Oscar có gì ngoài tiền sau 8 năm ở Trung Quốc?
Không khó để sau gần cả thập kỷ vẫn bắt gặp những tiêu đề trên báo ngoại kiểu "Oscar kiếm được bao nhiêu nhân dân tệ kể từ khi rời chelsea? Nhưng liệu nó có đáng để nhắc đi nhắc lại nếu bản thân Oscar cảm thấy lựa chọn của mình là đúng?
Oscar là tên giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới, Oscar cũng là tên một cầu thủ gây đau thương nhất nhì làng túc cầu.
Oscar dos Santos Emboaba Júnior…
Có câu “Đừng nằm trên giường quá lâu, trừ khi bạn làm ra tiền ở trên đó”, cũng giống như nếu bạn muốn kiếm tiền, thật nhiều tiền hãy đến đến Trung Quốc chơi bóng, tất nhiên là ở trường hợp cách đây vài năm trước.
Thế nên ngày quả bom tấn Oscar đứng đó, mỉm cười phơi phới trong bộ trang phục thi đấu sọc đỏ đen - màu áo không phải của AC Milan, đội bóng từng rất khao khát sở hữu được anh từ Chelsea. Mà thực tế đó là sắc truyền thống của Thượng Hải SIPG.
Một đội bóng vô danh, nhưng sẵn sàng chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của đội chủ sân Stamford Bridge 60 triệu bảng không thiếu một xu, bản thân cầu thủ đút túi 400.000 bảng mỗi tuần.
Super League hay Super Money?
Conte khi đó từng lên tiếng cảnh báo 'Các CLB Trung Quốc là mối đe dọa cho bóng đá thế giới'. Jose Mourinho cũng nhận định về “cơn bão tiền” đang diễn ra với nền bóng đá ở quốc gia đông dân nhất thế giới khi Trung Quốc họ có thể thực hiện những hợp đồng mà châu Âu không thể.
Jurgen Klopp thì nóng nảy hơn khi chỉ thẳng đích danh:
"Trung Quốc không phải là đấu trường mà các cầu thủ thực sự mong muốn đặt chân đến, trừ khi chỉ vì tiền mà thôi. Tôi chắc chắn gia đình Oscar sẽ hạnh phúc với quyết định của cậu ấy. Vì giờ Oscar chẳng cần phải lo nghĩ gì về vấn đề tiền bạc nữa. Còn tôi lúc này sẽ chẳng bao giờ chọn Trung Quốc đâu, nếu lựa chọn cho một kỳ nghỉ mát thì may ra".
Oscar không phải là cái tên đầu tiên đến Trung Quốc. Nhưng sao anh lại gây nên nhiều tiếc nuối đến lạ.
Khi U20 World cup 2011 giữa Brazil và Bồ Đào Nha diễn ra, Oscar ghi tên mình lên bảng vàng với kỳ tích là người đầu tiên lập hattrick ở trận chung kết. 3 bàn thắng quý giá đó giúp đội tuyển của anh thắng 3-2 chung cuộc ở giải đấu vẫn được xem là cái nôi sản sinh ra biết bao huyền thoại bóng đá thế giới.
Anh đến Chelsea, nhận mặc số áo 11 do Didier Drogba để lại, rồi anh thừa kế số 8 huyền thoại của Frank Lampard. Một cầu thủ tự tin khẳng định: “Điều thú vị là tôi không cảm thấy áp lực khi mặc số 8 trên lưng vì tôi đã từng dùng số của Drogba rồi”, thì chẳng thể nào là hạng xoàng.
Anh từng là ngôi sao sáng nơi hàng tiền vệ của The Blues với đôi chân ma thuật có một chút gì đó kết hợp giữa kỹ năng của Mesut Ozil và trái tim nhiệt huyết của Willian.
