Người ta bảo Hà Nội ồn ào, Hà Nội tấp nập, Hà Nội nhiều xe, nhiều khói, không còn bình yên như ngày xưa nữa…
Ôi, cái ngày xưa ấy là bao giờ, chẳng ai rõ nữa? Ấy vậy mà trong tâm trí họ, từng có một Hà Nội thật xa xôi.
Ngày ấy và bình yên
Chúng tôi sinh ra khi đất nước đã qua thời bao cấp. Cảnh xếp hàng đong gạo, mua thịt mua rau bằng tem phiếu chỉ còn là câu chuyện được nghe qua lời của ông bà, bố mẹ hay thậm chí là vài cuốn sách, vài bộ phim cũ.
Hà Nội có cái chợ Đồng Xuân nhộn nhịp, mẹ dẫn đi mua chăn con công và quần áo mới.
Hà Nội có chiếc xe 82 “ èn èn” cũ mèn bố từng chở tôi đi khắp phố phường.
Hà Nội có phố Lương Văn Can bày bao nhiêu búp bê với gấu bông, có Hàng Ngang Hàng Đào với cả dãy cửa hàng bán váy “ cô dâu” cho trẻ em.
Đấy là cái thời xa lắc xa lơ, thời mặc quần hoa với áo caro, chân đi dép lê màu hồng.
Chúng tôi lên trung học, Hà Nội rộng hơn một chút...
Đó là những con phố dài nối sực nức hương hoa sữa  đêm cuối thu, là những chiều lang thang cùng lũ bạn, đạp xe rong ruổi sau giờ tan lớp.
Hà Nội là tiệm sách thân quen với lũ đồ lưu niệm xinh xinh, với cốc trà sữa ngọt dịu trong buổi chiều lộng gió.
Trưởng thành là khi người ta nhận ra mọi thứ xung quanh đã đổi thay...
Tiếng còi xe inh tai nhức óc giữa biển người không thể trôi đi, khiến ta bực bội. Những quán xá mọc lên ầm ầm, chen chúc, bán ti tỉ mặt hàng khác nhau từ ẩm thực đến may mặc, điện lạnh, cái gì cũng có. Hàng cây cổ thụ rợp bóng bao con phố bị chặt đi. Thay vào chỗ cũ là những loài cây rất mới rất lạ. Khu chợ cũ lúc trước có vài gian hàng buôn bán đông vui giờ được xây lại thành trung tâm thương mại lớn, vừa to vừa đẹp nhưng vẫn thiếu đi chút hồn, chút tình…
Có một điều không thay đổi là mọi thứ luôn  đổi thay
 Hà Nội cũng thế. Hà Nội có còn là Hà Nội ? Đằng sau tiếng còi khó chịu,  người ta biết có ai đó đang chờ mình trở về, quây quần bên bữa cơm chiều, chờ buổi tối mát mẻ cùng nhau lượn lờ phố xá.
Hà Nội sáng sớm vẫn bình yên trong bầu không khí trang trọng của buổi thượng cờ ở Lăng Bác.
Hà Nội vẫn quen thuộc, thân thương qua tiếng đài phát ra từ chiếc radio của các cụ tập thể dục.
Mỗi lần ghé quán café nhỏ bên phố Hàng Gai, ngồi thưởng thức chút dư vị Hà thành, tâm trí tôi văng vẳng tiếng đọc bài hồi lớp 1:  “ Nhà tôi ở Hà Nội, cách Hồ Gươm không xa. Từ trên cao nhìn xuống, mặt hồ như chiếc gương bầu dục khổng lồ, sáng lấp lánh. Cầu Thê Húc màu đỏ son, cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già…”
Đêm xuống, Hà Nội lung linh dưới những ánh đèn, tiếng nhạc xập xình từ những quán cà phê, tiếng cười nói rộn rã cả dãy khu phố.  Người ta nâng cốc, chạm ly,nói vài câu chuyện cuối tuần.
Ở một góc vắng bên quán nhỏ, vài đôi tình nhân ngồi nhâm nhi vài món ăn vặt giữa cái lành lạnh mưa mưa cuối xuân. Những ánh mắt lấp lánh, khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc…
Ở một góc nào đó, tiếng chổi tre cuối ngày vẫn miệt mài quẹt quẹt xuống mặt đường, đưa những chuyến rác cuối cùng ra khỏi thành phố.
Ở một góc nào đó, người ta lại đang bận rộn bốc dỡ bên những gánh hàng, : những chiếc xe chở đầy thực phẩm, hoa quả tại chợ đầu mối. Có một Hà Nội chưa ngủ hay một Hà Nội đã thức giấc từ lâu rồi ? Mặt trời từ từ nhô lên phía bên kia cây cầu cũ kĩ, trời sắp sáng…
Đúng rồi, Hà Nội ồn ào,khói bụi, đông đúc. Nhưng Hà Nội ấy có góc phố, có hiệu sách, có quán xá, có hàng cây, có những con đường quen thuộc mình từng đi qua. Hà Nội có nắng nắng mưa mưa, có cái lành lạnh se se, có cái rét vừa khô vừa ngọt, có tuổi thơ và tuổi trẻ lớn lên bên những người bạn, có bao kỷ niệm, có những người yêu thương và có Nhà.
Có một Hà Nội như thế !

Ngày nào đó phải đi đâu đó thật xa: dù là Sài Gòn hoa lệ hay nửa vòng Trái Đất xa xôi , nhưng hãy nhớ: Hà Nội luôn ở đây, Hà Nội mãi ở đây và chờ ngày người trở về…