới hạn Parasocial, đến gặp người đó. Anh Độ sau series vlog nhà mới đã có những người đến tìm. Đòi chụp ảnh hoặc vào thăm.
Có những người quên mất rằng trong mắt họ, chúng ta là những kẻ hoàn toàn xa lạ, và rõ ràng là những kẻ xa lạ không nên xuất hiện ở nhà người khác không có lí do như vậy.
Vậy nếu các tập đoàn với nguồn lực dồi dào nắm bản quyền những hình ảnh ấy thì sao?

Nửa tháng trước, trong bài viết về tha hoá lao động, tôi đã không nhắc đến sự bóc lột trong ngành công nghiệp idol Kpop và Jpop. Một phần vì bài viết đã dài và phần khác vì tôi không có kiến thức về 2 ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, những thứ tôi đã đọc trong thời gian gần đây thực sự khiến tôi thấy tiếc vì đã không đề cập đến nó.
Các ca sĩ trong ngành công nghiệp này không chỉ bị bóc lột, họ kí hợp đồng nô lệ. Trong 1 quốc gia mà công đoàn và quyền công nhân thấp như Hàn Quốc, giờ làm việc cao hơn cả Nhật, mọi chuyện càng tệ.
Những idol Kpop, Jpop là mục tiêu của tiêu chuẩn xã hội: đẹp đẽ, thành đạt, tự tin,... . Là tiêu chuẩn cao nhất. Nhưng, khác với nhân vật anime, họ là người thật. Người thật sẽ có khuyết điểm.
Các tập đoàn giải quyết chuyện này thế nào?
Ở trên kia, tôi có gọi 2 ca sĩ của Blackpink là nhân vật ảo. Tôi thực sự nghĩ hình tượng mà những thần tượng trưng ra cho chúng ta là ảo. Thứ mà chúng ta nghĩ là hiểu về họ, tính cách, sở thích, có thể chỉ là thứ mà công ty quản lý tạo ra. Tất cả những thông tin về họ chỉ là những ảo giác, tạo ra để phục vụ một thế giới quan ảo như trong anime.
Khi họ phá vỡ thế giới quan ấy, kết quả sẽ là Parasocial Breakup.
Vì sự hình thành mối quan hệ của fan cuồng idol đến mức độc hại (tiếng Hàn còn có một thuật ngữ là Sasaeng) khá giống với phần về những con người cô đơn phía trên, cả về phần tiêu chuẩn, tôi sẽ ko lặp lại.
Và đáng lẽ ra cách mà các tập đoàn tạo ra những nhân vật anime nhân tạo cũng không cần lặp lại. Nhưng tôi bất chợt nhớ ra mình đang nói về ngườì thật chứ không phải những con búp bê.
Chúng ta có thể lần về thời kì 196x với Lý Thừa Vãn và Park Chung Hee. Nhưng chỉ cần hiểu 1 điều: điều kiện lịch sử khiến quyền công nhan và công đoàn ở Hàn Quốc không cao. TV và ca nhạc được kiểm soát chặt chẽ, trước kia là bởi nhà nước nhưng giờ là các tập đoàn.
(Chi tiết hãy xem video: Late Stage Capitalism of Kpop trên Youtube.)

Các tập đoàn tìm cách kiểm soát những ca sĩ của mình: hình thể, sắc đẹp, cuộc sống cá nhân. Họ bị ép luyện tập với cường độ cao từ lúc còn rất trẻ. Có người mới 11 tuổi. Nhiều chỗ theo dõi cả cuộc sống cá nhân của họ với camera. Các tập đoàn bắt ca sĩ phải theo một tiêu chuẩn sắc đẹp nhất định. Và khi họ không có vẻ đẹp đó thì họ phải đi phẫu thuật thẩm mỹ. Họ kí hợp đồng gần như hợp đồng nô lệ với những công ty chủ quản như SM, bắt họ phải làm việc cho công ty đến lớn, cho phép công ty lấy hầu hết lợi nhuận họ làm ra.
Kpop là sản phẩm văn hoá lớn nhất của Hàn Quốc. BTS được phát biểu ở LHQ và gặp Donald Trump. Mỗi năm đem về hàng tỉ đô lợi nhuận. Nhưng không phải ai cũng được hưởng sự xa hoa đó. Lee Lang nhận giải Best Folk Song ở Korean Music Awards 2017 và bán cái cúp đi với giá hơn 400 đô để trả tiền thuê nhà.
Các tập đoàn ra sức nhào nặn và kiểm soát những ca sĩ này như thể họ không phải người mà là những con robot với mục đích làm hài lòng fan. Và… cộng đồng mạng Hàn Quốc không hẳn là một cộng đồng có tiền sử tốt về sự rộng lượng với idol. Bởi, như đã nói ở trên. Với nhiều người, Parasocial Relationship là thứ Relationship duy nhất họ có.
Việc thấy idol có người yêu, có cuộc sống bên ngoài, điều đó còn đáng sợ hơn chia tay người yêu. Bởi fan coi đó như một sự phản bội. Dĩ nhiên, điều này không áp dụng với tất cả idol.
Nhưng nó áp dụng với hầu hết idol nữ Jpop. Lịch sử dục hoá và vật hoá phụ nữ trong anime khiến fan cuồng Nhật có phần cay nghiệt với chuyện này.