Anh có vô vàn những khoảnh khắc đẹp ở Chelsea, như cú hattrick đầu tiên cho Chelsea. Hay trận đấu gặp Arsenal dù không ghi bàn nhưng Oscar đã thực hiện tới 8 cú tắc bóng khiến Oscar lâng lâng: “Người hâm mộ vỗ tay khi tôi rời sân và có cảm giác như thể tôi cũng vừa lập hattrick vậy”.
Hay một cú đúp tuyệt đẹp vào lưới Juventus ở Champions League, một siêu phẩm thực sự, một động tác xoay người, cứa lòng cực đẹp để rồi truyền thông châu Âu phải thốt lên: Kaka đã trẻ lại 10 tuổi, Kaka đang ở Stamford Bridge.
Hãy nhớ rằng, Chelsea từng hụt mất Kaka vài năm trước đó.
Oscar có phong cách chơi bóng kỹ thuật, hiện đại giống như đàn anh nổi tiếng Kaka. Bản thân anh cũng thừa nhận Kaka là thần tượng. Trong quãng thời 5 năm gắn bó ở Chelsea, ngôi sao sinh năm 1991 đã có cho mình 38 bàn thắng sau 203 lần ra sân. 2 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 1 chức vô địch Europa League và 1 cúp Liên đoàn Anh.
Oscar cũng chính là người ghi bàn thắng kỳ lạ nhất trong lịch sử bóng đá Brazil ở bán kết World Cup - bàn thắng an ủi đội chủ nhà trong trận thua 1-7 kinh hoàng trước tuyển Đức.
Và càng kỳ lạ hơn khi Oscar vẫn có mặt trong đội hình tiêu biểu của giải đấu năm đó ở tuổi 23. Với những thành tích khủng như vậy, thứ chờ đợi Oscar ở phía trước đáng lẽ phải là một tương lai sáng chói.
Nhưng... đùng một cái, Oscar rời Chelsea. Thay vì ôm mộng giành cúp tai voi ở lục địa già, thì anh thích được nâng chiếc cúp Fire-god nặng 5,548 kg ở Bến Thượng Hải hơn chăng? Oscar gây sốc cho cả châu Âu, bỏ Chelsea, đến Trung Quốc ở tuổi 26. Anh khoác áo đội bóng tên lạ hoắc Cảng Thượng Hải, đá tại giải đấu có cái tên rất kêu Chinese Super League (CSL).
Mùa đông 2016, Oscar là minh chứng hùng hồn nhất về sự thay đổi của thời thế, khi cầu thủ sẵn sàng bỏ qua khát vọng xây dựng một sự nghiệp quần đùi áo số đỉnh cao để đi theo tiếng gọi của đồng tiền.
Oscar đã 33 tuổi, và anh đã chơi bóng ở đây 8 năm rồi.
Bóng đá thời kim tiền
Giám đốc của Thượng Hải nói Oscar rời Chelsea vì chán nản với kiếp dự bị dưới trướng Conte. Oscar cứ sa sút xuống dần. Anh không còn tạo ra những phép màu trong đôi mắt si tình của những người hâm mộ Chelsea.
Nhưng chẳng có bất kỳ cầu thủ đẳng cấp thế giới nào lại ôm ấp giấc mơ được chơi bóng cho một một đội bóng ở nền bóng đá hạng 3 thế giới cả.
Oscar vẫn có thể đưa ra lựa chọn đến Juventus, AC Milan, Atletico Madrid hay một đội bóng lớn nào khác ở châu Âu để làm bến đỗ tiếp theo trong sự nghiệp. Nhưng không. Anh đã không làm thế. Thay vì chiến đấu để được có được vị trí chính thức trong đội hình Oscar lại chọn cách trốn chạy theo sự vẫy gọi của đồng tiền.
