* Bài viết có spoil toàn bộ nội dung của phim
        Không hề đao to búa lớn, không là một quá trình trải qua một cuộc đấu tranh tìm lẽ phải, lật đổ sự thống trị của một ác nhân hay hướng đến một happy ending viên mãn, Only yesterday chỉ đơn giản là một sự hồi tưởng dội về trong tâm trí của một cô gái đã đi qua thời thơ ấu nhiều buồn vui lẫn lộn. Taeko, cô gái 27 tuổi, trưởng thành trong gia đình gia giáo tại Tokyo, đang làm nhân viên văn phòng. Taeko giữa những mệt mỏi của chốn đô thị, đã dùng mười ngày nghỉ phép để về thăm vùng quê Yamagata thanh bình, xứ sở của hoa rum - một loại hoa dùng để nhuộm vải và làm son thời bấy giờ. Chuyến đi kết nối những mảnh kí ức rời rạc năm mười tuổi của Taeko lại thành một bản thể sống động, định hình nên con người của cô ở thời điểm hiện tại.
      Việc đưa một tuổi thơ của người bình thường như Taeko lên phim, ắt hẳn sẽ có nhiều hoài nghi về tính giải trí mà phim mang lại. Có người coi phim ảnh như một công cụ để thoát khỏi thế giới hiện thực, để sống hàng trăm hàng nghìn cuộc đời khác nhau; nhưng cũng có người coi phim ảnh là đôi mắt nhìn thấu nhân gian, sẵn sàng đón nhận trải nghiệm hiện thực. Only yesterday đúng với vế sau của câu nói trên. Khắt khe mà nói, phim gây buồn ngủ tại một số trường đoạn thực tại, tuy nhiên lại dẫn dắt rất khéo trong những cảnh hồi tưởng quá khứ. Phim duy trì kết nối giữa thời thơ ấu và trưởng thành của Taeko thông qua ước mơ và khao khát chưa thể thực hiện của cô. Khi cô bé rất thích về quê ngoại trong kỉ nghỉ hè như chúng bạn thì thay vào đó, là chuyến đi Atami chóng vánh bởi cô đã ngất xỉu trước vẻ đẹp hiện đại của suối nước nóng. Thế nên khao khát trải nghiệm cuộc sống thôn quê luôn thường trực trong tâm tưởng của Taeko. Điều đó giải thích động cơ của chuyến đi về Yamagata, khi Taeko chuẩn bị quần áo tá điền để thu hoạch hoa rum trước bình minh, và khi cô hòa nhập nhanh chóng với đời sống thôn quê dung dị dù cho cô là người gốc thành phố. Người ta luôn có mong muốn hiện thực hóa những giấc mơ còn dang dở thời ấu thơ.
      Xen lẫn những kí ức dội về, Only yesterday giống như một bản tình ca của tuổi trẻ. Đôi khi ta nhận ra rằng, nếu tuổi thơ là nơi người ta có thể quay trở lại thì ắt hẳn sẽ chẳng ai nuối tiếc. Bởi không thể quay lại nên mới có hoài niệm. Có thể rất ngây ngô khi Taeko lớn kể về một Taeko bé. Kỉ niệm trong trí nhớ đi qua những lần tranh giành đồ đạc với chị gái, ba nghiêm khắc đánh đòn, suy nghĩ về tuổi dậy thì,… Những điều tưởng chừng chẳng có gì lưu luyến trong quá khứ đó, về sau này lại rất đáng nhớ.
Lúc đó ước gì mình đã làm khác đi. Chỉ cần không cư xử như thế thì đã không xảy ra chuyện này chuyện kia. Không chỉ riêng Taeko mà mọi người trưởng thành đều có suy nghĩ như vậy. Có thể nhìn thấy Taeko bé trong mỗi con người chúng ta, những con người lần đầu làm người lớn, có những va vấp đầu tiên để định hình bản thân. Cũng có khi ngồi trên xe bus khi đi làm về, tôi nghĩ lại một kỉ niệm thời tiểu học, và để cho những kí ức khác chầm chậm len lỏi về. Cho dù ta đã thành người lớn mất rồi.
Xen lẫn dòng hồi tưởng, Taeko hiện tại say mê tận hưởng cuộc sống thôn quê.
