Ông nội là cựu chiến binh, trong suy nghĩ của tôi ông rất khó tính. Nhưng ông nấu ăn rất ngon, bà nội ít phải vào bếp vì một phần bà nấu ông hay nhận xét nên bà chẳng nấu nữa. Hoặc lý do khác là ông nấu ngon quá, bà quen ăn cơm ông rồi.
Hồi bé, lúc học lớp Một, bố mẹ đi làm xa, em trai cũng theo họ nên tôi ở nhà với ông bà. Ông dạy tôi viết chữ, chữ ông đẹp lắm, đến bây giờ vẫn rất đẹp. Tôi được thừa hưởng nét chữ ấy từ ông và cả từ bố nữa. Tuổi thơ xa bố mẹ, quần áo ông bà giặt và cơm ông bà nấu. Việc của tôi chỉ là học bài và phải học thật giỏi. Ông luôn truyền vào đầu tôi tư tưởng “Không được yêu sớm, phải học giỏi sau này đỗ Đại học cao, kiếm tiền nuôi gia đình”. Tận bây giờ khi tôi 22, lúc cầm tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi về, ông vẫn nói với tôi như thế. Ông lớn tuổi, lại mang tư tưởng xưa cũ nên hơi bảo thủ. Hồi Tết, tôi đã khóc nấc lên vì tủi thân khi ông chê món ăn tôi nấu. Tôi bỏ cơm lại rồi trốn vào phòng, vừa khóc vừa suy nghĩ “Hay là chẳng ăn Tết ở quê nữa, mình xếp quần áo về nhà với bố mẹ”. Nhưng tôi là người lớn, tôi chẳng làm thế được, vậy là tôi quay lại mâm cơm ăn như chưa có chuyện gì cả. Và Tết năm nay tôi ở tận 1 tháng, rất dài. Chẳng có đứa cháu nào làm thế vì ông khó tính quá mà.
Người cựu chiến binh ấy
Người cựu chiến binh ấy
Nhưng ông là người rất khổ, rất vất vả. Vậy nên dù ông khó tính, cộc cằn, tôi cũng không giận, không bao giờ giận. Ông có là gì, cũng là ông nội của tôi. Còn bao nhiêu mùa xuân nữa, tôi không dám chắc, tôi chỉ biết rằng mỗi đợt về thăm, ông lại già hơn trước. Ông ngồi uống rượu, vừa nhắm đồ ăn vừa nhìn lên trời "Đừng lo, lúc tao mất, tao sẽ đi thật nhanh, thật sạch để không làm khổ con cháu".
Hiên nhà, mâm cơm, đàn vịt đẻ trứng, đôi chim bồ câu, vườn rau, sân bãi, ao cá,... và ông nội. Người cựu chiến binh khổ một đời...