Nói Oscar là ví dụ điển hình nhất của bóng đá thời kim tiền thì cũng không có gì là sai. Shanghai Port đã đưa ra mức lương hấp dẫn 400.000 bảng Anh/tuần để chiêu mộ được tiền vệ người Brazil rời bỏ châu Âu. Người hưởng lương cao nhất ở Chelsea sau gần chục năm cũng chưa mấy ai có được mức lương này.
Câu chuyện không dừng lại ở đó. Vào tháng 12/2019, Oscar ký hợp đồng gia hạn, nâng mức lương của mình lên 563.000 bảng mỗi tuần - một con số có thể khiến nhiều người choáng váng. Điều này cũng đưa anh trở thành một trong những cầu thủ có thu nhập cao nhất thế giới thời điểm đó, vượt xa nhiều siêu sao đang thi đấu tại các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Cuộc khủng hoảng tài chính hậu Covid-19 đã buộc Shanghai Port phải xem xét lại chính sách lương thưởng của mình. Sau đó Super League bị chính phủ siết chặt quản lý, áp dụng mức lương trần và giới hạn phí chuyển nhượng. Nhưng Oscar vẫn kịp ôm một núi tiền.
Tính chung chung, sau 8 phục vụ đội bóng thành phố Thượng Hải, Oscar bỏ túi riêng số tiền ít nhất cũng khoảng 150 triệu bảng tiền lương. Trước đó, Oscar nhận 150.000 bảng mỗi tuần khi còn thi đấu cho Chelsea. Sau 5 năm cống hiến cho đội chủ sân Stamford Bridge, Oscar cao lắm cũng chỉ bỏ túi 62,4 triệu bảng tiền lương. Con số này thấp hơn rất nhiều lần so với những gì anh nhận được ở đây.
Quyết định chuyển đến Trung Quốc của Oscar không tránh khỏi những lời chỉ trích. Nhiều người cho rằng anh đã đánh đổi tham vọng bóng đá để lấy tiền bạc. Tuy nhiên, Oscar đã thẳng thắn đáp trả:
"Trung Quốc có nền tảng tài chính vững mạnh. Họ đưa ra những lời đề nghị mà không cầu thủ nào từ chối được".
Anh nghĩ đến việc chu cấp cho gia đình hơn là sự nghiệp của bản thân. Các cầu thủ Brazil phần lớn đều có xuất thân khá nghèo khổ, Oscar cũng không ngoại lệ. Anh muốn có một nền tảng tài chính vững chắc mà mấy đời sau cũng có thể sống êm ấm.
Lý do kinh điển: lo cho gia đình
"Họ đưa ra lời đề nghị không thể từ chối".
Gia đình là tất cả. Đó chính là đáp án trọn vẹn nhất để trả lời cho câu hỏi Tại sao Oscar quyết định đến Trung Quốc ở độ tuổi đẹp nhất đời cầu thủ. Oscar không hề giấu việc anh đến Trung Quốc vì tiền: "Họ đưa ra lời đề nghị không thể từ chối".
Lớn lên trong cảnh nghèo khó khi mất cha từ năm 3 tuổi. Mẹ một mình nuôi 3 đứa con khôn lớn bằng nghề may vá quần áo. Bản thân Oscar kết hôn khi mới 20 tuổi cùng 2 cô con gái, tiền vệ này hiểu tiền quan trọng thế nào trong cuộc đời mình.
“Mọi cầu thủ, hay những ai đang lao động, họ đều muốn kiếm tiền về cho gia đình”
Những cầu thủ đến từ Brazil họ rất giỏi nhưng cũng rất nghèo, cái nghèo khó chung của một lớp cầu thủ. Oscar rời khỏi gia đình từ rất sớm để theo đuổi giấc mơ bóng đá. Anh sinh ra ở một thành phố nhỏ thuộc bang Sao Paulo, anh được chơi cho đội bóng lớn nhất thủ phủ bang, rồi được gia nhập Internacional, rồi được mở đường đến Chelsea, rồi hiện tại là lưu lạc sang tận Shanghai - cách quê hương gần 12.000 dặm.