Sau khi thu hoạch hoa rum, hoa được đem nghiền tạo nên màu vàng đậm, người nông dân nặn thành nhúm nhỏ rồi phơi khô. Phải thu hoạch hoa trước khi mưa đến, và cũng phải bảo quản hoa rum sau khi phơi tại nơi khô ráo. Phần nước hoa rum sau khi nghiền có thể dùng để nhuộm quần áo. Các cô gái nơi đây thường mặc áo nhuộm từ hoa rum, điều đó khiến họ cảm thấy thật gần gũi với thiên nhiên.
Chính sự giản dị của cuộc sống thôn quê đã hấp dẫn Taeko và giúp cô hiện thực hóa giấc mơ khi còn nhỏ. Bên cạnh sự gần gũi của thiên nhiên, anh chàng tá điền chất phác Toshio bầu bạn với Taeko và giúp cô chiêm nghiệm thế giới quan của người trưởng thành.
Chuyến xe kí ức tiếp tục lăn bánh, đan cài những kỉ niệm trong trẻo và cũng đầy tiếc nuối của cô gái 10 tuổi năm xưa. Lần đầu hết mình vì vai diễn trong vở kịch của trường, cũng là lần cuối có cơ hội được đứng trên sân khấu lớn để trở thành diễn viên. Lần đầu nhận được lời tỏ tình hồn nhiên của một bạn nam khác lớp. Cũng là lần đầu biết mình bị ám ảnh về sự thất bại môn số học. Những kí ức tưởng chừng đã ngủ yên lại sống dậy, đôi khi nó vẫn tồn tại như một sự nhắc nhớ cho bản thân khi đã trưởng thành, đôi khi nó vụt qua để lại một thoáng bình yên nho nhỏ.

Only yesterday mang đậm hơi thở thời đại và quan niệm trong văn hóa Nhật Bản về chuẩn mực của người phụ nữ. Khi còn là một cô bé, phải rèn giũa tác phong ngăn nắp. Khi lớn lên, không cần quá bận tâm đến sự nghiệp, hãy tìm một người đàn ông tốt, kết hôn, sinh con và trở thành nội trợ cho gia đình. Trong thời đại đó, một cô gái độc thân tuổi 27 như Taeko trở thành một hình ảnh không mấy tích cực trong con mắt những người xung quanh. Tuy nhiên, sự áp đặt trong quan niệm thời đại đó chỉ như một sự điểm xuyết trong thông điệp của Only yesterday. Hành trình trở về, nhìn thấu thế giới trẻ thơ qua con mắt người trưởng thành và chiêm nghiệm thế giới hậu tuổi thơ để tìm ý nghĩa cuộc sống mới chính là điều mà phim muốn truyền tải.
Đến khi trở về thực tại sau khi hồi tưởng quá khứ, Taeko nhận ra rằng mình không thể nào sống như ngày hôm qua được nữa, có chăng đó chỉ còn là những kí ức dội về (おもひでぽろぽろ) . Ai rồi cũng phải lớn lên, và đối diện với vấn đề của mình. Nếu như việc trở về vùng quê, ban đầu giống như một kỳ nghỉ thì về sau lại phơi bày một Taeko thiếu chính kiến, trốn tránh thực tại tù túng. Kí ức tuổi thơ và sự đồng cảm nơi Toshio đã khiến cô mở lòng và chọn cuộc sống mà cô muốn.
Lớn lên là một điều ước của không ít cô cậu khi còn bé. Có thể thỏa thích mua đồ chơi, dán mắt vào ti vi mà không ai quản thúc, chẳng phải lo khi không làm bài tập về nhà, và cũng chẳng ai nhắc nhở ta phải đi ngủ sớm mỗi tối. Thế nhưng khi thành người lớn cả rồi, nhiều nỗi lo khác bủa vây lấy ta. Liệu sự hồn nhiên đó còn mãi, hay giống như một món quà được gói kín, đợi được lật mở từng lớp giấy?
Tôi chợt nhớ đến một câu hát của một chàng nhạc sĩ mà tôi rất thích
"Ngày nhỏ mình mong to lớn mau mau
Ta đâu có thấu lớn lên chẳng mấy vui đâu
Ta mong khôn lớn hai mươi năm đầu
Chẳng lớn khôn hơn về sau
Bỗng lúc ấy ta tìm thấy nhau"
P/s: Và có lẽ đây là màn tỏ tình kinh điển nhất của lứa tuổi U10 mà tôi từng biết.
"Cậu thích trời nắng hay trời mưa?"
"Trời râm"
"Tớ cũng vậy"
________
Ủng hộ các bài viết khác tại https://hptnk25.blogspot.com/