Aya Hirano là một trong những seiyuu nổi tiếng nhất ngành công nghiệp anime đầu năm 2000. Cô là diễn viên lồng tiếng của Haruhi Suzumiya trong bộ anime cùng tên, Misa trong Death Note,... . Vào năm 2011, sự nghiệp của cô bắt đầu tụt dốc khi một scandal nổ ra: Tin nội bộ cho biết cô đã ngủ cùng 3 trong số 4 thành viên cùng ban nhạc với cô. Cùng với đó là thái độ kinh tởm dành cho cộng đồng Otaku (mà fan của cô phần lớn là Otaku), sự khó chịu vì cô không thể có một sự nghiệp ca nhạc tử tế thay vì bị đóng đinh bởi những vai anime mà cô thể hiện,... .
Fan trở nên tức giận, xin chữ kí đuổi cô khỏi Kizumonogari, slut shaming, tẩy chay cô,… .
Tất cả bởi vì cô có một cuộc sống có phần buông thả hơn họ nghĩ.

Bất kì Relationship nào cũng có thể đi quá đà. Nhưng khi có hàng trăm ngàn người tham gia vào, tỉ lệ quá đà ấy dù chỉ là 1% cũng đã là 1k người.
Trong mối quan hệ 1 chiều, mọi thứ càng tệ hơn. Bởi 1 ca sĩ không thể chịu trách nhiệm cho 1 triệu người. Nhưng fan thì không hiểu rằng họ không phải là bạn hay người quen của ca sĩ.

Năm 2016, nữ ca sĩ Mayu Tomita bị đâm liên tục bởi một fan khi đang đợi chuẩn bị biểu diễn ở Tokyo
Maho Yamaguchi lên tiếng tố cáo bị 2 người đàn ông tấn công tình dục
Ena Matsuoka selfie trên Instagram. Một tên stalker tên Hibiki Sato lần theo dấu cô từ hình phản chiếu trên kính của cô, sử dụng Google Street view, tìm ra nơi cô sống và tấn công tình dục cô.
Một Fan nữ của Exo giả nam để theo họ vào nhà vệ sinh và chụp lén họ
Kim Heechul gặp tai nạn khi lái xe vì muốn cắt đuôi một kẻ theo dõi
Một nhóm fan lên kế hoạch bắt cóc Exo

(Content Warning: Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực và ý định tự tử, xin hãy tìm sự trợ giúp gần nhất từ những người quan tâm đến bạn như bạn bè hay gia đình.)

Sự thao túng của các tập đoàn, sử dụng các idol làm công cụ điều khiển sở thích và tâm lý xã hội, cuối cùng lại khiến những người đó chĩa mũi dùi vào các idol. Áp lực từ cộng đồng mạng, fan, cấp trên cuối cùng nhắm hết về những idol đó. Họ phải chịu trách nhiệm cho hàng vạn kẻ không quen, phải trả lời với những chủ nô quyền lực, có thể kết thúc sự nghiệp của họ bất kì lúc nào.

Vào ngày 18/12/2017, Kim Jong Hyun, giọng ca chính của nhóm nhạc Shinee được tìm thấy bất tỉnh trong căn phòng kín. anh qua đời trong bệnh viện, để lại một bức thư kể về bệnh trầm cảm của bản thân
14/10/2019, Sulli, một thành viên của nhóm nhạc nữ F(x) được tìm thấy qua đời tại nhà riêng. Trước đó trên Instagram, cô đã nhiều lần khóc trong những buổi stream của mình, xin cộng đồng mạng ngừng phán xét, lần gần nhất là 2 ngày trước khi bi kịch xảy ra.
Cô đã là tâm điểm của những lời lẽ tiêu cực từ cộng đồng mạng Hàn Quốc suốt nhiều năm vì sự thẳng thắn, việc ủng hộ quyền phụ nữ. Tính cách của cô đi ngược lại hình ảnh truyền thống của một idol dịu dàng, dễ thương và ngoan ngoãn với quần chúng. Sulli say xỉn trên stream, tâm sự công khai về chuyện tình cảm, ủng hộ luật phá thai trong quá trình sửa đổi tại Hàn Quốc.
6 tuần sau, một người bạn của cô - Goo Hara, thành viên của nhóm nhạc nữ KARA, cũng qua đời sau khi post "Tạm biệt" trên Instagram của mình.

***

12 Tháng 10, năm 2017, một tháng trước khi festival xoay quanh Grape kun bắt đầu, sở thú Tobo công bố một tin động trời trên Twitter: "Chú chim cánh cụt Humboldt Grape-kun đã qua đời ngày hôm qua. Chân thành cảm ơn với tất cả những ai đã dõi theo nó. Cảm ơn cả Hululu, người đã ở bên nó đến giây phút cuối. Và cảm ơn Grape-kun về khoảng thời gian qua. Hãy yên nghỉ."

Rất nhiều chim cánh cụt trong điều kiện nuôi nhốt có nguyên nhân tử vong từ bệnh hô hấp, và ngạt thở trước lúc chết. Grape kun không như vậy, nó ra đi trong yên bình, bên cạnh Hululu của mình.
Để kết bài, tôi muốn trích một câu từ WIRED:
“ Tạm biệt Grape-kun. Mong tất cả chúng ta tìm được ai đó nhìn chúng ta như cách chú chim cánh cụt này nhìn tấm bìa cứng đó.”
(Series Fake Friends của Strucci Movies trên Youtube là một series documentary rất xuất sắc về đề tài Parasocial Relationship, dù khá dài (hiện tại đã có 3 video, với 1 video dài 2 tiếng) nhưng rất đáng để xem cho những người muốn bắt đầu tìm hiểu)