Không phải ai cũng có may mắn sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, được giáo dục như Kaka hay chí ít không phải lo cơm áo gạo tiền. Tuy vậy, trong số hàng nghìn, hàng trăm nghìn cầu thủ xứ sở samba lựa chọn con đường lưu lạc khắp thế giới thì vẫn có những người làm việc chăm chỉ để giúp đỡ gia đình mình như Oscar đã đang và vẫn sẽ làm trong tương lai. Đảm bảo tài chính và một cuộc sống chất lượng, Oscar an phận ở đại lục.
"Trước đại dịch, tôi đến rất nhiều đất nước và thành phố châu Á. Tôi như bước vào một thế giới mới vậy. Chúng tôi thích đi du lịch. Thượng Hải thật tuyệt, đó là một thành phố quốc tế giống São Paulo và London.
Nó có tất cả mọi thứ - công viên, nhà hàng, chương trình biểu diễn, chất lượng cuộc sống cao, có rất nhiều thứ để lựa chọn. Thật tuyệt khi sống ở đây”.
Trung Quốc có gì ngoài tiền đâu...
"Tôi đi... nghỉ mát 7 tháng ở Thượng Hải để kiếm 34 triệu bảng"
Họ chấp nhận đánh đổi để dưỡng già
Câu chuyện của Oscar là một ví dụ điển hình về sự thay đổi trong bản đồ bóng đá thế giới. Nơi các giải đấu mới nổi như Trung Quốc có thể cạnh tranh về mặt tài chính với những thị trường truyền thống nhưng đi kèm với tiền đầy túi thì cầu thủ cũng đánh mất nhiều cơ hội khác.
Nếu theo dõi từng bước chân của chàng tiền vệ tài hoa sinh năm 1992, hẳn bạn sẽ không thể bỏ qua nhân vật Hulk. Tiền đạo có những cú sút xa uy lực chính là người đã thuyết phục Oscar đồng ý sang Trung Quốc chơi bóng.
Hulk cũng từng là tiền đạo có số má ở châu Âu khi từng từ chối nhiều lời mời gọi hấp dẫn từ Chelsea, MU để chuyển đến Zenit - đội bóng Nga với tiềm lực tài chính hùng mạnh từ dầu mỏ. Năm 2016, Hulk chính thức nói lời tạm biệt bóng đá đỉnh cao để sang Shanghai SIPG với giá chuyển nhượng khổng lồ 45 triệu bảng cùng mức lương hậu hĩnh mà các ngôi sao châu Âu còn chưa chắc có được.
Một loạt các tuyển thủ có tên có tuổi cũng chọn Trung Quốc làm miền đất hứa. Miền đất của sung túc và tiền bạc. Một siêu sao Nam Mỹ từng tung hoành ngang dọc là Carlos Tevez cũng chọn đến Trung Quốc khoác áo Thân Hoa Thượng Hải với mức lương trên trời 650 nghìn bảng/tuần.
Khi đó Carlos đã 33 tuổi, không còn giữ phong độ đỉnh cao, thì một bản hợp đồng 3 năm với tổng mức lương chục triệu bảng thì có điên mới lắc đầu từ chối. Anh này còn mạnh miệng: tôi đi... nghỉ mát 7 tháng ở Thượng Hải để kiếm 34 triệu bảng
Hay có một cựu cầu thủ của Chelsea khác là Ramires ở tuổi 28 cũng quyết định rời London sang Giang Tô Suning với phí 36 triệu đôla.
Trong 10 kỷ lục chuyển nhượng mà các câu lạc bộ Trung Quốc bành trướng còn có những cái tên khác như Demba Ba và Gervinho đến từ châu Phi, những Paulinho, Elkeson, Alex Teixeira đến từ Brazil hay anh chàng Gyan Asamoah hay Sissoko cũng lũ lượt kéo sang xứ tỷ dân làm giàu.
Có một so sánh vui rằng, Neymar có thể tài năng vượt trội trên sân có r so với Lavezzi nhưng siêu sao người Brazil vẫn phải chịu thua đàn anh người Argentina về khoản lương đút túi mỗi tuần đấy, chỉ vì Neymar không tới Trung Quốc chơi bóng.
Trung Quốc là đất nước giàu có, chịu chi, bành trướng, nhưng nền bóng đá của họ thì không bao giờ phát triển được như mong muốn, dù cả núi tiền đã đổ xuống. Chi tiêu của các CLB tại giải China Super League cao gấp 10 lần so với K-League và gấp ba lần so với J-League. Nhưng chất lượng thì luôn... hãy khoan bàn tới, hay đúng hơn là chẳng có gì để bàn.
Và quyết định sang Trung Quốc của các ngôi sao vì thế cũng bịt lối con đường trở về đội tuyển quốc gia. “Nước chảy chỗ trũng” cũng vì sự trỗi dậy của sức mạnh tiền bạc mà một thời các chuyên môn đã cho rằng đây chính là lý do sâu xa khiến bóng đá Brazil ngày càng xuống cấp.
Nhưng khi cầu thủ đặt đồng tiền bát gạo cao hơn khát vọng cá nhân thì đúng như khái niệm mà Klopp đã đưa ra “những đồng tiền hợp lý”.
Suy cho cùng, bóng đá thời đại là bóng đá vị nhân sinh, có làm thì mới có ăn. Khác nhau ở chỗ, muốn ăn nhiều làm nhiều hay ngồi mát ăn bát vàng mà thôi.
Oscar thì chọn... trở thành vị cứu tinh của giải đấu số 1 Trung Quốc
Chuyển đến Trung Quốc cũng đồng nghĩa sự nghiệp thi đấu quốc tế của Oscar mãi mãi dừng ở mốc 48 lần khoác áo đội tuyển quốc gia. Có thông tin rằng vào khoảng cuối năm 2022 Oscar đã cố gắng gia nhập Barcelona hoặc bày tỏ ý định muốn giải nghệ trong màu áo Chelsea. Anh cũng muốn được đá World Cup. Nhưng Oscar thất bại trong việc tìm kiếm bến đỗ mới ở châu Âu. Bên cạnh những nghi ngờ năng lực sau 8 năm chơi bóng ở Trung Quốc thì nhắc đến Oscar, người ta rất sợ, sợ anh ta là tù nhân của tiền bạc.
Ai mà chẳng muốn chơi bóng ở Champions League, ai mà chẳng muốn vô địch Ngoại Hạng Anh, nhưng Oscar chơi bóng ở Trung Quốc thì sao. Anh bảo:
“Tôi rất hạnh phúc ở đây. Tôi thực sự thích chơi ở đây. Tôi không hối hận. Tôi cũng đang rất hạnh phúc ở đây.
Nếu tôi có thể trở lại Premier League, điều đó thực sự tuyệt vời. Tôi cũng thích nước Ý, tôi có cả hộ chiếu Ý rồi. Tất nhiên việc được trở lại Chelsea chẳng khác nào là một giấc mơ. Vì mọi người đều biết niềm đam mê của tôi dành cho câu lạc bộ này.
Nhưng đó cũng chính là niềm đam mê của tôi dành cho Cảng Thượng Hải. Tôi đã gắn bó với nơi đây trong một thời gian dài. Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp ở Chelsea và cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp ở Thượng Hải”.
Đôi lúc, anh cũng bộc bạch nỗi nhớ lục địa già.
“Mọi thứ ở Trung Quốc đều ổn, mọi thứ với Shanghai SIPG đều diễn ra tốt đẹp, nhưng sự thật là tôi rất nhớ châu Âu.”
Nhưng nhớ vậy rồi thôi. Mỗi người sống trên đời đều có một sứ mệnh. Nếu sứ mệnh của Oscar là lo mái ấm cả đời cho gia đình, thì anh đã làm được rồi. Khi làn sóng gia nhập trung quốc ồ ạt nổ ra, những đồng hương Hulk, Pato, hay Carlos Tevez, Lavezzi, Fellaini, John Obi Mikel, Marko Arnautovic ... lần lượt đến đây, nhưng rồi cũng sớm lần lượt rời đi. Người về lại Brazil, người về châu Âu, người giải nghệ. Chỉ còn Oscar đã có năm thứ 8 gắn bó ở đây.
Với sự xuống cấp và lao dốc của bóng đá Trung Quốc lẫn sân chơi Super League thì ban tổ chức hẳn rất nên cảm ơn Oscar. Những năm tháng chơi bóng ở Super League biến anh trở thành một biểu tượng thực sự, là cái tên cứu cánh cho danh tiếng cứ mỗi năm lại trên đà sụp đổ của giải đấu này.
Tài năng của cầu thủ từng khoác áo tuyển quốc gia Brazil rõ ràng ở cái tầm trên so với mặt bằng chung các cầu thủ Trung Quốc. Sự chăm chỉ, tận tụy của cựu cầu thủ Chelsea được tận dụng để giữ lại tí hình ảnh đẹp đẽ cho giải đấu mà năm nào cũng bị phanh phui vài ba phi vụ án bẩn. Mùa giải CSL năm nay, thậm chí tên tuổi Oscar còn bùng nổ hơn nữa. Anh cùng với Wu Lei liên tục tỏa sáng đưa Shanghai Port vô địch giải đấu với thành tích cực kỳ ấn tượng.
Lựa chọn là của Oscar... đúng hay sai, không cần chúng ta phán xét
Có lẽ bù trừ cho những tiếc nuối, chỉ trích của người hâm mộ dành cho Oscar thì điểm cộng lớn nhất là ngôi sao sao này vẫn thi đấu thăng hoa và khát khao được khẳng định mình cũng như giành các danh hiệu ở mọi đội bóng anh khoác áo.
Oscar từng nói anh Đến Trung Quốc và muốn giúp đội bóng này vô địch giải quốc nội. Thượng Hải về nhì năm 2017 và họ đã làm tốt hơn thế trong năm kế tiếp với giành chức vô địch quốc gia năm 2018 và Siêu cúp năm 2019.
Oscar là hạt nhân trung tâm. 2 năm liên tiếp anh là chân chuyền hay nhất mùa giải. Năm 2018 anh có 19 đường kiến tạo, ghi 12 bàn trong tổng số 77 bàn của đội chủ quản. Đây là trái ngọt mà Oscar nói rằng anh xứng đáng có được vì đã chiến đấu vì nó. Cùng lời hứa vẫn lấp lửng: Tôi sẽ trở lại Châu Âu giống như cách tôi đến nơi này."
"Tôi sẽ già hơn một chút nếu như trở về Chelsea vào những cuối sự nghiệp. Nhưng tôi thấy mình đang chơi tốt và tôi cảm thấy vẫn còn chỗ đứng nếu trở lại đó".
Chuyện anh trở lại châu Âu lúc này, đôi lúc cũng hoang đường hệt như lúc anh chuyển đến Super League vậy. Nhưng điều đó có còn quan trọng.
Một sự nghiệp phủ đầy danh hiệu và cuộc sống xa hoa mà chỉ một số ít người được trải nghiệm ở Trung Quốc, Oscar đều có đủ. Ở tuổi 33, có vẻ như ngay cả những câu chuyện hoang đường nhất cũng phải đến hồi kết thúc. Oscar đã kiếm đủ tiền, đã muốn rời khỏi Trung Quốc và háo hức cho cuộc sống mới ở Mỹ, ở châu Âu hoặc quê nhà Brazil, tùy anh chọn.
Hết.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất